Vĩnh biệt bà Trịnh Thị Ngọ – nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại

Bà Trịnh Thị Ngọ, nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại của VOV vừa qua đời tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi.

Năm 1955, bà Trịnh Thị Ngọ bước chân vào Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của một người bạn với suy nghĩ góp phần vào chương trình phát thanh tiếng Anh mà Đài lúc đó đang rất cần.

Bản thân là con một nhà tư sản yêu nước, từ nhỏ đến lớn ở Hà Nội, bà luôn học trường Pháp và học tiếng Anh của người bản xứ. Bà yêu tiếng Anh qua âm nhạc Anh và điện ảnh Mỹ – những giá trị văn hóa không biên giới.

Vào Đài làm phát thanh viên tiếng Anh thực sự đánh dấu sự trưởng thành của bà. Ở đó, bà Ngọ bắt đầu tập thể hiện các tin bài bằng tiếng Anh – rất khác so với tiếng Anh giao tiếp, phải làm sao để người nghe hiểu được ý nghĩa của những thông điệp được truyền đi qua cách phát âm và nhấn nhá câu chữ. Đài cũng đã mời một số chuyên gia về huấn luyện cho bà và bà thừa nhận mình đã học thêm được rất nhiều từ đây.
 

Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966

Bà Ngọ nói: “Có tiếng Anh rồi thì tôi đến Đài làm việc rất thuận tiện. Nhưng phải nói bước đầu công của các chuyên gia đào tạo rất lớn. Không những đọc cho đúng giọng mà còn đọc tin ra tin, câu chuyện ra câu chuyện, bình luận ra bình luận. Những cái đó có đặc thù riêng. Cho nên có những người Việt Nam tiếng Anh rất giỏi nhưng nói người ta không hiểu, vì đọc không đúng action tonic”.
Nhiều thính giả từ các nước Đông Nam Á, các nước Bắc Âu nghe chương trình phát thanh đối ngoại bằng tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản hồi, yêu thích giọng đọc Thu Hương – Trịnh Thị Ngọ. Nhưng phải đến năm 1965, khi Cục Địch vận của Quân đội Việt Nam hợp tác với Đài làm buổi phát thanh riêng hướng tới quân nhân Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam, khi đó, giọng đọc của bà mới được quan tâm đặc biệt hơn lúc nào khác.

Ngay sau buổi phát sóng đầu tiên của chương trình, trên đài phát thanh Hoa Kỳ đã thông tin: Hà Nội cho một nữ phát thanh viên giọng ngọt ngào để ru ngủ lính Mỹ ở miền Nam. Rồi không hiểu sao phía Mỹ gọi bà là “Hana của Hà Nội”. Và cái tên Hana gắn liền với chương trình.

Chương trình ban đầu chỉ khoảng 6 phút với mục “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ”, gắn vào một chương trình lớn hơn, dần dần nâng lên thành 30 phút. Bà Ngọ tham gia biên tập và phụ trách chủ yếu phần đọc. Giọng đọc đó không chỉ đi vào lòng người bằng sự ngọt ngào, truyền cảm mà còn mạch lạc, khúc chiết phân tích những thông tin cần thiết cho quân nhân ở phía đối phương, với mong muốn họ sớm nhận ra cuộc chiến ở Việt Nam là cuộc chiến phi nghĩa, nhân dân Mỹ phản đối, từ đó có động thái thích hợp.

Sau này, nhiều nhà báo nước ngoài hỏi bà cảm thấy thế nào khi đọc những chương trình đó, bà trả lời rằng: “Khi đó tôi không thể quá thân mật vì tôi đang nói với đối phương của đất nước tôi, nhưng tôi nói một cách thuyết phục bằng chính những thông tin của chương trình, thông tin đó lấy từ chính báo chí Mỹ”.

Ông Trần Vĩnh An khi đó là Phó Ban Các chương trình Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam kể, quân nhân Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam khi đó rất mê giọng đọc của bà, mê luôn các chương trình phát thanh địch vận của ta. Ông An kể lại: “Chị Ngọ đọc những buổi phát thanh binh vận cho lính Mỹ và lúc bấy giờ báo chí Mỹ, lính Mỹ đặt cho chị ấy biệt danh là Hana. Tiếng nói của chị ấy rất có tác dụng. Chị ấy là người hiền lành, nghiêm chỉnh, đọc rất chuẩn, anh em trong Ban ai cũng mến”.

Bà Ngọ đã gắn mình với chương trình, gắn với những sự kiện của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở Đài, bà đã được gặp Bác Hồ vào một buổi tối, Bác bất ngờ đến thăm các cán bộ nhân viên làm việc đêm.

Ở Đài, bà đã nghẹn ngào, xúc động khi nhìn từ cửa phòng thu ra thấy rõ ràng một chiếc máy bay Mỹ bổ nhào vì trúng tên lửa của ta trong những ngày Hà Nội bị ném bom năm 1972. Ở Đài, bà đã cùng mọi người đi sơ tán để bảo toàn làn sóng…Tất cả trở thành những dấu ấn, những kỷ niệm không bao giờ phai trong tâm trí của bà. Nhưng vui và xúc động hơn cả là ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi bà đọc tin chiến thắng. Dường như tất cả những nỗ lực, những hy sinh của cả dân tộc đã được đền đáp bằng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó có sự góp phần của Đài, của những phát thanh viên như bà.

Bà Ngọ cho biết: “Bản tin Tiếng Anh phát vào lúc 5h chiều. Hôm đó, đó là bản tin đầu tiên phát đi nước ngoài tin chiến thắng. Tôi là người đọc, vào trong phòng thu đọc thẳng luôn. Mọi hôm thì đọc thu vào để phát đi phát lại, còn hôm đó là đọc tin thẳng luôn. Tôi đọc là: Sài Gòn đã được giải phóng, miền Nam đã được giải phóng hoàn toàn. Tôi rất vui, đọc tin chiến thắng mà”.

Miền Nam giải phóng, năm 1976, vì lý do gia đình, bà Trịnh Thị Ngọ chuyển công tác khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam sau 21 năm làm việc. Vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, bà vẫn tiếp khách đến thăm và hỏi chuyện về Đài, về giọng đọc Hana. Phần đông trong số đó là phóng viên trong và ngoài nước.
 

Bà Trịnh Thị Ngọ – ảnh chụp tháng 9/2015 (Ảnh: Minh Hạnh)

Tiếp xúc với bà, mọi người dễ dàng nhận thấy sự kiên định, mạnh mẽ ẩn trong sự dịu dàng, nhẹ nhàng rất Việt Nam, điều đó đã thể hiện trong chính giọng đọc của bà. Đi qua thời thanh xuân với vẻ đẹp rạng ngời và điều kiện gia đình khá giả, nhiều cơ hội việc làm đỡ vất vả hơn, nhưng đến tận bây giờ, bà Ngọ vẫn khẳng định, chọn vào làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam là một quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời.

Bà Ngọ nói: “Đọc tiếng Anh là một niềm đam mê. Và sau đó, tôi cảm thấy qua những buổi phát thanh mà mình được trực tiếp đọc thì tôi đã chọn đúng nghề. Mình yêu thích và nghề đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Tôi có viết trong một hồi ký của Đài là : Nếu như có một đời thứ 2, thì tôi vẫn chọn làm phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam”.

Có thể nói, trong lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, những giọng đọc như bà Trịnh Thị Ngọ – Thu Hương – Hana không chỉ góp phần làm nên sức mạnh của truyền thông, của phát thanh mà còn góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè năm châu thêm yêu mến vả cảm phục Việt Nam./. 

Rate this post