“Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

QĐND – Hoa sen rất gần gũi với mỗi người dân Việt. Sen tượng trưng cho vẻ đẹp đồng quê mà tươi sáng, thuần khiết và cao sang. Là người Việt Nam, ai cũng thuộc câu ca dao:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Người Việt Nam từ bao đời nay đã biết, đã quen thân với sen. Bao nhiêu thế hệ đã tốn nhiều giấy mực để ngợi ca vẻ đẹp tao nhã và nồng nàn của hoa sen. Sen đã thành biểu tượng của cái đẹp, cái linh thiêng được khắc họa trong văn chương nghệ thuật. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã hàng chục lần nói tới “sen” như một biểu tượng của người đẹp, cái đẹp. Rồi trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, trong các tác phẩm thi ca nhạc họa của mọi thời… hoa sen xuất hiện nhiều lắm. Từ Bắc vào Nam, sen có mặt khắp mọi nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người như lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước… Sen được coi như quốc hoa của Việt Nam. Với những bậc tu hành, với đông đảo các phật tử, với các nhà nho xưa và với những văn nghệ sĩ hôm nay cùng đông đảo nhân dân, sen luôn đồng nghĩa với sự cao sang, lòng tôn kính, đức hiếu đễ. Sen luôn đi cùng với các đấng Tiên, Phật, các bậc bề trên như ông bà cha mẹ. Với các bậc vĩ nhân, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng vậy. Bởi thế nên có câu ca dao:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Câu ca dao nổi tiếng ấy từ mấy mươi năm nay đã là của dân gian, đã thuộc về nhân dân. Thế nhưng ít ai biết nó là của một người cách mạng, một nhà thơ có tên Bảo Định Giang (1919-2005)!

Viết về Đảng, về Bác Hồ luôn là niềm vui, niềm ao ước đối với nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt với nhà thơ Nam Bộ này. Có lần ông tâm sự, cứ mỗi năm ngày 3-2 – Ngày thành lập Đảng và ngày 19-5 – Ngày sinh của Bác Hồ và mỗi dịp Tết đến Xuân về là ông lại khôn nguôi nhớ Bác, nhớ những đồng chí của ông và trong ông lại chợt hiện những vần thơ. Câu ca dao “Tháp Mười đẹp nhất bông sen…” được Bảo Định Giang sáng tác cách nay đã gần trọn 70 năm. Dạo ấy là mùa hè năm 1947, khi ông còn ở tuổi 20, đang phục vụ trong Đoàn võ trang tuyên truyền Nam Bộ. Trong cuốn hồi ký “Cuộc sống tinh thần nhớ lại”, ông kể: Sau lần gặp đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, được đồng chí căn dặn nhiều điều, trong đó có việc phải nói rõ cho đồng bào biết về Cụ Hồ mà trước đó, chính nhà thơ cũng mới chỉ biết được rất ít, ông đã viết được nhiều vở kịch, nhiều bài ca dao về vị Cha già dân tộc Hồ Chí Minh để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Ông đã viết những câu:

Học gương ông Đốc binh Kiều

Đứng lên kháng chiến về theo Cụ Hồ

Và:

Người thường cực khổ đôi ba

Cụ Hồ cực khổ tính ra đến mười…

Cụ Hồ của chúng con ơi!

Bao giờ Cụ mới thảnh thơi bằng người?

Chúng con ở bốn phương trời

Quay về hướng Cụ muôn lời ước mong

Về trường hợp sáng tác bài ca dao Tháp Mười đẹp nhất bông sen, nhà thơ cho biết: Đồng Tháp nổi tiếng với những đồng sen mênh mông; đặc biệt, có những địa phương như Tam Nông, Cao Lãnh… chỉ trồng độc nhất cây sen. Ở đây, có nhiều loại hoa sen, đủ các sắc màu, nhưng nhiều nhất là sen hồng. Vào mùa nước nổi, khoảng tháng 8 đến tháng 11 hằng năm, xứ sen Đồng Tháp như một chốn bồng lai… Nhà thơ kể: “Có một hôm, tại nhà một bà cụ nông dân, sáng dậy sớm, tôi ra ngồi trên chiếc võng quấn thuốc hút, để mắt phóng ra cánh đồng sau nhà. Mặt trời vừa hé mọc. Trước mắt tôi hiện ra một cánh đồng sen bát ngát. Hàng nghìn hàng vạn đóa sen hồng đong đưa trong gió sớm sao mà đẹp khác thường. Lòng tôi bỗng dấy lên một sự rạo rực khó tả trước cảnh vật bất chợt, tình cờ, tôi ngẫu hứng ngâm khe khẽ:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ

Bông sen dành để lễ chùa

Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm

Bài thơ đó sau này được truyền tụng, được in và phổ biến trong khắp vùng Đồng Tháp Mười. Và năm sau, năm 1948, tôi có gởi phái đoàn anh Trần Văn Trà ra tặng Trung ương Đảng một tập ca dao chép tay, trong tập có bài thơ ấy. Có một điều rất thú vị là nhiều nơi hồi đó, kể cả Việt Bắc, khi đăng báo bài thơ người ta đã lược bỏ hai câu cuối. Cho đến nay, nhiều nơi chỉ nhắc tới hai câu đầu coi như đã gọn và đầy đủ ý nghĩa. Ca dao xưa đã vậy mà nay vẫn vậy. Nó sống được tốt lên thêm là do đông bàn tay chăm sóc và mọi người đều có quyền sửa chữa, thêm bớt cho đến lúc viên mãn mới thôi”. Đúng như lời tâm sự của nhà thơ. Bài ca dao của ông được hoài thai trên đất Tháp Mười, trải hơn nửa thế kỷ nó đã thuộc về dân gian, đã thành thơ dân gian, của mọi nhà, của mọi người:

Tháp Mười đẹp nhất hoa sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Năm 1989, Bảo Định Giang in một tập thơ riêng về đề tài Bác Hồ với tựa đề Mây trắng Bến Nhà Rồng nhân kỷ niệm 20 năm Bác đi xa, vài năm sau ông xuất bản tập Trong mỗi trái tim – một tập thơ văn mà ông gọi là một nén tâm nhang tưởng nhớ Bác cùng với lời nguyện ước “mãi mãi đi theo Người”.

Cùng với hai tập thơ trên, năm 1991, Bảo Định Giang có tập thơ tựa đề Đảng lời nguyền. Tập sách gồm hơn 20 bài thơ viết về Đảng, về Bác và về những đồng chí trung kiên; đặc biệt là những cán bộ, đảng viên của mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Sinh thời, khi nói về tập thơ dâng Đảng đặc sắc này, nhà thơ bộc bạch: Khi ông viết về Bác cũng là viết về Đảng và khi viết về Đảng cũng là lúc ông nghĩ về Bác. Ông viết:

Trải qua trên nửa thế kỷ

Trong máu lửa Đảng ta là dũng sĩ

Giữa những ngang trái cuộc đời, Đảng ta là chân lý

Bác Hồ đã đi xa…

Nhớ Bác: “Khó khăn nào cũng vượt qua,

kẻ thù nào cũng đánh thắng”

Sức mạnh của lòng dân làm nên sức Đảng

(Bài Làm nên sức Đảng)

Và với nhà thơ, Đảng, Bác và nhân dân luôn gắn bó mật thiết với nhau. Ý Đảng, lòng dân khi đã gặp nhau thì không có một sức mạnh nào có thể sánh nổi:

Ta trong Đảng, Đảng trong ta

Một dòng máu nóng tim hòa máu tim

… Đẹp dân, đẹp Đảng, đẹp mình

Còn nghèo cơm áo giàu tình nước non

(Bài Đẹp dân, đẹp Đảng, đẹp mình)

Nhà thơ ví Đảng, Bác như vầng mặt trời soi sáng con đường đi lên của dân tộc, và ông dặn lại cháu con:

Mai sau con lớn nên người

Chớ quên con nhé… mặt trời hôm nay!

Biết bao ơn Đảng, công thày

Nghĩa kia càng đậm tình này càng sâu

(Bài Ơn Đảng, công thày)

Đọc Đảng lời nguyền, người đọc gặp lại một giọng điệu, một phong cách rất Bảo Định Giang, rất dân gian, thật Nam Bộ. Giản dị mà chan chứa tình son sắt, thủy chung với dân với nước, với Đảng và với Bác:

Bác đi Bác đã đi rồi

Mực còn đậm nét những lời Bác khuyên

(Bài Đêm xuân lặng nhìn ảnh Bác)

Hoặc:

Ru êm gió mát Tây Hồ lại

Nhớ thuở ra đi… một tiếng còi

(Chùm thơ mừng năm mới)

Chỉ bằng mấy vần như vậy, Bảo Định Giang đã vừa khắc họa được cuộc đời cách mạng vì dân vì nước của Bác-vị lãnh tụ kính yêu của Đảng, của dân tộc, vừa diễn tả được tấm lòng của mỗi người dân đất Việt hôm qua hôm nay với Người. Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, chỉ có tiếng còi tàu biệt ly da diết buồn thương… Hôm nay, đã hơn 100 năm sau chuyến đi lịch sử từ Bến Nhà Rồng ấy của Bác, đất nước đã “độc lập tự do hạnh phúc”, non sông đã liền một dải và ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
NGÔ VĨNH BÌNH

Rate this post