BÊN SÓNG HỒ TÂY, PHÙNG QUÁN KỂ LẠI MỘT ĐỜI THƠ

 

PhungQuanChanDungPhungQuanChanDung

Nhà Thơ – Phùng Quán

 

Mùa Thu, năm 1994, chúng tôi trở lại Hà-nội sau 40 năm xa cách. Một trong mục đích của chuyến đi này là đề gặp ông Nguyễn Hữu Đang, người đứng đầu trong nhóm Nhân Văn, sau khi đọc bài của Phùng Quán viết về chuyến đi thăm ông. Ông đã bị giam tại trại Cổng Trời  gần 20 năm, đến đó là chỉ chờ chết, khó có thể trở về được. Nhưng ông không chết, được tha và lại bị quản thúc thêm 15 năm nữa. Chúng tôi không quên mang một túi ngủ về tặng ông. Điều may mắn là chúng tôi không những đã gặp được ông, mà còn gặp được hai nhà thơ trong nhóm Nhân Văn là Hoàng Cầm và Phùng Quán. Buổi sáng cuối cùng ở Hà-nội, Phùng Quán hẹn chúng tôi đến nghe thơ và thâu băng luôn thể.  Trong hơn hai tiếng đồng hồ, Phùng Quán kể chuyện và đọc gần hai chục bài thơ mà nhiều bài chúng tôi chưa bao giờ được biết.  Cuốn băng này, chúng tôi đặt tên là: “Bên Sóng Hồ Tây, Phùng Quán Kể Lại Một Đời Thơ”. Theo bà Bội Trâm, vợ của Phùng Quán, đây là cuốn băng thu thơ độc nhất của Phùng Quán từ trước đến nay. Phải được nghe Phùng Quán đọc thơ mới thấy thấm, cái giọng nửa Huế, nửa Hà-nội, rưng rưng, bi hùng, bão táp ấy vẫn còn mê hoặc chúng tôi suốt bao nhiêu ngày sau khi rời Hà-nội cho đến tận bây giờ.  Phùng Quán thường đi đọc thơ ở các làng quê, chưa có ai đọc thơ, đọc chứ không phải ngâm, hay đến thế! Năm đó Phùng Quán 65, tôi kém ông 5 tuổi. Qua 20 năm, nay mới có dịp chép lại thành bài viết mà Phùng Quán đã đọc trong cuốn băng ghi âm để cống hiến cho độc giả và đóng góp thêm tài liệu về nhóm Nhân Văn.

 

                                                                                                                          *

 

Phùng Quán bắt đầu kể lại một đời thơ của mình như sau:

                                                                                                       

Hôm nay Hà-nội đã vào mùa cốm rồi!

 

“Hà-nội mùa thu hương cốm bay”

 

Đó là câu thơ của Nguyền Đình Thi. Hai vợ chồng tôi thấy chúng ta đã gần gũi, thân nhau rồi. Chúng ta tình cờ gặp nhau và thành bạn. Nhân thể, hôm nay lại có cả anh Đang, Nguyễn Hữu Đang, là một người tôi rất là yêu quý. Anh Đang là một người miền Bắc. Khi  ông đứng trên đài lễ tuyên ngôn Độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945, thì mình còn đi giữ trâu ở làng quê. Do cuộc cách mạng 19 tháng 8 1945, và sau đó hai anh em tôi lại có dịp ngủ chung giường với nhau, và sau đó còn trải qua bao nhiêu thăng trầm nửa. Tôi đi với ông vào khoảng năm tôi hai mươi tuổi. Khi đó tôi đang là người con yêu của Tổng Cục Chính Trị, đó là một nơi quân đội họ quý mình lắm. Nhưng lúc đó, mình nghĩ thế nào lại đi với Nguyễn Hữu Đang để cùng làm chuyện Nhân Văn, để đòi lấy sự tự do, vì mục đích của Nhân Văn chính là mang lại tính chất Nhân Quyền, thế thì phải đổi tất cả để làm việc đó. Chúng tôi đã gặp phải những tai họa, nhưng cuối cùng rồi cũng qua đi. Ba mươi năm rồi cũng qua đi.

 

Hôm nay có bác Đang ngồi đây, tôi vẫn gọi bác Đang là một bậc hào kiệt của đất nước, và tôi cũng gọi ông là một bậc công thần. Đó là một người đã có công, đã góp sức xây dựng nên cái cuộc sống mà nhiều người mong ước. Trải qua năm tháng, bây giờ tôi đã già đi nhiều rồi, và nay thì chỉ biết nghêu ngao mấy bài thơ. Tôi nghĩ đến cái bài thơ đầu tiên mà tôi làm, đó là bước ngoặt. Tại sao, tôi đang là một người được quân đội rất yêu mến đủ thứ, tôi lại quyết định đi làm Nhân Văn với anh Nguyễn Hữu Đang. Tôi muốn làm trong sạch lý tưởng, và tôi thấy những người Nhân Văn đó là những người hào kiệt.

 

Bài thơ đầu tiên của tôi là bài “Chống Tham Ô Lãng Phí”. Bài thơ này tôi làm năm tôi tôi 22 tuổi, vì tôi thấy tham nhũng là hiểm họa của đất nước, và tôi muốn kêu lên với đất nước này, hãy đề phòng tham nhũng. Nhưng lúc đó người ta không nghe, và người ta tin nói như thế là bôi đen chế độ. Chính bắt đầu từ đó, đất nước đã sa vào hiểm họa. Ba mươi năm sau thì ông Võ Văn Kiệt gọi đó là quốc nạn và cần phải lập một ban để chống tham nhũng, thì tôi cười và bảo rằng: “Một người lính 22 tuổi, ba mươi năm trước đã nói với các ông điều này mà các ông không tin. Người lính đó là người dự báo bằng linh cảm của mình trước sự tham nhũng, dối trá sẽ là hiểm họa của đất nước”. Sau đây là bài thơ đó:

 

Chống Tham Ô Lãng Phí

 

Tôi đã đi qua

Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt

Tôi đã gặp

Những bà mẹ quấn rẻ rách

Da đen như củi cháy giữa rừng

Kéo dây thép gai, tay máu ròng ròng

Bới đồn giặc

 

Tôi đã đi qua

Những xóm làng Kiến An, Hồng Quảng

Nước biển dâng cao, ướp muối các cánh đồng

Hai mùa rồi, lúa không có một bông

Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ

Tôi đã gặp

Những em thơ còm cõi

Lên năm lên sáu tuổi đầu

Cơm thòm thèm độn cám và rau

Mới tháng Ba đã ngóng mau đến Tết !

Để được ăn no có thịt

Một ngày…một ngày

 

Tôi đã đi giữa Hà nội

Những đêm mưa lất phất

Đường mùa Đông nước nhọn tựa dao găm

Chị em công nhân đổ thùng

Run lẩy bẩy chui hầm xí tối

Vác những thùng phân

Thuê một vạn một thùng

Mấy ai dám vác?

Các chị suốt đêm quần quật

Sáng ngày vừa đủ nuôi con

 

Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn

Của nhân dân lao động

Đang buộc bụng, thắt lưng để sống

Để dựng xây, kiến thiết nước nhà

Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta

Vì lẽ đó

Tôi quyết tâm rời bỏ

Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa

Những vần thơ trang kim vàng mã

           dán lên quân trang đẫm mồ hôi và

                                    máu tươi của Cách Mạng !

 

Như công nhân

Tôi quyết đúc thơ thành đạn

Bắn vào tim những kẻ làm càn

Vào lũ người tiêu máu của dân

Như tiêu giấy bạc giả

 

Các đồng chí ơi

Tôi không nói quá

Về Nam Định mà xem

“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên

Nửa chừng bỏ dở

Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió

Mồ hôi máu đỏ bốc rêu

Những con chó sói quan liêu

Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng !

 

Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng

Nhớ “Đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu

Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo

Thiếu cơm thiếu áo…

 

Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu

Đảng đã phê bình trên báo

Còn bao tên chưa biết ai hay

Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy…

Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ !

Khắp nước đâu đâu chẳng có !

 

Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả

E phải nghìn số báo Nhân Dân !

 

Tôi đã dự những phiên tòa xử tội

Những con chuột mặc áo quần bộ đội

Đục cơm khoét áo chúng ta

Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ

Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói

Những mẹ gìa, em trai, chị gái

Còng lưng rỏ máu lấn vành đai

 

Trung ương đảng ơi !

Lũ chuột mặt người chưa hết

Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt

Có tôi !

Đi trong hàng ngũ tiên phong.

 

Sau đó họ hỏi tôi: “Ai xui anh làm? Giai cấp tư sản đã mua chuộc anh bằng tiền, bằng gái đẹp để làm bài thơ ấy để bôi đen chế độ!”. Tiền lúc đó thì tôi không cần, vì tôi mới in xong cuốn Vượt Côn Đảo, mà tiền nhuận bút mới nhận được chừng bẩy chục cây vàng. Đây là lần đầu tiên họ trả tiền nhuận bút gấp năm lần. Tôi 22 tuổi, còn quá trẻ, tiền không biết để làm gì. Còn gái đẹp, trông tôi cũng không đến nỗi xấu trai thiếu gì người yêu. Không ai mua chuộc tôi cà. Đó là điều tôi cảm nhận thấy, không ai tin và họ đều buộc tội tôi: Anh phải nhận tội với đảng, ai xúi dục anh?” Tôi bị kiểm điểm lâu quá, và tính thích ham chơi, để còn đi đọc thơ. Cuối cùng thì tôi định cứ nhận tội bừa đi, nhưng sau nghĩ lại, như thế rất nguy hiểm. Làm như thế không hay, và tôi nhớ lời mẹ tôi dặn, và tôi làm bài thơ thứ hai là Lời Mẹ Dặn. Đó là một lời tuyên ngôn và tôi sẽ nhớ suốt đời. Bài thơ như thế này:

 

Lời Mẹ Dặn

 

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi

Mẹ tôi thương con không lấy chồng

Trồng dâu, nuôi tầm, dệt vải

Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

 

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ

Ngày ấy tôi mới lên năm

Có lần tôi nói dối mẹ

Hôm sau tưởng phải ăn đòn

Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn

Ôm tôi hôn lên mái tóc:

-Con ơi! Trước khi nhắm mắt

Cha con dặn con suốt đời

Phải làm một người chân thật.

– Mẹ ơi! Chân thật là gì?

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt

– Con ơi! Một người chân thật

Thấy vui muốn cười cứ cười

Thấy buồn muốn khóc là khóc

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

 

Từ đấy người lớn hỏi tôi:

– Bé ơi, bé yêu ai nhất?

Nhớ lời mẹ tôi trả lời

– Bé yêu những người chân thật.

 

Người lớn nhìn tôi không tin

Cho tôi là con vẹt nhỏ

Nhưng không! những lời dặn đó

In vào trí óc của tôi

Như trang giấy trắng tuyệt vờị

In lên vết son đỏ chói.

 

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi

Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm

Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật.

 

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

 

 

Bài thơ này được đăng trên báo Văn của Hội Nhà Văn Việt Nam, mà Nguyên Hồng làm Tổng Biên Tập. Ngay sau đó ông bị kiểm điểm ghê gớm lắm, Cách hai tháng sau thì trên báo Nhân Dân có một bài thơ, bài thơ đó có khoảng trên một trăm câu, với đầu đề là Lời Mẹ Dặn Có Phải Là Một Bài Thơ Chân Thật. Bài thơ này dài, có những đoạn như thế này:

 

Nếu ai yêu gái điếm cao bồi

Ghét những nơi thầy hiền bạn tốt

Nói yêu quân bán nước thương nòi

Quen học thói gà đồng mèo mả

Hóa ra thân chó má chim mồi

 

Họ chửi tàn bạo như thế đó, tôi có cái tư liệu đó, và người ký tên bài thơ ấy là Trúc Chi. Tôi có một thằng bạn là Trúc Chi ở Hải Phòng, người Phú Khánh, Nha Trang. Tôi đọc bài thơ ấy, thấy sôi máu quá. Sau đó tôi xuống Hải Phòng để gặp Trúc Chi. Trúc Chi bằng tuổi tôi, đang dạy cấp 3, tôi nói với Trúc Chi: “Này Trúc Chi, tao với mày là người làm thơ, mày có quyền đấu tranh, mày có quyền phê bình, có quyền bút chiến, nói thế nào cũng được, nhưng mày có quyền gì lăng mạ tao trên mặt báo! Mày phải xin lỗi tao đi, nếu không tao sẽ chơi võ, tao chơi văn chán lắm rồi. tao sẽ chơi võ với mày”. Trúc Chi xem bài thơ, và bảo tôi như thế này: “ Tôi nói thật với Quán, mình không bao giờ làm một bài thơ đê tiện, giọng lưỡi hạ cấp đến thế được”.

 

Thế thì Trúc Chi là ai? Tôi không biết và tôi sẽ tự tìm lấy. Một trong những mục đích của đời tôi là phải tìm cho ra Trúc Chi là ai. Hỏi thì người ta không nói, vì đây là báo Nhân Dân. Tìm để làm gì, nếu gặp tôi sẽ nói với Trúc Chi rằng: “Anh phải xin lỗi tôi đi, không thì tôi sẽ thách đấu với anh đấy. Như các thi sĩ Nga, Put-Kin, Lép-Mông Tốp, thế kỷ thứ 19 để bảo vệ danh dự của nhà thơ. Nhưng tôi báo cho anh biết, nếu anh muốn đấu dao, tôi đấu dao. Anh muốn đấu gươm, tôi đấu gươm. Anh muốn đấu súng, tôi đấu súng. Những nhà thơ Nga như Put-Kin 37 tuổi, Lép-Mông-Tốp 27 tuổi đấu súng đã chết. Nhưng tôi báo trước cho anh biết, Put-Kin, Lép-Mông Tốp đều bị kẻ địch bắn hạ, nhưng tôi sẽ bắn hạ anh vì tôi là lính trinh sát, tôi là xạ thủ, kiện tướng của cấp trung đoàn. Để hạ một người, tôi chỉ bắn một phát thôi, một phát là đủ”.

 

Tôi sẽ nói với anh ta như thế. Hai mươi năm tôi lầm lũi đến các thư viện, các tủ sách để tìm kiếm xem Trúc Chi là ai. Đến năm 1979, tôi mới tìm ra Trúc Chi, chính là Hoàng Văn Hoan. Hoàng Văn Hoan lúc đó là Ủy Viên Bộ Chinh Trị, trưởng ban gì đó của đảng, có cả hình ở đó. Tôi chưa kịp thách đấu, thì y đã chạy trốn sang Trung Quốc rồi, và y đã bị kết tội là tên Trần Ích Tắc. Như thế, chứng tỏ rằng sau 25 năm, anh ta chính là kẻ phản bội. Cái công việc của y như thế nào tôi không cần biết, nhưng như thế y đã chạy trốn rồi

                                                                                        

                                                                                          *

Sau đó thì tôi bị sa vào họa, và anh Đang cũng thế. Bác Đang bị đưa đi giam tại Trại Cổng Trời, còn tôi thì bị đi lao động cải tạọ 15 năm, nay đây mai đó. Lúc trở về, họ viết về tôi trong mục chân dung các nhà văn, tôi trở thành người câu cá trộm rất nổi tiếng ở Nghi Tàm, Hồ Tây. Tổng kết, tôi đã câu trộm hơn bốn tấn cá rưỡu. Tôi quyết định sẽ ra chợ Đồng Xuân đập đầu tự thú và nói như Ráp-kô-ni-kốp, tác giả cuốn Tội Ác và Trừng Phạt là :”Tôi là kẻ có tội”. Thế nhưng, khi định ra thì chợ Đồng Xuân đã cháy rồi. Đây chỉ là một câu chuyện đùa, nhưng cũng là một chi tiết hay. Tôi đi lang thang cho đến năm 1963 thì lấy vợ sanh con, nhưng đó là chuyện riêng. Lúc đó viết văn thì không ai in, thế thì ngồi làm thơ lại. Tôi rất quý các vần thơ ấy và anh em ở đây họ cũng yêu lắm. Năm 30 tuổi, tôi muốn tự sát, lúc đó tôi chưa có vợ. Tôi nghĩ chết cho rồi, không còn muốn sống nữa. Tôi rất hthích câu thơ của một nhà thơ Nga Es-si-nin gửi cho mẹ. Đó là một nhà thơ đã tự sát mà tôi đã treo ảnh ở nhà:

 

Mẹ ơi quán rượu hôm nào

Tim con ai đó cắm vào một gươm

Tám năm mong một điều này

Mẹ đến sáng ngày đừng đánh thức con

Cho con một giấc ngủ ngon

Với niềm kiêu hãnh với hồn khát khao

 

Cái câu này mới là câu ghê gớm:

 

Mẹ đừng dậy phép nguyện cầu

Con không già được nữa đâu mẹ à!

 

Tôi nghĩ ra nhiều cách tự sát đặc biệt, như bằng cách treo cổ. Tôi nghiên cứu về các cách tự sát, cách nào là tốt nhất, như cát động mạch, như treo cổ, bắn vào mình, xem cách nào ngon nhất. Người ta thường treo cổ, đó là cách chính. Như người treo cổ đứng trên một cái ghế, và người ta đá cái ghế đi, và như thế lùi vào cái thế không lùi được nữa. Ông Vi Huyền Đắc cũng treo cổ ở miền Nam, Saigon để tự sát. Ông dựng một trồng sách, và ông đá chồng sách đó đi thì cũng là thế cả, thay bằng cái ghế là chồng sách. Một thi sĩ Nga là Esenin, ông ta thì không thế, ông ngồi trong một cái ghế trước lò sưởi, dùng cà vạt thắt vào cổ và buộc vào chân ống lò sưỡi. Ngồi như thế và dằng cổ ra mà chết, chết như thế mới khủng khiếp, và nếu muốn ông ta có thể lùi được. Nhưng trước khi chết, ông ta có viết lại bằng cách cắt máu để viết thành thơ trên một tờ giấy:

 

Ở đời này chết chẳng có gì là mới

Nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn

 

Cả nước Nga rùng mình về cái chết khủng khiếp của một thiên tài. Tôi coi ông ấy như là một hiện tượng rất là ghê gớm. Tôi nghiên cứu xong các cách tự sát, nhưng tôi nghĩ lại, nếu mình chết đi thì ai minh oan cho mình. Thế thì tôi phải viết, và tôi phải viết như thế nào để chứng minh rằng tôi là một vệ quốc quân, chứ tôi không phải là một kẻ phản động. Như truyện em Mười hi sinh trên đài quan sát, phút cuối cùng đã cố gọi về trung đoàn trưởng để cố minh oan rằng, em không phải là Việt gian, em là Vệ quốc quân như trong truyện tôi đã viết Tuổi Thơ Dữ Dội,. Tôi cũng đã tìm ra Hoàng Văn Hoan và tôi cũng đã trở lại được nơi đã bị đuổi đi, đã bị ly khai bởi quân đội.

 

Có những phút ngã lòng

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

 

Cái thời gian 30 năm tai họa dài bằng cái thời gian Robinson ở trên hoang đảo, mà con Quyên, con gái tôi nó nói một lời cũng thấy hay là: “ Bố ạ, Robinson ở trên hoang đảo mà xung quanh là biển, nhưng bố lại đơn độc giữa một biển người, 30 năm không ai đến thăm, không ai đến hỏi. Giữa một biển người đơn độc còn kinh khủng hơn là đơn độc trên một hoang đảo”. Trong thời gian 30 năm đó thì tôi nghĩ là phải học, nhưng học ai bây giờ và tôi nghĩ không còn ai dậy mình nữa. Cha mẹ thì không có, quân đội thì đi rồi, thành bơ vơ, thôi thì học với cây cỏ. Tôi thích cây cỏ là vì thế. Đầu tiên tôi học cây Vạn Niên Thanh. Cái cây mà lá cứ cắm vào nước là có thể lên tốt tươi. Tôi nói: “À cái cây Vạn niên thanh này lạ, tôi chịu thua ông rồi đó”. Đây là bài thơ:

:

Vạn Niên Thanh

 

Vạn niên thanh ơi, cây Vạn niên thanh

Cả một đời tôi chỉ khiếp phục anh

Anh sơi độc khí trời, anh sơi độc nước lã

Anh vẫn tràn trề sức lực tươi xanh

Vẫn tặng cho đời được chất thơ của sắc lá

Vạn niên thanh, ơi cây Vạn niên thanh

Cả một đời, tôi chỉ khiếp phục anh

 

Bài này anh Hoàng Cầm thích nhất. Bài thứ hai tôi học là Cây Xương Rồng vĩ đại. Sau này, tôi đã đọc để tặng anh Đang trong dịp mừng lễ thượng thọ của anh:

 

Cây Xương Rồng

 

Cây chi cây lạ lùng

Không cành cũng không lá

Chỉ toàn thân với thân

Mà thân lại dựng ngược

Như gây gộc nghĩa quân

Toàn những góc với cạnh

Lại tua tủa gai chông.

 

Nhựa độc hơn bọ nẹt

Gai buốt nhọn hơn gươm

Người nghèo đem luộc kỹ

Ăn lại lành hơn cơm.

 

Mọc lên từ cát lửa

Hồn vẫn xanh mát trong

Che chở người lương thiện

Trộm cướp đều ngại ngùng

Cây như một biểu tượng

Đời gọi cây Xương Rồng.

 

Xương Rồng ơi Xương Rồng

Anh có thật xương rồng

Hay xương người nghĩa khí

Ngã xuống rồi hóa thân

 

Rồi tôi học đến hoa, đến hoa sen vì tôi nghĩ đến câu ca dao cho là của dân gian, nay thấy thật vớ vẩn:

 

Hoa Sen

 

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông thắm lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

 

Mặc cho câu ca dao được cả nước lưu truyền

Và đời mãi tin và ca ngợi phẩm cách của sen

Nhưng tôi không thể nào tin được

Câu ca này gốc gác tự nhân dân

Bởi câu ca sặc mùi phản trắc

Của những phưng bội nghĩa vong ân.

 

Vốn là con cái của giai cấp cùng khổ

Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son

Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ

Chúng mưu toan dấu che từ bỏ

Nói gần xa chúng mượn chuyện sen

“Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Tất cả là trong cái chữ ”gần”

Chỉ một chữ làm ta thấu gan tím ruột

Những manh tâm bội nghĩa vong ân.

 

Bùn với sen đâu phải chuyện “gần”

Chính vì sen mọc lên từ đất đó

Vì gốc của sen là thăm thẳm bùn đen

“Nhụy vàng bông trắng lá xanh”

Tất cả, tất cả, tất cả

Là do bùn hôi nuôi dưỡng

Nay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ để cúng

Cũng là xương thịt của bùn tanh

Như nhân dân gian truân thầm lăng vô danh

Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ.

 

Nhân danh bùn, nhân danh sen

Đuổi câu ca này ra khỏi kho báu của nhân gian

 

Có một bài tôi viết về cây cọ, tức là cây để lợp nhà. Có một điều đặc biệt là người ta chặt hết, chỉ còn để lại hai ba lá. Cái cây này cũng là một cây ghê gớm. Đây là cách trồng cây cọ, cách trồng như thế này:

 

Cây Cọ

 

Kể từ khi hạt gieo xuống đất

Cho đến lúc bứng được cây trồng

Phải mất đúng hai năm.

 

Kể từ khi rễ cành bén đất

Cho đến lúc chặt được ngọn lá đầu

Phải bẩy năm sau.

 

Một năm ra mười hai lá

Như một năm có mười hai tuần trăng.

 

Người sốt ruột, sẽ kêu lên:

– Hữu ích lâu quá

Cây dạn dĩ trả lời:

–          Vì tôi là Cọ!

 

Rồi cây chẳng nói gì thêm

Vững chãi khiêm nhường càng lớn lên

Cho đến lúc vượt muôn ngàn cây khác

Và tạo nên nền trời những đỉnh xanh.

 

Nhà lợp lá cọ, một đời không quá ba lần

Che mát ngàn cơn nắng lửa

Coi khinh ngàn trận mưa tuôn

Dù trong mảnh vườn con

Hay trên bạt ngàn sỏi đá

Cọ vẫn sống một cuộc đời đại thụ

Chấp thời gian, mục nát, cuồng phong

Cọ vẫn đứng thẳng một trăm năm hay hơn nữa.

 

Che cho mình dăm tầu lá nhỏ

Che cho đời nghìn tàn lá xanh.

 

Học đến cây cà, cà là cây vĩ đại nhất, vì người Việt Nam nào mà chẳng ăn cà. Và trong huyết quản của người Việt nam nào cũng có những giọt máu bằng cà. Cây cà là cây thực phẩm có tầm vóc chiến lược. Tôi gọi đùa như thế này, nhà ai cũng có vại cà, nhưng đặc biệt nhất là đất nước mình có hai vùng cà nổi tiếng. Đấy là cà Gióng và cà Nghệ. Hai vùng cà này nổi tiếng, nhất là có tương biệt như thế này: một người trong truyền thuyết và một người có thật. Thế thì tôi phải làm một bài trường ca về cây cà, nhưng nghĩ thì trường ca nó dài dòng quá, nên tôi chỉ làm trường ca này trong sáu chương, nhưng chỉ thực hiện trong hai phút. Tôi nghĩ, bây giờ có một lý thuyết về làm thơ như thế này. Thơ phải được tinh cất như thức ăn của các nhà phi hành vũ tru, không thể ăn bằng bát, mà phải cất bằng một viên B1 là xong. Thơ bây giờ phải tinh cất, không nói dài dòng nữa. Bài thơ Cây Cà này, có cái đặc biệt là khi được phục hồi sau ba mươi năm, thì bài thơ này được đăng lần đầu tiên trên tờ Quảng Nam, năm 1987. Báo Sông Hương ở Huế, nơi mình sinh ra, không chịu đăng, dúng là mình bị “ Quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, như thơ của Vũ Hoàng Chương. Tôi có đề tựa cho bài thơ đó như thế này:

 

Trường Ca Cây Cà

 

Ba mươi năm trước

Tôi chết giữa Hồng Hà sóng dữ

Tôi lại hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang

Chính cây cà quê mùa lao lực

Đã dạy tôi dũng khí bền gan !

………

(Bài thơ này dài, xin trích một đoạn ngắn)

 

Ba mươi năm trước, tôi với cụ Đang chết vì Hồng Hà sóng dữ, và đáng lẽ tôi phải được hồi sinh ở sông Hương, nơi mình sinh ra, thì tôi lại hồi sinh ở sông Hàn. Tỉnh ủy Quảng Nam mang 100 số báo, vượt đèo Hải Vân ra tặng và nói với Tỉnh ủy Thừa Thiên: ‘Chính chúng tôi phục hồi cái tên Phùng Quán, chứ không phải các ông đâu”. Tỉnh ủy Thừa Thiên tức lắm. Câu chuyện kể cũng vui.

 

                                                                                                                *

 

Có một thời gian tôi ở Nghi Tàm, trời muà đông rét khủng khiếp. Nhiều lúc nghĩ tại sao mình cứ bị ăn mặc rách rưới như thế này mãi. Nhìn thấy vợ trong túp lều tranh đang tháo chiếc áo len cũ để đan cho đứa con mới sinh một áo tay dài nối thêm. Tôi có làm một bài thơ về Đỗ Phủ, để đọc cho vợ nghe. Nghi tàm là một vùng đối diện với căn nhà này qua Hồ Tây. Bây giờ, là nơi du lịch, có khách sạn Thắng Lợi. Hồi đó, chỗ ấy là một xóm trồng hoa hoang vu, và tôi đã sống hai mươi năm ở đó. Đêm thì rét, trăng chưa mọc, không thể ngủ được, biết làm sao cho qua đêm. Giường thì giường cá nhân, chăn thì chăn trấn thủ, màn thì màn bộ đội. Vợ tôi bảo tôi:: “Thôi thì cứ để em đan áo, còn anh mang thơ Đỗ Phủ ra đọc cho em nghe”. Đỗ Phủ có một câu như thế này: “Mưa Thu mái nhà tốc”. Nhà của Đỗ Phủ bị gió làm tốc hết, và trẻ con thì lại đến cướp lá gianh lợp nhà rồi chạy. Khổ quá, ông không làm sao đuổi được bọn trẻ con để lấy lại lá gianh. Ông có làm bài thơ, và bài này là bài thơ lớn của ông có câu:

 

Ước gì ta xây được nhà ngàn gian

Để che chở cho tất cả kẻ sĩ trong thiên hạ

 

Lúc đó tôi đọc hai câu thơ này, thì tôi nghĩ tôi không phục ông Đỗ Phủ lắm, vì như thế ông vẫn là xoàng. Phải che chở cho người nghèo trong thiên hạ, nếu chỉ cho kẻ sĩ không thôi thì thường quá. Nhưng bây giờ tôi đã gần 70 tuổi rồi, cũng ngấm đòn rồi. Khi 30 tuổi, thì chỉ thích che chở cho mọi người, đến bây giờ thì nghĩ lại không thể che chở cho tất cả, vì chỉ che chở cho kẻ sĩ không thôi cũng khó rồi. Mình chỉ làm được có thế thôi, đừng nói dóc. Đây là một bài học, những người tuổi trẻ thường thích sắp xếp lại thế gian. Nghe thấy vợ nói thế, tôi thấy rất là cảm động, và làm bài thơ sau:

 

Đêm Nghi Tàm, Đọc Thơ Đỗ Phủ Cho Vợ Nghe

 

Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích…


Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi…


Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan…
Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài
Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!…

 
Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết…
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi làm chuồng gà…
Đọc lên trào nước mắt!


Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối.
Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!…


Giật mình trên tay vợ
Bỗng nẩy một hạt sương
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn dừng giữa trang.

 
Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi!…


Vụng về… tôi dỗ vợ:
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương…

 
Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!…


Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!


Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt.

 
Em ơi, nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc.

 
Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê tân hôn biệt…

 
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!


Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải viết
Những Hành qua Bành Nha
Vô gia Thuỳ Lão biệt…
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con…
Đắp mặt áo bông sờn.


Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm… ngàn năm

 

 

Làm xong bài thơ, tự nhiên tôi mệt, ngủ thiếp đi và tôi thấy Đỗ Phủ hiện ra trong giấc mơ của tôi. Ông mặc áo bông sờn, trông xanh xao vàng vọt. Tôi hỏi ông: “Ông Đỗ Phủ ơi, một thiên tài như ông mà làm sao đến nông nỗi ấy!”. Đỗ Phủ đã trầm ngâm nói với tôi:

 

Không Đề

 

Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn

Lành hơn nhân dân tôi, không một tấm áo

Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc đất nhà ở

Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa

Khi gót chân của nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường

Dù tôi là một thiên tài, dù tôi là một thi nhân

Dù tôi ở chót vót trên đỉnh cao của quyền lực

Thì tôi có quyền gì!…

 

                                                                                             *

 

Sau này tôi bình tĩnh trở lại. Mọi chuyện rồi cũng thế thôi! Tuân Nguyễn, bạn tôi có lúc bị chín, mười năm tù. Sau đó, rời vào Nam và bán lại căn buồng đang ở, và bảo tôi làm một bài thơ tặng. Tôi có nói: “Thôi thì bạn cứ đi đi, Đây là bài thơ tôi tặng bạn”:

 

Có Nơi Nào Trên Trái Đất Này

 

Có nơi nào trên trái đất này

Mật độ nhà thơ như ở đây

Ba thước vuông, sáu nhà thơ ngồi, hai phải đứng

Vì không đủ chỗ

 

Có nơi nào trên trái đất này

Mật độ đắng cay như ở đây

Chín người có mười cuộc đời rạn vỡ

Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy

 

Có nơi nào trên trái đất này

Mật độ đam mê như ở đây

Yêu nhau phải vào nhà thương điên

Thơ đến phải chịu cùm tay

 

Có nơi nào trên trái đất này

Mật độ cô đơn như ở đây

Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa

Sống bằng thơ đau với rượu cay

 

Có nơi nào trên trái đất này

Mật độ yêu thương như ở đây

Mỗi tấc đất có một người quỳ gối

Dâng trái tim và nước mắt cho nỗi đau của cả loài người

 

Có nơi nào trên trái đấy này

Có nơi nào trên trái đất này

Có nơi nào trên trái đất này…

 

Sau này Tuân Nguyền mất, tôi có để ảnh trên bàn thờ. Thiêng lắm! Càng về cuối đời, mình càng ngày càng già, hết cái giọng tức giận, chỉ ngồi uống rượu làm vui. Tôi làm cái chòi, đặt tên là Chòi Ngắm Sóng, trước chỉ là cái chòi bằng tre, chứ không được như thế này đâu. Bạn bè đến đây đông lắm. Một hôm tôi nói với các bạn: “ Nếu ai có thơ gì về sóng thì gián lên tường liếp, hồi đó không có tường vách như thế này. Chòi trước kia làm bằng tre, chỉ có chỗ để sáu người ngồi đủ. Thơ về sóng thì ngắn thôi, chứ cái chòi nhỏ như thế này, thơ mà dài thì nó sẽ chòi ra ngoài. Trong các bạn, có Lê văn Vịnh ở Saigon ra, anh ta nói: “Anh là người đầu têu ra, thì anh phải làm câu đầu tiên đi”. Tôi bèn làm câu đầu tiên, vì thấy bên kia là hồ là Bộ Chính Trị của đảng:

 

Quyền lực và thi nhân, cách nhau một hồ sóng

 

Tiếp theo, tôi muốn nói cái lý do tại sao tôi lại làm cái chòi ngắm sóng này. Có cái lý do của nó:

 

Thơ Sóng

 

Tôi với sóng thiếu thời là anh em kết nghĩa

Mỗi người một nơi đầu rừng và cuối biển

Tôi mải mê chiến trận, vùi mình giữa rừng xanh

Ngủ gối đầu trên súng, nghe sóng vỗ quanh mình

 

Tan giặc, gặp lại nhau cả hai thành thi sĩ

Tủi mừng qua phút đầu, thôi hết thành tri kỷ

Tôi làm thơ chính trị, sóng chỉ làm thơ chơi

Tôi cạn lời khuyên giải, sóng lặng lẽ mỉm cười.

 

Thơ tôi được đời in, túi bạc tiền xủng xoảng

Thơ sóng chẳng ai nhìn, trải mãi với trời xanh

Tôi in thơ tặng sóng, đọc thơ sóng lặng thinh

Sóng vỗ bờ nức nở, tôi thật lòng thương anh

 

Từ đó đứa mỗi nơi, không nhìn mặt nhau nữa

Cứ nghĩ đến thơ chơi, lòng tôi càng giận dữ

Chốc đã ba mươi năm, sắp hết đời nhìn lại

Sự nghiệp thơ trắng tay, lòng xiết bao kinh hãi.

 

Tưởng mình là thi nhân, hoá ra chỉ con hát

Giọng bổng với giọng trầm, không hồn chỉ còn  xác

Phút đắng cay tuyệt vọng, tôi tìm về với sóng

Bạc đầu làm thơ chơi, trải mãi dưới bầu trời…

 

Một hôm tôi lấy rượu ra, rót hai chén đợi bạn đến, nhưng chẳng thấy ai đến cả. Nhìn ra chỉ thấy núi Ba Vì xanh lơ trước mặt. Thôi thì mời ông một chén vậy:

 

Mời Rượu

 

Mời bác Ba Vì xích lại đây

Ta cùng túy lúy ngắm sóng say

Tôi đùa bác đấy, đừng tưởng thật

Bác xích lại gần tôi cũng gay.

 

Bác là Ba Vì, tôi Phùng Quán

Bác lắm khách, tôi càng lắm bạn

Toàn bợm rượu coi trời bằng chai

Họ nhầm lung tung bác với tôi.

 

Bác đẹp ngang tang, tóc còn xanh

Gái Đông Đô xướt mướt thư tình

Gửi nhầm địa chỉ tôi chết dở

Bà vợ tôi sẽ nổi cơn ghen!

 

Thôi bác cứ ngồi yẻn ở đó

Còn tôi cứ tĩnh tọa ở đây

Tôi thì làm thơ, bác làm núi

Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây

 

Cuối cùng thì tôi nghĩ, không ai yêu các nhà thơ cả. Vợ tôi cho tôi một cái lược, nhưng tôi không bao giờ dung. Tôi bèn làm một bài thơ như sau:

 

Thi sĩ Và Lược

 

Mười thi sĩ bạn tôi, có mười một anh tóc dài

Vì có một anh tóc dài gấp đôi các anh khác

Nhưng tất cả đều giống nhau

Không anh nào có lược, cứ chải bằng mười ngón tay

Tóc anh thi sĩ nào cũng rậm, cũng quăn, cũng dầy

Chải với mười ngón tay mà cực chẳng đã

Thi sĩ nghèo đến thế ư, không sắm nổi một chiếc lược.

 

Rượu anh nào cũng uống tràn

Chỉ riêng quá vung mâm xuống đất

Cũng đủ sắm nổi lược vàng, lược ngọc

Nhưng không anh nào sắm nổi lược sừng, lược nhôm

Cứ chải tóc bằng mười ngón tay

Đó là lý do ai cũng yêu các nhà thơ

Nhưng sống với các nhà thơ, không ai chịu được.

 

Nếu các bạn thơ tôi chết bị đầy về địa ngục

Cả địa ngục sẽ lo méo mặt

Phỉnh phờ, dọa nạt để chuyền lên thiên đường

Thiên đường sẽ viện đủ mọi khó khăn, giấy tờ, thủ tục chuyển cả về địa ngục

Vì cả Thượng Đế lẫn Diêm Vương không ưa trong xứ sở mình trị vì có nhà thơ

Có một nhà thơ, họ sẽ ăn không yên, ở không yên, ngủ không yên, chơi không yên

Chỉ vì không yên, mà giả trá không yên

Đó là lý do mà ai cũng yêu các nhà thơ

Nhưng sống với nhà thơ, không ai chịu được.

 

Ông Platon, nhà triết học Hy Lạp, hai ngàn năm trước có nói một câu là:

 

Mỗi nhà thơ, hãy quàng cho vòng nguyệt quế

Và đuổi tất cả ra ngoài xứ sở Cộng hòa

 

Nhưng cứ cài vào vòng nguyệt quế cho sướng đã, rồi sau hảy hay

 

                                                                                            *

 

Tôi có nói với anh Đang như thế này, cái vụ Nhân Văn có hàng trăm người tham gia, nhưng tất cả đều bỏ cuộc. Bây giờ chỉ còn xót lại có ba người cuối cùng là anh Đang, tôi và anh Phùng Cung. Ba người sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ đi đến cùng, đây là những người không bỏ cuộc. Chúng tôi muốn thực hiện điều Hemmingway nói: “Con người có thể bị tiêu diệt, nhưng thể bị khuất phục”. Tất cả thơ tôi làm là cốt để dinh dưỡng tinh thần, nếu không có thể mình sẽ bị hủy hoại. Miếng thép ba mươi năm mà không bị rỉ thì cũng nát bét vì không dùng đến. Ba mươi năm, một nhà văn không viết, thì cũng bị xét rỉ. Tôi và Nguyễn Hữu Đang ba mươi năm, đáng lẽ phải bị tan như cây cỏ. Chúng tôi đã không bị, và chúng tôi quyết định trở lại với tất cả.

 

Anh Đang có nhắc đến bài thơ Đỗ Phủ, làm tôi nhớ hôm hai vợ chồng tôi gặp Tố Hữu. Tôi ngại gặp Tố hữu vì ông ta là cậu tôi. Trong bài thơ đó có câu: “Em ơi nếu Đỗ Phủ, nhà ở rộng, tường cao..cửa sắt”, thì ông ấy tưởng mình đả kích ông ấy, nhưng té ra ông ấy lại bảo tôi: “Phùng Quán viết bài ấy hay lắm!”. Ông ấy khen tôi, lần đầu ông ấy khen tôi, tôi cảm động lắm. Như thế những nhà thơ cũng có những ý nghĩ giống nhau. Tôi có viết một bài “Xông Đất Nhà Thơ Tố Hữu”. Cụ Đang nói bài này làm rung chuyển dư luận, Phùng Quán được hai lần nhuận bút, vì bài được đăng hai lần. Câu chuyên như thế này, sang mùng một Tết, mình thường hay có cái lệ đầu năm xông đất. Trâm hỏi tôi, năm nay mình đi xông đất ai, tôi nói, mình đi xông đất Tố Hữu đi, ông ấy là cậu mình. Ba mươi năm rồi không gặp, năm nay mình đến xông đất thử xem thế nào. Chúng tôi vào đến nơi thì thấy phòng khách đông lắm, trong đó có một người phụ nữ, đó là chị Nẻ, vợ của anh Nguyễn Chí Công, chủ tịch nhà nước lúc bấy giờ. Tôi chào ông: “Cậu ạ!”, Tố Hữu nói: “À, Phùng Quán, tôi xin giới thiệu đây là thằng cháu tôi Phùng Quán, Bố anh Tố Hữu với bà ngoại tôi là anh em ruột, họ gần chứ không phải họ xa”. Tố Hữu hỏi tôi:

 

–          Thế sao ba mươi năm nay cháu không đến

–          Thưa cậu, cháu biết đó là lỗi. Hôm nay cháu đến là để tạ cái lỗi ấy. Có điều là ba mươi năm trước cháu đến, khi cậu còn là bậc Tam Công, có quyền hành, nếu cháu đến người ta sẽ tưởng Phùng Quán đến cầu cạnh Tố Hữu điều gì, hay Tố hữu gọi Phùng Quán đến để giao một công việc gì. Dù cháu chỉ đến thăm cậu thôi, nhưng người ta không tin. Miệng lưỡi thế gian dữ dằn lắm cậu ạ!

Sau đó, tôi dùng một từ, một từ rất neutre:

–          Nhưng bây giờ mọi chuyện đã xong rồi!

Đó là chữ “xong”, tôi tính mãi vì nó neutre. Ông nói với tôi:

–          Thôi được rồi, ngồi đây!

Rồi ông giới thiệu:

      –     Đây là cháu tôi, ăn bánh kẹo mứt đi!

Tôi nói:

–          Xin phép cậu, cháu không thích ăn của ngọt, cậu có gì ngon cho cháu uống thì cháu thích lắm

Tố Hữu chỉ:

–          Trên góc lừa sưởi kia có mấy chai rượu người ta cho, cháu xem có uống được không?

Tôi đến lấy chai rượu, phủi bụi, vì ông có biết uống rượu đâu. Người ta cho ông, ông chỉ xếp vào đó thôi. Đây là chai rượu A-rap của Nga,

Tôi rót vào ly và nhấm:

–          Ngon tuyệt vời cậu ạ!

Lúc đó còn Gô-ba-Chép, và Gô-ba-Chép lại ra lệnh cấm rượu. Tố Hữu bảo:

–          Cái gì cũng Chép, Chép, Chép.

Ông ghét cái thằng Gô-ba-Chép lắm. Gô-ba-Chép cùng tuổi Tân Mùi với tôi. Ông ghét vì coi như là một thằng phản bội. Sau đó ông nói một câu này mới hay:

–          Sự đứng đắn, sự lố bịch chỉ cách nhau có một sợi tóc. Cấm rượu là một việc hữu lý, nhưng làm hỏng mất một trăm mấy chục tỷ.

Tôi hỏi ông:

–          Năm nay cậu có làm thơ không?

–          Cậu có làm một bài, nhưng một bài ngắn thôi

Bà Nẻ, vợ anh Võ chí Công nói:

–          Thế thì anh đọc đi. Việc vừa rồi anh đừng chú ý (Tố Hữu mất chức Phó Chủ Tịch Nhà Nước). Tôi nói với anh, dù mất đi mười Phó Thủ Tướng tôi không tiếc bằng mất một nhà thơ như anh. Tôi đi làm cách mạng cũng vì thơ anh đó. Có lần tôi bị bắt, bị tra tấn, xuốt đêm tôi đọc thơ anh, sáng hôm sau nó sợ phải thả tôi ra. Không phải nó sợ tôi đâu, mà sợ thơ anh đó.

Tôi nói:

–          Tôi là một người làm thơ mà được nghe một người phụ nữ kiên cường như chị Nẻ đã xưng tụng như thế, tôi chỉ ao ước được một phần mười cái lời khen tặng đó thì tôi cũng đã sung sướng lắm rồi.

Tố Hữu nói:

–          Ờ tôi có làm một bài thơ gọi là bài “Anh Bộ Đội Mua Đồng Hồ

–          Đề tài lạ, cậu đọc đi!

Tố Hữu đọc:

    

Có anh bộ đội mua đồng hồ

Thật giả không rành anh đứng lo

Hỏi o bán hàng, o tủm tỉm

Giả mà như thiệt khó chi mô

 

Tôi thích quá, bèn nói:

–          Thưa cậu, con không hay họa thơ, nhưng con thích bài thơ này lắm!

Tôi nghĩ thế này, bẩy mươi tuổi đầu rồi, cậu mới ngấm cái đòn gỉa thật. Cái đòn giả thật nó ghê gớm lắm! Mình đã ngấm cái đòn giả thiệt này năm 25, mà bây giờ 70 tuổi, ông ấy mới thấm đòn giả thiệt. Tôi nói tiếp:

–          Cậu cho cháu họa lại bài thơ này được không?

Ông bảo:

–          Được!

–          Cháu họa lăng nhăng thôi.

Tôi nghĩ chính cô bán đồng hồ này cũng là người từ trước biết đồng hồ giả hay thật. Đây là bài họa của tôi:

 

Tôi cũng là người chơi đồng hồ

Năm tao bẩy tuyết bị họ lừa

Thiệt giả không rành dễ mất mạng

Xá chi năm bẩy chiếc đồng hồ

 

Câu chuyện này xẩy ra năm 1991, tạp chí Cửa Việt có đăng bài này của tôi, và đây là bài đầu tiên tôi viết lại. Dư luận người ta rất chú ý, sau đó tờ Tiền Phong thấy thú vị quá, họ đăng lại vì thế được hai lần nhuận bút. Cuối cùng ông ấy nói như thế này, khi tiễn tôi ra về:

–          Tôi chỉ là người hát rong của nhân dân, về quê đến những chỗ đông người, đọc thơ hát rong, kể vè… Nhưng bây giờ thì muộn rồi, đạp xe cũng không được.

Lúc ra đến cửa, ông khoác vai Trâm một bên và tôi một bên, cùng đi xuống thềm. Lúc đó mọi người đã về hết rồi, ông quay lại bảo như thế này:

–          Trâm này, thằng Quán nó dại!

Tôi chưa hiểu ý ông lắm. Ông đi lừng khừng ra đến cửa, ông nói tiếp:

–          Mà cậu cũng dại!  (Kể đến đây, cả Phùng Quán và ông Đang cùng cười lớn hể hả)

Đã có năm chén rượu vừa uống lúc nãy, lưỡi mình trở nên phóng túng, tôi cười và nói:

–          Cậu ơi, điều đó cậu đã biết từ 55 trước rồi, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần!

                                                                            

                                                                                 *

Tôi đối với Hoàng Cầm, có điều đặc biệt như thế này. Chúng tôi gặp nhau ở Điện Biên Phủ, lúc ấy tôi là một người lính vô danh, tiểu tốt thôi, không có gì. Nhưng có một kỷ niệm này và thành thân nhau. Hồi đo, lính Điện Biên Phủ đều được cụ Mao tặng mỗi chiến sĩ một cái ca để đựng nước. Quà tặng của cụ Mao chủ tịch, ai cũng quý cái ca đó lắm. Hôm đó ông Hoàng Cầm, ông ấy cũng coi thường thôi, ông ta ra suối rửa mặt và đánh rơi cái ca xuống vực nước sâu. Tôi tiếc cái ca đó quá, liền nhào xuống, lặn và lấy lên. Cái vực sâu 3m như thế mà tôi lấy lên được cái ca, vì đó là món quà của cụ Mao. Hồi đó, tôi yêu cụ Mao như thế, đúng là một thằng cuồng tín, một thằng fanatic.

 

Trong ba mươi năm sau, có dịp đi lại và thân với nhau. Hoàng Cầm bị nạn năm 1985, gửi tác phẩm ra nước ngoài in, họ cho ông 18 tháng tù. Khi về ông suy sụp hằn, tôi đến thăm ông thì ông nói::

–          Các bạn đừng hỏi tôi nữa, tinh thần tôi suy sụp

Tôi nói:

–          Anh Cầm ơi, anh có giấy không?

–          Tôi không có giấy

–          Anh có bút không

–          Tôi không có bút

–          Thế anh làm gì

–          Tôi chẳng làm gì cả, ngồi hút thuốc lào

Tôi ra phía sau bếp, lấy tờ giấy bao xi-măng. Thực ra tôi yêu anh vô cùng, nhưng cũng giận anh vô cùng, vì tôi đã can anh nhiều lần rồi. Những chuyện ông anh mình làm rồi, thì mình thua. Tôi làm xong bài thơ và lấy mấy hạt cơm dán lên tường và bảo anh:

–          Em tặng anh đấy, nếu anh như thế này thì em sẽ không bao giờ đến thăm anh nữa, chỉ vì một câu anh nói tinh thần anh suy sụp. sau đây là bài thơ tôi viết tặng Hoàng Cầm:

 

Thơ Tặng Thi Sĩ Hoàng Cầm Trong Giây Phút Anh Ngã Lòng Suy Sụp

 

Tôi tin núi tàn

Tôi tin sông lấp

Nhưng tôi không thể nào tin

Một nhà thơ như anh

Lại ngã lòng suy sụp !

 

Anh, nhà thơ đã viết

Cách đây ba mươi năm

Những vần thơ lẫm liệt:

“Tiểu đội anh những ai còn ai mất ?

Không ai còn ai mất

Chỉ chết cả mà thôi !

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vững ngàn thu một giống nòi…”

 

Thế gian có nghìn sông

Và nghìn nhà thơ lớn

Nhưng chỉ có một dòng

May được thơ xưng tụng

Nhờ thơ mà vang vọng

Nhờ thơ mà vinh danh

Đó là con sông Đuống

Con sông của quê anh

Anh xót xa như bàn tay anh rụng!

 

Tôi có một niềm tin

Chắc như đinh đóng cột

Mai kia anh nhắm mắt

Sau khi anh nhắm mắt

Đi sau linh cữu anh

Ngoài bạn hữu gia đình

Có cả con sông Đuống…!

 

Sông Đuống mặc đại tang

Khóc bên bồi bên lở

Sóng vỗ bờ nức nở

Ngàn đời chịu tang anh…

 

Tôi tin núi tàn

Tôi tin sông lấp

Nhưng tôi không thể nào tin

Một nhà thơ như anh

Lại ngã lòng suy sụp!

 

Sau dó ông lại là người được lên TV đầu tiên. Chúng tôi gặp anh, Trâm, vợ tôi nói với anh như thế này:

–          Chúc mừng anh Hoàng Cầm, anh đã hồi sinh

Chữ hồi sinh với Hoàng Cầm hoàn toàn chính xác. Cuối cùng thì anh Hoàng Cầm có nói:

–          Nhờ chú em tôi đây, chú đã xốc tôi dậy, đã vực tôi dậy.  ( Hoàng Cầm và Phùng Quán là anh em kết nghĩa)

Tôi vội nói:

–          Anh là anh của em, là chiến hữu của em, em không cho anh có quyền ngã gục.

 

                                                                                             *

 

Cả đến Văn Cao, tôi yêu ông vô cùng. Ông Văn cao cũng bị kẹt trong vụ Nhân Văn. Khi ông Văn Cao 60 tuổi, từ trước không ai tổ chức cho ông gì cả. Đây là lần đầu tiên, hội Văn Nghệ tổ chức cho ông một đêm kỷ niệm ngày sinh nhật 60 tuổi. Tôi và Trâm đến, hôm đó Văn Cao mặc complet, và bà Văn môi son, má phấn đang đuợc tặng hai bông hồng to. Tôi và Trâm đi vào, mang một cây mía chặt ở vườn nhà, và một trái đu đủ. Tôi nói với mọi người:

–          Tôi là khách không được mời, nhưng yêu Văn Cao là quyền của tất cả mọi người. Tôi yêu Văn Cao như một người lính. Vợ chồng tôi hôm nay đến, chúc thọ anh Văn Cao, và tôi xin tặng anh một cây mía. Cây mía này tôi chặt ở vườn nhà, để nguyên cả lá, để chứng tỏ rằng tôi không phải đi mua ở chợ Đồng Xuân. Anh cấm lấy cây mía này, anh chống gậy anh đi. Còn tặng chị Văn quả đu đủ.

Thế là anh chị Văn Cao phải bỏ hoa ra để cầm lấy quà tặng. Ông Văn cao cầm cây mía và bà Văn Cao cầm quả đu đủ. Tôi nói tiếp:

–          Nhưng điều quan trọng nhất là tôi xin tặng anh một bài thơ.

Họ đông người lắm, muốn ngăn mình mà không được, cướp diễn đàn, cướp micro mà. Tất cả đều ngồi yên lặng, tôi lại nói tiếp:

–          Anh Văn Cao ơi, tôi xin giới thiệu với các bạn, anh Văn Cao là một nhạc sĩ, nhưng cũng là một thi sĩ, một thi sĩ lớn. Văn Cao lại là một họa sĩ nữa. Bài thơ hay nhất của anh là bài “Trường Ca Cửa Biển”:

 

Sinh ra tôi đã có Hải Phòng

Quê tôi nghe đâu như Hà nam, Phủ lý

Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu

……………………………………………

 

Bài thơ dài, nhưng những câu mở đầu như thế. Bài thơ thứ hai của Văn Cao, xưa nhất năm 1945 của anh, và cũng hay nhất của anh lúc đó là bài “Chiếc Xe Chở Xác Đi Qua Phường Dạ Lạc”. Bài thơ của tôi như thế này, để mừng anh Văn Cao sáu mươi tuổi:

 

Anh Là Ai Và Anh Từ Đâu Tới

 

Anh là ai và anh từ đâu tới

Anh đến từ Suối Mơ, từ Thiên Thai

Từ mối tình bi thảm của Trương Chi

Tiếng hát hòa nước mắt, kết tinh thành ngọc trai

 

Nhưng với chúng tôi, những Vệ Quốc Quân từ buổi đầu cứu nưóc

Anh đến với lá cờ khởi nghĩa

Mùa thu trên chiếc xe chở xác đi qua phường Dạ Lạc

Những căm giận từ triệu con dân đói khát

Đọng lại trong tim anh và nổ bùng thành tiếng hát

Dục dã chúng tôi quyết chiến nơi xa trường

Sống thác coi thường, da ngựa bọc thây

Không có da ngựa, chúng tôi thay bằng một sắc áo chàm

Của những người khởi nghĩa Bắc Sơn.

 

Bao nhiêu đồng đội của tôi, nằm gục ngang trên dây kẽm gai

Tay khư khư cầm một ngọn tầm vong

Nhưng nhịp tim, vẫn là nhịp bài hát của anh

Không quân Việt Nam vượt trên ngàn mây gió, ù u ù u ú…

Và ánh mắt cuối cùng, nhìn qua đầu nhọn ngọn tầm vông

Thấy những tầu hải quân Việt Nam, với những biển cờ tổ quốc

Anh đến với chúng tôi, từ nhũng làng quê xanh bóng tre

Có tiếng chuông chùa ngân, có tiếng chuông nhà thờ buông.

 

Nghe đâu như Hà nam, Phủ lý

Nghe đâu như sông Mã, sông Hương

Nghe đâu như Khánh hòa, Bình Thuận

Nghe đâu như mười tám khu Vườn Trầu

Nghe đâu! Nghe đâu!

Anh đến với chúng tôi từ tiếng pháo sông Lô vùi xác giặc

Từ tiếng người dịu hiền như tiếng đất trời

Từ tiếng búa công nhân

Từ tiếng quân đi trùng trùng như sóng

Tiến về năm cửa ô, tiến về thủ đô.

 

Bao nhiêu đồng đội của tôi nằm sâu trong hậu địch

Đã hát bài hát của anh trước giờ quân thù hành quyết

Tên họ anh không nhớ, nhưng bài hát của anh, họ hát bằng máu của họ

 

Giữa chiến khu võ vàng đói khát

Cả tiểu đội tôi chỉ còn mắt với răng

Như một đội đồng ca, chúng tôi lên cơn sốt rét

Lên cơn sốt rét thì đến Chúa Trời cũng phải rên

Nhưng chúng tôi không rên, mà chúng tôi hát:

“bao chiến sĩ anh hùng…”

Có một điều mà anh không bao giờ ngờ được

Chúng tôi đã cải biến khúc quân hành bão ntáp của anh

Thành nhạc không lời và thành điệu rên

 

Văn Cao đứng dậy hỏi:

–          Phùng Quán, ngày đó chiến sĩ ở chiến khu đã rên như thế nào?

–          Dạ thưa anh, nếu là Chúa Trời sốt rét thì Chúa Trời rên ừ ừ ừ ừ ừ, nhưng chúng tôi là Vệ quốc quân thì chúng tôi rên;

 

Ư ứ ứ ư ừ, ừ ừ ư ư ư ư ừ

Ư ư ư, ứ ư ư ừ, ư ư ư ừ ư ứ ưư ừ

Chúng tôi rên theo điệu:

“Bao chiến sỉ anh hùng, lạnh lùng vung gươm nơi xa trường

Quân xung phong, nước Nam đang chờ, mong tay ngươi….”

Chúng tôi không rên theo điệu rét

 

Văn Cao ôm lấy tôi khóc và bảo tôi:

–          Điều đó có thật không?

–          Thưa anh, anh Văn Cao ơi, điều này tôi phải mượn lời Anderson “Không có huyền thoại nào lớn lao mà không do đời sống dựng nên”, mời anh ngồi xuống, tôi xin đọc tiếp.

Văn Cao ngồi xuống ngay.

 

Cả tiểu đội tôi chỉ còn một mình tôi sống

Những người đã rên theo điệu quân hành bão táp của anh

Đã ngã xuống như anh hùng trong bài ca bất tử của anh

Những năm tháng trường chinh, nằm gai nếm mật

Chúng tôi thường mơ đến anh, như trẻ nhỏ mơ đến anh hùng truyền thuyết

 

Chúng tôi thường mơ đến một hôm nào

Có nhạc sĩ Văn Cao bị bốn bề vây súng giặc

Chúng tôi sẽ xông ra lấy ngực che đạn cho anh

Chúng tôi thường mơ đến chiến trường quê hương Bình Trị Thiên

Chúng tôi sẽ đánh một trận lừng danh đất nước

Trên sông Hương, sông Thạch Hãn, sông Bồn

Để anh về anh viết trường ca như trường ca sông Lô

 

Anh Văn Cao ơi, cuộc đời tôi quá hiếm hoi niềm vui

Quá hiếm hoi hạnh phúc

Nhưng niềm vui lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất là:

Đời tôi đã gặp anh

Được thay mặt những đồng đội đã khuất

Để nói vời anh một lời gan ruột

Tình chúng tôi yêu anh!

 
*

 

 

(Thời gian cũng đã dài quá, và cuốn băng thâu cũng gần hết, chị Bội Trâm có nhắc chồng đọc một bài thơ cuối cùng mà chị cho là quan trọng). Phùng Quán nói tiếp: “Đây kể như là kết thúc, tôi đọc một bài thơ tình, tôi yêu nàng tha thiết , nhưng nàng đã phản bội tôi”:

 

 

Tình Tuyệt Vọng

 

Trái tim tôi như trái cây bị dập nát

Rụng xuống từ cành cao

Tình tuyệt vọng là ngọn sào

Chọc cho trái cây rụng xuống…

 

Trái cây rụng

Vẫn mơ giấc mơ… hoang tưởng

May ra được gót chân em giẫm nát

Để trước khi tan vào bụi đất

Còn được hôn gót chân yêu

Nhưng em la lối phàn nàn:

– Gian phòng tôi nóng như thiêu sa mạc

Anh đến ngồi quá lâu

Càng thêm nóng bức!

Anh thở như người sắp chết khát

Chút khí trời ít ỏi của tôi!

 

Quá đau khổ

Tôi hoá thành lì lợm

Tôi xin em bớt giận…

Nếu không được ngồi

Thì tôi xin đứng

Cùng với cây chổi em dựng xó nhà

Nếu không được thở…

Tôi sẽ nín thở

Như cái ngày còn đi chăn trâu cắt cỏ

Tôi suýt chết ở đáy giếng làng

Vì mãi lặn mò con cá bống thần cô Tấm bỏ quên…

 

Em giận dữ la lên:

– Đứng trong xó nhà cũng không được đứng!

… Thì tôi xin ra đứng trước hiên…

– Đứng trước hiên cũng không được đứng!

… Thì tôi xin ra đứng đầu đường

Tôi nhìn vào khung cửa nhà em

Môi rát bỏng những lời yêu thương…

– Đứng đầu đường cũng không được đứng!

Lời yêu thương cũng không được nói!

… Thì tôi xin chết!

Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt

Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…

Dù hoả táng

Dù chôn chín tầng đất

Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình!

 

                                                                                             *

Chúng tôi mang cuốn băng từ Hà nội vào Saigon trên chuyến tầu tốc hành Bắc-Nam và trở về Mỹ. Ít tháng sau, chúng tôi được tin Phùng Quán ngã bệnh, bệnh sơ gan đã đến thời kỳ chót, Trong những ngày cuối cùng, Phùng Quán có trao đổi với chúng tôi bẩy lá thư, mà tôi đã viết thành bài “Những lá thư cuối cùng của một nhà thơ”. Phùng Quán qua đời ngày 22 tháng 1 năm 1995. Ngàn người đã đưa tiễn một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn, hơn nửa cuộc đời bị chế độ vùi dập, đến cõi an bình…

 

 Nguyễn Công Khanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Rate this post