Anh hùng Liệt sĩ Trần Can – Người cắm cờ trên căn cứ Him Lam

Trần Can sinh năm1931 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Sơn Thành, gồm có 4 anh chị em. Ngay từ thuở nhỏ, Trần Can đã thể hiện được là một người sáng dạ và chịu khó. Tuy còn nhỏ nhưng để phụ giúp gia đình, Trần Can đã đi ở “hết nhà này đến nhà khác”, những lúc có thời gian, anh tham gia các lớp “Bình dân học vụ” vào ban đêm. Trần Can rất ham học nên sớm đọc thông, viết thạo và nhiều lần được thầy khen.

Không chỉ sáng dạ, chịu khó mà cũng ngay lúc còn nhỏ, Trần Can đã có lòng yêu nước sâu sắc. Trước cảnh “nước mất nhà tan”, Trần Can đã ao ước được vào bộ đội để cầm súng giết giặc cứu nước. Lớn lên, Trần Can đã ba lần xung phong tình nguyện đi bộ đội nhưng vì sức khỏe còn yếu nên đã bị từ chối, và đến lần thứ tư anh đã được chấp nhận. Đó là một ngày vào tháng 01/1951.

Trần Can là người rất dũng cảm và mưu trí. Trong chiến đấu, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ác liệt, lòng can trường, ý chí sắt đá và sự mưu trí luôn được thể hiện trong anh. Trong các cuộc đấu tranh, anh đã hai lần bị thương nặng, nhưng với tinh thần ngoan cường, anh đã vẫn chiến đấu hết sức mình, chỉ huy đơn vị kiên quyết tiến công tiêu diệt địch. Trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch giao cho quân đội lên đồn Pháp. Khi nổ súng, mặc cho hoả lực quân Pháp bắn ra dữ dội, anh dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên, chọc thẳng vào sở chỉ huy địch như một mũi dao nhọn cắm vào giữa tim gan chúng, rồi nhẩy lên lô cốt cắm cờ. Sau đó, anh chỉ huy tiểu đội  tiêu diệt lính Pháp còn lại trong hầm ngầm, bắt 25 tên địch và thu nhiều súng. Trong trận đánh điểm cao 507, Trần Can đã dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo quân Pháp, chiếm mỏm cột cờ. Lính Pháp bắn pháo dữ dội và cho quân địch chiếm lại. Ta với Pháp giành giật nhau từng thước đất hết sức quyết liệt. Anh đã cùng đồng đội kiên quyết giữ vững và tiến công đánh bại 4 đợt phản kích của địch. Dù đã bốn lần thất bại, địch vẫn tiếp tục kiên quyết mở các đợt công kích. Trong đợt công kích thứ năm, chúng tăng thêm quân số có pháo binh, xe tăng yểm trợ hòng chiếm lại các vị trí đã mất và ném lựu đạn tới tấp trước khi xung phong. Trần Can chỉ huy đơn vị nhảy lên bờ hào đánh giáp lá cà. Trong đợt này, cán bộ đại đội bị thương vong hết, bản thân Trần Can cũng bị thương. Để tiếp tục cuộc chiến đấu,  cấp trên đã chỉ định anh làm đại đội trưởng. Sáng hôm sau, anh tập trung thương binh nhẹ lại, động viên bộ đội, chấn chỉnh tổ chức, củng cố trận địa. Quân Pháp lại phản kích dữ dội, mong đánh bật quân ta, giành lại cửa ngõ tiến vào Mường Thanh. Trần Can chỉ huy đơn vị đánh tan đợt pháo kích của chúng, kiên quyết giữ vững trận địa, tạo thế cho đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh. Trần Can đã hy sinh anh dũng sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, ngày kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên cứ điểm trung tâm Him Lam

Với những chiến công to lớn, Trần Can đã được tặng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 lần được bầu là chiến sỹ thi đua của đại đoàn. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Trần Can được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trần Can là một trong 16 cán bộ, chiến sĩ được Quốc hội tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Sự chiến đấu, hi sinh anh dũng và lòng yêu nước nồng nàn của anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.

Nguồn: ubndhyenthanh.nghean.vn

Rate this post