Về làng diều sáo nổi tiếng bậc nhất Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) –
Mùa Hè vốn là mùa chơi diều, cùng về làng Đại Trà, xã Đông Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng
là nơi nổi tiếng cả nước về thú chơi diều.
Năm ngoái, chiếc diều của làng Đại Trà từng được sách kỷ lục Việt Nam xác nhận: “Bộ sáo ầm có nhiều sáo nhất Việt Nam”. Ngược Quốc lộ 5, chúng tôi tới
Hải Phòng để “mục sở thị” thú làm và chơi diều của ngôi làng này.
Thú chơi của làng
Từ Hải Phòng xuôi về phía biển chúng tôi tìm đến Đại Trà – một làng của xã Đông Phương (Kiến Thụy) vào một buổi chiều nắng như thiêu, như đốt của mùa Hè. Ấy vậy mà người già, trẻ nhỏ nơi đây vẫn đầu trần, chân đất háo hức ra đồng với những con diều.
Khi nói về xuất xứ của nghề chơi diều nơi đây, không ai nhớ nổi nó đã có từ khi nào và họ cho rằng nghề chơi diều ở đây bắt nguồn từ ông Trần Quốc Thi, thành hoàng làng Đại Trà là người khai sinh, lập ấp khởi xướng việc làm sáo diều vào khoảng thế kỷ thứ XIII.
Diều của làng Đại Trà thường rất to so với diều của các vùng khác. Ông Nguyễn Văn Nheo cho biết: “Làng chúng tôi chơi diều, cốt là để nghe tiếng sáo. Cho nên cánh diều thường làm rất to nó mới có sức để nâng bộ sáo bay lên”. Cũng theo ông ngày trước còn có người chơi diều với những cánh diều rộng bằng cả gian nhà cùng với cây sáo to gần bằng cây cột nhà.
Diều sáo tại làng Đại Trà đã trở thành một thứ nhạc cụ dân gian, bộ sáo đã thành thứ gia bảo được nâng niu giữ gìn của người làm sáo. Hiện nay nhiều nghệ nhân làm sáo diều không phải chỉ để thoải ý thích, mà nhiều người đã sống nhờ vào nghề này. Nhiều người ở xa đã tìm đến vùng đất này để mong kiếm được cho mình một bộ diều sáo về chơi hay đơn giản chỉ để làm quà lưu niệm.
Nhưng diều sáo khác với các thứ hàng hóa khác. Không phải bộ sáo nào làm ra đều được mang đi bán cả. Vì họ làm sáo hầu như chỉ để tự mình thưởng thức là chính. Nếu vì một lý do nào đó mà các nghệ nhân phải bán đi bộ diều sáo thì còn tiếc hơn mất cả của quý ở trong nhà.
Theo ông Nheo, để làm được một bộ sáo không phải khó, chỉ mất độ chục ngày là có thể làm xong. Nhưng có khi phải làm hàng chục bộ may ra mới tìm được một bộ thực sự ưng ý. Thậm chí cũng có những người làm sáo cả đời mới tìm được một bộ mà họ thực sự thấy hài lòng.
Người giữ lửa cho làng nghề diều sáo Đại Trà
Hiện làng Đại Trà có khoảng độ chục người biết làm sáo, nhưng thực sự am hiểu về sáo thì không đủ đếm trên đầu ngón tay. Những người biết chơi diều sáo ở ngôi làng này phải kể đến ông Nguyễn Văn Lộc. Một người chơi diều sáo được gọi là bậc thầy ở làng.
Ông vốn là người có học, có hiểu biết về quy tắc trong âm nhạc lại được thừa hưởng tay nghề làm sáo từ dòng họ. Yêu sáo, say mê làm sáo như ông bây giờ cũng thật hiếm có. Cùng với cậu con trai ông có thể làm sáo đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Với cương vị Bí thư Đảng ủy xã, sau những giờ làm việc mệt mỏi, về đến nhà ông Lộc lại vùi mình với niềm đam mê riêng.
Hiện nay nhà ông đang lưu giữ khá nhiều bộ sáo quý hiếm, có bộ được làm từ sừng con trâu vô địch tại một hội chọi trâu ở Đồ Sơn. Chỉ tay vào bộ sáo, ông nói “đã từng có người trả tôi tới 5 triệu để mua bộ sáo đó nhưng tôi không bán, tôi bảo để nhà chơi”. Ông cho biết thêm, mỗi bộ sáo làm ra có giá ít nhất từ 2 triệu và hiện ông cũng có những bộ sáo người mua trả đến cả chục triệu mà ông vẫn chưa muốn bán.
Bí kíp sáo diều
Khi nói về kỹ thuật làm sáo ông chỉ vào bộ dụng cụ xếp đầy một gốc nhà và nói “trước các cụ làm sáo chỉ cần có cái đục và con dao nhọn, nhưng ngày nay làm sáo còn cầu kỳ hơn nhiều”. Cũng theo ông để làm được một cây sáo có các vật liệu như cây Mai, Vầu, Giang nhưng thường dùng hơn là cây Dùng già hay trồng ở vườn. Nếu may mắn kiếm được đoạn ống tre mà kiến làm tổ trong ống tạo nên độ sần sùi thì sáo sẽ cứng cáp, không bị vỡ cũng như sẽ dễ lấy tiếng sáo hơn so với các loại khác.
Còn làm miệng sáo thì cần phải chọn các cây gỗ có dạng xoắn thớ như mít vườn có độ tuổi từ 30 năm trở lên để có lõi to, già mới đảm bảo vừa dai, vừa rắn để khi đục, đẽo không bị vỡ. Bên cạnh đó, cây mít vườn còn có ưu điểm là nhẹ nên được dùng nhiều. Ngoài ra, người ta cũng có thể dùng gỗ Sến, thậm chí có những người cầu kỳ hơn nữa làm miệng sáo bằng sừng trâu.
Nhìn vào bộ sưu tập của mình, ông Lộc chia sẻ “dù giống nhau về số cây sáo, cùng một cây tre và cùng một bàn tay làm ra nhưng mỗi bộ lại có một âm thanh riêng biệt. Cũng giống như chim, dù cho chúng cùng một loài nhưng lại có tiếng hót khác nhau”.
Thông thường mỗi bộ sáo chỉ cần có 3 chiếc là đủ các bộ âm chính, còn các sáo khác như dòng âm để hòa đồng reo theo. Nhưng người làng Đại với ông Lộc thì đã chơi thì phải từ 5 chiếc, 7 chiếc hay 9 chiếc.
Thậm chí mới đây, ông cùng các nghệ nhân như ông Nheo, ông Tàm, ông Coong, ông Thênh, ông Nở… đã miệt mài trong vòng 3 tháng để làm nên con diều có sải cánh dài 7,2m – cao 4,4m, gồm 13 cây sáo nặng 7kg. Khi con diều sáo này bay lên trời, người ở xa hàng chục km vẫn nghe thấy tiếng sáo diều vi vu. Con diều và bộ sáo 13 cây đã đi vào kỷ lục Guinness Việt Nam.