Tự điển – Tiết Trùng Dương

Bạn đang tìm kiếm để hiểu ý nghĩa của từ khóa Tiết Trùng Dương. Ý nghĩa của từ Tiết Trùng Dương theo Tự điển Phật học như sau:

Tiết Trùng Dương có nghĩa là:

(重陽節): còn gọi là Trùng Cửu (重九), lễ hội vào ngày mồng 9 tháng 9 Âm Lịch. Theo quan niệm âm dương của Nho gia vào thời nhà Hán, có “lục âm cửu dương (六陰九陽, 6 âm 9 dương)”, 9 là số dương; cho nên Trùng Cửu còn gọi là Trùng Dương. Vào dịp này, trong dân gian có tập tục leo lên núi cao chơi; vì vậy tiết này còn gọi là Đăng Cao Tiết (登高節), Thù Du Tiết (茱萸節), Cúc Hoa Tiết (菊花節). Do vì tiết này nhằm vào cửu nguyệt sơ cửu nhật (九月初九日, mồng 9 tháng 9), viết là cửu cửu (九九), đọc âm trùng với cửu cửu (久久), ý nghĩa là dài lâu; nên ngày này người ta cũng tiến hành cúng tế tổ tiên và hoạt động kính trọng người lớn tuổi. Về nguồn gốc của Tiết Trùng Dương, có nhiều thuyết khác nhau.
(1) Theo Tục Tề Hài Ký (續齊諧記) của Ngô Quân Chi (吳均之) nhà Lương (梁, 502-557) thời Nam Triều, vào thời Đông Hán (東漢, 25-220), tại Huyện Nhữ Nam (汝南縣) có một người tên là Hoàn Cảnh (桓景), nơi địa phương anh ở bỗng nhiên phát sinh ôn dịch; do đó, cả song thân Hoàn Cảnh đều bị bệnh mà tử vong. Từ đó, ông đến Đông Nam Sơn, tìm thầy học bí thuật; tiên nhân Phí Trường Phòng (費長房) trao cho ông một cây Hàng Ma Thanh Long Kiếm (降妖青龍劍). Hoàn Cảnh thức khuya dậy sớm, trãi qua tháng ngày, siêng năng học tập và khổ luyện. Một hôm nọ, Phí Trường Phòng bảo rằng: “Vào ngày mồng 9 tháng 9, ma dịch bệnh lại đến, ngươi có thể xua đuổi yêu ma trừ hại.” Bèn trao cho Hoàn Cảnh một bao lá Thù Du (茱萸, loại thực vật có chức năng sát trùng, tiêu độc), một bình rượu Hoa Cúc, để cho người già trong làng dùng khi lên núi cao tránh tai họa. Nhân đó, ông trở về cố hương, đúng ngày mồng 9 tháng 9, ông dẫn vợ con, mọi người trong làng lên trên một ngọn núi cao; lấy lá Thù Du phân phát cho mọi người đeo bên mình, nhờ vậy ma dịch bệnh không đến gần được. Rồi lấy rượu Hoa Cúc cho mỗi người uống một hớp, để đề phòng dịch bệnh. Ông cùng với ma dịch bệnh đánh nhau kịch liệt, cuối cùng giết được yêu ma kia. Từ đó, bá tánh lấy ngày mồng 9 tháng 9 làm ngày leo lên núi cao tránh tai họa, và tập tục lên núi cao, đeo túi Thù Du, uống rượu Hoa Cúc cũng hình thành từ đây. Các tác phẩm như Sơ Học Ký (初學記) nhà Đường (唐, 618-907), Thái Bình Ngự Lãm (太平御覽) nhà Tống (宋, 960-1279), v.v., đều có thuật lại sự tích này.
(2) Trong Tây Kinh Tạp Ký (西京雜記) của Lưu Hâm (劉歆, khoảng 50 ttl.-23 stl.) có ghi rằng người ái thê của Hán Cao Tổ Lưu Bang (漢高祖劉邦, tại vị 206 ttl.~195 ttl.) là Thích Phu Nhân (戚夫人) bị Lữ Hậu (呂后) sát hại, sau đó người thị nữ của phu nhân là Giá Bội Lan (賈佩蘭) cũng bị trục xuất khỏi cung nội. Khi nói chuyện nhàn hạ, cô thường đề cập đến tập tục trong cung đình, cứ mỗi năm vào ngày mồng 9 tháng 9, mọi người thường mang lá Thù Du, ăn bánh cỏ Bồng, uống rượu hoa cúc, để tránh tà ma, kéo dài mạng sống.
(3) Trong Truyện Vương Bột (王勃傳) của Cựu Đường Thư (舊唐書) có ghi rằng bài Tựa Đằng Vương Các (滕王閣序) của Vương Bột (王勃, 649-675) nhà Đường được viết nhân Tiết Trùng Dương này. Đương thời phụ thân Vương Bột làm quan ở Giao Chỉ (交趾), ông lê đường đến thăm cha; vào ngày mồng 9 tháng 9 chỉ mới đi qua Nam Xương (南昌). Lúc bấy giờ, vị quan Châu Mục của Hồng Châu (洪州) là Diêm Bá Tự (閻伯嶼) đang mời quan khách, thuộc hạ của ông đến dự yến tiệc trùng tu Đằng Vương Các (滕王閣); nhân đó khoe khoang với mọi người về tài trí của người con rễ Ngô Tử Chương (吳子章), rồi mời quan khách viết bài tựa cho Đằng Vương Các. Ai cũng biết dụng ý của ông, nên chẳng người nào dám viết cả. Chỉ có mình Vương Bột không biết, bèn tự nhiên tiếp bút viết liền. Quan Châu Mục thấy trong lòng sảng khoái, lập tức sai người đứng hai bên xem Vương Bột viết. Không ngờ Vương Bột tài khí phi phàm, văn chương lưu loát, bất ngờ đến câu: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cọng trường thiên nhất sắc (落霞與孤鶩齊飛、秋水共長天一色, ráng chiều cùng vịt trời đều bay, nước thu với trời xanh một sắc)”, quan Châu Mục không chịu được nữa bèn thốt lên rằng: “Tuyệt hảo !” Và từ đó, Vương Bột nổi danh trong thi đàn.
Đối với người Trung Quốc, nhân dịp này họ có một số tập tục đặc biệt như ăn Bánh Trùng Dương, bắn tên, hoạt động kính lão, cúng tế tổ tiên, v.v. Đối với người Nhật Bản thì có tục ăn trái Cà Tím (茄子, eggplant), Hạt Dẻ (栗子, chestnut), Lễ Hội Hoa Cúc, v.v. Đây là lễ hội quan trọng đối với người Trung Quốc, nên từ xưa nay đã có nhiều thơ văn bất hủ đề cập đến, như trong bài Cửu Nhật Đăng Lý Minh Phủ Bắc Lâu (九日登李明府北樓) của Lưu Trường Khanh (劉長卿, 709-780) nhà Đường có câu: “Cửu nhật đăng cao vọng, thương thương viễn thọ đê, nhân yên hồ thảo lí, sơn thúy hiện lâu Tây (九日登高望、蒼蒼遠樹低、人煙湖草裡、山翠現樓西, mông chín lên cao ngắm, xanh um cây rạp đầu, khói vương hồ cỏ rậm, núi biếc hiện lầu Tây).” Thiệu Đại Chấn (邵大震, ?-?), thi nhân nhà Đường, người đồng thời với Vương Bột có làm bài Cửu Nhật Đăng Huyền Võ Sơn Lữ Thiếu (九日登玄武山旅眺): “Cửu nguyệt cửu nhật vọng diêu không, thu thủy thu thiên sanh tịch phong, hàn nhạn nhất hướng nam phi viễn, du nhân kỉ độ cúc hoa tùng (九月九日望遙空、秋水秋天生夕風、寒雁一向南飛遠、遊人幾度菊花叢, mồng chín tháng chín ngắm trời không, nước thu trời thu sanh gió vương, nhạn bay một hướng về nam tít, du nhân mấy độ hoa cúc mừng).” Trong bài Cửu Nguyệt Thập Nhật Tức Sự (九月十日卽事) của thi hào Lý Bạch (李白, 701-762) có câu: “Tạc nhật đăng cao bãi, kim triêu tái cử thương, cúc hoa hà thái khổ, tao thử lưỡng Trùng Dương (昨日登高罷、今朝再舉觴、菊花何太苦、遭此兩重陽, hôm qua lên cao mệt, sáng nay lại nâng ly, hoa cúc sao quá đắng, gặp lại hai Trùng Dương).” Bên cạnh đó, thi hào Vương Duy (王維, 701-761) cũng có bài Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ (九月九日憶山東兄弟) rất nổi tiếng: “Độc tại dị hương vi dị khách, mỗi phùng giai tiết bội tư thân, diêu tri huynh đệ đăng cao xứ, biến tháp Thù Du thiểu nhất nhân (獨在異鄉爲異客、每逢佳節倍思親、遙知兄弟登高處、遍插茱萸少一人, mình chốn tha phương làm lữ khách, mỗi khi tiết đẹp nhớ người thân, xa biết anh em lên cao chốn, ngắt cánh Thù Du chỉ riêng ta)”, v.v.

Trên đây là ý nghĩa của từ Tiết Trùng Dương trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.

Rate this post