Web site Bản tin Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tỉnh Hải Dương
Chiến tranh đã lùi xa cách đây hơn 46 năm, để lại những đau thương mất mát to lớn cho cả dân tộc, bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cho độc lập tự do. Chiến tranh gian khổ là vậy, nhưng vẫn có những mối tình đẹp, dù trong bom rơi, đạn lạc, xa xôi cách trở nhưng họ luôn biết “hâm nóng” tình yêu bằng những lá thư gửi cho nhau, trong đó chứa đựng bao tình cảm lứa đôi.
Đó là chuyện tình cảm động và đáng ngưỡng
mộ của cựu chiến binh Dương Quang Tiến, sinh năm 1944 và vợ là bà Nguyễn Thị
Thắm, sinh năm 1947 thôn Thanh Cương, xã Thanh Bình, huyện Cẩm Giàng, nay là
phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương.
Chúng tôi gặp ông bà vào một buổi chiều giữa tháng 5, sau một tuần trà, ký ức năm xưa như ùa về trong ông,
ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình yêu với bà, những ngày binh nghiệp và xây dựng gia đình hạnh
phúc viên mãn hôm nay. Ông và bà là người cùng xã,
nhưng không biết nhau, gặp và biết nhau khi đi khai hoang ở Hà Bắc. Năm 1961,
xã Thanh Bình phát động phong trào đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới
(thôn Thanh Bình, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn), đối tượng chủ yếu là đoàn viên
thanh niên tình nguyện, ông Tiến là một trong số đó. Năm 1963 xã Thanh Bình
tiếp tục cử đoàn thứ 2 lên đó, bà là thành viên của đoàn (theo quy định mỗi
đoàn ở lại 2 năm), do ông làm công tác kế toán nên ở lại thêm 4 tháng, thời gian này là
cái duyên để ông gặp bà. Nở một nụ cười, ông nhớ
lại: “Trước đó trong đoàn có nhiều nữ đoàn viên xinh xắn nhưng ông không rung
động với ai, nhưng khi gặp bà, ông cảm nhận được nhiều nét tương đồng nên đã
nảy sinh tình cảm và yêu bà từ đó”.
Tình yêu vừa chớm nở, đã phải tạm gác lại
bởi chiến tranh, năm 1964, đế
quốc Mỹ mở rộng đánh chiếm miền Bắc, tháng 2 ông Tiến lên đường nhập ngũ và tham gia huấn
luyện tại đơn vị Pháo binh, Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Sư đoàn 350, Quân khu 3,
doanh trại đóng tại Quán Toan – Hải Phòng khi vừa tròn 20 tuổi. Cũng trong năm đó, sau khi
trở về từ vùng khai hoang,
bà Thắm tham gia hoạt động thanh niên tại địa phương, sau nhận nhiệm vụ ở Trung đội nữ Dân quân trực chiến tập trung huyện Cẩm Giàng (do
Huyện Đội trực tiếp quản lý và chỉ huy). Năm 1965, ông đi học trường Sĩ quan
Pháo binh tại Sơn Tây, lúc này trường sơ tán về xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh
Hà Tây (nay là TP. Hà Nội), ông thuộc biên chế Đại đội 23, Tiểu đoàn 2. Thời
gian này ông thường xuyên viết thư tâm sự với bà ở quê nhà, lấy đó là niềm vui,
động viên đối với người lính xa nhà.
Đại gia đình nhà ông Tiến bà Thắm.
Trao đổi với chúng tôi,
ông và bà cho biết: khi nhận
được thư của nhau, tâm trạng phấn khởi, vui mừng lắm, động viên tinh thần trong
khó khăn, khi đọc thư chúng tôi cảm nhận như đang trò chuyện và gặp mặt nhau
trong những ngày xa cách, nhớ nhung. Điều đặc biệt thư đến và đi, khi gửi và
nhận đều phải mở ra chia sẻ bằng cách đọc cho tất cả đồng đội cùng nghe, tình
đồng đội không giấu nhau bất kỳ điều gì và được ví “niềm vui của anh cũng là
niềm vui, phấn khởi của tôi”.
Đưa
chúng tôi xem hàng chục bức thư tình ông bà gửi cho nhau. Qua xem
những bức thư đó, tôi thêm cảm nhận về hình ảnh anh “bộ đội cụ Hồ” qua các thời
kỳ. Ở họ, không chỉ là biểu tượng cho “dáng đứng Việt Nam” với tình cảm “dành
riêng cho Đảng phần nhiều” và lý tưởng sống “cuộc đời đẹp nhất là trên trận
tuyến đánh quân thù”. Mà ở họ cũng có những tình cảm đời thường, trong tình yêu
đôi lứa cũng thể hiện tình cảm lãng mạn, một chút bực dọc, thư gửi đi “sao
không thấy hồi âm”; một chút vị kỷ “vì em
đã trao trái tim cho anh rồi, thì nếu em dành tình cảm cho bất cứ chàng trai
nào, dù chỉ một chút thôi, anh cũng không đồng ý…”(*). Là một
người lính đã qua cuộc chiến, nay được sống trong hạnh phúc gia đình, ông Tiến
vẫn đau đáu nỗi nhớ đồng đội một thời chung chiến hào đánh Mỹ, những người đã
đi vào bất tử. Ông tâm sự: “tôi có bốn người bạn Xê, Tạc, Đúc và Lưu
cùng xã, đều nhập ngũ một ngày, nhưng khi trở về chỉ còn tôi, anh Tạc và anh
Xê, còn anh Lưu, anh Đúc thì mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, trong thời gian
chiến đấu tôi và Lưu thường xuyên viết thư tâm sự với nhau về cuộc sống và tình
hình chiến sự. Hôm ấy, chúng tôi đến thăm bố mẹ anh Lưu, mẹ anh than khóc “các
anh được trở về, mà con tôi đâu rồi”, lúc nghe tin con hy sinh bà mẹ khóc mờ cả
hai mắt, còn bố như người mất hồn. Anh Lưu là con trai duy nhất trong gia đình
nên chúng tôi càng thương hai bác. Mất mát và hy sinh trong chiến tranh là
không thể tránh khỏi, có hy sinh mới có được nền độc lập hòa bình. Nghĩ thế rồi tôi lại tự nhủ, hãy sống sao cho xứng
đáng với những đồng đội đã hy sinh, cho xứng với người bạn đời đã một thời cùng
mình “chia lửa” trong chiến tranh”. Những bức thư của người lính nơi chiến trường gửi về cho
người yêu ở quê nhà cũng đang tham gia chiến đấu và chung thủy đợi chờ là tình cảm thật xúc động và giản dị.
Chính những bức thư ấy là nguồn động viên, là niềm tin
mãnh liệt để người lính nơi chiến
trường vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, cùng người con gái nơi hậu phương tin
vào thắng lợi, thống nhất, vào ngày hai người “về chung một nhà”.
Những bức thư của ông bà luôn được lưu giữ cẩn thận.
Ảnh: Văn Đài
Về
chuyện tổ chức đám cưới của ông bà, ông Tiến chia sẻ: “Ban đầu tôi
tham gia nghĩa vụ quân sự với lời hẹn ước “em hãy ở nhà chờ anh 3 năm, hết
nghĩa vụ quân sự anh sẽ về, mình tổ chức đám cưới”. Sau ngày 05/8/1964, cả nước
có chiến tranh, lời ước hẹn với người yêu chưa thực hiện được mà phải kéo dài 8
năm sau. Tháng 3 năm 1971, trong thời gian tôi về an dưỡng tại Đoàn 581 ở Nam
Hà (nay là tỉnh Hà Nam) đã xin nghỉ phép về tổ chức đám cưới, sau đó lần lượt 4
người con ra đời. Đến
tháng 2/1972, tôi phục viên (xuất ngũ) về địa phương công tác tại UBND xã Thanh
Bình (nay là phường Thanh Bình). Cuộc sống sau ngày giải phóng khó khăn, vất vả
nhiều lần thay đổi chỗ ở nhưng những bức thư vẫn được chúng tôi giữ gìn như báu
vật vô giá minh chứng cho mối tình đẹp một thời máu lửa”.
Ông bà sinh được 4
người con 02 trai, 02 gái, người con trai cả nối
nghiệp cha đi nghĩa vụ quân sự, trở về làm kinh doanh tại chợ Thanh Bình
cùng em trai và em gái, cô con gái còn lại đang công tác tại Bệnh viện Phổi
tỉnh Hải Dương. Hiện nay gia đình 3 thế hệ của ông bà chung sống hòa thuận,
hạnh phúc cùng trên một mạnh đất (của hồi môn ông bà chia cho các con). Ông bà
ở với người con trai thứ hai, điều đặc biệt là tuy ở hai nhà khác nhau nhưng
ông bà và gia đình 2 con trai vẫn ăn chung mâm. Năm 2014, ông bà được nhận danh
hiệu “Tuổi cao – Gương sáng” từ phong trào thi đua do Trung ương hội Người cao
tuổi Việt Nam phát động giai đoạn 2012-2013. Gia đình ông bà và các con nhiều
năm liền được công nhận là Gia đình văn hóa.
(*) Một đoạn trích trong bức thư
ông Tiến gửi cho bà Thắm.
Bá Giang – Hoàng Hương