Xuân sang nhìn lại những dấu ấn hài tết của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng

Đạo diễn Phạm Đông Hồng sinh năm 1955, trong một gia đình làm văn hóa nghệ thuật. Bố của ông là đạo diễn từng giữ chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Ninh, mẹ là Giám đốc thư viện tỉnh Quảng Ninh.

Ông tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1980, sau đó đi tu nghiệp ở Nga, Đức, Mỹ vào năm 1990. Hiện, ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long.

Lối kể chuyện đầy hài hước nhưng vẫn chứa đựng sự trào phúng nhẹ nhàng đã tạo nên phong cách làm phim hài của vị đạo diễn đầy chất dân gian này.

Hài của Phạm Đông Hồng mang đậm màu sắc dân gian. Các tác phẩm của ông chủ yếu được phóng tác từ kho tàng văn học dân gian, rất đời, rất gần gũi với cuộc sống.

Râu quặp (1994)

Xuân sang nhìn lại những dấu ấn hài tết của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng - Ảnh 2.

“Râu quặp” là tác phẩm chạm ngõ của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng với thể loại hài Tết, tác phẩm hài phê phán những thói hư tật xấu, nhưng đồng thời cũng phản ánh đời sống của những người nông dân Việt Nam: hiền lành và chân chất.

Thầy dởm (2005)

Với sự góp mặt của nghệ sĩ Xuân Hinh (vai thầy bói), Công Lý (vai thầy đồ), Quốc Anh (vai thầy thuốc)… bộ phim được sản xuất dựa theo cốt truyện dân gian, mang sắc thái xã hội Việt Nam xưa, nhằm châm biếm những người đàn ông vốn thuộc tầng lớp có vai vế trong các làng quê xưa, họ dốt nát, ít tài nhưng lại thích tỏ vẻ ta đây, hám ăn, hám gái…

Lối dẫn chuyện hài hước và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Kết cục, các ông thầy đều phải trả giá cho hành động lừa đảo của mình.

Lên voi (2006)

Xuân sang nhìn lại những dấu ấn hài tết của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng - Ảnh 3.

“Lên voi” là bộ phim hài tết được giới thiệu năm 2006 của đạo diễn Phạm Đông Hồng với sự tham gia của nhiều danh hài nổi tiếng như Quang Thắng, Xuân Hinh, Quốc Anh, Minh Hằng, Kim Oanh…

Lấy bối cảnh Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, câu chuyện kể về anh ở đợ tên Ất (Xuân Hinh) vô tình lấy được cô hoa khôi Bắc Kỳ theo ý đồ của cậu chủ Kim Ấm xấu tính (Quang Thắng). Cậu chủ của Ất vốn là một đại gia muốn lấy cô Hồng Ngọc về làm vợ nhưng cái tội ít học, ngắn chữ nên gia đình ông bà Phởn không đồng ý. Ôm hận, cậu chủ Kim Ấm cải trang cho Ất làm Việt Kiều để xin cưới tiểu thư.

Tưởng như kế hoạch thành công nhưng nào ngờ, sự chân thật, chăm chỉ và hài hước của Ất lấy lòng được cô hoa khôi. Để rồi, từ một tên ở đợ nghèo khó khó, không học hành, Ất được vợ dạy chữ, lễ nghĩa và đỗ đạt làm quan trong khi Kim Ấm tán gia bại sản vì thói ham mê cờ bạc của mình.

Một ngày ở trần gian (2007)

Tiểu phẩm nói về chuyến đi thị sát của Thiên sứ (Xuân Hinh) phụng mệnh Ngọc Hoàng hạ phàm vào ngày tết để tìm hiểu cuộc sống ở trần gian diễn ra như thế nào. Đồng hành cùng Thiên sứ là chú Cuội (Hoài Linh).

Những sự cố hài hước cũng như “lật tẩy” về thói hư tật xấu của người trần gian qua cách diễn “tung hứng” của hai diễn viên hài Nam-Bắc đã tạo nên tiếng cười đầy vui vẻ, sảng khoái cho khán giả.

Người ngựa ngựa người (2009)

Xuân sang nhìn lại những dấu ấn hài tết của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng - Ảnh 4.

Dựa theo truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan, Phạm Đông Hồng xây dựng vở kịch sân khấu về câu chuyện xúc động giữa hai kẻ khốn cùng, cơ cực trong xã hội cũ, một người là gái bán hoa, một người phu kéo xe.

Anh phu xe (Xuân Hinh) vì muốn kiếm thêm vài đồng cho đàn con ở nhà nên cố kéo xe đêm 30 Tết nhưng vô tình lại gặp vị khách là một cô gái bán hoa (Thanh Thanh Hiền) không một đồng xu trong túi cũng đang cố rong ruổi tìm khách để kiếm đôi đồng qua đêm giao thừa.

Tiểu phẩm mang đến cho khán giả vừa là nụ cười nhưng hơn thế nữa, là sự xúc động nghẹn ngào trước số phận của những kẻ ở tầng lớp đáy xã hội.

Ăn vạ (2007)

Tích “Làng bắt vạ Thị Màu” qua bàn tay của “ông trùm hài Tết” trở nên hiện đại hơn với nhiều tình tiết mới như Thị Màu đi xe máy chứ không đi bộ lên chùa, bị ăn vạ ở khách sạn và quán karaoke chứ không phải ở sân đình…

Diễn viên Kim Oanh đã thể hiện xuất sắc tính cách chua ngoa, “chịu chơi” của một cô Thị Màu tân tiến. Ngoài ra, tác phẩm cũng có sự tham gia của diễn viên hài Quốc Anh (vai thầy xã), Quang Thắng (vai thầy điếc), Xuân Hinh (vai thầy mù), Hoài Linh (vai thầy câm)…

Tiền ơi (2008)

Xuân sang nhìn lại những dấu ấn hài tết của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng - Ảnh 5.

Nội dung bộ phim nói về đôi vợ chồng Sùng nghèo khổ sống dưới gầm cầu hàng ngày không lo làm ăn chỉ ngồi ao ước có thật nhiều tiền. Bụt nghe mong muốn ấy và làm phép cho họ trở thành tỉ phú với điều kiện duy nhất, hai người phải làm sao tiêu hết số tiền đó trong một ngày nếu không sẽ gặp nạn.

Đôi vợ chồng nhiều tiền quá, tiêu mãi cả ngày không hết, ngược lại còn được tặng thêm tiền. Vai diễn vợ chồng Sùng do hai danh hài nổi tiếng Xuân Bắc và Vân Dung thủ vai, tạo nên nhiều tiếng cười cho khán giả.

Cả Ngố (2010)

Phim được đầu tư dàn dựng theo lối cổ trang công phu, nhằm phục dựng bối cảnh, không khí đời sống sinh hoạt nông thôn Việt Nam thời xưa.

Cả Ngố (Xuân Bắc) hiền lành, sợ vợ nhưng lại mắc tính “thật thà” thái quá. Cũng bởi tính cách này mà Cả Ngố luôn bị cuốn vào những tình huống oái oăm, dở khóc dở cười trong cuộc sống hàng ngày.

Không hề biết giận (2013)

Xuân sang nhìn lại những dấu ấn hài tết của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng - Ảnh 6.

Cặp đôi hài đất Bắc Xuân Bắc – Tự Long lại tiếp tục đồng hành trong một tác phẩm của đạo diễn Phạm Đông Hồng. Câu chuyện kể về làng quê Bắc Bộ, nơi lão phú ông giàu có nhưng keo kiệt (Tự Long) ra điều kiện tuyển chồng cho cô con gái xinh đẹp (ca sĩ Ngọc Anh) là phải khiến cho ông tức giận.

Sau nhiều ứng viên thất bại, chàng Chăm (Xuân Bắc) với sự giúp đỡ đắc lực của “Gia Cát Nô” (Công Lý) và sự thông đồng của con gái phú ông khiến cho phú ông cuối cùng cũng phải ngả mũ chịu thua và gả con gái rượu cho cậu.

Kịch bản hấp dẫn và khéo léo lồng ghép những mẩu truyện trong kho truyện cười dân gian Việt Nam như “Phượng Hoàng đất”, “Mất trộm bò”, “Gánh bưởi qua sông”, “Vừa sợ vừ buồn cười”…

Quan trường trường quan (2015)

Nội dung xuay quanh con đường quan trường của ba anh học trò: một anh nhà nghèo sáng dạ (Xuân Bắc), một anh nhà giàu nhiều mưu mô (Tự Long) và một anh học trò ba phải (Trung Hiếu).

Những tình huống phim được xây dựng theo phong cách hài hước, dí dỏm nhưng sâu cay, vừa dựa trên tích truyện dân gian vừa mang đầy hơi thở đương đại với nhiều sự kiện mang tính thời sự.

Chôn nhời 1,2,3,4,5 (2014-2018)

Chôn nhời là series hài tập hợp những tình huống cười chảy ra nước mắt trong xã hội nông thôn Việt Nam. Phim có sự tham gia của NSƯT Phạm Bằng, Kim Oanh, Quốc Anh, Hiệp Gà…

Hồng Anh/Dân trí

Rate this post