Vũ Kỳ – “Chú tiểu đồng” của Bác Hồ
– Gần một phần tư thế kỷ làm thư ký, ông
Vũ Kỳ không chỉ là “chú tiểu đồng” của Bác Hồ mà còn tâm huyết dành trọn cuộc đời
còn lại gìn giữ và phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Kỳ, tên khai sinh là Vũ Long Chuẩn, sinh
năm 1921 ở Hương Canh, Vĩnh Phú, nguyên quán ở xã Mễ Sơn, nay là xã Nguyễn Trãi,
huyện Thường tín, Hà Tây. Ngày 28/8/1945 là ngày đưa
ông sang bước ngoặt cuộc đời khi được ông Trần Đăng Ninh dẫn đến ngôi nhà 48
Hàng Ngang – Hà Nội để nhận nhiệm vụ giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, và từ
đó trở thành thư ký thân cận cho đến khi Bác qua đời.
Ông Vũ Kỳ và Bác Hồ tháng 9/1960. Ảnh tư liệu
Một phần tư thế kỷ làm người giúp việc kiên trung, tận tụy, ông được Bác Hồ trìu mến gọi là “chú tiểu đồng”. Song một mảng sáng, một dấu ấn Vũ Kỳ đậm nét được nhắc đến nhiều sau này, đó là sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh.
Từ chối chức vụ
Ông Chu Đức Tính, giám đốc
Bảo tàng Hồ Chí Minh
kể: Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Trung ương có gợi ý bố trí công tác
cho ông Vũ Kỳ một chức vụ tương xứng trong Chính phủ, nhưng ông đã báo cáo với
Trung ương, tình nguyện được tiếp tục công việc gìn giữ các di sản của Bác Hồ để
lại. Những trang tiếp theo của cuộc đời ông gắn liền với quá trình xây dựng Lăng
Bác, sự hình thành, ra đời và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh, của hệ thống
di tích lưu niệm và các bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh trong cả nước, từ Pác Bó
đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số di tích của Người trên thế giới.
Đặc biệt, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi
lưu giữ và trưng bày tài liệu, hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh,
trung tâm nghiên cứu, giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của
Người là thành quả của cả một chặng đường dài 20 năm chuẩn bị gian nan, đầy khó
khăn và thiếu thốn. Và ông Vũ Kỳ đã dành trọn công sức nửa sau cuộc đời của mình
để chăm lo cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ
Chí Minh.
Đại tá Trần Văn Thùy, nguyên giám đốc Bảo tàng
công an nhân dân gọi Vũ Kỳ là “anh”. Ông kể câu chuyện về vị thủ trưởng thường
xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ.
“Hơn ai hết, anh Vũ Kỳ thấm thía lời dạy của Bác
Hồ: Cán bộ quyết định hết thảy”.
Đại tá Thùy kể ông từng chứng kiến ông Vũ Kỳ
trăn trở ra sao, lo lắng như thế nào khi thực trạng đội ngũ cán bộ của cơ quan
trong nửa đầu những năm 70 thế kỷ trước. Và ông đã làm cuộc lựa chọn cán bộ và
đào tạo cán bộ. Không chỉ đào tạo trong nước về lịch sử, chuyên ngành bảo tàng,
ngoại ngữ, ông còn cho gửi cán bộ ra nước ngoài học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để
nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Bà Vũ Thị Thủy, một cán bộ bảo tàng gọi ông là
“giám đốc đặc biệt nhất”. Nhớ lại chuyện cũ, bà kể:
Ngày cắt băng khánh
thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19/5/1990, cũng là ngày ông xin nghỉ
cương vị giám đốc. Sau một ngày vất vả đón tiếp đồng bào trong nước và bạn bè
quốc tế đến dự lễ khánh thành bảo tàng, ông nói với những cán bộ trẻ:
Nguyện
ước của ông đã hoàn thành. Ông trao quyền giám đốc cho một người khác, rồi trở
về Khu di tích, nơi hình bóng Bác Hồ in dấu trong suốt mấy chục năm ông được ở
bên Người. Ông lại tiếp tục công việc của mình, nghiên cứu, biên tập, ghi chép
những tài liệu, những mẩu chuyện về Bác Hồ…
Kho tư liệu sống
Cho đến ngày ông qua đời, đã có hàng ngàn trang
viết về Bác Hồ, gần một chục cuốn sách, hàng trăm bài đăng trên các báo và tạp
chí, rất nhiều cuộc nói chuyện với các tầng lớp nhân dân, với bạn bè quốc tế yêu
mến Bác Hồ.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, cán bộ bảo tàng cũng kể:
“Một điều làm ông trăn trở là không ít thông tin về Bác viết trên sách
báo những năm đó không được chính xác, có khi sai lệch, lúc lại thần thánh hóa
Bác Hồ, người đọc sẽ học tập theo Bác ra sao đây?
Ông suy nghĩ phải làm sao
để các thế hệ sau này khi tiếp xúc với các sách, báo, tài liệu viết về Bác được
tiếp nhận nhận thông tin chính xác, hiểu đúng về Bác để học tập và làm theo tấm
gương của Người”.
Ông quan niệm, việc gì dù nhỏ, có ích cố gắng
làm. Ông căn dặn cán bộ bảo tàng, nơi có thế mạnh là lưu trữ nhiều tài liệu tin
cậy về Bác Hồ, phải giúp các nơi khi họ viết về Bác. Ông yêu cầu thư viện cơ
quan phải bổ sung tất cả những sách báo viết về Bác và liên quan đến Bác. Riêng
ông có cả một tập nhật ký nhiều cuốn ghi chép lại chi tiết những ngày đi theo
Bác Hồ. Từng bước, ông mời các nhà xuất bản đến làm việc. Được gặp và làm việc
với ông – người thư ký riêng của Bác Hồ, mọi người rất phấn khởi và cho đó là
hướng đi đúng. Sau này cứ có sách viết về Bác là các nơi đều đưa đến “nhờ chỗ
anh Vũ Kỳ thẩm định giúp”. Sau này ông chuyển công việc đó, hướng dẫn cho các
cán bộ bảo tàng làm.
“Sau một thời gian xem cách chúng tôi làm, ông
cùng chúng tôi rút kinh nghiệm. Lúc ấy ông chỉ ra một nguyên tắc: Khi đọc
sách viết về Bác, trước các sự kiện cần đặt ra câu hỏi sự kiện đó có đúng không?
Có logic không? Có tác dụng giáo dục không?”.
Trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến 1988, ông
Vũ Kỳ đã giúp nhiều nhà xuất bản: Sự thật, Thanh niên,
Phụ nữ, Lao động, Kim Đồng…, các tác giả kịch, phim và các địa phương xuất bản
sách về Bác Hồ, chỉnh sửa, bổ sung nhiều tài liệu quý về Bác làm cơ sở nghiên
cứu cho đông đảo bạn đọc.
Ở tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, ông tiếp
nhận sự ra đi của mình một cách nhẹ nhàng và chủ động. Ông Chu Đức Tính kể, mùa
xuân năm 2001, khi bước vào tuổi 80, ông Vũ Kỳ nói vui với mọi người đến chúc
Tết: “Đêm qua tôi lại nằm mơ thấy Bác Hồ, Bác bảo tôi liệu mà thu xếp về với
Bác…”. Rồi ông nhắc cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tranh thủ hỏi, tranh thủ khai
thác tài liệu. Khi bị bệnh nặng, phải nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện Hữu
nghị, mỗi khi có cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tới thăm, ông không quan tâm đến
bệnh tật của mình, mà chỉ hỏi về công việc cơ quan. “Ra đi ở tuổi 84, ông vẫn
đau đáu một nỗi niềm”: Còn nhiều điều chưa kịp viết hết, chưa kịp kể hết những
câu chuyện về Bác Hồ kính yêu”.
Linh Thư