Về Nà Nhạn nhớ Anh hùng Tô Vĩnh Diện
Đó cũng là khúc ngợi ca những người anh hùng đã ngã xuống trong những ngày tháng ấy, mà Tô Vĩnh Diện là một trong số đó. Bây giờ, dòng sông Nậm Rốm mênh mang vẫn gọi tên anh trong bao lớp phù sa ký ức.
Đầu mùa mưa tháng 4, Nậm Rốm mênh mang con nước, những đợt sóng trôi cuồn cuộn về phía Tây, sang tận dòng Nậm Nưa bên Lào. Hoa ban trắng nõn dọc hai bờ. Anh bạn, người đồng ngũ của tôi mê mẩn trước cảnh đẹp của Nậm Rốm, bất ngờ ngẫu hứng đọc mấy câu thơ. Giọng anh trầm ấm, da diết như níu kéo con sông đừng trôi đi nữa:
“Nậm Rốm ơi hãy ngừng trôi mùa xuân
Anh đã về với em
Tháng tư
Hoa ban trắng quá
Thung lũng trổ tím hoa riềng phấn vàng bay lả
Ôi không gian uống rượu nắng say mềm
Anh nghiêng đằm xoè múa cùng em
Với cánh ô xoay tròn lấp lánh…”.
Đó là ký ức mãi trẻ trung trong lòng những cựu chiến binh năm xưa. Và giờ đây, tôi lại đang đứng trước ngôi nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, người chiến sĩ Điện Biên năm nào đã lấy thân mình chèn khẩu trọng pháo. Cũng bên dòng Nậm Rốm, đầu xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cùng nơi tưởng niệm người anh hùng trẻ tuổi, cách đây mấy năm, người ta cho xây một cụm tượng đài “Bộ đội kéo pháo bằng tay”. Tác phẩm hoành tráng này mô tả đúng khí phách của những chiến sĩ khi kéo pháo lên trận địa. Trong đó biểu tượng của Tô Vĩnh Diện hiển hiện một cách sống động qua từng ánh mắt và động tác, cùng hình tượng 29 chiến sĩ lực lượng pháo binh kéo khẩu pháo 105 ly xuyên rừng, vượt dốc. Đây là cụm tượng lớn nhất nước do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác và điều đặc biệt là chất liệu xây tượng là đá xanh lấy đúng từ Thanh Hoá, quê hương của Tô Vĩnh Diện. Quần thể tượng được bố cục trên một trục nghiêng, thể hiện độ dốc chênh vênh nguy hiểm, khắc họa được ý chí quyết tâm của chiến sĩ pháo binh ngày ấy khi kéo pháo lên trận địa. Tất cả bao gồm 100 khối đá, nặng 1.200 tấn.
Cụm tượng đài “Bộ đội kéo pháo bằng tay” tại chiến trường Điện Biên năm xưa. (Ảnh: ST)
Tôi chợt như nghe thấy tiếng người anh hùng đang vang lên trong cái ngày khắc nghiệt ấy. Giọng người hướng dẫn viên trầm ấm kể lại rằng, khi vào chiến dịch Điện Biên, mặc cho mỗi đêm chỉ chợp mắt được vài ba lần, nhưng các chiến sĩ ai cũng động viên nhau bằng bốn chữ “Quyết chiến – quyết thắng”. Người ta không thể nào quên hình ảnh Tô Vĩnh Diện hối hả hô hào động viên mọi người vượt dốc trước khi trời sáng.
Rồi, ai cũng nhớ đến cái đêm ấy, pháo của giặc Pháp bắn phá hung hãn khi chúng phát hiện ra con đường kéo pháo vào trận địa của quân ta. Có lệnh bảo toàn vũ khí và lực lượng, Tô Vĩnh Diện cùng anh em chiến sĩ kéo pháo rút khỏi cao điểm. Khi ra đến dốc Chuối, tới con đường nhỏ hẹp, quanh co với độ dốc rất nguy hiểm, thì đột nhiên máy bay của giặc lại ào đến ném bom sát thương. Nhiều chiến sĩ phải ghìm chân giữ pháo để tránh tai nạn. Lúc này tiểu đội trưởng Tô Vĩnh Diện nhận trách nhiệm lái pháo phía trước. Khi đưa pháo xuống dốc, mọi người phải vừa thả cho khẩu pháo trôi xuống, nhưng cũng lại phải ghìm giữ sao cho khẩu pháo không bị trôi theo dốc. Tô vĩnh Diện cùng với một chiến sĩ khác trực tiếp lái pháo sao cho đi đúng vào con đường vừa nhỏ vừa dốc, nếu không khẩu pháo sẽ bị rơi xuống vực.
Lúc này, máy bay giặc vẫn bắn phá ác liệt. Thế rồi bất ngờ, một dây chão bị đứt bởi bị một mảnh đạn cứa vào. Tất cả các chiến sĩ bị trùng tay đột ngột không thể giữ thăng bằng được nữa. Khẩu pháo bị ngoặt ra phía ngoài hất một chiến sĩ lái pháo cùng Tô Vĩnh Diện rơi xuống dốc. Mọi người cố kéo lại nhưng khẩu pháo vẫn lao nhanh, trôi tuột có nguy cơ lật nhào xuống vực. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, mọi người tưởng như chịu bó tay, thì tiểu đội trưởng Tô Vĩnh Diện hô lên rất to: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo!”. Rồi anh nhanh chóng lao vào bánh xe pháo, lấy thân mình chặn lại. Khẩu pháo đã khựng lại trước sự hy sinh anh dũng của người tiểu đội trưởng…
Tấm gương anh hùng của Tô Vĩnh Diện, ở tuổi 30, đã góp phần quan trọng trong việc khích lệ tinh thần chiến đấu của hàng chục ngàn chiến sĩ Điện Biên ngày ấy.
Cùng với gương chiến đấu quả cảm của anh hùng Phan Đình Giót, La Văn Cầu, hình ảnh của Tô Vĩnh Diện là tiêu biểu cho tinh thần quả cảm của quân và dân ta trên mặt trận Điện Biên. Đó là sức mạnh vô song làm nên một khúc khải hoàn “chấn động địa cầu”.
Đúng vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên lịch sử năm sau, 7/5/1955, người con anh dũng của xứ Thanh Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
…Dưới sườn núi kia là dòng sông Nậm Rốm vẫn mải miết trôi. Tiếng chim họa mi đâu đó hót trong vắt trên cánh rừng già cùng với những cánh hoa ban trắng muốt. Và khi nhìn lên bức tượng tôi lại chợt nhớ đến tiếng hò động viên chiến sĩ của Tô Vĩnh Diện vang lên trong bài ca “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tôi và những người bạn chiến binh năm nào đứng lặng trước bàn thờ anh linh của người anh hùng Điện Biên. Những nén tâm nhang toả hương, như những tấm lòng tri ân thơm thảo…
Lưu Kương