Tự điển – đại phạm thiên
Bạn đang tìm kiếm để hiểu ý nghĩa của từ khóa đại phạm thiên. Ý nghĩa của từ đại phạm thiên theo Tự điển Phật học như sau:
đại phạm thiên có nghĩa là:
(大梵天) Phạm, Pàli: Mahàbrahmà-deva. Vị trời ở tầng thứ 3 thuộc Sơ thiền cõi Sắc. Cũng gọi Phạm thiên vương, Phạm thiên, Phạm vương, Đại phạm, Phạm đồng tử (Phạm: Brahmà samaôkumàra), Thế chủ thiên, Sa bà thế giới chủ (Phạm: Brahmà sahàôpati). Dịch âm: Ma ha phạm, Phạm ma tam bát. Theo tư tưởng Ấn độ thời cổ, Đại phạm thiên tồn tại độc lập, tự nhiên mà có, không do người tạo ra, là cha của chúng sinh, tất cả chúng sinh đời sau đều do mình hóa ra, tự cho mình biết hết nghĩa lí trong các sách, là bậc tôn quí, giầu sang và mạnh mẽ nhất, thống lãnh đại thiên thế giới. Từ thời đại Phạm thư đến nay Đại phạm thiên được coi là thần cách; về sau, người Bà la môn lại tôn Đại phạm thiên là vị Chủ thần được tôn sùng hơn hết các thần. Vào cuối thời đại Lê câu phệ đà ở Ấn độ, Kì đảo chủ thần (Phạm: Brahmanaspati) được tôn là vị thần cao nhất, đồng thời, được coi là nguyên lí tạo thành vũ trụ. Nhưng, đến đầu thời đại Phạm thư thì Sinh chủ thần (Phạm:Prajàpati) được tôn làm thần tối cao. Không bao lâu, người ta lại sùng bái Đại phạm, vì cho rằng Đại phạm là từ Kì đảo chủ thần tiến hóa lên. Lúc đầu, Phạm thiên là con của Sinh chủ thần, về sau dần dần chiếm được ưu thế, bèn giữ địa vị thay cho Sinh chủ thần và trở thành nguyên lí sáng tạo thế giới. Đến thời kì Áo nghĩa thư, thì Đại phạm thiên có đầy đủ ba tính chất là thực hữu (Phạm:satya), tri (Phạm:jĩàna) và diệu lạc (Phạm:ànanda) mà trở thành nguyên lí tuyệt đối duy nhất thường trụ; nguyên lí tuyệt đối này kết hợp với tiểu ngã (Phạm:àtman) mà sản sinh ra thuyết Phạm ngã nhất như. Đây là tư tưởng trung tâm của Áo nghĩa thư. Đến thời đại Ma ha bà la đa (Phạm: Mahàbhàrata), do sự hưng khởi của tư tưởng Nhất thể tam phân (Phạm: trimùrti, một thể chia ba) mà Phạm thiên (Phạm:Brahmà) được coi là cùng thể với hai thần Tì thấp nô (Phạm:Viwịu) và Thấp bà (Phạm:Ziva), lúc đầu, Phạm thiên đứng đầu ba vị, nhưng sau dần dần bị hạ thấp. Trong thuyết Tam giới của Phật giáo, các trời ngoại đạo này được xếp vào hai cõi Dục và Sắc, Phạm thiên được liệt vào trời Sơ thiền cõi Sắc, thông thường có ba nơi, bốn nơi khác nhau. Theo luận Đại trí độ quyển 9 và luận Đại tì bà sa quyển 98, thì ba nơi là: Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên. Còn theo phẩm Đao lợi thiên trong kinh Trường a hàm quyển 20, thì bốn nơi là: Phạm thân thiên, Phạm phụ thiên, Phạm chúng thiên, Đại phạm thiên. Ba nơi và bốn nơi đều gọi chung là Phạm thiên. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 98, thì thân của Đại phạm thiên cao 1,5 du thiện na (do tuần), sống lâu 1,5 đại kiếp, trong đó, năm trung kiếp sống một mình, năm trung kiếp nữa sống chung với các vị trời khác, rồi năm trung kiếp kế tiếp lại sống một mình, cõi này thuộc Thiền trung gian của Sơ tĩnh lự địa (Sơ thiền thiên). Trong các bộ A hàm và kinh Đại thừa thường nói vị vua trời này tin sâu Phật pháp, giúp đỡ đức Phật trong việc giáo hóa, mỗi lần gặp Phật ra đời, thì Đại phạm thiên vương trước tiên thỉnh Phật chuyển pháp luân, rồi tay cầm phất tử mầu trắng, ngồi trong hội tòa nghe Phật nói pháp. Về sau, Đại phạm thiên cùng với Đế thích thiên đều được đức Phật phó chúc hộ trì đất nước và Phật pháp, nên rất được Hiển giáo và Mật giáo tôn sùng. Mật giáo coi Phạm thiên là một trong 12 vị trời, hoặc là một trong 28 bộ chúng của Thiên thủ Quan âm. Phạm thiên được đặt ở phía nam của cửa Đông thuộc viện Ngoại kim cương bộ trong Hiện đồ mạn đồ la Thai tạng giới, hình tượng mầu da người, đầu đội mũ hình búi tóc, có bốn mặt, bốn tay. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 5 chép, thì trong bốn tay bên phải, một tay cầm hoa sen, một tay cầm tràng hạt; bên trái, một tay cầm quân trì, một tay bắt ấn chữ Án, ấn này là ấn Cát tường của người tu hành. Chủng tử là (pra),chân ngôn là: Na ma (qui mệnh) bát la xà (prajà, nhất thiết sinh) bát đa duệ (pataye, chủ) sa phạ ha. [X. Tạp a hàm Q.44; Trường a hàm Q.14 kinh Phạm động, Q.16 kinh Kiên cố; Tăng nhất a hàm Q.10 phẩm Khuyến thỉnh; kinh Đại bi Q.1 phẩm Phạm thiên; kinh Đại nhật Q.1; luận Tạp a tì đàm tâm Q.2; Đại nhật kinh sớ Q.10; Huyền ứng âm nghĩa Q.3].
Trên đây là ý nghĩa của từ đại phạm thiên trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.