Trọng tài coi như vứt đi từ khi có VAR!
Cựu trọng tài Pierluigi Collina (Ý) luôn là nhân vật tích cực nhất trong việc thúc đẩy sự ra đời của VAR. Collina là trọng tài nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá (riêng danh hiệu “trọng tài xuất sắc nhất thế giới” của FIFA, ông đã giữ trong 6 năm liên tiếp). Bây giờ ông là trưởng ban trọng tài FIFA, trưởng ban trọng tài Ukraine, thành viên ban trọng tài UEFA và là cố vấn của Liên đoàn trọng tài Ý.
Sự thật: Collina quá giỏi. Điều rất rõ ràng nhưng không phải là sự thật: thế giới chắc sẽ không bao giờ có một trọng tài xuất sắc như Collina. Sự chắc chắn: những gì Collina phải làm để ông được ghi nhận là “quá xuất sắc”, thì từ nay các trọng tài… không phải làm nữa. Tất cả dẫn đến cái điều cuối cùng – điều bị cho là thuyết âm mưu: Collina thúc đẩy sự ra đời của VAR, để tư cách “trọng tài vĩ đại nhất lịch sử” của ông trở nên bền vững?
Collina nói, trong suốt quá trình vận động “luật hóa” VAR: “Cả sự nghiệp của một trọng tài có thể tiêu tan vì một quyết định sai. Do vậy phải có VAR. Đấy là mành lưới rất an toàn để bảo vệ cho trọng tài”. Nghe cũng có lý. Nhưng đấy là Collina… tự vả vào mồm.
Ngày xưa, Collina mở đầu cho cuốn hồi ký của mình bằng một câu nói rất trang trọng, đúng một câu trong toàn bộ trang đầu tiên, viết bằng tiếng Latin: “Không sai không phải là người” (mà là ma quỷ mất rồi)! Thế rồi, Collina nhai đi nhai lại trong suốt cuốn sách: đừng sợ sai; sai thì đã sao nào; đừng đọc báo, bạn sẽ không bao giờ thấy mình sai! Có lúc, Collina tâm sự, thân thiện và cởi mở. Có lúc, đấy là lời khuyên của ông cho các đồng nghiệp. Lưỡi không xương? Nên nhớ, Collina giờ là quan chức bóng đá.
Collina vận động thành công cho sự ra đời của VAR, để từ nay sẽ chẳng bao giờ có một trọng tài xuất sắc như chính ông? Vâng, đấy có thể chỉ là “thuyết âm mưu”. Nhưng, xin kể thêm một sự thật ít ai quan tâm. Collina giỏi đến mức ông từng nói ra một điều làm choáng váng toàn bộ thế giới thể thao. Choáng váng vì trước khi ông nói, dường như chưa ai nghĩ đến. Collina đặt vấn đề “kiểm tra doping trọng tài”. Đúng là chưa ai nghĩ đến (giờ cũng vậy)? Collina nói ông nổi tiếng hơn một số trọng tài khác và điều đó dẫn đến những thuận lợi riêng – ví dụ ông rất “đắt show” quảng cáo. Vậy, nếu các trọng tài chơi doping để tỉnh táo hơn, chạy khỏe hơn, từ đó nổi tiếng hơn trọng tài khác và hưởng lợi thì sao? Đừng nói Collina không quan tâm đến sự nổi tiếng của trọng tài.
Collina chỉ ngay vào chấm 11m khi tiền đạo Anh Michael Owen chạm vào hậu vệ Argentina Mauricio Pochettino và ngã nhào trong khu cấm địa. David Beckham sút chính xác quả phạt đền và Anh thắng 1-0. Chung cuộc, ứng cử viên vô địch nặng ký Argentina về nước ngay sau vòng bảng tại World Cup 2002. Đấy là một trong những ví dụ về sự nổi tiếng của trọng tài Collina ngày xưa.
Anh và Argentina là hai nền bóng đá “tử thù”, nổi tiếng nhất trong làng cầu quốc tế. Biết vậy, dĩ nhiên Collina đã điều nghiên kỹ từng cầu thủ đôi bên từ nửa năm trước đó – khi có kết quả bốc thăm World Cup. Rõ như ban ngày: FIFA đương nhiên phải bố trí trọng tài số 1 thế giới Collina điều khiển trận “đinh” của bảng tử thần World Cup. Collina hiểu cả sự tinh quái của Owen, lẫn đặc điểm dễ hốt hoảng của Pochettino. Ông phân tích hay hơn mọi bình luận viên hàng đầu thế giới: Pochettino phải thò chân cản phá như một phản xạ không tránh khỏi, và Owen chỉ chờ có thế. Collina “thấy” ngay tình huống phạt đền từ khi nó chưa xảy ra.
Vì sao giới bình luận xem đi xem lại cảnh chiếu chậm cũng không biết chắc có phạt đền hay không, trong khi chính Pochettino lại thừa nhận ông đã phạm lỗi? Vì người ta quá ngây thơ khi xem cảnh chiếu chậm – giờ cũng vậy thôi. Không ai lại xem để trả lời: cái va chạm “trên TV” có đủ lực làm cho đối phương ngã nhào hay không. Đấy là điều phải cảm nhận. Và đấy là kinh nghiệm, đôi khi chỉ người trong cuộc mới biết. Collina (hàng tuần cầm còi ở Serie A trong giai đoạn giải này chính là trung tâm bóng đá thế giới) nói vanh vách đặc điểm của các ngôi sao Inter, Juventus, Milan. Ông hiểu luôn lối chơi từng đội. Tiền vệ trụ nào có bóng thì tiền đạo cánh nào sẽ di chuyển ra sao. Đường chuyền tiếp theo sẽ như thế nào. Đúng vanh vách!
Vậy nên, Collina còn làm tốt cả cái điều “phản khoa học”, là bắt việt vị chính xác. Khoa học: mắt người không thể cùng lúc nhìn vào nhiều điểm khác nhau, nên con người không thể bắt được tình huống việt vị! Như đã nêu, Collina cảm nhận. Ông lắng nghe tiếng sút bóng khi cầu thủ nhận bóng, và ông biết ai sẽ di chuyển kiểu gì, nhận bóng ra sao… Cứ thế, sự nghiệp Collina gắn liền với những tình huống bắt phạt đền và bắt việt vị bất hủ.
Phạt đền và việt vị hay không (trong tình huống ghi bàn) chính là hai điều phổ biến nhất liên quan tới VAR trong bóng đá thời nay. Trọng tài bây giờ “thở phào”, không cần tập trung theo dõi, không sợ trách nhiệm nữa, vì đã có VAR. Đấy là khác biệt mà con nít cũng thấy. Nên bây giờ, nói quá một tí thì bạn hoặc tôi đều có thể làm trọng tài trong các trận đấu đỉnh cao!
Vấn đề thật ra không dừng ở đấy. Trên lý thuyết, VAR là quá tốt đẹp rồi, nếu nó được vận dụng trong khuôn khổ đạo đức 100%. Thực tế ra sao lại là chuyện khác. Nhìn vào mặt trái, VAR tai hại hơn nhiều so với những gì người ta có thể hình dung.
Hơi khó nghe, nhưng hãy bắt đầu từ “sự lòe bịp” của những bài báo hay bàn về số liệu thống kê – kiểu “con số không biết nói dối”. Tần suất phạt đền tăng vọt nhờ có VAR, và dĩ nhiên tuyệt đại đa số quyết định phạt đền của VAR là đúng. Vậy: khi chưa có VAR thì trọng tài sai rất nhiều? Không đúng. Khi không có VAR thì trọng tài đương nhiên không thổi phạt đền trong những pha phạm lỗi không rõ ràng (chưa tới mức 7-3). Vì không chắc chắn thì không được kết tội. Mọi pha phạm lỗi không rõ ràng đều không bị thổi phạt đền – nên vẫn công bằng. Bất quá, khác biệt chỉ là: có hoặc không có VAR là hai loại hình bóng đá khác nhau mà thôi. Tương tự, hễ không biết chắc thì trọng tài không được xử việt vị cầu thủ ghi bàn.
Ngày xưa, Collina đặc biệt nổi tiếng trong các quyết định bắt phạt đền và bắt việt vị – ông làm điều ngược với nguyên tắc nhân văn: “bắt tội” trong những trường hợp 6-4 hoặc 5-5. Giả sử Collina “không bắt phạt đền” thì đúng hay sai, cũng chả ai nhớ. Không kịp nhìn rõ là bình thường, là “con người” thôi mà!
“Điếm như Collina”? Nhưng ít ra, Collina phải chuẩn bị rất kỹ, luôn tỉnh táo, và ông quá thông minh. Bây giờ, khi “ỷ có VAR”, thì hậu quả là trong đa số trường hợp, trọng tài hầu như không trực tiếp xem “nóng”. Như đã nêu: xem lại qua màn ảnh TV làm sao biết được “dã tâm” hay sự “ngây thơ” của một cái quơ tay, một chiếc chân giơ cao, làm sao biết lực của một sự va chạm là đủ mạnh để chủ động đẩy ngã đối thủ? Thực tế, ngay tại Premier League tức loại hình bóng đá “đỉnh của đỉnh”, người ta đã phải dùng VAR để xem “trọng tài đã thổi còi hay chưa”, khi cầu thủ sút phạt vào lưới. Và chính trọng tài trên sân phải coi lại điều đó. Đốn mạt đến mức tận cùng!
Theo đúng luật, chỉ được dùng VAR để sửa những cái sai rõ ràng và quan trọng của trọng tài. Khi người ta phải kẻ lui kẻ tới xem việt vị hay chưa, thì là không rõ ràng rồi (tức đã dùng VAR sai luật). Mà, xin nói thẳng: mấy cái vạch đó ai làm chẳng được!