Tướng Nguyễn Văn Cốc – phi công huyền thoại bắn rơi 9 máy bay Mỹ
“Tôi nhìn thấy chiếc Thần Sấm gần như bị chẻ làm đôi, rừng rực cháy giữa trời”, phi công anh hùng Nguyễn Văn Cốc nhớ lại một kỷ niệm trong số 9 lần bắn rơi máy bay Mỹ.
Thế hệ 6X, 7X từng mê mệt với những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc trong truyện tranh Chim cắt số 2 của hoạ sỹ Huy Toàn. Đó là câu chuyện về anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc, người bắn rơi 9 máy bay Mỹ. Đây là thành tích bắn hạ máy bay địch nhiều nhất mà một phi công chiến đấu Việt Nam đạt được.
Chim cắt số 2 Nguyễn Văn Cốc được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 18/6/1969. Trong số 9 máy bay bị ông bắn hạ có 2 chiếc F-4, 5 chiếc F-105 và 2 máy bay trinh sát không người lái. Ông nói, thực ra bắn máy bay không người lái cũng khó, vì nó nhỏ hơn máy bay thường, lại bay rất cao.
Một tai nạn năm 2004 khiến ông bị chấn thương cột sống và gắn bó với giường bệnh. Dù vậy, người anh hùng phi công vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật và số phận. Trên giường bệnh, anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc vẫn ngày ngày “lướt” Facebook để cập nhật tình hình đồng đội.
Trong phòng riêng của ông, chỉ có cuốn lịch treo tường của Quân ủy trung ương – Bộ quốc phòng ở đầu giường, còn phía đối diện bức ảnh chụp vị anh hùng đang được Bác Hồ bắt tay thăm hỏi tại đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua của Quân chủng Phòng không – Không quân trong ngày đầu xuân năm 1969.
Vị tướng già hiện nay khó cử động cả chân và tay, mắt trái cũng đã rất yếu, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Ký ức mang ông trở về với những trận không chiến, tiếng động cơ xé ngang bầu trời, lửa ngùn ngụt từ chiếc máy bay bốc cháy. Tuy nhiên, để cẩn thận, ông vẫn dặn trước: “Bác nay có lúc quên nhiều thứ rồi. Các cháu nghe bác kể chuyện gì cứ kiểm tra lại sách báo, tài liệu nhé”.
Anh hùng Nguyễn Văn Cốc mặc lại bộ quân phục sau thời gian dài nằm liệt giường. Ảnh: T.L.
Chim cắt số 2
Phi công Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1942 tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông trúng tuyển phi công năm 1961 và được huấn luyện tại trường dự khóa bay ở Hải Phòng. Sau chuyến huấn luyện phi công tại Liên Xô, năm 1964, ông về nước, lái máy bay MiG-17 tham gia chiến đấu. Đến năm 1965, ông được chọn học chuyển loại lái máy bay MiG-21 và trở về nằm trong biên chế Trung đoàn không quân 921 (Đoàn Sao Đỏ).
Trong đội hình biên đội máy bay MiG-21, ông thường được phân công bay vị trí số 2, với nhiệm vụ bảo vệ số 1 công kích đối phương. Tuy nhiên, ông đã cải tiến chiến thuật, cùng tham gia tấn công máy bay đối phương, nhờ đó, hiệu suất chiến đấu của phi đội tăng lên rõ rệt. Vì thế, đồng đội gọi ông bằng biệt danh “Chim cắt số 2”.
Biệt danh này của người anh hùng đã trở nên quen thuộc với rất nhiều thanh niên lứa tuổi 6X, 7X, qua cuốn truyện tranh Chim cắt số 2 của họa sĩ Huy Toàn.
Chiếc máy bay MiG-21 từng lập nhiều chiến công cùng anh hùng Nguyễn Văn Cốc. Ảnh: T.L.
Người anh hùng không còn nhớ rõ từng chi tiết trận không chiến đầu tiên ông lập công. Còn theo cuốn sách Những cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam, thì đó là trận đánh diễn ra ngày 30/4/1967.
Biên đội của ông do biên đội trưởng Nguyễn Ngọc Độ bay số 1 chỉ huy, cất cánh lúc 14h59 từ sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài bây giờ) bay về hướng Mộc Châu (Sơn La). Phát hiện phi đội 4 chiếc F-105 của không quân Mỹ, số 1 lệnh vứt thùng dầu phụ, số 2 yểm hộ để số 1 vào công kích.
Sau khi số 1 phóng tên lửa bắn cháy một chiếc F-105, số 2 Nguyễn Văn Cốc lợi dụng khi tốp máy bay địch chưa kịp hoàn hồn đã nhanh chóng tăng lực vọt lên, bám sát chiếc F-105D, đưa nó vào vòng ngắm rồi ấn nút tên lửa ở cự ly 2.000 m.
Trong cuốn Dũng sĩ trên bầu trời, phi công Nguyễn Văn Cốc hồi tưởng lại: “Tôi nhìn thấy chiếc Thần Sấm gần như bị chẻ làm đôi, rừng rực cháy giữa trời”.
Chiếc F-105 trúng tên lửa bốc cháy, rơi xuống khu vực Thanh Sơn, Phú Thọ. Viên phi công Mỹ là trung úy Robert Archie Abbort thuộc Phi đoàn 354, Không đoàn 355, điều khiển đã kịp nhảy dù và bị bắt.
Chiến thuật số 2 công kích của Nguyễn Văn Cốc đã được ông thực hiện hoàn hảo trong trận không chiến ngày 23/8/1967, khi biên đội của Nguyễn Nhật Chiêu số 1 và Nguyễn Văn Cốc số 2 đã bắn rơi 3 chiếc F-4 ở khu vực bầu trời phía Tây Hà Nội, trong đó ông Chiêu bắn rơi 2 chiếc.
Phi công Nguyễn Văn Cốc và đồng đội. Ảnh tư liệu.
Ông Cốc vẫn còn nhớ những giây phút kịch tính của trận không chiến ngày 17/9/1968, khi biên đội của ông cùng phi công Phạm Phú Thái cất cánh từ sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa vào vùng trời Anh Sơn, Nghệ An đối đầu với tốp F-8 của địch. Trận đó, ông bay vị trí số 1, quần nhau 5-6 vòng nhưng vẫn chưa tạo được vị trí thuận lợi để công kích và vẫn bị hai chiếc F-8 bắn liên tiếp 4 quả tên lửa nhưng không trúng.
Sau khi thoát ly, ông cho máy bay quay về sân bay để hạ cánh nhưng chỉ còn có 150 lít dầu, tức là gần cạn sạch. Các thợ kỹ thuật cũng phát hiện máy bay của ông trúng đến 24 mảnh tên lửa.
Hỏi ông đối diện với lượng máy bay địch nhiều áp đảo trên trời, có khi nào ông thấy sợ không, ông bình thản bảo: “Có gì đâu, mình nắm rõ cách đánh của mình mà!”.
Trong không chiến, ông cũng từng phải nhảy dù hai lần, một lần do máy bay bị địch bắn khi vừa cất cánh và một lần khi không chiến bị hết dầu. “Bác nhảy dù nhưng không bị gãy tay chân gì cả, nên sau đó nhanh chóng quay trở lại vị trí chiến đấu”.
Người phi công giản dị và kiên cường
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc đã lần lượt trải qua các vị trí Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 921, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371.
Tháng 8/1981, ông được chuyển làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370, rồi lại được chuyển về lại Sư đoàn Không quân 371 với chức vụ Sư đoàn trưởng.
Năm 1988, ông được thăng chức Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, đến tháng 8/1990, ông là Phó tư lệnh Quân chủng Không quân, hàm thiếu tướng. Tháng 6/1996, ông giữ chức quyền Tư lệnh Quân chủng Không quân.
Phi công anh hùng Nguyễn Văn Cốc. Ảnh tư liệu.
Ông kể, trong thời gian giữ vị trí lãnh đạo các đơn vị không quân, thì chức trung đoàn trưởng là “mệt nhất”.
“Việc gì cũng đến đầu, từ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đến quản quân, quản khí tài, tài chính… đều đến tay trung đoàn trưởng, rất mệt. Nhất là quản quân mới nhiều chuyện, từ vi phạm kỷ luật đến chuyện lính cuối tuần tranh thủ về Hà Nội thăm gia đình không phép. Nhiều anh thủ trưởng hay nặng nề chuyện đó, quát mắng, kỷ luật, còn tôi thì thường lấy tình cảm mà nhẹ nhàng nhắc nhở. Mình mà là lính thì có khi cũng thế mà”, ông thủ thỉ.
Hỏi ông về chuyện người ta thường kể các phi công của ta, trong sinh hoạt đời thường thì tửu lượng cao lắm, ông cười, bảo “cũng tùy anh”. “Như tôi với anh Phạm Phú Thái thuộc dạng không ham uống rượu, có bắt buộc phải uống cũng tự lượng sức, chưa bao giờ để phải say”.
Tháng 12/1997, ông được điều sang làm Phó tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng, rồi được thăng lên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cho đến khi về hưu với quân hàm Trung tướng năm 2003.
Vậy mà năm 2004, một cú ngã đã khiến ông bị chấn thương cột sống, thường xuyên gắn bó với giường bệnh.
Trung tướng Phạm Phú Thái, người đồng đội thân thiết của ông, cho biết tướng Nguyễn Văn Cốc không chỉ là một anh hùng trong chiến đấu, một thủ trưởng giản dị và khiếm tốn mà còn là một tấm gương kiên cường chiến đấu với bệnh tật và số phận.
Dù nằm trên giường bệnh, vị tướng già vẫn thường xuyên cập nhật tin tức, theo dõi thông tin của bạn bè, đồng đội trên trang Facebook do con cháu lập cho.
Và đến dịp 22/12 này, nghe tin người anh hùng có tiến triển về sức khỏe, có thể ngồi dậy ra phòng khách tiếp khách, hầu hết đồng đội, cấp dưới, người quen của ông đều hết sức vui mừng.
Trên trang cá nhân của ông hay trên nhóm “Bầu trời đồng đội”, mọi người đều gửi lời chúc người anh hùng huyền thoại từng 9 lần diệt máy bay địch có thêm sức khỏe, để các thế hệ sau được gặp và học thêm những bài học của ông từ những trận chiến trên không oai hùng và cả trong cuộc sống giản dị khiêm tốn của mình.