Tu Luc Van Doan
Những lá thư
Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng
1-
Sự
thăng trầm trong nghề vẽ
Nguyễn Gia Trí Phạm Tăng
Vườn xuân Trung Nam Bắc, Nguyễn Gia Trí
Thiên thai, Phạm Tăng
Lời mở đầu
Sau năm 2000, họa sĩ Phạm Tăng
có trao cho tôi một số tài liệu liên quan tới ông và hội họa. Trong những tài
liệu này, có hai loại đáng chú ý: những lá thư của Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng
từ 1960 đến 1974 và những bài báo tiếng Ý và tiếng Pháp viết về hội họa Phạm Tăng
trong thời kỳ sáng tác sung mãn nhất (1965-1975), ông thường đem tranh đi triển
lãm ở nhiều tỉnh trong và ngoài nước Ý.
Trong loại thứ hai, có bài của
hai nhà phê bình Bỉ Paul de Swaef và Alain Germoz nhận định về hội họa Phạm Tăng
mà ông nhờ tôi dịch sang tiếng Việt. Hai bài này đã đưa in trên mạng
diendantheky, số ra ngày 22/1/2017, tưởng niệm họa sĩ Phạm Tăng (qua đời ngày
9/1/2017 và mạng hopluu.net
Về tập thư của Nguyễn Gia Trí,
Phạm Tăng có dặn tôi tuỳ nghi sử dụng. Nhưng khi ông còn sống,
việc công bố những lá thư này khá tế nhị, nên tôi đã lưu trữ trong hồ sơ văn học.
Sau khi họa sĩ Phạm Tăng qua đời, những lá thư này trở thành những tư liệu quý
giá, cần được in ra. Phân vân vì không biết tập thư có đầy đủ hay không, tôi đã
liên lạc với gia đình họa sĩ Phạm Tăng ở Paris, cũng không được tin gì thêm; ông
Phạm Hải Nam, em rể họa sĩ ở Hoa Kỳ cho biết: ông không rõ về những lá thư này,
nhưng ông biết năm 1974-1975, khi ông còn ở nhà họa sĩ tại Roma thấy có hai bức
tranh của Nguyễn Gia Trí. Điều này phù hợp với nội dung những lá thư Nguyễn Gia
Trí gửi Phạm Tăng, mà độc giả sẽ đọc dần dưới đây.
Về phần tôi, việc chú thích
những lá thư này để in ra đi đôi với sự tìm hiểu vai trò của Nguyễn Gia Trí
trong Tự Lực văn đoàn, buộc tôi phải đào sâu tiểu sử Nguyễn Gia Trí, khi ấy mới
nhận thấy chúng ta có quá ít tư liệu về nhà danh họa mà cuộc đời hội họa và cách
mạng đan cài với sự nghiệp của ba nhà văn lớn: Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo,
trong hai tổ chức văn hoá và chính trị: Tự Lực văn đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Sự nghiệp cách mạng của Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam, tương đối đã có nhiều người ghi lại. Nhưng sự nghiệp cách
mạng của Nguyễn Gia Trí song song với Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, trong
nhiều thập kỷ, dường như chưa mấy ai tìm kiếm. Cả đến sự nghiệp hội họa lừng lẫy
của ông, phần lớn người ta cũng chỉ xưng tụng và chép lại những giai thoại không
chính xác. Sự thiếu tư liệu, vì sống ở nước ngoài, chỉ cho phép tôi làm hai việc:
Thứ nhất, qua những lá thư
Nguyễn Gia Trí viết cho Phạm Tăng, trình bầy cuộc sống đơn mạc của nhà danh họa
vẫn mang tiếng là “hái ra tiền” trong thời điểm ông sống ở miền Nam từ 1960 đến
1974.
Thứ hai, qua sưu tập Phong Hoá
và Ngày Nay, đã được đưa lên Internet, khơi ra hoạt động biếm họa chống Pháp của
Nguyễn Gia Trí, một trong những người xây dựng Tự Lực Văn Đoàn và là họa sĩ
chính của Phong Hoá và Ngày Nay. Công việc này dài hơi hơn, hiện chưa hoàn tất.
Khi tìm hiểu được cả hai khiá
cạnh trên, chúng ta sẽ thấy rõ hơn chân dung đích thực của nhà cách mạng và họa
sĩ bậc thầy Nguyễn Gia Trí.
TK
Nguyễn Gia Trí (1908-1993), năm
sinh chưa được xác định rõ ràng,
theo lời Lê Phổ, thi đỗ vào trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1927, khoá 3, cùng
lớp với Lê Thị Lựu. Theo Khái Hưng trong truyện Những ngày vui, ông bỏ
học tới 2 lần.
Mấy năm sau, nhờ xem tranh sơn
mài của Trần Quang Trân, trưng bày tại hội chợ, thấy thích, ông mới quay trở
lại trường, học tiếp. Việc này được ông ghi lại, trong bức thư gửi Mai Thọ
Truyền: “được duyên may mắn nhìn thấy một tác phẩm sơn mài đầu tiên, do một
họa sĩ đàn anh, TRẦN-QUANG-TRÂN, thực hiện tại Trường Mỹ Thuật Hà Nội và đem trưng
bày. Nhờ được sự hứng khởi đó mà kẻ hèn này, đã chán bỏ Trường Mỹ Thuật từ năm
thứ ba, chẳng cần phải để Ông Hiệu Trưởng, Giáo sư hay bạn bè kêu gọi, lại quay
trở về tiếp tục học và đã chọn môn làm sơn mài”
Vậy kỹ thuật sơn mài của ta, theo
lời Nguyễn Gia Trí, là do Trần Quang Trân sáng tạo (khác với lối sơn mài của Tầu
và Tây) chỉ được đem vào dậy ở trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1932. Điều này
đã thúc đẩy Nguyễn Gia Trí trở lại trường Mỹ Thuật để học sơn mài. Rồi chính
Nguyễn Gia Trí sẽ là người đưa nghệ thuật sơn mài Việt Nam đến chỗ toàn bích.
Phạm Tăng (1924-2017) vào trường
Mỹ Thuật Đông Dương sau Nguyễn Gia Trí 16 năm: Năm 1943, ông thi vào ban hội họa
và kiến trúc, ít lâu sau, ông bỏ kiến trúc để chỉ theo hội họa. Đang học dở dang
chiến tranh bùng nổ, Phạm Tăng về làm báo ở Nam Định cùng Trần Lê Văn và Hữu
Ngọc, chuyên vẽ tranh minh họa chống Pháp. Năm 1954, ông di cư vào Nam, cộng tác
và vẽ hý họa cho báo Tự Do (1954-1959), Văn Nghệ Tự Do (1956) và Bách Khoa
(1957-1959) tại Sài Gòn.
Năm 1959, Phạm Tăng được học bổng
sang Ý học thêm hội họa. Từ 1962, Phạm Tăng chuyên sống bằng hội họa, triển lãm
tranh ở các đô thị lớn của Ý, như Roma, Firenze, Milano, Venezia… và nhiều lần
tại Bỉ, Áo, Đức, Hoà Lan, Thụy Sĩ, và ở Mỹ châu, tại Brésil và Los Angeles. Năm
1967, bức tranh Vũ trụ được giải thưởng Unesco. Tháng 3/1972, Phạm Tăng
được Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Ý (Accademia Tiberina) ở Roma vinh danh Viện Sĩ.
Nội dung tập tài liệu
Nếu chúng ta không tìm được những
tư liệu viết tay hay đánh máy khác của Nguyễn Gia Trí, thì Những lá thư của
Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng dưới đây sẽ là những chứng từ duy nhất
do chính họa sĩ viết tay và đánh máy gửi cho người bạn vong niên Phạm Tăng, lúc
đó đang sống ở Ý.
Những lá thư này, cho biết
một số dữ kiện chính xác về cuộc đời ông, thời kỳ 1960-1974 ở Sài Gòn, về nỗi
khó khăn và thời gian lâu lắt để làm một bức tranh sơn mài có giá trị, khiến
nghệ thuật sơn mài độc đáo của Nguyễn Gia Trí hầu như không ai tiếp nối được.
Những lá thư này, còn giúp ta hiểu
rõ về cuộc đời một họa sĩ lừng danh, nhưng luôn luôn bị cái nghèo đeo đuổi, xác
định lại một phần sự thực về tình trạng tài chính và cuộc sống đích thực của
Nguyễn Gia Trí, và sẽ soi tỏ được một số vấn đề về bản thân ông, về thái độ bảo
vệ tác phẩm nghệ thuật trước áp lực của Mai Thọ Truyền, một quan chức cao cấp
trong chính quyền miền Nam năm 1970, và nói lên nhân cách bất khuất của họa sĩ
trước thế quyền.
Tập tài liệu này sẽ được đánh số
từ số 1 đến 12, chia làm ba loại:
1- Loại 1, gồm ba
thư viết tay:
Tài liệu số 2
(thư ngày14/7/61)
Tài liệu số 3
(thư ngày 12/9/65)
Tài liệu số 5
(thư ngày 6/11/67)
2- Loại 2, gồm năm
thư đánh máy:
Tài liệu số 1
(thư ngày 24-1-60) (đã đăng trên Thế Kỷ 21, số Xuân, 189-190 tháng 1- 2- 2005)
Tài liệu số 4
(thư ngày 1/9/66)
Tài liệu số 9
(thư ngày 22/5/70)
Tài liệu số
10 (thư ngày 22/6/70)
Tài liệu số
11 (thư ngày 22/9/70)
Tài liệu số
12 (thư ngày 2/8/74)
3- Loại 3, gồm ba tài liệu đánh
máy, Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng, liên quan đến vụ Mai Thọ Truyền.
Tài liệu số 6:
Thư gửi Quốc Vụ Khanh (ngày 13/1/1970)
Tài liệu số 7:
Giải Thích (không đề ngày)
Tài liệu số 8:
Nhật báo Quyết Tiến (ngày 24/1/1970)
Chúng tôi đánh số tài liệu theo
thứ tự thời gian, và chia bài viết làm ba phần:
1-Những thăng trầm trong nghề
vẽ (từ tài liệu số 1 đến số 3)
2- Nguyễn Gia Trí đương đầu với
Mai Thọ Truyền (tài liệu số 4 đến số 9).
3- Số phận bức tranh lớn nhất
của Nguyễn Gia Trí (tài liệu số 10 đến số 12)
Việc tranh Nguyễn Gia Trí đo bằng
tấc, mét
Nhưng trước khi đọc tập tài liệu
này, có một vần đề khá quan trọng cần được trình bầy để giải toả mọi hiểu lầm về
việc tranh Nguyễn Gia Trí đo bằng “tấc, mét”, đã được hầu như mọi người chép
lại, coi như là “dấu ấn” đặc biệt của họa sĩ, chứng tỏ sự kiêu kỳ, khác người
của ông và tại sao tranh Nguyễn Giá Trí bán giá cao không ai sánh nổi.
Cho đến nay, người Việt vẫn ít
quan tâm đến việc nghiên cứu cuộc đời các văn nghệ sĩ ưu tú của đất nước, trường
hợp Nguyễn Gia Trí là điển hình: ông sống rất gần chúng ta nhưng tiểu sử chính
xác của ông không mấy ai biết rõ.
Ta cũng không thể chấp nhận những
loại “tiểu sử” Nguyễn Gia Trí trên Wikipédia, với những thông tin như: “”Những
năm 70, tài chính của Nguyễn Gia Trí tới “hàng nghìn cây vàng“, “tranh
ông bán đo bằng tấc”, “khách mua tranh ông là những tỷ phú Nam Phi, Nam
Mỹ”, “Trần Lệ Xuân mua tranh tặng Nhật hoàng”, v.v… được chép đi
chép lại trong những bài viết in trên báo trước, rồi được quảng bá rộng rãi trên
internet sau.
Riêng việc “tranh ông bán đo bằng
tấc” đã được coi như một bằng chứng về sự “hái ra tiền” của họa sĩ
Nguyễn Gia Trí, cần được giải thích:
Thực ra, việc tính giá tranh theo
đơn vị diện tích, là rất thông thường ở những nước có truyền thống bán tranh lâu
đời, mà có lẽ người Việt chưa biết rõ. Ở Pháp bức tranh thường được tính theo số
Điểm (Points) (một cách xác định kích thước bức tranh) và Cote (giá
biểu, họa sĩ càng giỏi, càng nổi tiếng, cote càng cao). Ví dụ họa sĩ A có
cote là X euros một Point; họa sĩ B có cote là Y euros một Point.
Người buôn tranh cứ theo số Point nhân lên với cote của họa sĩ để
định giá bức tranh.
Nguyễn Gia Trí cũng dùng phương
pháp này, nhưng thay vì points thì ông định giá tranh của mình theo
mét vuông.Vấn đề chỉ đơn giản có thế. Điều này không có nghiã là vì tranh
Nguyễn Giá Trí bán theo giá mét vuông mà ông “hái ra tiền”.
Theo tài liệu số 4 (thư
ngày 1/9/66) ta biết: giá tranh Nguyễn Gia Trí năm 1966, cao hơn giá tranh ông
năm 1956 là 20%. Mà theo tài liệu số 9, giá tranh ông năm 1967 là 150.000
đồng/m2. Vậy ta có thể suy ra năm 1956, tranh Nguyễn Gia Trí giá khoảng
120.000 đồng/m2.
Theo tài liệu số 12 (thư
ngày 2/8/74), năm 1974, giá tranh ông là 800.000đồng/m2 (tương đương
với 1142 đô-la Mỹ/m2, tính theo hối xuất năm 1975, 1 đô-la Mỹ= 700 đồng
VNCH).
Vậy một mét vuông tranh của ông
giá 1142 đô la. Giá tranh như thế không thể gọi là cao!
Nhưng người ta vẫn tung ra những
tin đại loại như: những năm 1970, tài chính của Nguyễn Gia Trí tới “hàng
nghìn cây vàng”. Hoặc: “tiền vào như nước, đổ đầy bàn, đếm không xuể “.
Chưa nói đến nghệ thuật sơn mài
thượng thừa của Nguyễn Gia Trí, chỉ cần xét giá trị lao động, nếu đem đối chiếu
giá mét vuông tranh của ông và thời gian ông dành ra để hoàn thành một mét vuông
ấy, với thời gian của các họa sĩ khác (đôi khi chỉ cần một buổi, một tuần, là họ
làm xong một mét vuông tranh của họ) thì tranh Nguyễn Gia Trí không hề đắt so
với tranh những họa sĩ nổi tiếng khác.
Theo tài liệu 6, 7 và 8, ba
bức tranh ông làm cho Thư Viện Quốc Gia VNCH (ký giao kèo tháng 11/1967), làm
trong hai năm, khánh thành cuối năm 1969.
Tổng cộng diện tích ba tranh này
là 14m2 54, trị giá: 2.475.000 đồng VNCH (tương đương với 30.937,5
đô-la Mỹ, nếu tính theo hối suất năm 1966: 1 đô-la=80 đồng VNCH. Nhưng nếu tính
theo hối suất năm 1970: 1 đô-la=277,75 đồng VNCH, thì chỉ còn 8.910,9 đô-la).
Chúng ta lại biết rằng, đến khi
tranh làm xong, chính phủ vẫn chưa trả hết tiền, qua lời Nguyễn Gia Trí kể với
Phạm Tăng: “Anh biết không trước khi đi [Pháp] lão [Mai Thọ Truyền]
còn sai luật sư dụ tôi trao tranh cho hắn, hắn sẽ tháo khoán trả tiền nốt cho
tôi, bằng không sẽ đưa ra tòa”. (Tài liệu 10).
Ngoài việc nghệ thuật là vô giá,
Nguyễn Gia Trí phải dành ra 27 tháng, không làm gì khác, để thực hiện ba tác phẩm
này trong xưởng vẽ với nhiều thợ. Thử hỏi ngày nay, ai dám nhận một công việc như
vậy, để đạt tới một kết quả tài chính như vậy, chưa kể phải chịu sự đe dọa của
một quan chức hống hách?
Đó là lý do chính, tại sao Nguyễn
Giá Trí luôn luôn có người đặt mua tranh, mà ông vẫn nghèo, như lời ông viết
trong những bức thư gửi cho Phạm Tăng mà chúng ta sẽ đọc dần, dưới đây.
Tài liệu 1
Lá thư dưới đây có lẽ là thư đầu
tiên Nguyễn Gia Trí trả lời thư của Phạm Tăng viết từ Roma gửi về thăm ông ở Sài
Gòn.
Thư ngày 24-1-60
NGUYỄN GIA TRÍ
26/8 Đường Công-Lý nối dài
SAIGON
Saigon, ngày
24/1/60
Anh Phạm Tăng thân,
Hôm nay xưởng
tôi thợ mới nghỉ Tết, nhân rảnh đôi chút viết thơ thăm anh sức khỏe và công việc
học hành ra sao.
Anh đã đi
thăm cụ Y
chưa? Có gặp cũng cho tôi hỏi thăm nhé. Anh sang bên đó, rồi anh sẽ thấy, không
phải những tác phẩm của những họa sĩ và lối sáng tác của họ, là những cái mình
được coi mà ảnh hưởng tốt đẹp và bền bỉ nhất. Theo tôi nghĩ thì cái hay ở ngoại
quốc về môn hội họa của mình là, không như ở nhà, nhiều giả dối và điệu bộ trống
rỗng quá, ở những xứ như Ý và Pháp họ có nề nếp chân truyền về nghề nghiệp. Cái
hay của họ, tôi cho là sự tìm tòi thành thực và một thứ tin tưởng. Tôi không nói
tin tưởng nghệ thuật như nghệ thuật là một thứ tôn giáo theo cái lối “nghệ sĩ”
hiểu nghệ thuật, nghiã là với những hình thức rất sáo của tôn giáo. Tôi chắc anh
tiếp súc với những họa sĩ dù là thuộc những phái “siêu thực” hay “trừu tượng” kỳ
quặc nhất, nếu là những người nghệ sĩ chân thành, anh sẽ thấy thường lắm, giản
dị lắm, vì lý do là nó tự nhiên.
Hôm nọ tôi
vừa mua được một cuốn Art d’Aujourd’hui [Nghệ Thuật Ngày Nay]
trong đó có
những sáng tác hội họa mới nhứt của Mỹ và của Ý. Nhiều cái trông thật thì không
biết thế nào, nhưng cũng ngộ. Nếu đọc những bài họ viết thì bên cạnh những thuyết
bí hiểm lại có những thuyết “văn chương” quá, khiến cho mình đâm nghi. Nhiều khi
các ông ấy chỉ làm minh họa những thuyết về khoa học hay triết lý, chẳng có gì
khác. Nhưng đây là những thí
nghiệm cần thiết, cố nhiên hàng vạn người họa chăng mới có một ngưòi tìm được
một hạt kim cương. Mình phục cái can đảm của họ.
Mấy lời lăng
nhăng nói chuyện cho cái Tết tha hương đầu tiên của anh đỡ nhớ nhà. Nhưng chắc
cũng chẳng có gì nhắc anh là Tết, tuy vậy sang năm mới cũng chúc anh mọi sự may
mắn vui vẻ.
Nguyễn Gia Trí
Lá thư đề ngày 24/1/60, câu “cái
Tết tha hương đầu tiên của anh” xác định việc Phạm Tăng rời nước năm 1959.
Thư viết về vấn đề nghệ thuật. Câu: “Hôm nay xưởng tôi thợ mới nghỉ Tết”,
cho thấy tới đầu năm 1960, Nguyễn Gia Trí vẫn còn có xưởng để làm tranh.
Về xưởng thợ, theo Hoàng Hưng, từ
sau cuộc triển lãm năm 1938 của trường Mỹ Thuật Đông Dương, Nguyễn Gia Trí đã
lập xưởng vẽ ở làng Thịnh Hào, Ngã Tư Sở và trong số những thợ sơn mài của ông,
có người sau này nổi tiếng như nhà văn Kim Lân, họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, nhà
quay phim Nguyễn Đăng Bẩy.
Xưởng thợ này tất nhiên phải ngừng
hoạt động trong thời gian ông bị Pháp bắt và bị cầm tù ở Vụ Bản (Hoà Bình) cùng
với Hoàng Đạo và Khái Hưng, từ 1941 đến 1943.
Theo nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến,
từ 1943 đến 1945, Nguyễn Gia Trí lập xưởng vẽ ở chân đê La Thành, khoảng
giữa đường từ núi Nùng (vườn Bách thảo) tới trường đua ngựa cũ. Trần Khánh Triệu
tức Nguyễn Tường Triệu, con nuôi Khái Hưng, con ruột Nhất Linh, cũng nhớ sau khi
đi tù ở Vụ Bản về, Nguyễn Giai Trí vẽ ở Quần Ngựa.
Vậy trong xưởng vẽ ở Quần Ngựa này,
Nguyễn Gia Trí đã thực hiện bức tranh sơn mài lớn nhất của ông, bán cho ông bà
Drouin, mà ông nói đến trong tài liệu 12.
Sau đó, là thời gian lưu vong sang
Trung Hoa, ở Thượng Hải và Hồng Kông, từ cuối năm 1946 đến 1952, chúng tôi sẽ
tìm hiểu kỹ hơn giai đoạn này khi nghiên cứu về cuộc đời Nguyễn Gia Trí.
Ở đây, chỉ xin vắn tắt: Nguyễn Gia
Trí về Hà Nội năm 1952, ở lại ba tháng, rồi vào Sài Gòn, ông bị Pháp bắt đi an
trí ở Thủ Dầu Một từ 1952 đến 1953.
Hiện nay, phần tiểu sử Nguyễn Gia
Trí, từ 1953 đến 1955, còn nhiều điểm chưa rõ, nên ta chưa thể biết đích xác ông
lập xưởng vẽ ở Sài Gòn vào thời điểm nào. Nhưng việc này chứng tỏ, sau 1954,
khách mua tranh Nguyễn Gia Trí, đã trở lại như thời trước 1945, trong số đó có
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, năm 1957- 58, đã đặt mua hai tranh, với giá hơn một
triệu đồng,
Tuy nhiên, tình trạng này có lẽ đã
không kéo dài, vì như lời họa sĩ Phạm Tăng nói với chúng tôi: thấy họa sĩ Nguyễn
Gia Trí nghèo, nên ông đã giúp bằng cách mời ông Trí vẽ tranh hý họa trên báo
cùng với ông và khi Phạm Tăng đi Ý, Nguyễn Gia Trí vẽ thay.
Bức biếm họa chuột gặm dưa hấu, vẽ
cuối năm 1959, làm bìa cho báo Xuân Tự Do 1960, nằm trong bối cảnh đó. Một mặt
khác, ta cũng nên chú ý đến một biến cố chính trị quan trọng xẩy ra năm 1960, đó
là cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960 do Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông thực
hiện, nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm mà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có
dính líu. Nguyễn Gia Trí luôn luôn đi cạnh Nhất Linh, vậy ông có tham dự vào
biến cố này không? Khó mà biết được. Nhưng những khó khăn của ông sau cuộc binh
biến 11/11/1960 có lẽ đã trả lời phần nào câu hỏi trên.
Một điều chắc chắn là biến cố này
đã đóng góp vào sự đình trệ trong công việc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí năm 1961,
khiến ông phải thải hết thợ ra, làm việc một mình, như trong thư ông viết cho Phạm
Tăng dưới đây.
Tài liệu 2
Thư ngày 14-7-1961
NGUYỄN GIA TRÍ
26/8 Đường Công-Lý nối dài
SAIGON
Saigon ngày
14/7/61
Anh Phạm Tăng thân
Anh mà còn phải
nói đến lỗi chậm viết thư cho tôi thì tôi lại cám ơn anh về đã viết thơ cho tôi
bây giờ.
Tôi được thư
anh nói công việc học hành tôi cũng vui mừng lắm. Trước đây tôi cũng có tin anh
vì cụ Y cho tôi hay anh gập cụ. Cụ tiếc sao anh không sang Pháp học. Cụ đâu có
biết những khó khăn của mình! Có lần có người lại còn định mời cụ về dạy laque
nữa nhưng cụ từ chối vì có việc không tiện đi. Cụ bảo sao không bảo mình dạy.
Mình cũng chẳng tiện nói rõ lý do gì từ xưa đến nay mình vẫn không hợp tác được.
Anh định dủ
tôi bày tranh với anh à? Anh còn lạ gì laque lâu thế nào, mà từ đầu năm nay còn
có mình tôi làm. Thợ phải thải hết, vì tuy đã ráng sức nhưng ông sao cưu mang
mãi được. Tốn kém lắm, không thể cứ đi vay về mãi mà làm. Tình hình chán lắm.
Tôi còn một esquisse lớn 3×4 thước, định làm từ năm ngoái mà không thể vẽ xong
được. Hiện giờ còn mấy cái nhỏ nhỏ người ta đặt làm đã lâu mà vẫn chưa xong.
Hình như anh
học về gravure phải không? Món đó tốt lắm. Có lẽ về nhà dùng được đấy nhỉ.
Thôi tạm biệt
để thư sau. Chúc anh làm việc thành công.
Nguyễn Gia Trí
Nguyễn Gia Trí thường nhắc đến Cụ
Y, tức họa sĩ Imguimberty (1896-1971) thầy dạy vẽ ở trường Mỹ Thuật Đông Dương;
ông Trí là học trò cưng của cụ, theo lời Tạ Tỵ. Tôi cũng đã từng được nghe hai
họa sĩ Lê Phổ và Lê Thị Lựu nói về ông thầy này với giọng trân trọng kính yêu lạ
thường. Nhưng theo thư trên đây, Nguyễn Gia Trí còn cho biết thêm: “Có lần có
người lại còn định mời cụ về dạy laque nữa nhưng cụ từ chối vì có việc không
tiện đi. Cụ bảo sao không bảo mình dạy”. Chữ “có người” ở đây chắc chỉ hai
anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu muốn mời cụ Y về dạy sơn mài ở trường
Mỹ Thuật Gia Định, nhưng cụ không nhận và cụ bảo sao không mời Nguyễn Gia Trí.
Trong thư ông Trí còn nói thêm với ông Tăng: “Mình cũng chẳng tiện nói rõ lý
do gì từ xưa đến nay mình vẫn không hợp tác được.” Lý do “bất hợp tác”
này hẳn là chính trị, như ta đã thấy ở trên.
Thư này còn cho biết: Phạm Tăng
mời Nguyễn Gia Trí triển lãm chung ở ngoại quốc, nhưng ông Trí từ chối, ông bảo:
laque làm lâu lắm; nhất là từ đầu năm 1961 ông đã phải
thải hết thợ ra, làm
một mình, vì không thể vay tiền mãi mà làm.
Sự kiện “làm sơn mài rất lâu”
và tình trạng “túng bấn” này, được họa sĩ nhắc đến lần đầu, và ông sẽ còn
nhắc lại nhiều lần nữa, trong những thư kế tiếp.
Câu: từ đầu năm nay còn có mình
tôi làm. Thợ phải thải ra hết ở trong thư, chứng tỏ họa
sĩ đích thực bị khó khăn từ đầu năm 1961, tức là sau biến cố 11/11/1960. Điểm
này đã trả lời câu hỏi: Nguyễn Gia Trí có dính líu vào vụ đảo chính hụt cùng Nhất
Linh chăng? Tuy nhiên, cả Nguyễn Gia Trí lẫn Nhất Linh đều không bị bắt, phải chăng
vì anh em ông Ngô Đình Diệm rất nể trọng hai nghệ sĩ lớn này?
Nhưng riêng đối với Nguyễn Gia Trí,
thời kỳ sung mãn bán được nhiều tranh đã chấm dứt với cuộc đảo chính hụt
11/11/1960. Và ông bước sang thời kỳ khó khăn hơn.
Mặc dù tình trạng chính trị đã
thay đổi: anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị ám sát và miền Nam bước vào nền
Đệ Nhị Cộng Hoà, nhưng tình trạng “nợ nần” của Nguyễn Gia Trí vẫn kéo dài từ
1961 đến 1965: khiến ông ước có “bạc triệu và làm việc trong một hai năm
không lo sinh sống và nợ nần”, và ông biết đó chỉ là:
“câu chuyện mộng tưởng”.
Ông nói: Bây giờ
[1965] về kỹ thuật tôi đã tiến bộ nhiều. Ông giải thích về
bức Abstrait (Trừu tượng) do một người Pháp lục trong đống phác họa, rồi
đặt, chứ ở Việt Nam lúc ấy [1965] không mấy người biết thưởng thức tranh trừu tượng.
Và ông gửi cho Phạm Tăng hình một số tranh ông đã hoàn tất trong 4 năm qua.
Bẵng đi hơn 4 năm, từ tháng 7/1961
đến tháng 9/1965 không có thư (được giữ lại), có thể vì ở ngoài nước Phạm Tăng
bận lập gia đình và vẽ tranh triển lãm khắp nơi; trong nước lại liên tiếp xẩy ra
những biến cố quan trọng: nhà văn Nhất Linh tự vận (7/7/1963), cuộc đảo chính
ngày 1/11/1963 dẫn đến sự sát hại anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày
2/11/1963.
Khi tình hình đã lắng xuống, năm
1965, Phạm Tăng liên lạc lại và dưới đây là lá thư trả lời của Nguyễn Gia Trí.
Tài liệu 3
Thư ngày 12-9-1965
NGUYỄN GIA TRÍ
Hẻm 36, Số 26/8 đường Cách Mạng
SAIGON
Saigon ngày
12/9/65
Anh Phạm Tăng thân,
Nhận được thư
anh tôi rất mầng vì đã lâu vắng tin anh. Tự hẹn sẽ viết dài cho anh mà nên lần
khần giờ mới cầm bút viết được. Tuy vậy nhiều chuyện viết ra dài dòng quá viết
sao xuể được. Giờ hãy nói chuyện tranh sơn mài.
Thấy anh thế
mà không rõ công chuyện đó. Nó làm lâu la quá, nên có bao giờ anh thấy trong xưởng
tôi đến một bức tranh nhỏ mà không có người đặt tiền hay đã trả tiền hết rồi?
Hiện nay tôi còn nợ tiền ba bốn bức tranh cỡ 60×80 mà có cái chưa bắt đầu vẽ được
một nét. Nghĩ đến mà sốt ruột. Cho nên tôi còn nhớ cũng đã có lần anh nói câu
chuyện bày tranh ở ngoại quốc, tôi muốn mà không thể nào làm được. Đành sống qua
ngày trong cái hoàn cảnh chật hẹp nước mình. Cái sơn mài nó không thể sản xuất
nhiều được mà không phương hại đến cái phẩm của nó. Hoặc giả phải có vốn bạc
triệu thì trong số những sản phẩm chọn lọc họa chăng được một nửa có thể kha khá.
Bạc triệu và làm việc trong một hai năm không lo sinh sống và nợ nần. Có thể nói
là một câu chuyện mộng tưởng.
Tôi thành
thực không tiếc gì, vì vẫn làm hết sức mình. Bây giờ về kỹ thuật tôi đã tiến bộ
nhiều. Nhân tiện gởi anh mấy tấm hình anh coi, và tưởng tượng thật nó thế nào.
Cái thuyền nó có matière tựa như aquarelle. Còn cái abstrait là một ông Pháp ông
lục trong đống esquisse thấy rồi đặt, chứ còn bỗng dưng ở đây mấy khi có người
thưởng thức?
Anh có lòng
nghĩ đến tôi ở xa xôi thực quý hóa.
Lâu lâu anh
hãy viết thư về nói chuyện của anh làm ăn. Được tin anh đã lập gia đình bên đó
xin có lời mừng.
Thân mến.
Nguyễn Gia Trí
Tháng 9/1965, Phạm Tăng viết thư
về, có lẽ vẫn để giục Nguyễn Gia Trí triển lãm tranh chung. Vì thế, Nguyễn Gia
Trí mới trách nhẹ: “Anh thế mà không hiểu rõ chuyện!” Và ông nhắc lại:
Sơn mài làm lâu lắm nên có bao giờ anh thấy trong xưởng vẽ của tôi có đến một
bức tranh nhỏ mà không có người đặt tiền hay đã trả hết tiền rồi?
Ông còn cho biết: Hiện nay ông
còn nợ tiền ba bốn bức tranh cỡ 60×80 cm, mà chưa bắt đầu vẽ được một nét.
Tất nhiên ông cũng muốn triển lãm tranh ở nước ngoài nhưng không thể làm được,
vì “Cái sơn mài nó không thể sản xuất nhiều được mà không phương hại đến cái
phẩm của nó. Hoặc giả phải có vốn bạc triệu thì trong số những sản phẩm chọn lọc
họa chăng được một nửa có thể kha khá. Bạc triệu và làm việc trong một hai năm
không lo sinh sống và nợ nần. Có thể nói là một câu chuyện mộng tưởng”.
Tóm lại, trong thư này, Nguyễn Gia
Trí xác định một lần nữa:
– Sơn mài làm lâu lắm, nếu làm
nhanh bức tranh mất giá trị.
– Sự “tiến bộ” mà Nguyễn Gia Trí
nói đến ở đây sẽ được thể hiện trong bộ ba bức tranh làm cho Thư Viện Quốc Gia
(1967-1970) và tác phẩm lớn Vườn Xuân Nam Trung Bắc (bắt đầu từ 1973,
hoàn tất sau 1975), hiện trưng bầy ở Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh.
– Ông mừng Phạm Tăng đã lấy vợ Ý.
(Còn tiếp)
Thụy Khuê
thuykhue.fr.fr
© 2020 Thụy Khuê