Bà Huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan

1. Vị trí con đường

Đường Bà Huyện Thanh Quan nằm trên địa bàn phường Vĩnh Ninh, phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Trương Định, băng qua ngã tư đường Lê Lợi đến sát bờ sông Hương tiếp giáp đường Nguyễn Đình Chiểu, dài 152m. Đoạn từ đường Trương Định đến đường Lê Lợi lưu thông hai chiều, đoạn từ Lê Lợi đến Nguyễn Đình Chiểu đi một chiều theo hướng bờ sông lên.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, nguyên xưa nền rải đất biên hòa. Từ năm 1945 trở về trước, người Pháp đặt tên là đường Olivier (Rue Olivier), trước 1976 là đường Lê Quý Đôn. Tháng 1/1977 UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Bà Huyện Thanh Quan.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Bà Huyện Thanh Quan (ất Mùi 1805 – Mậu Thân 1848) Nhà thơ, tên thật là Ngô Thị Hinh (các tài liệu trước đây ghi là Nguyễn Thị Hinh), quê làng Nghi Tàm, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bà thắm duyên với ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi), người làng Nguyệt áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời vua Nguyễn, nên bà thường được gọi theo chức vụ của chồng là Bà Huyện Thanh Quan. Bà còn là một nhà thơ nổi tiếng thơ bà điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật, hàm súc giàu nhạc điệu. Nhờ vậy mà thời kỳ bà theo chồng vào làm việc ở Huế, bà được vua Minh Mạng sung vào triều làm Cung Trung giáo tập để dạy công chúa và các cung nhân học. ở Huế, bà giao thiệp và để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kẻ sĩ. Năm 1847, sau khi chồng mất, bà đưa bốn con nhỏ từ Huế về sống tại quê nội ở làng Nghi Tàm, năm sau thì qua đời, hưởng dương 43 tuổi. Bà sáng tác khá nhiều thơ Nôm, nhưng đa số thất lạc, chỉ còn lại rất ít trong đó có mấy bài: Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long hoài cổ, Chùa Trấn Bắc rất nổi tiếng, chẳng hạn như bài Qua đèo Ngang tức cảnh: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen đá lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Dừng chân đứng lại trời, non, nước. Một mảnh tình riêng ta với ta”. Trung tâm giao dịch sách – thiết bị giáo dục, Trung tâm học liệu Đại học Huế (trước năm 2000 là Thư viện Đại học Tổng hợp, nguyên trước 1945 là Kho bạc Đông Dương), Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán nằm cạnh đường này.

Một góc đường

 

Rate this post