Trở lại quê hương anh hùng Tô Vĩnh Diện
Trở lại quê hương anh hùng Tô Vĩnh Diện
Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại xã Nông Trường (Triệu Sơn), vùng đất sinh ra anh hùng Tô Vĩnh Diện – người đã “lấy thân chèn pháo” hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đường làng, ngõ xóm tại xã Nông Trường được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp.
Nông Trường hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, những con đường bê tông hóa, giao thông nông thôn phát triển, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố minh chứng cho sự đổi thay ở vùng quê nghèo khó ngày nào.
Lần giở cuốn lịch sử đảng bộ xã mà đồng chí bí thư đảng ủy xã Tô Vĩnh Ca cung cấp, tìm đọc phong trào cách mạng của nhân dân xã Nông Trường thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thấy được nhiều mốc son về tinh thần và ý chí cách mạng của người dân nơi đây. Hình ảnh người anh hùng Tô Vĩnh Diện quên thân mình cứu pháo vẫn còn in đậm như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong lịch sử đảng bộ có ghi: “…Năm 1949, đồng chí xung phong đi bộ đội, đồng chí luôn có tinh thần gương mẫu, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1953, Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng pháo cao xạ Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, bộ đội ta đã kéo pháo bằng tay vào Điện Biên Phủ để chuẩn bị tiêu diệt tập đoàn cứ điểm theo phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh”. Sau khi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta lại kéo pháo ra. Việc kéo pháo bằng tay vượt qua bao dốc cao, đèo sâu đã trở thành bản anh hùng ca của dân tộc. Chính trong lần kéo pháo ra, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi lấy thân mình chèn pháo tại dốc Chuối vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 1-2-1954, khi đó Tô Vĩnh Diện tròn 26 tuổi. Tấm gương hy sinh cứu pháo của Tô Vĩnh Diện được toàn thể mặt trận học tập noi theo đưa pháo ra an toàn…”. Tấm gương anh hùng của Tô Vĩnh Diện được đánh giá góp phần quan trọng trong việc khích lệ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Điện Biên ngày ấy; là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần quả cảm của quân và dân làm nên một “thiên sử vàng” của dân tộc.
Vinh dự là nơi sinh ra anh hùng Tô Vĩnh Diện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nông Trường luôn chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Nông Trường là địa phương đầu tiên của miền Bắc hoàn thành thủy lợi hóa, được Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm. Đến hôm nay, nền kinh tế của xã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 14,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, cùng với sự năng động của người dân, nhiều nghề mới, việc làm mới đã xuất hiện như: Mộc, cơ khí, sản xuất hương, nấm linh chi, dịch vụ… đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm đổi mới bộ mặt nông thôn của một xã thuần nông. Đáng chú ý, nhiều năm trở lại đây, người dân Nông Trường đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa, cây cảnh, ớt, nuôi trồng thủy sản… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng và phát triển các mô hình gia trại, trang trại hoạt động theo chương trình của dự án Lipsap cạnh tranh về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.
Quê hương Nông Trường hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội, nhiều ngôi nhà khang trang của người dân được xây mới, 100% tuyến đường đã được nhựa hóa, bê tông hóa chạy dài khắp thôn, xóm đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã được nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đem lại hiệu quả thiết thực. Toàn xã đã có 90% số hộ đạt gia đình văn hóa; 13/13 thôn đạt danh hiệu văn hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã hoàn thành 15 tiêu chí, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành tiêu chí thu nhập và tiêu chí chợ. Thuận lợi lớn nhất của Nông Trường khi xây dựng nông thôn mới đó là nhận thức của nhân dân đã thay đổi, coi việc xây dựng nông thôn mới là việc của mỗi cá nhân, khu dân cư chứ không trông chờ vào Nhà nước, cấp trên. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ xã, các đoàn thể đã vào cuộc trách nhiệm, nhiệt tình với phong trào này vì vậy chương trình đã có thành công nhất định.
Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, thời gian tới dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, xã Nông Trường sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.