“Việt Nam tôi đâu?” – Án tù cho nghệ sĩ
Vào đêm 31 tháng 10 vừa rồi, cảnh “ma, quỷ lộ hình” Halloween lại tái diễn ở các nước Phương Tây – và ở cả Việt Nam.
Ai là kẻ thua cuộc?
Trong khi đây chỉ là lễ hội truyền thống đeo mặt nạ “ma quỷ về đêm” của phương Tây, thì tác giả Cù Huy Hà Bảo, qua bài tựa đề “Những con ma không mặt nạ”, mô tả:
Chẳng phải đợi Halloween gì hết
Đất nước tôi ma quỉ hét hàng ngày
Ba triệu thằng không mặt nạ hăng say
Chuyên hút máu của dân gầy, nghèo khổ
Chúng là kẻ chuyên quyền luôn bắt bớ
Nhằm răn đe tuổi trẻ chống Việt gian
Nhưng hôm nay tuổi trẻ rất khôn ngoan
Không thể cản trái tim không biết sợ
…
Những ‘trái tim không biết sợ” của tuổi trẻ hôm nay ấy – từ các nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình vừa bị án tù nặng nề chỉ vì lòng ái quốc cho tới sinh viên hãy còn mang nét hồn nhiên, vô tư Nguyễn Phương Uyên “rất ghét Trung Quốc” – đã làm cảm kích nhân tâm, đồng thời – nói theo lời blogger Nguyễn Hưng Quốc, “…tô đậm tính chất độc tài và tàn bạo của chính quyền (trong nước)”.
Qua bài “Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?”, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét rằng Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có lẽ “an nhiên” nhận những bản án nhiều năm ấy cho những bài hát vốn phản ảnh thực trạng VN, chứ họ không hề là “thù địch, chống phá gì đó” như những quan toà “không rõ mặt” đã áp đặt. Nhạc sĩ Tuấn Khanh tự hỏi “không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không?” – những bài hát đã “vụt nổi tiếng” thêm nữa sau nhát búa của phiên toà với “án bỏ túi”.
Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh khẳng định về trường hợp của các nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình:
“Những con người đó không làm chính trị. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội theo cảm nhận nghệ sĩ của mình. Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó. Chà đạp và từ chối quyền đó cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.”
Khi phân tích về “Chiến thắng của những kẻ yếu đuối”, blogger Nguyễn Hưng Quốc đặc biệt bày tỏ quan ngại cho số phận của sinh viên Nguyễn Phương Uyên “nhỏ nhắn, yếu đuối, hồn nhiên và còn vô tư lắm” nhưng đã ý thức rõ hiểm hoạ phương Bắc nên “ghét TQ”. GS Nguyễn Hưng Quốc lo âu:
“Chưa biết chính quyền Việt Nam sẽ đối xử với Nguyễn Phương Uyên như thế nào. Chỉ biết là, từ mấy tuần vừa qua, vụ bắt bớ một nữ sinh nhỏ nhắn, hiền lành như thế đã gây chấn động dư luận. Vào Internet, thấy ở đâu người ta cũng bàn luận. Ở đây, nổi bật lên hai hình ảnh đối nghịch: một mặt, cô gái còn trẻ măng, đeo kính cận, mắt sáng và nụ cười hiền, không làm gì khác ngoài việc bày tỏ thái độ chán ghét Trung Quốc; mặt khác, hình ảnh công an hành xử như những tên côn đồ: chúng ập vào nhà trọ bắt em rồi chối biến là không biết gì về vụ bắt bớ ấy cả.”
GS Nguyễn Hưng Quốc nhân tiện lưu ý rằng lâu nay ai cũng biết giới cầm quyền VN độc tài và tàn bạo vốn thể hiện qua những hành động ngày càng đáng ngại như thẳng tay đàn áp biểu tình, cưỡng chiếm đất đai, xét xử bỏ tù những người đấu tranh cho tự do hoặc phản đối TQ xâm lược, từ vụ Cù Huy Hà Vũ, các nhà báo tự do Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải cho tới nhạc sĩ Việt Khang, sinh viên Nguyễn Phương Uyên.
Và GS Nguyễn Hưng Quốc khẳng định: “Ít nhất dưới mắt dư luận, trong cũng như ngoài nước, với người Việt Nam cũng như người ngoại quốc, kẻ thua cuộc vẫn là nhà cầm quyền.”
Qua bài “Con đường lương tâm”, tác giả Trần Quốc Việt lưu ý rằng “Trong chế độ toàn trị, nơi bạo lực và dối trá ngự trị thì tự do ngôn luận là điều không tưởng. Cho nên nói lên sự thật, trước tiên, là một hành động can đảm”. Tác giả nhận xét:
“Khi Việt Khang viết “chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam” và “bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào”, anh đã đánh thẳng vào thành trì của quyền lực, vào lực lượng thanh kiếm và lá chắn ra sức bảo vệ thành trì ấy. Mọi người ai ai cũng có thể nói ra những điều như thế hoặc hơn thế nữa ở chốn riêng tư, nhưng anh là người đầu tiên nói ra một cách công khai qua âm nhạc. Bằng hai bản nhạc bất hủ chưa từng có này, Việt Khang đã khắc tên anh trong lòng hàng triệu người Việt trong và ngoài nước.”
Lịch sử sẽ phán xét
3 blogger Anhba Saigon, Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần tại TAND TPHCM hôm 24/9/2012
3 blogger Anhba Saigon, Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần tại TAND TPHCM hôm 24/9/2012
Tác giả khẳng định rằng những người như Việt Khang “đã nhìn thật sâu vào tâm hồn của mình để vượt qua được sự sợ hãi”, mà “can đảm là phía bên kia của bức tường sợ hãi” trong khi “sau lưng họ là bức tường đổ nát, trước mắt họ là ánh sáng soi đường của lương tâm”. Và họ chỉ theo con đường lương tâm ấy. Tác giả Trần Quốc Việt tin rằng:
“… như cơn gió đưa hương thơm của hoa đi xa, ngày họ vào tù là ngày họ đã gieo những hạt giống hy vọng và can đảm trong lòng những người ở bên ngoài. Trong những hạt giống rơi xuống lòng nhiều người ấy sẽ có những hạt giống sống được để ươm mầm can đảm cho những người khác tiếp tục đi trên con đường chung đã chọn của nhiều thế hệ.”
Blogger Osin Huy Đức “đã nghe lại” 2 bài hát “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai” của nhạc sĩ Việt Khang sau khi toà tuyên bố 4 năm tù giam đối với Việt Khang và 6 năm tù tội đối với đồng nghiệp Trần Vũ Anh Bình, rồi nhận xét rằng “Ở thời điểm khi hai bài hát này ra đời tôi tin đó là “nỗi lòng” của Việt Khang trước việc ‘Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông’… Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải nhớ, nay anh có thể nấp sau một tổ chức để bất chấp luật pháp nhưng ngày mai thì lịch sử sẽ buộc các anh phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phán quyết của ngày hôm nay.”
Blogger Quê Choa thì “không tin bất kì một phán xét nào của toà nếu như phiên toà đó diễn ra thiếu minh bạch”. Và blogger Quê Choa lưu ý rằng “Sự thiếu minh bạch của phiên tòa chỉ xảy ra khi mấy ông quan tòa không có lý do chính đáng để kết tội một công dân yêu nước. Đó là một điều chắc chắn”.
Qua bài “ ‘Việt nam tôi đâu ?’: Câu hỏi của nhiều thế hệ”, nhà văn Trần Trung Đạo nhận thấy bài hát “Việt Nam tôi đâu” của Việt Khang hiện đã trở thành “khẩu hiệu cho tuổi trẻ trong và ngoài nước”, và “không phải người đi xa mới thấm thía nỗi đau của kẻ thiếu quê hương mà cả những người đang sống trên đất nước vẫn đi tìm kiếm quê hương. Và quê hương chúng tôi đang tìm kiếm, không chỉ là núi đồi, sông biển, ruộng vườn, cây trái nhưng là một quê hương có khối óc tự do, có tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có đôi chân tiến về phía trước và đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt Nam”.
Nhà văn Trần Trung Đạo nhận xét:
“Dân tộc nào cũng có thể phải trải qua những chặng đường đau thương gian khổ,nhưng Việt Nam có thể nói là một trong số rất ít quốc gia mà sự chịu đựng kéo dài qua nhiều thế hệ...Bài hát “Việt Nam tôi đâu” của Việt Khang là tiếng chuông đánh thức hồn thiêng sông núi đang ngủ quên trong lòng người. Ngọn đuốc Việt Khang thắp lên soi sáng con đường đi về phía trước.”
Bài hát “Việt Nam tôi đâu” của Việt Khang là tiếng chuông đánh thức hồn thiêng sông núi đang ngủ quên trong lòng người. Ngọn đuốc Việt Khang thắp lên soi sáng con đường đi về phía trước.
Nhà văn Trần Trung Đạo
Vẫn theo tác giả, thì “Hơn nửa đời người trôi qua, tiếng thét vẫn còn vang vọng qua bài hát của nhạc sĩ Việt Khang “Việt Nam tôi đâu”:
Viêt Nam ơi
Thời gian quá nửa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian.
Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất
Mà giặc tàu ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa, đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc tàu
Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
Người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi
Từng đoàn người đi chẳng nệ chi
Già trẻ gái trai giơ cao tay
Chống quân xâm lược
Chống quân nhu nhược
Bán nước Việt Nam
Việt Nam tôi đâu
Việt Nam tôi đâu…
Theo dòng thời sự: