Vương Gia Vệ: Tụng ca nỗi cô đơn
Vương Gia Vệ: Tụng ca nỗi cô đơn
Bước sang tuổi 64 hôm 17/7, đạo diễn Vương Gia Vệ có sự nghiệp với 10 bộ phim điện ảnh ca tụng nỗi cô đơn.
Năm 1988, Vương Gia Vệ ra mắt bộ phim đầu tiên của mình, Vương Giác Ca Môn. Ở khoảng giữa phim, có một cảnh khi A Hoa (Lưu Đức Hoa) bỏ một đồng xu vào máy nghe jukebox và rồi bản nhạc Take My Breath Away bản tiếng Quảng vang lên. A Hoa đi lên một chiếc xe khách, anh vô tình gặp lại Nga (Trương Mạn Ngọc) sau một buổi chiếu phim, nhạc nền vẫn tiếp tục chạy. Trong một khoảnh khắc nồng nhiệt “mau với chứ, vội vàng lên với chứ. Em ơi, tình non đã già rồi”, họ lao vào hôn nhau mãnh liệt như muốn dập tắt sự trống rỗng trong tâm hồn.
‘Take My Breath Away’ – As Tears Go By
Trích đoạn trong ‘Vương Giác Ca Môn’ – phim đầu tay của đạo diễn Vương Gia Vệ.
Phần lời của bản tiếng Quảng do Lâm Ức Liên trình bày có câu: “Mới đầu, em thích được cô đơn và muốn được cô đơn, em sợ trao đi tình yêu nhưng đôi mắt hoang dại của anh đã khuấy lên tình yêu…”
Lưu Đức Hoa và Trương Mạn Ngọc hôn nhau say đắm trong phim ‘Vương Giác Ca Môn’.
Ngay từ những thước phim đầu tiên còn chưa định hình phong cách ấy, nỗi cô đơn đã luôn là một chủ thể trong điện ảnh Vương Gia Vệ. Ông có thể dịch chuyển thời gian từ thời hiện đại về thời võ hiệp cổ xưa, có thể dịch chuyển không gian từ đại đô thị Hong Kong tới những cung đường dằng dặc xuyên nước Mỹ hay những khu mạt rệp ở Buenos Aires.
Tuy nhiên, luôn có một trục không đổi trong phim ông, hút lấy từng con người có mặt trên đời này: nỗi cô đơn.
Đạo diễn Vương Gia Vệ
Bất cứ nhân vật nào cũng có một tọa độ cô đơn.
Nỗi cô đơn chẳng có gì mới trong điện ảnh. Trước hay sau Vương Gia Vệ, người ta vẫn làm về nỗi cô đơn suốt. Nhưng có lẽ không một nhà làm phim nào lại ve vuốt và săn sóc nỗi cô đơn như Vương, ve vuốt và săn sóc như thể sự cô đơn ấy là một con thú cưng mà ông nuôi nấng, chẳng có gì nguy hiểm và không cần né tránh.
Trong Trùng Khánh Sâm Lâm, anh chàng cảnh sát số hiệu 633 (Lương Triều Vỹ) ủ dột ngồi trong căn nhà nơi từng chung sống với người tình thuở trước, hướng đôi mắt thê lương nhìn chiếc áo sơ mi đang treo lủng lẳng trên dây phơi, rồi đột ngột hỏi vật thể vô tri ấy: “Mày có cô đơn không? Để tao cho mày chút hơi ấm nhé”. Nói rồi, 633 lấy bàn ủi là chiếc áo.
Lương Triều Vỹ và Vương Phi trong phim ‘Trùng Khánh sâm lâm’.
Anh không chỉ nói chuyện với áo sơ mi, còn nói chuyện với gấu bông, với khăn lau, với cá cảnh, với cả căn nhà biết khóc của mình. Nhưng lạ thay, ta không hề thấy thương xót cho người đàn ông ấy, vì ta biết nỗi cô đơn chẳng hại gì anh, nỗi cô đơn chỉ là người bạn cùng nhà vô hình của anh. Và anh như một đứa trẻ sẵn sàng kết bạn với những bóng ma mà không sợ hãi.
Trong điện ảnh của Vương Gia Vệ, người xem hiếm khi thấy ai đó chống trả lại nỗi cô đơn. Cứ trao cho họ sự cô đơn và họ sẽ có ối trò hay ho, thậm chí kỳ quái để làm cùng nó. Có khi, họ sẽ đột nhập vào những cửa tiệm đã đóng cửa lúc canh khuya và tìm kiếm… những khách hàng bất đắc dĩ, như anh chàng vừa câm, vừa điên, vừa vượt ngục mà Kim Thành Vũ thủ vai trong Đọa lạc thiên sứ chẳng hạn. Không có ai để “chơi” cùng, anh sẽ chơi với một con lợn nái sắp lên thớt, sẽ đè một người lạ ra để cắt tóc gội đầu cho người đó, bắt người đó ăn kem, ăn hết que này tới que khác, rồi lại bắt người đó gọi cả gia đình già trẻ lớn bé tới cùng ăn kem.
Phim ‘Đọa lạc thiên sứ’.
Nếu có ý định dẹp bỏ nỗi cô đơn, các nhân vật của Vương Gia Vệ cũng chẳng tìm đến phương thức nào ghê gớm. Họ sẽ tìm đến một món ăn gì đó, như kem. Anh chàng câm trong Đọa lạc thiên sứ tin rằng gia đình bị bắt ăn kem kia hẳn đã có một buổi tối thực sự rất vui. Mặc dù vị khách hàng bực bội bảo rằng có khi mình sẽ trở thành người đầu tiên chết vì bội thực kem, nhưng nếu thế thật, đó chẳng phải một cái chết rất mực hạnh phúc đó sao?
Trích đoạn ăn kem trong ‘Đọa lạc thiên sứ’
Trích đoạn ăn kem trong ‘Đọa lạc thiên sứ’
Hoặc nếu không phải kem, họ cũng sẽ xoa dịu nỗi cô đơn bằng món bánh việt quất ngọt ngào không kém. Sau khi tình yêu tan vỡ, nàng Elizabeth (Norah Jones) trong My Blueberry Nights bước vào quán cafe của Jeremy (Jude Law), nơi cô đắp những vết thương lòng bằng những cuộc hàn huyên với người chủ quán và với món bánh việt quất anh làm, món bánh mà đêm nào cũng ế.
Norah Jones và Jude Law đóng chính trong phim ‘My Blueberry Nights’.
Trích đoạn phim ‘My Blueberry Nights’
Trích đoạn trong phim ‘My Blueberry Nights’
Món bánh việt quất chẳng có gì sai nhưng không ai muốn thử. Còn khi không có kem cũng không có bánh việt quất, họ sẽ ăn liền tù tì ba chục hộp dứa trong đêm, những mong quên được một mối tình.
Cảnh anh chàng cảnh sát 233 (Kim Thành Vũ) ăn những hộp dứa trong Trùng Khánh Sâm Lâm có lẽ một trong những cảnh phim cảm động nhất mà cũng khoa trương nhất của Vương Gia Vệ trong sự mô tả nỗi sầu.
Phim ‘Trùng Khánh sâm lâm’.
Anh ta không thể chỉ ăn một hộp dứa hay hai hộp dứa, mà nhất định phải là 30 hộp dứa – một chi tiết ngây thơ sẽ khiến ta cảm động nếu còn trẻ nhưng lại bật cười nếu ta không còn trẻ nữa, vì lúc này hiểu rằng một người có thể cô đơn gấp nhiều lần mà không hành xử thái quá đến thế. Ta buộc phải tự hỏi rằng có thật là anh chàng 233 buồn vì thất tình tới mức phải làm thế hay không? Có lẽ là không.
Cảnh Kim Thành Vũ ăn dứa trong phim ‘Trùng Khánh sâm lâm’
Trích đoạn dứa hộp trong phim ‘Trùng Khánh sâm lâm’
Có lẽ chỉ vì anh đang làm dáng cho nỗi cô đơn tuyệt vời của mình.
Nhưng nói cho cùng, tại sao các chàng thơ và nàng thơ của Vương Gia Vệ phải sợ hãi nỗi cô đơn, trong khi họ thật đẹp khi cô đơn, và thực sự biết cách nhảy múa, khiêu vũ với cô đơn?
Cảnh phim Húc Tử (Trương Quốc Vinh) uể oải nhảy mambo một mình trước tấm gương trong A Phi chính truyện là lời tán tụng tuyệt đối sự cô lẻ, một mình, không một tâm hồn đồng điệu. Gã trai lơ ấy liên tục chơi trò vờn bắt với những người tình nhưng sau rốt, gã có thật sự cần ai đâu? Gã đã yêu chính mình mất rồi, gã đã thuộc làu nhịp điệu của nỗi cô đơn và vì vậy có thể uốn mình uyển chuyển theo nó.
Phim ‘A Phi chính truyện’
Không quyến rũ như Húc Tử, nhưng khi Phi (Vương Phi) xuất hiện trong Trùng Khánh Sâm Lâm, tóc ngắn cũn cỡn, vừa chuẩn bị suất ăn nhanh mang đi cho khách hàng vừa đu đưa nhún nhảy theo tiếng nhạc California Dreamin’ phát ra từ chiếc máy nghe nhạc với âm lượng hết cỡ mà cô bảo rằng “càng to càng tốt, càng to tôi càng đỡ phải nghĩ”, đó cũng là một lễ hội của cô đơn. Khoảnh khắc ấy, người phụ nữ này hoàn toàn chìm đắm trong giấc mơ của riêng cô. Cô hoàn toàn ổn khi không ai bên cạnh.
California Dreamin’ – Trùng Khánh sâm lâm
Vương Phi nhún nhảy theo giai điệu của ‘California Dreaming’ trong phim ‘Trùng Khánh sâm lâm’
Thậm chí ngay cả khi cô lén lút vào nhà của viên cảnh sát 633 để giúp anh dọn dẹp trong thầm lặng, thứ cô cần cũng không hẳn là một sự kết đôi. Xét ra, việc bị anh phát hiện nằm ngoài chủ ý của cô. Cô đã cố gắng đến cùng để che giấu sự hiện diện của mình trong cuộc đời anh. Cô có thể nằm khóc rưng rức vì bắt được một sợi tóc con gái trên giường của anh, nhưng hình như cái cô cần khi ấy không hẳn là một người yêu. Cái cô thực sự cần là cảm giác được vui buồn khi yêu, dẫu là trong cô độc.
Cảm giác yêu, chứ không phải tình yêu, mới là điều quan trọng nhất trong những bộ phim của Vương Gia Vệ. Tình yêu phải có hai chiều thông suốt, nhưng cảm giác yêu chỉ tắc nghẽn bên trong chính mình mà thôi. Hãy nhớ về Tâm trạng khi yêu.
Ta vẫn mãi nuối tiếc chuyện tình không bao giờ thành giữa Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) và Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ). Họ đã đến rất gần, rất gần như lời bản nhạc Quizas, Quizas, Quizas (Có lẽ, có lẽ, có lẽ).
Ta tự hỏi sẽ ra sao nếu trong căn phòng khách sạn, họ vượt qua khoảng cách để đi xa đến mức không thể quay đầu? Sẽ ra sao nếu Lệ Trân đồng ý cùng Mộ Văn tới Singapore? Sẽ ra sao nếu Lệ Trân không im lặng khi Mộ Văn nhấc máy trả lời điện thoại? Sẽ ra sao nếu Lệ Trân vẫn còn ở đó khi Mộ Văn tìm đến? Chỉ cần một trong những sự kiện ấy thay đổi, có lẽ họ đã có một kết cục khác.
Có lẽ Châu Mộ Văn sẽ không phải đứng thì thầm vào chiếc hốc nhỏ ở đền Angkor. Có lẽ sẽ không có một Châu Mộ Văn trong 2046 viết cuốn tiểu thuyết về những tâm hồn cô đơn đi tìm căn phòng kỳ lạ đánh số 2046 rồi lại cố gắng vượt thoát khỏi căn phòng ấy.
Lương Triều Vỹ thì thầm lên chiếc hố trong “In the Mood for Love”
Lương Triều Vỹ thì thầm vào chiếc hố trong phim ‘Tâm trạng khi yêu’
Nhưng ở một góc độ khác, nếu thực sự khao khát nhau và khao khát tình yêu, dù do dự và chần chừ đến mấy, họ cũng sẽ không để vuột mất người còn lại. Họ yêu nhau nhưng họ thân thiết với nỗi cô đơn của bản thân nhiều hơn. Suy cho cùng, nếu như Châu Mộ Văn có thể dễ dàng thổ lộ lòng mình với Tô Lệ Trân như cách anh thổ lộ lòng mình với một chiếc hốc trong tịch lặng, chuyện tình của họ hẳn đã không chỉ dừng lại ở một ký ức vấn vương như khung cảnh mờ ảo phía sau tấm cửa kính bụi mờ.
Họ bị dẫn dụ bởi rung động tình yêu, nhưng lại bị níu lại bởi ham muốn cô đơn. Cách hai người đi lướt qua nhau trong hành lang chật chội mà không va phải, dù cự ly đã thu hẹp đến tối đa, như báo trước đó là hai hành tinh với những quỹ đạo khác biệt, trong phút giây có thể bị lực hấp dẫn lôi kéo, nhưng rồi một điều gì tự nhiên sẽ kéo chúng trở về trong bầu không của riêng mình.
Phim ‘2046’.
Nhân vật nào trong những bộ phim của Vương Gia Vệ cũng lao đao vì yêu và khốn khổ vì yêu, nhưng có mấy ai được như Hồng Thất Công (Trương Học Hữu) của Đông Tà Tây Độc, sẵn sàng hành động thẳng thắn, không hối hận vì tình yêu và nhờ thế nên có được tình yêu trọn vẹn? Hay kẻ nào cũng như gã độc hành Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh), luôn ém nhẹm phần cao quý nhất, đáng trọng nhất của một con người – khả năng yêu – để tự cuộn vào nỗi cô đơn muôn thuở?
Trong rất nhiều tác phẩm của Vương Gia Vệ, các nhân vật không tìm cách để diễn đạt trực diện điều mình muốn nói mà chỉ có thể gửi lòng mình vào một điều gì đó (máy ghi âm, cái hốc, một chiếc khuy áo) hay một ai đó, như lời trăng trối của Húc Tử nhờ vị cảnh sát nhắn với Tô Lệ Trân, nói với nàng rằng anh đã quên những gì xảy ra vào lúc 3 giờ ngày 16 tháng 4 năm ngoái, như lời tâm sự của kiếm khách mù (Lương Triều Vỹ) với Âu Dương Phong về “hoa anh đào” mà chàng muốn gặp một lần cuối trước khi mất đi thị lực.
Năm 2007, Liên hoan phim Cannes mời 36 đạo diễn đương đại nổi tiếng, mỗi người thực hiện một bộ phim ngắn cho chùm phim mang tên Chacun son cinema như một tuyên ngôn của họ dành cho tình yêu với màn bạc. Vương Gia Vệ đã làm bộ phim dài ba phút, tựa đề I Travelled 9000 km to Give it to You (Tôi đi 9000 cây số để đưa nó cho em), xoay quanh một chàng trai ngồi đơn độc trong rạp chiếu bóng xem một bộ phim Pháp, ăn quýt và nhớ về giây phút thân mật với người mình yêu, có lẽ đúng hơn là người mình đã yêu. Một bộ phim hoài cổ, khêu gợi, nhưng nhân vật chính của nó, dù chỉ có hơn 180 giây để xuất hiện, vẫn có vẻ cô đơn như mọi nhân vật khác của Vương Gia Vệ khi anh chỉ có thể trạm vào người yêu trong trí nhớ.
Phim ngắn 3 phút của Vương Gia Vệ
Phim ngắn ‘I Travelled 9000 km to Give it to You’ của Vương Gia Vệ
Và lá thư tình mà Vương gửi tới cho điện ảnh cũng là lời tụng ca nỗi cô đơn không bao giờ vơi cạn.
Rất nhiều người từng thắc mắc rằng tại sao đoạn kết của Xuân quang xạ tiết kết thúc bằng hình ảnh Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) trên chuyến tàu cao tốc Hong Kong, đã vĩnh viễn khép lại một chuyện tình đau khổ với Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh), nhưng nhạc nền lại là Happy Together, một bản tình ca rộn ràng về niềm vui khi có nhau: “Em và anh và anh và em, dù đổ xúc sắc bao nhiêu lượt vẫn phải là như thế, người duy nhất dành cho anh là em, và cho em là anh, thật hạnh phúc bên nhau”.
Phim ‘Xuân quang xạ tiết’.
Chẳng phải nhạc và hình ảnh thật trái ngược sao? Lê Diệu Huy lúc này hoàn toàn một mình giữa Hong Kong náo nhiệt, không còn ai mè nheo, nũng nịu, hay thủ thỉ nói với anh “chúng mình hãy bắt đầu lại từ đầu” nữa.
Vậy mà Vương Gia Vệ thậm chí còn nhất quyết chọn ca khúc này dù không mua được bản gốc của The Turtles, thậm chí ông lấy tên bài hát làm tựa đề tiếng Anh cho bộ phim với kết thúc là không có hậu. Chắc hẳn không phải bởi ông vui tính hay muốn đùa vui với chúng ta một chút. Chắc hẳn bởi sau tất cả, Vương Gia Vệ muốn ta hiểu rằng nhân vật của ông rất cô đơn, nhưng không có nghĩa họ không yêu nỗi cô đơn của mình.
Hiền Trang