Tướng Vương Thừa Vũ qua lời kể người con trai cả

Ngày tiếp quản Thủ đô, khi ấy đang là Tư lệnh Đại đoàn 308, ông Vương Thừa Vũ được giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội. Bức ảnh Vương Thừa Vũ, người sĩ quan cấp tướng trẻ tuổi tươi cười đi giữa dòng người đông đảo ngày chiến thắng đã mang biểu tượng của ngày hoà bình.

tuong vuong thua vu qua loi ke nguoi con trai ca

Ông Vương Minh Tường, con trai cả của tướng Vương Thừa Vũ, dù đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe không còn như xưa nhưng khi chúng tôi nhắc đến những kỷ niệm của ông và người cha của mình, ông bỗng minh mẫn lạ thường. Ông Tường kể, mẹ ông – bà Lê Thị Hợi tuy làm vợ tướng nhưng một tay bà lo nuôi dạy con cái. Vợ chồng tướng Vương Thừa Vũ có với nhau sáu người con, ba trai ba gái đều lấy họ Vương và hầu hết đều theo nghiệp cha, trong đó có hai người con trai là liệt sĩ.

tuong vuong thua vu qua loi ke nguoi con trai ca Bà Lê Thị Hợi và chồng – Tướng Vương Thừa Vũ

Em trai ông Tường sinh ra khi Tướng Vũ đang bị đày ở “căng” Bá Vân trên Thái Nguyên nên được đặt tên là…Căng – Vương Văn Căng – hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ . Còn người con trai út Vương Văn Bình , phi công, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ .

tuong vuong thua vu qua loi ke nguoi con trai ca Ông Vương Minh Tường – Con trai cả Trung tướng Vương Thừa Vũ

Không chỉ là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, gan da, một vị chỉ huy tài ba trong chiến trận mà trong cuộc sống hàng ngày, Tướng Vũ cũng luôn là tấm gương sáng về lối sống khiêm nhường, giản dị. Mỗi lần về thăm quê ở Thanh Trì dịp cuối tuần, ông đều dừng xe ở ụ pháo phía cuối làng rồi xuống đi bộ, băng qua cánh đồng hơn 1km để về nhà, bởi ông không muốn những người làng nghĩ mình quan cách. Tuy sống ở phố Hoàng Diệu và chỉ về quê vào dịp cuối tuần, nhưng ông vẫn thân thiết với tất cả người dân làng ông. Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Tướng Vũ ít khi có mặt ở nhà nhưng gia đình ông chưa bao giờ phải bận lòng. Bất cứ khi nào có thời gian dành cho gia đình, ông luôn dành cho các con sự quan tâm riêng, vừa nghiêm khắc, vừa tận tình. “Cha tôi rất ít nói. Cụ là người thực tiễn, luôn yêu cầu các con phải có tính tự lập, có việc cần hỏi thì Cụ sẽ trả lời, còn không thì phải tự lo liệu. Tôi nhớ năm tôi khoảng 5 tuổi, một buổi tối, cha đưa tôi ra trước sân nhà bắt tôi đứng tấn và nói: Con ạ, con trai phải biết võ nghệ để bảo vệ lẽ phải. Đây là vũ khí thực chất con luôn có bên mình chứ dao, kiếm đâu phải lúc nào cũng mang theo được.” Tướng Vương Thừa Vũ đã dạy các con ông bằng chính hành động của một vị tướng tình cảm, yêu thương chiến sĩ như gia đình. Năm 1954, 15 tuổi, ông Vương Minh Tường có giấy gọi đi học tập ở Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Mát-xcơ-va, lúc này Tướng Vương Thừa Vũ đang cùng Đại đoàn Quân Tiên Phong tiếp quản Thủ đô. Ông chưa vội về gặp vợ con mà tổ chức đến thăm các gia đình liệt sĩ và có hoàn cảnh khó khăn của đại đoàn. Ông Vương Minh Tường vẫn nhớ như in hình ảnh cha vội vàng đạp xe về nhà trước giờ tiễn con lên đường. Tướng Vũ gọi ông vào phòng riêng và nói: “Con đi học gì thì học, làm gì thì làm nhưng phải tiếp thu được kiến thức để về xây dựng đất nước”. Ông Vương Minh Tường sau đó đã chọn theo học ngành luyện kim-một ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước sau này. Thực tế, 10 năm học tập ở nước bạn với việc luyện tập võ nghệ thường xuyên, ông Tường đã có một sức khỏe tốt, từng đứng thứ hai trong cuộc thi vật tự do và Judo tại đây.Sau này, dù kinh qua nhiều Ban, ngành của Nhà nước nhưng những lời dạy bảo của Cha luôn là kim chỉ nam trong mỗi bước trưởng thành của ông.

Rate this post