Về nhà mẹ Suốt bên bờ sông xanh
Chiều thu, chúng tôi qua sông Nhật Lệ tìm về bán đảo Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình thăm nhà mẹ Suốt. Không biết tự khi nào, nữ Anh hùng Nguyễn Thị Suốt được người dân cả nước gọi với tên thân thương là mẹ Suốt.
Nhà mẹ Suốt nằm cạnh bờ sông Nhật Lệ, giờ là nơi cháu nội ở và khói nhang cho mẹ cùng những người thân đã mất. Câu chuyện về cuộc đời mẹ Suốt, về người chèo đò cùng mẹ năm nao, cũng như những nốt thăng trầm về cuộc đời những người con cháu của mẹ đang vất vả mưu sinh gợi cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc.
“Một tay lái chiếc đò ngang…”
Từ lâu, một số sách báo đã viết sai về quê hương, nơi mẹ Suốt sinh ra và lớn lên; viết sai cả họ, số người con của mẹ; thậm chí, một số người còn phóng tác hoàn cảnh ra đời bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu. Điều này thực sự đã làm phân vân không ít bạn đọc khi muốn tìm hiểu về mẹ Suốt, đặc biệt là các thầy cô giáo và học sinh phổ thông…
Gần 30 năm nay, chị Trần Thị Huệ, con gái mẹ Suốt, bán dưa, cà muối ở góc chợ Đồng Hới, Quảng Bình. Người ta bảo chị là người thường có mặt sớm nhất ở ngôi chợ này. Một năm có bốn mùa nhưng mặt hàng chị Huệ bán thì vẫn chỉ có vậy, một xô dưa cải muối, xô măng chua. Nhiều người làng Bảo Ninh nói, nhìn chị Huệ sao thì mẹ Suốt vậy, khuôn mặt chị giống mẹ như hai giọt nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi, động viên Anh hùng Nguyễn Thị Suốt.
Chị Huệ bảo: “Tui may mắn là mỗi ngày ngồi bán hàng ở ngôi chợ ngay cạnh tượng đài mẹ mình. Sáng đến sớm, chiều về muộn, ít nhất là ngày 2 lần tui đi qua nhìn thấy tượng mẹ mình. Nhiều khi nghĩ về mẹ mà thấy quá thương và nhớ”.
Mẹ Suốt tên đầy đủ là Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906, quê làng Trung Bính, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Ngồi bên bàn thờ mẹ Suốt với anh Trần Huy, cháu nội mẹ, chúng tôi được nghe về những người con cháu của mẹ đang sinh sống ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Con trai mẹ Suốt là anh Trần Hùng đã mất cuối năm 2009. Ba người con gái của mẹ hiện đang sinh sống ở thành phố Đồng Hới. Con gái đầu là chị Trần Thị Thái, thứ hai là chị Trần Thị Loan, chị Huệ thứ ba và con trai út là anh Trần Hùng.
Bước sang năm 1964, Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc. Để vào miền Nam chiến đấu, khi qua đất Quảng Bình, bộ đội chỉ có 2 con đường, một là đường Trường Sơn, hai là qua sông Nhật Lệ. Mặc dù đã bước sang tuổi 60 nhưng mẹ Suốt vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ, mặc cho mưa bom, bão đạn gầm rú suốt ngày đêm ở trên đầu.
Ngày 4/11/1965, nhà thơ Tố Hữu, lúc đó là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đến Đồng Hới, Quảng Bình. Sau khi có cuộc nói chuyện với mẹ Suốt, nhà thơ đã sáng tác bài thơ nổi tiếng mang tên “Mẹ Suốt”.
Chị Thái, chị Huệ kể: “Mẹ tui có đọc được bài thơ, bà xúc động và khóc dữ lắm. Sau khi được đi dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua về (1966), mẹ càng tích cực hơn. Nhiều hôm tàu bay giặc bắn từ sáng đến tối, mẹ vẫn cương quyết chèo đò, mẹ bảo các chú bộ đội ngồi thụp xuống thuyền, còn mẹ vừa nhìn lên trời ngóng máy bay, vừa chèo”.
Với những chiến công của mẹ, ngày 1/1/1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước. Trong một lần tham gia vận chuyển lương thực, mẹ Suốt hy sinh sau loạt bom bi của địch, đó là ngày 21/8/1968.
Ghi nhớ công ơn của mẹ, năm 1980, tượng đài mẹ Suốt được tỉnh Quảng Bình xây dựng ngay tại bến đò ngày xưa mẹ từng “Một tay lái chiếc đò ngang”. Tượng cao 7m (tính cả bệ), khuôn mặt hướng ra sông Nhật Lệ, cách bến đò xưa hơn 50m.
Đây là địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách gần xa khi đến với Quảng Bình. Bên cạnh tượng đài mẹ Suốt là chợ Đồng Hới, nơi chị Nguyễn Thị Huệ đã gần 70 tuổi vẫn phải còng lưng đều đặn hằng ngày bán quầy mắm muối, dưa cà mưu sinh.
Cả 4 người con của mẹ Suốt có cuộc sống tương đối vất vả. Chị Thái có 3 người con làm nghề đi biển, chị thường xuyên nay ốm mai đau. Còn chị Loan giờ giữ trẻ nhỏ ở nhà. Anh Hùng có 3 cháu, cháu đầu Trần Thị Hạnh làm nghề thợ may, cháu thứ hai Trần Anh Dũng làm nghề mộc và út là Trần Huy đang mở quán sửa chữa điện thoại trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới…
Chuyện sau cuộc đời mẹ Suốt
Biết hoàn cảnh con trai mẹ Suốt vất vả, nhằm giúp con cháu mẹ thêm để sửa sang nơi thờ phụng mẹ, năm 2007, Báo Công an nhân dân – Chuyên đề An ninh thế giới đã trao tặng gia đình anh Trần Hùng 30 triệu đồng. Giờ đây, cuộc sống xã hội ngày một đổi thay, chúng tôi vui mừng khi chứng kiến cháu nội mẹ là anh Dũng, anh Huy đã làm được nhà cửa khang trang. Huy dành một phòng riêng làm nơi thờ phụng mẹ Suốt rất ấm cúng, trên tường treo các phần thường mà Đảng, Nhà nước phong tặng cho mẹ.
Cách đây không lâu, chúng tôi có ra mộ mẹ Suốt thắp hương ở đồi cát gần nhà. Huy bảo, mới đây thành phố san mặt bằng tạo quỹ đất nên phần mộ mẹ Suốt được di dời lên nghĩa địa xã Bảo Ninh. Nhiều lần xã ngỏ ý đưa mộ mẹ vào nghĩa trang liệt sĩ nhưng gia đình xin để gần các phần mộ gia tộc để cùng nhang khói.
Mẹ Suốt (thứ 4 từ trái sang) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu dự Hội nghị Anh hùng, chiến sĩ thi đua năm 1966 ở Hà Nội.
Khi tìm hiểu để viết bài về cuộc đời mẹ Suốt, chúng tôi được biết còn có một người từng chèo đò cùng mẹ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong dịp kỷ niệm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi may mắn được xem những thước phim tư liệu lịch sử quý giá do Xưởng phim tư liệu Quân đội nhân dân sản xuất tháng 4-1965 với tiêu đề “Mỹ muốn chơi với lửa, Mỹ sẽ thiêu thân” và bộ phim “Việt Nam” của các nhà làm phim Nhật Bản.
Trong những thước phim tư liệu về hình ảnh mẹ Suốt anh hùng cùng với một thanh niên đội mưa, vạch bom đạn do hải quân, không quân Mỹ bắn phá để chở bộ đội qua sông Nhật Lệ. Nhiều lần tôi tự hỏi, người chèo đò với mẹ Suốt là ai? Cuối cùng, qua nhiều nhân chứng lịch sử và cả những thước phim, chúng tôi biết được, người thanh niên chèo đò với mẹ Suốt là ông Lại Tấn Chuyên ở làng Trung Bính, Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Bước sang năm 1964, giặc Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc. Quảng Bình trở thành tuyến lửa vì là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Là thanh niên khỏe mạnh, nên Lại Tấn Chuyên được chọn vào đội “Ba phòng” do công an xã tổ chức để làm nhiệm vụ: Phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn.
Chàng trai trẻ Lại Tấn Chuyên lúc đó được chính quyền xã giao nhiệm vụ xuống bến cùng mẹ Nguyễn Thị Suốt chèo đò để đưa đón bộ đội qua sông vào chiến trường đánh giặc. Lúc này mẹ Suốt tuổi đã tương đối cao, chiếc đò lại lớn, sông Nhật Lệ thẳng dốc chảy mạnh nên một mình mẹ không thể suốt ngày đánh vật với đò ngang.
Mẹ Suốt cầm lái, thanh niên Lại Tấn Chuyên cầm phách, hai người đã đội mưa bom bão đạn để đưa những chuyến đò cập bến an toàn. Sau một thời gian chèo đò cùng mẹ Suốt, chiến trường Quảng Bình ngày càng ác liệt, Lại Tấn Chuyên được cấp trên chọn lên đường vào TNXP phục vụ trên tuyến lửa đường 16 và đường 20 Quyết Thắng thuộc cung đường Trường Sơn. Sau đó anh bị thương, được đưa ra miền Bắc chữa trị. Vết thương lành, Lại Tấn Chuyên được điều động về Cục Xăng dầu của Đoàn 559, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn dân công làm ống nối xăng dầu từ Vinh vào phà Linh Cảm. Đến năm 1975, đất nước hòa bình, Lại Tấn Chuyên rời quân ngũ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến nay ông Lại Tấn Chuyên chưa được đãi ngộ một cách xứng đáng với công lao cống hiến của ông…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quê hương mẹ Suốt ở Bảo Ninh gần như bị bom đạn giặc san phẳng. Giờ đây, đường về nhà mẹ Suốt không còn phải qua đò, cầu Nhật Lệ đã nối liền đôi bờ làm đổi thay một vùng quê. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư xây dựng Bảo Ninh trở thành trung tâm du lịch biển của tỉnh với số vốn đầu tư lên đến hơn ngàn tỷ đồng. Vùng du lịch biển Bảo Ninh sẽ được quy hoạch có diện tích 585 ha. Không gian đô thị mới này sẽ được phát triển với chiều dài khoảng 5.000m, rộng 150 đến 200m, từ mép nước biển vào, tại khu du lịch này tỉnh Quảng Bình sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng…