AHLĐ. GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Việt: Người tâm huyết với hai nghề Thầy | meddom.org

AHLĐ. GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Việt: Người tâm huyết với hai nghề Thầy

16:36 – Thứ Ba, 29/05/2018

Xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, AHLĐ.GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Việt đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y học nước nhà, đặc biệt là cho chuyên ngành tim mạch học Việt Nam.

AHLĐ.GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Việt là Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Nguyên Trưởng Bộ môn Tim mạch ĐH Y Hà Nội.

AHLĐ.GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt sinh ra và trưởng thành trong một gia đình nổi tiếng và có truyền thống khoa cử của Việt Nam. Cha ông là cố NGND Nguyễn Lân (1906 – 2003), người được ví như “Người Thầy của những người Thầy” trong nền giáo dục hiện đại Việt Nam. Các anh, chị và em của ông cũng đều là những nhà khoa học nổi tiếng, làm rạng danh dòng họ Nguyễn Lân.

Chân dung AHLĐ.GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Việt

Điển hình như GS.TS Nguyễn Lân Tuất, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, chuyên gia cổ nhân học của Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Lân Tráng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lân Trung, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội…

Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của gia đình, năm 1980 chàng thanh niên trẻ Nguyễn Lân Việt sau khi tốt nghiệp hệ Bác sỹ Nội trú Bệnh viện đã chính thức đến với nghề y như hai chữ “Duyên phận” cuộc đời. Và cũng từ đó, chặng đường dài gần 40 năm học tập và nghiên cứu vẻ vang đã ghi dấu nhiều thành tựu của ông trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu và giảng dạy.

Với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng,năm 1995, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng bộ môn Tim mạch Trường ĐH Y Hà Nội và Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam. Với kinh nghiệm của một người vừa làm công tác giảng dạy, vừa trực tiếp thăm khám, điều trị bệnh, ông đã kết hợp giữa việc giảng dạy lý thuyết với thực hành.

Tâm huyết với công tác đào tạo, trong lĩnh vực điều trị bệnh tim mạch, ông luôn hướng cho các sinh viên của mình phải biết kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn chuyên môn. Vì vậy, mô hình kết hợp “Viện – Trường” của ông đã tạo nên sự gắn kết rất hiệu quả giữa các hoạt động giảng dạy ở Bộ môn Tim mạch, ĐH Y Hà Nội với thực tiễn điều trị ở Viện Tim mạch Việt Nam.

Và cũng chính nhờ mô hình này, nhiều PGS, TS của Viện cũng đã tham gia vào công tác đào tạo tại ĐH Y Hà Nội. Nhờ đó mà các thầy thuốc ở Viện tim mạch Việt Nam thường xuyên được cập nhật những kiến thức mới nhất của thế giới.

Trường ĐH Y Hà Nội là Trường ĐH trọng điểm quốc gia, nhưng trong vòng 100 năm từ khi thành lập vẫn chưa có được một bệnh viện dành riêng cho Trường.

Từ khi nhận nhiệm vụ là Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, ông đã ông đã khắc phục mọi khó khăn, vận dụng một cách sáng tạo, tìm mọi biện pháp để xây dựng thành công Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, mà thương hiệu của Bệnh viện đang ngày càng được đánh giá cao, phục vụ đắc lực việc điều trị cho người bệnh và nâng cao khả năng thực hành cho các học viên đại học và sau Đại học của Trường.

Với tư cách là Viện trưởng Viện Tim mạch, ông đã rất quyết tâm trong việc ứng dụng, triển khai và phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất trong chuyên ngành Tim mạch như: Nong và đặt Stent động mạch vành, nong van tim qua da, điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp bằng RF, can thiệp trong các bệnh tim bẩm sinh, vv…

AHLĐ.GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Việt ân cần thăm khám, động viên người bệnh

Đặc biệt với tư cách là: Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học cấp NN (Mã số KC 10-29): “Ứng dụng tiến bộ khoa học trong chẩn đoán chính xác và điều trị một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp”, ông đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai lần đầu tiên ở nước ta Kỹ thuật Tim mạch can thiệp trong các bệnh tim bẩm sinh, giúp cho hàng nghìn các bệnh nhân tim mạch nhi được chữa khỏi bệnh mà không cần phải mổ. Hiện có khá nhiều nước trong khu vực đã mời các bác sỹ của Viện sang giảng dạy và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến này sang các nước bạn, từ đó đã góp phần nâng cao niềm tự hào và uy tín ngành Y Việt Nam chúng ta.

Khi là Viện trưởng Viện Tim mạch, đơn vị mũi nhọn hàng đầu trong lĩnh vực Tim mạch của đất nước, ông đã chỉ đạo triển khai được hàng loạt các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến nhất các bệnh tim mạch như: Siêu âm trong lòng mạch (IVUS), đo dự trữ vành (FFR), đặt Stent Graft động mạch chủ, Thay van động mạch chủ qua da (TAVI)…

Đặc biệt từ 1996 đến hết năm 2013, Viện đã triển khai thành công kỹ thuật Tim mạch can thiệp cho 59.695 bệnh nhân Tim mạch, trong đó có cả những đồng chí là các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Với tư cách là Chủ nhiệm đề tài độc lập cấp NN: “Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim”, là lĩnh vực lần đầu tiên được triển khai ở nước ta, ông và các đồng nghiệp của mình đã góp phần cứu chữa cho nhiều bệnh nhân bị suy tim nặng sau nhồi máu cơ tim được điều trị đạt hiệu quả tốt.

Ông đã chủ trì hoặc tham gia 4 đề tài NCKH cấp NN, 5 đề tài NCKH cấp Bộ; Ông đã công bố 116 công trình NCKH trong các Tạp chí khoa học chuyên ngành ở trong và ngoài nước; Ông được trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ” năm 2005 cùng với các đồng nghiệp của mình; hai lần được tặng “Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc” tức “Giải thưởng VIFOTEC” (năm 2011 và 2013).

Là Giảng viên Cao cấp về chuyên ngành Tim mạch, trong 38 năm liên tục vừa qua ông đã có rất nhiều cố gắng trong việc đào tạo được: 28 lớp chuyên khoa định hướng tim mạch, tức khoảng 1.400 Bác sỹ Tim mạch cho cả nước, đào tạo cho hàng trăm ThS Y khoa, BSCK II, BS nội trú bệnh viện, đào tạo cho hàng nghìn các BSCK I, trực tiếp hướng dẫn chính Luận án TS cho 21 NCS của chuyên ngành Tim mạch.

Đặc biệt, ông đã chỉ đạo và trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để xây dựng và triển khai thành công gần 40 “Trung tâm Tim mạch can thiệp” tại nhiều vùng, miền trong cả nước, giúp nhân dân ở nhiều vùng xa xôi cũng được thừa hưởng các kỹ thuật tiên tiến, không phải ra nước ngoài chữa bệnh như trước đây nữa, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho người bệnh, đem lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội.

Với tư cách là Trưởng ban điều hành “Chương trình Quốc gia về phòng chống bệnh Tăng huyết áp”, ông đã tích cực triển khai Chương trình một cách rất hiệu quả tại tất cả 63 tỉnh thành của cả nước, góp phần đảm bảo sức khỏe, hạn chế các biến chứng cho khoảng 11 triệu bệnh nhân THA của nước ta, được Bộ Y tế và các tỉnh thành đánh giá cao.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn miền Bắc thuộc Ban bảo vệ sức khỏe TW, ông đã tích cực tham gia khám, phát hiện bệnh và điều trị một cách có hiệu quả cho nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có cả nhiều đồng chí là Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong nhiệm kỳ là Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Y Hà Nội đã vinh dự được trao tặng “Huân chương Sao vàng”, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Trong nhiệm kỳ là Viện trưởng Viện Tim mạch, Viện Tim mạch đã vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến đáng trân trọng của ông xuyên suốt chặng đường gắn bó với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thầm lặng mà cao quý đã qua, GS.TS. Nguyễn Lân Việt đã vinh dự được Đảng, Nhà nướctrao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kì đổi mới, Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì…

GS.TS Nguyễn Lân Việt thực sự là con người đã luôn tâm huyết suốt cuộc đời mình để hoàn thành tốt sứ mệnh của hai người Thầy mà xã hội luôn trân trọng: Thầy thuốc và Thầy giáo.

Tiến Đức

Nguồn: http://vietnamhoinhap.vn/n8994

Rate this post