Tướng Vương Thừa Vũ và huyền thoại ‘tinh thông thập bát ban võ nghệ’
Trong thời gian bị thực dân Pháp bắt giam tại Nghĩa Lộ, bằng tài võ nghệ và tuyên truyền, ông Vương Thừa Vũ đã được tôn là “võ sĩ đạo”.
Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lúc nhỏ, ông theo cha sang Vân Nam, Trung Quốc sinh sống, rồi vào làm thợ cơ khí trong ngành hỏa xa tại Vân Nam.
Ông từng theo học Trường Quân sự Hoàng Phố nên có khả năng võ nghệ và kiến thức vững chắc về quân sự. Năm 1940, do cuộc thanh trừng của Trung Hoa Quốc dân đảng đối với những người Cộng sản, ông trốn về nước tổ chức hoạt động cách mạng. Năm 1941 ông bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942 bị đày tại trại giam Bá Vân (Thái Nguyên), sau đó là Nghĩa Lộ, Yên Bái.
Theo sự phân công của ban chỉ huy (thành lập trong trại), ông chuyên trách về tổ chức, huấn luyện quân sự trong tù nhân và rèn đúc vũ khí, chuẩn bị khởi nghĩa.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ cùng bộ đội Đại đoàn 308 chào cờ tại sân Cột cờ trong ngày Tiếp quản Thủ đô, 10/10/1954. Ảnh Tư liệu.
Trong cuốn hồi ký Những chặng đường chiến đấu (NXB QĐND 2005), Trung tướng kế lại những câu chuyện sống động về vụ phá ngục bất thành sau khi Nhật đảo chính Pháp, trong đó có việc ông được gọi là “võ sĩ đạo” như thế nào.
Ông viết rằng mình bị bất ngờ khi thấy một đồng chí trong đội công tác binh vận gọi là ông “võ sĩ”:
Tôi gặng hỏi, đồng chí này tươi cười kể cho tôi nghe: Trong chuyến áp giải chúng tôi từ căng Bá Vân về Hà Nội và từ Hà Nội lên đây, có một vài người lính được bọn mật thám Pháp cho biết tôi là một “tay lợi hại”, cần phải hết sức chú ý kẻo tôi trốn. Muốn để mấy người lính đó làm ăn cẩn thận hơn, bọn mật thám còn rỉ tai cho họ biết thêm tôi là một thày dạy võ, dạy quân sự, thập bát ban võ nghệ đều tinh thông và theo họ thì tôi còn rất cứng đầu cứng cổ.
Nhưng sau một chặng đường dài, lên tới đây, họ lại kể cho anh em binh lính ở Nghĩa Lộ biết rằng họ thấy nhà võ sĩ ấy rất hiền và còn nói cho họ nghe nhiều điều rất hay. Họ bảo là, chính do cái bọn mật thám Pháp cho họ biết về anh. Chúng đã vô tình gây cho họ lòng kính phục anh, và anh cũng đã chẳng làm gì cho họ phải sợ cả.
Hiện giờ, anh em binh lính ở Nghĩa Lộ đây, đang rất tiếc mấy người áp giải kia chưa kịp chỉ mặt anh cho anh em biết thì họ đã phải về xuôi mất rồi. Đến nay, anh em muốn các đồng chí trong đội binh vận giới thiệu anh cho anh em được rõ. Nhưng các đồng chí ta lại lấy chuyện này làm “vốn”, nên chúng tôi không những đã nói với anh em rằng: Đúng, có “ông võ sĩ” thật, nhưng ông ấy chỉ xuất đầu lộ diện khi nào thật cần thiết, mà còn tô vẽ thêm:
– Ông ấy, ngoài thập bát ban võ nghệ tinh thông, lại biết cả gồng, cả điểm huyệt nữa. Thịt da ông ấy, dao chém không đứt. Đánh ai, ông ấy chỉ đặt ngón tay đúng chỗ hiểm là người đó chết tươi… Còn về tính tình, các đồng chí ta giới thiệu là: Ông ấy rất thương người nghèo, rất ghét kẻ bóc lột thống trị và lũ tay sai… Nghe vậy, anh em binh lính đều tấm tắc khen ông võ sĩ.
Nghe người đồng chí nói, ông Đồi đoán là số anh em binh lính áp giải đã được chứng kiến một lần ông đấu võ với tù thường phạm ở Hỏa Lò – Hà Nội và giành chiến thắng.
Lần đó, một người tù thường phạm cao to ra đứng giữa sân thách thức. Mấy anh em tù chính trị hăng hái nhảy ra đấu, bị hắn quật ngã lăn ra sân. Thấy vậy, ông xót không chịu nổi. Quan sát kỹ chỗ mạnh, chỗ yếu của hắn, ông nhận thấy các đồng chí ra trước đã không làm được hai nguyên tắc cơ bản của võ tay không là bám địch đánh địch và lấy sức địch đánh địch. Nó to khỏe, đấm một quả đấm 50kg, ta chỉ cần thêm vào 20kg là hắn sẽ phải chịu 70kg, to khỏe mấy cũng đổ.
“Tôi nhảy ra, hắn thấy tôi gầy gò mảnh khảnh hắn càng chủ quan kiêu ngạo. Tôi vừa tránh né hắn, tạo cho hắn chủ quan thêm, hắn sấn tới lao vào túm vai tôi. Tôi né người, nắm lấy tay hắn giật mạnh, lỡ đà, lại bị kéo, hắn nhoài người ra. Tôi cứng bàn tay xỉa nhẹ vào nách hắn, hự! Cả thân hình cao to ấy đổ vật xuống sân…
Anh em tù chính trị nhảy lên reo hò hả dạ.
Rõ ràng lực lao rất mạnh của hắn cộng với lực vuốt và lực xỉa nhẹ của tôi, ba lực ấy cộng lại, hắn chịu cả, nên hắn phải đổ”.
Tuy nhiên, khi đồng chí trong đội binh vận thuật lại cho huyền bí, thì ông không bằng lòng. Đồng chí ấy lại cười và bảo:
– Anh không tuỳ cơ ứng biến rồi, mình cũng phải lựa theo trình độ của anh em mà công tác chứ. Về sau anh em dần dần tiến bộ thì anh em sẽ tự hủy cái ý nghĩ “mê tín” ông “võ sĩ đạo” đi và sẽ thay vào đó đồng chí Đồi, cán bộ cách mạng Việt Nam thì đã sao nào?
Không chỉ giỏi chỉ huy, Trung tướng Vương Thừa Vũ còn nổi tiếng với tài võ nghệ. Ảnh tư liệu.
Thế là tôi đành chịu. Và cũng từ đó, tôi nghiễm nhiên trở thành “nhà võ sĩ” bí mật. Đồng thời, tôi cũng tự nhủ phải làm sao cho xứng với sự hâm mộ của anh em để khi tổ chức cần nhà võ sĩ ra mắt sẽ không phụ lòng một ai…
Còn khi bị giam ở Thái Nguyên, nhân dịp những ngày kỷ niệm 1 tháng 5 hoặc kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, lực lượng tù chính trị thường tổ chức ngày hội điền kinh, biểu diễn một số môn điền kinh và võ dân tộc, có mời quần chúng vùng xung quanh và thị xã Thái Nguyên tới xem.
Các tù nhân thi các môn nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, xà kép, chạy, bơi, võ, đánh bốc, đấu quyền, đấu kiếm… Ông Phạm Quang Thân biểu diễn môn đánh gậy; ông Nho nổi tiếng về bơi ngược dòng sông Kông 9km – một con sông nhỏ men theo triền núi Tam Đảo, nước chảy mạnh; còn ông Đồi biểu diễn các môn võ tay không, đại đao; các đồng chí khác biểu diễn và thi nhiều môn võ dân tộc rất hấp dẫn thanh niên.
Khán giả là những anh em trong tù, vỗ tay reo hò cổ vũ nhiệt liệt, lôi cuốn cả số đông binh lính và thanh niên trong vùng kéo đến mỗi lúc một đông.
Sau mỗi lần tổ chức như vậy, nhân dân lại hỏi: – Lần sau dự định tổ chức vào ngày nào? Nhớ báo cho bà con biết nhé!
Trung tướng viết: “Có lẽ từ chuyện biểu diễn võ ở căng Bá Vân đến chuyện đấu võ ở Hỏa Lò – Hà Nội, mà anh em binh lính đặt tên tôi là “võ sĩ đạo””.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, lực lượng tù chính trị ở trại Nghĩa Lộ định tổ chức nổi dậy chiếm trại giam và tự giải thoát vào chiều 17/3, nhưng thất bại, nhiều người bị lính Pháp bắn chết, ông và một đồng chí trốn thoát được. Sau đó, ông về Bắc Ninh gây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức huấn luyện quân sự.
Trên đường trốn về, ông đã được một người đồng bào dân tộc thiểu số họ Vương ở núi Pa Hú cứu, nên sau này khi cần có bí danh để hoạt động công khai, ông lấy tên mới là Vương Thừa Vũ.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được giao nhiệm vụ tiếp quản và chỉ huy lực lượng bảo an binh Hà Nội. Đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến, ông chỉ huy đánh giặc ở mặt trận Hà Nội.
Tướng Vương Thừa Vũ từng được bổ nhiệm các chức vụ Đại đoàn trưởng Đại đoàn chủ lực đầu tiên của QĐNDVN là Đại đoàn 308, Tư lệnh Quân khu Hữu ngạn, Giám đốc Học viên Quân sự, Tư lệnh Quân khu 4, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN.
Ông mất năm 1980, thọ 70 tuổi.