Vũ Như Thành: Người hùng AFF Cup 2008 và án treo giò 5 năm
Trước khi được nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup cùng ĐT Việt Nam, với Vũ Như Thành, ký ức về đội tuyển dường như mang vị mặn chát của nước mắt và nỗi đau hơn là vị ngọt ngào của vinh quang.
Vũ Như Thành.
Như Thành (biệt danh Thành “kếu”) từng bị coi là một “tội đồ” của bóng đá Việt Nam. Cầu thủ này bị cấm chơi cho ĐTQG sau nghi án bán độ ở JVC Cup 2003 và trước đó là trận giao hữu trên đất Trung Quốc. Tuy vậy, ngay sau đó trung vệ này vẫn được B.Bình Dương đưa về kèm số tiền lót tay lên tới hơn… 2 tỷ đồng.
Cần biết lúc đó, đây là số tiền vô cùng lớn với giới cầu thủ, ngay cả những ngôi sao cỡ bự. Vậy mà vì cái tài của trung vệ này, B.Bình Dương vẫn chấp nhận “nuôi báo cô” anh một thời gian dài trước khi anh được phép trở lại ở V.League 2007. Kết quả mọi người đều biết, anh góp công lớn giúp B.Bình Dương vô địch V.League 2007, 2008 và cùng ĐT Việt Nam đăng quang tại AFF Cup 2008.
Tại AFF Cup 2008, Vũ Như Thành là linh hồn của hàng phòng ngự ĐT Việt Nam: tổ chức phòng ngự tốt, chỉ huy đồng đội chống trả hữu hiệu các đợt phản công nhanh của Thái Lan trong 2 trận chung kết lượt đi và lượt về…
Vũ Như Thành khoác áo ĐTQG Việt Nam đá giao hữu với Olympic Brazil.
Gặp lại trung vệ này, người từng mang áo số 7 ĐTQG Việt Nam để nghe anh tâm sự về những năm tháng thăng trầm đã qua của cuộc đời…
Ham đá bóng từ nhỏ
Ngay từ khi tôi 7 tuổi, khi đó tôi mới chỉ học lớp 1 thôi, tôi đã ham đá bóng rồi. Ngày ngày tôi cùng các bạn khu phố rủ nhau đá bóng trên các vỉa hè. Bởi với tôi khi đó, được đá bóng là niềm đam mê lớn nhất của tôi. Tôi thường xuyên bùng học đi đá bóng, khi bố mẹ biết thì đánh và cấm đoán tôi.
Tôi tự xin vào lớp năng khiếu để được thường xuyên đá bóng. Thời gian đầu tôi không được mọi người chú ý nhiều, sau đó HLV xếp tôi chơi ở vị trí hậu vệ – vị trí mà bây giờ tôi đang chơi, tôi thấy mình thích hợp với vị trí này và khả năng của tôi bộc lộ. Rồi người đi tìm kiếm tài năng cho đội Thể Công phát hiện và đưa tôi từ đội Nam Định lên chơi cho đội Thể Công. Tôi bắt đầu đi theo bóng đá chuyên nghiệp từ đó.
Chơi bóng còn vì danh dự của gia đình
Thời của tôi thì bóng đá ít được các bậc phụ huynh ủng hộ, chẳng ai muốn cho con cái theo cái nghiệp này. Bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng càng cầm tôi càng ham. Cấm đoán mãi không được, bố mẹ tôi dần chuyển sang động viên, ủng hộ niềm đam mê này của tôi.
Vũ Như Thành là một trong những gương mặt xuất sắc nhất của lứa ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.
Gia đình có truyền thống bóng đá, bố và các bác cũng là những người ham chơi bóng, là những cầu thủ nổi tiếng. Chính vì vậy tôi luôn cố gắng đá vì danh dự của gia đình.
Bố tôi có ảnh hưởng trực tiếp đến con đường đến sự nghiệp bóng đá của tôi. Tôi chơi bóng với niềm đam mê chứ không hề có suy nghĩ sau này tôi phải cố gắng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp vì ngày ấy nghề cầu thủ bấp bênh lắm, không dư giả như bây giờ.
Những ngày đầu tiếp xúc với môi trường bóng đá, chuyện hậu trường trong bóng đá phức tạp nhiều khi khiến tôi đau đầu, chán nản nhưng chưa khi nào tôi có ý định từ bỏ bóng đá để quay về đi học. Tôi tin rằng mình có tiềm năng theo đuổi con đường này. Cảm giác thích thú, hồi hộp và run sợ nhưng sung sướng khi được đá trận đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp trước hàng nghìn khán giả, đến tận bây giờ tôi cũng không bao giờ quên được.
Bị treo giò khi phong độ đang tỏa sáng…
Con đường sự nghiệp của tôi không may mắn, trắc trở lắm nên nhiều khi tôi không muốn nhắc lại, nhớ lại thì buồn. Tôi đã từng 2 lần bị kỷ luật không được thi đấu.
Lần đầu tiên là khi tôi chuyển từ đội Nam Định lên đội Thể Công. Hồi đó, tôi đang đá ở Nam Định như tự ý chuyển lên Thể Công. Việc đó khiến tôi bị kỷ luật mất hơn 1 năm không được thi đấu. Ngày đó tôi còn trẻ lắm, đã tập luyện hơn 1 năm trờ để chuẩn bị đá giải U18 nhưng cuối cùng thì không được đá. Thực sự khi đó tôi rất buồn khi mình không được thi đấu ở giải lớn như vậy.
Vũ Như Thành trong màu áo Ninh Bình.
Sau này khi lên ĐTQG thì tôi cũng lại bị kỷ luật thêm lần nữa vào tháng 11/ 2003. Đó là kỷ niệm buồn nhất trong sự nghiệp bóng đá của tôi. Tôi bị kỷ luật 5 năm không được thi đấu vì người ta nghi tôi có dính dáng đến tiêu cực, khi đó sức khỏe, phong độ của tôi đang toả sáng.
Người ta có lẽ vẫn chưa quên đến một Như Thành nhuộm tóc vàng hoe, sớm được coi là thủ lĩnh của đội Olympic Việt Nam chuẩn bị cho kỳ SEA Games 22 trên sân nhà. Và người hâm mộ ắt hẳn cũng chưa quên cái ngày Như Thành bị loại khỏi đội tuyển vì lý do “nghi vấn bán độ” ở Cúp JVC.
Trong thời gian cả đội đang gấp rút tập luyện cho SEA Games, một hôm, trước buổi tập, HLV trưởng Riedl tập hợp tất cả các cầu thủ trong đội rồi tuyên bố loại tôi ra khỏi đội tuyển vì lý do bán độ. Tôi bị nghi bán linh hồn cho quỷ dữ ở trận thua Perak tại JVC Cup 2003. Tôi suýt bật khóc khi nghe ông tuyên bố thế. Những dòng chữ trong công văn phạt cả đời này tôi sẽ không bao giờ quên được.
“Hậu vệ Vũ Như Thành đã phạm 3 tội: có biểu hiện tiêu cực và biểu hiện bán độ trong một số trận đấu của đội U23 Việt Nam; vi phạm kỷ luật và đấu pháp của đội; ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống quy chế của đội U23 Việt Nam. Hội đồng kỷ luật LĐBĐVN quyết định treo giò cầu thủ của CLB Thể Công Vũ Như Thành 5 năm”.
Tôi lủi thủi vác ba lô khỏi Nhổn, mang theo cái án phạt 5 năm và cả nỗi xấu hổ nhục nhã. Tôi thành tâm điểm của mọi lời bàn tán. Mọi người xem tôi là tội đồ, là kẻ phản bội dân tộc. Bố mẹ tôi khóc lóc nhiều lắm. Nhưng tôi không giải thích gì. Tính tôi ít nói càng khiến cho dư luận đoán già đoán non. Tôi chỉ nói với bố mẹ tôi một câu: “Con là một người lính và con không bao giờ làm điều bầy, con không có gì phải xấu hổ với lương tâm”. Dù rất buồn nhưng bố mẹ tin tôi hoàn toàn.
Trở về nhà tôi không dám gặp ai, không dám ra chỗ đồng người, không cả dám xem đội tuyển Việt Nam thi đấu trong SEA Games. Thực sự lúc đó với tôi, sự nghiệp cầu thủ đã chấm dứt rồi. 5 năm không đá bóng, tôi liệu còn có thể quay trở lại?…”
Nhà vô địch đá đủ các hạng Như Thành đã trở thành gương mặt khá thú vị khi từng chơi ở V.League trong màu áo Thể Công, B.Bình Dương, V.Ninh Bình, Hải Phòng và sau đó chơi cả hạng Nhất ở An Giang, Tây Ninh. Thậm chí trước khi giải nghệ anh đã khoác áo đội hạng Nhì Phù Đổng. Nhà vô địch AFF Suzuki Cup 2008 đã nếm đủ mọi vinh quang, thất bại ở các giải đấu quốc nội và trở thành phần lịch sử không thể tách rời của bóng đá nội.