Trịnh Sâm
Trịnh Sâm
Trịnh Sâm
鄭森 Chúa Trịnh (chi tiết…)
Chân dung chúa Trịnh Sâm trong Trịnh gia chính phả
Trịnh Vương Trị vì 1767 – 1782 Tiền nhiệm Trịnh Doanh Thời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) Kế nhiệm Trịnh Cán Thông tin chung Thê thiếp Dương Thị Ngọc Hoan
Đặng Thị Huệ Hậu duệ Hậu duệ
- Đoan Nam Vương Trịnh Tông
- Điện Đô Vương Trịnh Cán
Tên thật Trịnh Sâm (鄭森) Tước hiệu Tĩnh Đô Vương (靖都王) Thụy hiệu Thịnh Vương (盛王) Miếu hiệu Thánh Tổ (聖祖) Hoàng tộc Chúa Trịnh Thân phụ Trịnh Doanh Thân mẫu Nguyễn Thị Ngọc Diễm Sinh 9 tháng 2, 1739 Mất 13 tháng 9, 1782 (43 tuổi)
Đông Kinh, Đàng Ngoài, Đại Việt
Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm1 (chữ Hán: 靖都王鄭森, 9 tháng 2 năm 1739 – 13 tháng 9 năm 1782), thụy hiệu Thánh Tổ Thịnh vương (聖祖盛王), là vị chúa Trịnh thứ 8 thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1767 đến 1782. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam.
Từ nhỏ ông đã được ăn học tử tế và có được trí thông minh, quyết đoán hơn người. Năm 1767, sau khi cha qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi. Trong những năm đầu cai trị, ông chính thức hoàn thành công cuộc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, sửa sang nền chính trị và tiến hành nam chinh, thu được đất Thuận Hóa; bên trong tiếp tục hiếp chế vua Lê, giết chết thái tử Duy Vĩ.
Từ sau năm 1775, Trịnh Sâm ngày càng sa vào tửu sắc, chính trị suy bại, cuộc sống người dân trở nên cơ cực. Ông sủng ái Tuyên phi Đặng Thị Huệ và quận Huy Hoàng Đình Bảo; đến năm 1780, thế tử Trịnh Tông nổi loạn nên bị phế truất, con Tuyên phi là Trịnh Cán mới 4 tuổi được lập làm thế tử. Trịnh Sâm sau đó cũng mắc bệnh và qua đời năm 1782, Trịnh Cán lên nối ngôi; họ Trịnh ngày càng lún sâu vào con đường suy sụp.
Nhìn chung, cuộc đời Trịnh Sâm có những nét rất giống với Nguyễn Phúc Khoát – chúa Nguyễn cùng thời với ông: Cả 2 khi còn trẻ đều có tài, nhưng về già thì ngày càng sa vào tửu sắc, bỏ bê triều chính khiến quyền thần làm loạn, sau khi mất thì đời chúa kế tiếp cũng đều là trẻ nhỏ còn non dại. Kết quả là cơ nghiệp của 2 họ Trịnh – Nguyễn đều sụp đổ ở đời chúa kế tiếp 2 người này.
Thân thế và cuộc sống ban đầu
Trịnh Sâm chào đời vào ngày 9 tháng 2 năm 1739 dưới triều Lê Ý Tông. Khi đó, cha ông là Trịnh Doanh còn chưa lên ngôi chúa, nhưng đã được Trịnh Giang phong làm Thái úy, Tiết chế quân thủy, quân bộ các xứ. Sau cuộc đảo chính năm 1740, Trịnh Doanh lên ngôi thay anh. Trịnh Doanh tỏ ra cẩn trọng việc nuôi dạy con, bổ dụng 2 tiến sĩ là Dương Công Chú và Nguyễn Hoàn làm tư giảng cho Trịnh Sâm.
Cuối năm 1753, theo đề nghị từ quần thần, Trịnh Doanh chính thức sách lập Trịnh Sâm làm thế tử, bổ dụng tham tụng Nguyễn Công Thái giữ chức sư phó để dạy Trịnh Sâm2 . Năm 1758, Trịnh Sâm được phong làm tiết chế thủy bộ chư quân, chức Thái úy, tước Tĩnh quốc công, mở phủ Lượng quốc, quyết định công việc nhà nước. Tư giảng Nguyễn Hoàn dâng 10 bài châm, gồm: Bụng nghĩ phải ngay thẳng; Học hỏi phải rộng khắp; Tề chỉnh việc chính trị trong nước; Phòng ngừa việc đối với người thân cận; Thống nhất căn bản chính sự; Cẩn thận việc sai phái, cất nhắc; Mở rộng việc thu nhận những lời khuyên can; Giữ phép tắc đã sẵn có; Hiệu lệnh phải cho tin thực; Việc nào đáng rộng rãi hay đáng nghiêm ngặt, nên suy xét kĩ; Trịnh Sâm đều tiếp nhận3 .
Đầu năm 1767, Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên ngôi chúa; bấy giờ đã 30 tuổi, tự xưng là nguyên soái, tổng quốc chính, Tĩnh Đô vương. Lại phong mẹ đẻ là Hoa Dung Nguyễn thị4 làm thái phi.
Dẹp Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật
Phong trào khởi nghĩa nông dân nổ ra từ những năm 1730 đến đây đã bị dập tắt gần hết, chỉ còn hai thế lục của Hoàng Công Chất ở Lai Châu và Lê Duy Mật ở Nghệ An, Trịnh Sâm cũng lập kế hoạch diệt trừ tận gốc.
Mùa hạ năm đó, Lê Duy Mật biết tin Trịnh Doanh mất, liền dẫn lực lượng ra bắc, tràn xuống địa phận huyện Hương Sơn và Thanh Chương. Trịnh Sâm sai Nguyễn Nghiễm cùng Bùi Thế Đạt đem quân đi đánh. Duy Mật rút quân chạy. Trịnh Sâm dụ hỏi Thế Đạt về hình thế đóng quân của Duy Mật và kế hoạch tiến quân, tải lương. Sau đó chúa hạ lệnh bắt lấy thuyền đi biển của Thanh và Nghệ, dự tải thóc công chứa ở kho Vĩnh Doanh và Sa Nam, để phòng bị cấp phát cho quân. Một mặt, sai thêm Lê Đình Châu đem 5000 quân đi theo; lại lấy cớ xứ Thanh Hoa gần liền phủ Trấn Ninh, bèn hạ lệnh cho lưu thủ Nguyễn Đình Diễn chia quân đóng đồn phòng ngự, chặn giữ nơi xung yếu5 .
Mùa đông năm 1767, Hoàng Công Chất đem quân xâm phạm Hưng Hóa và Thanh Hoa. Triều đình sai bọn Trịnh Phương, Nguyễn Trọng Điển, Nguyễn Đình Diễn ra đón đánh, Công Chất phải bỏ chạy. Đến đầu năm 1768, các tướng Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây, Phạm Ngô Cầu ở Hải Dương…, hội hợp quân các đạo để tiến đánh Thanh Châu6 .
Đầu năm 1769, Nguyễn Đình Huấn giao chiến với Hoàng Công Chất, tiến thoái lưỡng nan. Đoàn Nguyễn Thục không bằng lòng, làm tờ khải kể tội Đình Huấn. Trịnh Sâm lập tức hạ lệnh triệu Đình Huấn về, mà bổ Nguyễn Thục lên thay. Lúc đó Hoàng Công Chất đã mất, con là Hoàng Công Toản lên thay, Nguyễn Thục tiến quân vào Thanh Châu; Công Toản cố giữ Thẩm Cô và đặt mai phục ở các nơi hiểm yếu. Đoàn Nguyễn Thục sai toán quân nhanh nhẹn sắc bén tiến lên trước đánh úp, tiếp đó sai toán quân mạnh khỏe theo đường tắt hợp sức cùng đánh, phá tan được quân địch. Công Toản lỏn chạy sang Vân Nam, cuộc khởi nghĩa chấm dứt5 .
Mùa thu năm 1769, sai Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan, Hoàng Đình Thể cùng đi đánh Lê Duy Mật ở Trấn Ninh. Đầu năm 1770, Hoàng Ngũ Phúc dùng mưu dụ dỗ mẹ Lại Thế Thiều, con rể Lê Duy Mật, sai mụ ta viết thư dụ dỗ Thế Thiều để làm nội ứng. Thế Thiều bèn khuyên đồ đảng là Lê Văn Bản mở cửa thành ngoài cho quan quân tiến vào. Lê Duy Mật cùng gia quyến tự thiêu mà chết. Thất bại này cũng là chấm dứt phong trào nông dân khởi nghĩa hơn 30 năm ở Bắc Hà. Sau bàn luận công đánh dẹp, gia phong Bùi Thế Đạt làm đại tư đồ, Nguyễn Phan làm thái tể, Hoàng Đình Thể làm thiếu bảo;… Sau chiến thắng đó, Trịnh Sâm sinh ra lòng thích đánh dẹp, khinh thường việc dùng binh lính5 .
Một số cải cách
Năm 1774, Trịnh Sâm hạ lệnh cho Nguyễn Đình Huấn châm chước định thể lệ cấp tiền thóc cho các quân trong kinh, ngoài trấn; chiếu theo ngạch lính và số đinh, bớt chỗ nhiều, thêm cho chỗ ít, châm chước cân nhắc, san sẻ lại, cốt làm cho được quân bình, nhưng cũng không thể nào thay đổi hết tệ cũ.
Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán; phần nhiều công việc đều đổi mới, không theo nếp cũ. Ngay sau khi lên ngôi, ông định rõ thể lệ kiện tụng, về việc người đương sự kêu xin xét lại, cho phép người nào thấy bản án xử lý không đúng có thể xin xử lại, nếu xét lại còn vẫn chưa tỏ rõ được lý lẽ, thì cho phép người đương sự đánh mõ tâu bày7 . Đến mùa thu cùng năm, vì trời đã lâu không mưa, Trịnh Sâm theo lời Nguyễn Bá Lân, bổ dụng hai đại thần Lê Quý Đôn làm thị thư, Phan Cẩn làm Cấp sự trung5 . Đến tháng 9 ÂL, ông lại định thể lệ khám đê điều, quy định đường đê, cửa cống, theo định kì hằng năm báo lên cấp trên, dần đến triều đình rồi sau đó khởi công các công trình. Cuối năm đó cải cách hành chính, hợp lại hoặc bỏ bớt gồm 4 phủ, 29 châu huyện. Những phủ và châu huyện này đều cho phủ huyện tiếp cận tùy tiện kiêm lý. Trịnh Sâm còn dùng Nguyễn Nghiễm giữ công việc ở Quốc Tử giám, Vũ Miên kiêm giữ chức Tế tửu, Lê Quý Đôn và Phan Lê Phiên giữ chức tư nghiệp; lại ra lệnh mỗi tháng cứ ngày mồng một và ngày rằm tập văn; mỗi năm cứ 4 tháng trọng thi khảo xét duyệt; ai vượt trội thì cất nhắc trao cho quan chức; ngoài các trấn cũng vậy. Do đấy phong thái học trò được phấn chấn dần. Đầu năm 1768, Trịnh Sâm phong thầy là Nguyễn Hoàn làm quốc sư.
Năm 1772, chúa bổ dụng Nguyễn Nghiễm giữ chức Tham tụng8 . Mùa hạ năm 1773, bổ dụng hoạn quan Phạm Huy Đĩnh giữ chức thự phủ sự, Lê Quý Đôn làm bồi tụng. Hai người này câu kết với nhau, mê hoặc lòng chúa, ức hiếp bá tánh và làm đại hoại triều cương. Đến tháng 5 ÂL năm đó, nhân việc làm lại sổ hộ tịch, Quý Đôn lại cùng Phạm Huy Đĩnh tra xét vùng ven biển thuộc lộ Sơn Nam hạ, trích ra được hơn chín ngàn mẫu ruộng lậu thuế, đều đăng ký vào ngạch thuế bắt phải chịu tô. Nhân dân phần nhiều ta oán.
Mâu thuẫn nội bộ
Mùa thu năm 1767, em trai Trịnh Sâm là Trịnh Lệ mật mưu với bọn Phan Huy Cơ, Dương Trọng Khiêm, Nguyễn Huy Bá làm phản; Nhưng bọn Trọng Khiêm lại sợ rằng việc không thành, bèn cáo tố với nội giám Phạm Huy Đĩnh, Huy Đĩnh đem báo cáo với Sâm. Sâm giết Huy Cơ và bắt giam Trịnh Lệ. Dương Trọng Khiêm trước bị bãi chức, nay vì có công nên trả lại cho chức cũ và được thăng hai bậc; Huy Bá được thăng năm bậc. Thiêm đô ngự sử Đoàn Nguyễn Thục dâng sớ nói Trọng Khiêm, Huy Bá không đáng lĩnh công; Trịnh Sâm khen và nhận tờ khải của Nguyễn Thục, bèn hạ lệnh tước bỏ cấp bậc đã cho Trọng Khiêm được thăng, chỉ cho được khôi phục chức cũ; thưởng cho Nguyễn Thục 30 lạng bạc5 .
Trước kia Trịnh Sâm và thái tử Duy Vĩ bất hòa với nhau. Thái tử có chí thu nắm lấy quyền cương, lật đổ họ Trịnh. Trịnh Sâm lúc lớn lên làm thế tử, đối với thái tử đã có ghen tức. Một hôm, thái tử và Sâm cùng ở phủ đường được chúa Trịnh ban cho ăn cơm và bảo cùng ngôi một mâm, Nguyễn thái phi can rằng:
- Thái tử với thế tử có danh phận vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm? Nên phân biệt ngồi làm hai chiếu.
Sâm đổi nét mặt, bước ra về, nói với người ngoài rằng:
- Ta với Duy Vĩ hai người, phải một chết một sống, quyết không song song cùng tồn tại được.
Đến khi lên ngôi, bàn với Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh hại thái tử nhưng không có chứng cứ, bèn vu cho thái tử tư thông với người phủ thiếp của Trịnh Doanh. Tháng 3 ÂL năm 1769, Sâm đem tội trạng ấy tâu bày với nhà vua, rồi giả chiếu chỉ truất thái tử làm thứ nhân, rồi giam vào ngục; lập hoàng tử thứ tư là Lê Duy Cận làm Hoàng thái tử. Sách Cương mục phê rằng:
- Một việc vô cùng thê thảm, đau đớn đến ngàn đời. Đọc Sử đến đây làm cho lỗ mũi người ta phải chua xót! Việc này cùng với việc phá tường để bắt Phục Hậu9 cùng một cảnh đáng đau lòng. Lại đáng giận lúc ấy khanh tướng đầy triều đình, mà không một người nào dám nói, chỉ có Nguyễn Lệ vì liên can mới phải tự tiết mà thôi, như thế có thể trong triều lúc bấy giờ không có người nào ra gì cả. Đến cả Nguyễn Thị là mẹ Trịnh Sâm cũng không nói một lời để giải cứu, thế thì bụng dạ Nguyễn Thị ra thế nào? Thà rằng trước kia đừng phân biệt chỗ ngồi lại còn hơn. Đem so sánh với Vũ Thị10 thì Nguyễn Thị còn kém nhiều lắm.5
Tháng 8 ÂL cùng năm, Trịnh Sâm tự tiến phong làm Đại nguyên soái tổng quốc chính, Thượng sư Tĩnh vương. Mùa đông năm 1770, Trịnh Sâm tự gia phong làm Thượng sư Thượng phụ, Duệ Đoán Văn Công Vũ Đức Tĩnh vương. Mùa thu năm 1771, Lê Quý Đôn (đang là Hữu thị lang bộ Hộ) dâng hơn một ngàn lạng bạc đã ăn của đút, nên thăng Tả thị lang bộ Công, quyền giữ chức Đô ngự sử. Quý Đôn dâng sớ tấu trình bốn việc, Trịnh Sâm khen phải và cho thi hành5 . Cuối năm đó, Hoàng Ngũ Phúc cùng Phạm Huy Đĩnh liên danh nói gia khách của thái tử là Vũ Bá Xưởng, Lương Giản lập mưu cướp lấy thái tử ra khỏi ngục. Trịnh Sâm hạ lệnh bắt Bá Xưởng và bắt luôn người khác là Nguyễn Lệ. Nguyễn Lệ bị tra tấn dã man vẫn không thay đổi lời khai, Huy Đĩnh bèn tự dựng thành bản án dâng lên. Chúa sai Huy Đĩnh thắt cổ giết thái tử Duy Vĩ, lại giết cả bọn Nguyễn Lệ và Bá Xưởng. Lại hạ lệnh thu lấy sắc phong nhà vua ban cho Trần hoàng hậu là mẹ đẻ của thái tử, các con của thái tử đều bị tống vào ngục5 .
Đánh Thuận Hóa
Bấy giờ ở miền nam, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Văn Nhạc lãnh đạo đã bùng nổ. Thế lực tây Sơn phát triển rất nhanh, chúa Nguyễn lâm vào tình trạng khốn đốn. Khi đó là tháng 5 ÂL năm 1774, chúa được tin ở nam hạ, gian thần Trương Phúc Loan lộng quyền ngang ngược, lại có Văn Nhạc nổi loạn; nên muốn thừa cơ nam hạ. Lại có trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt và quận Việp Hoàng Ngũ Phúc hùn vào; chúa bèn phong Ngũ Phúc làm thống tướng, cùng Phan Lê Phiên, Đoàn Nguyễn Thục, Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể… thống lãnh tướng sĩ 33 doanh cùng quân thủy, quân bộ các đạo Thanh, Nghệ, vùng đông nam, gồm 3 vạn quân tiến xuống phía nam. Trịnh Sâm chia đặt ba trường sở lương thực, dự bị xếp đặt điều khiển để cung cấp lương thực cho binh lính; và dụ bảo quận Việp rằng
- Ông đến Nghệ An, nên tùy cơ mà trù tính định liệu, trước hết đưa thư cho các tướng giữ biên giới, nói thác ra rằng việc hành quân này chỉ cốt phòng bị giặc Tây Sơn chạy trốn để thăm dò tình hình của họ. Nếu họ (chúa Nguyễn) đã bình định được giặc Tây Sơn, thì lại đưa thư đề đạt ý chí rồi dẫn quân về, đừng làm cho họ sinh nghi, lại gây hấn khích ở nơi biên giới.8
Mùa đông năm đó, quận Việp đưa quân qua sông Gianh, san phẳng lũy Trấn Ninh11 . Chúa quyết kế thân chinh để viện trợ, cử Nguyễn Đình Thạch, Nguyễn Hoàn, Nguyễn Đình Huấn và Lê Quý Đôn ở lại trấn thủ kinh thành, chia quân làm bốn đạo tiền hậu tả hữu, bản thân Trịnh Sâm tự thống suất đại binh ở giữa để tiếp ứng. Tháng 11, chúa tiến quân đến Nghệ An, đóng ở Hà Trung. Tháng 12 ÂL, các tướng Nguyễn bắt Trương Phúc Loan nộp cho Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc trả lời rằng giặc Tây Sơn chưa tiễu trừ xong, xin hội quân ở Phú Xuân để ứng tiếp. Quân Nguyễn cố sức chống cự nhưng không được. Đầu năm 1775, thành Phú Xuân bị hạ, Trịnh Sâm dẫn quân về Thăng Long.
Hoàng Ngũ Phúc tiến vào Quảng Nam, lúc này chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần lánh vào Gia Định, trước mặt quân Trịnh là quân Tây Sơn. Quân Trịnh đánh tan quân Tây Sơn trong trận Cẩm Sa, Tây Sơn bèn giả vờ hàng phục. Ngũ Phúc tin lời, nhân dâng biểu xin cho Văn Nhạc làm tiền phong tướng quân, giữ chức hiệu trưởng Tây Sơn; Trịnh Sâm bằng lòng. Khi đó Hoàng Ngũ Phúc tiến đến đóng ở Châu Ổ12 ; trong quân phát sinh bệnh dịch, nhiều người chết, quận Việp bèn bí mật trù tính rút quân về. Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Lệnh Tân đều muốn lưu quân ở Quảng Nam, Ngũ Phúc không theo và cho người chạy thư về triều xin về Thuận Hóa, để Quảng Nam đấy rồi sẽ tính sau. Trịnh Sâm y cho. Do đấy, hai phủ Thăng Bình và Điện Bàn lại bị Văn Nhạc chiếm cứ. Sau, vì Ngũ Phúc có bệnh phải triệu về triều rồi mất, bèn sai Bùi Thế Đạt, Nguyễn Đình Đống trấn giữ thay. Sau đó, bổ dụng Lê Quý Đôn và Nguyễn Mậu Dĩnh đến xếp đặt công việc trong quân8 .
Chính trị suy bại
Sau sự kiện ở Thuận Hóa, chúa Trịnh đã giành khỏi tay chúa Nguyễn một vùng đất rộng lớn. Nhưng cũng kể từ đó, chính quyền Lê-Trịnh tiếp tục lún sâu vào lục đục, suy yếu; chúa Trịnh Sâm ngày một sa đọa, bỏ bê việc nước, gian thần Hoàng Đình Bảo thừa cơ lộng hành, cùng với Tuyên phi Đặng Thị Huệ mưu phế bỏ ngôi thế tử. Mùa thu năm 1776, trong nước gặp cảnh hạn hán, mất mùa, dân bị đói, giá gạo cao, mà ruộng chiêm thì khô nẻ, công việc làm ruộng không được tiện lợi. Người sang trọng phải nhòm từng cửa để xin làm thuê hoặc vay mượn mà cũng không đắt, họ hợp nhau ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp. Nhân dân không được yên nghiệp làm ăn8 .
Tháng 8 ÂL năm đó, Trịnh Sâm triệu Bùi Thế Đạt về triều, cử quận Tạo Phạm Ngô Cầu lên thay, để Nguyễn Mậu Dĩnh và Nguyễn Lệnh Tân ở lại giúp việc, đổi sai binh lính 10 doanh, cơ, đội đến thú thủ. Tháng 10 ÂL, hạ lệnh: nếu ai có giấy tờ niên phong tâu bày việc mất, viên quan có trách nhiệm phải lập tức đề đạt, theo như thể lệ cũ; nếu người nào để chậm trễ sẽ có tội8 .
Đầu năm 1777, chúa hạ lệnh cho Lê Quý Đôn xét định ngạch tô thuế của binh và dân ở Thuận Hóa. Lúc đó vua Thái Đức Nguyễn Nhạc sai bộ thuộc xin với Trịnh Sâm để được trấn thủ Quảng Nam. Lúc ấy, Trịnh Sâm ngại về việc dụng binh, chuẩn y cho. Vua Tây Sơn bèn sắm sửa binh khí, tích trữ lương thực, chặn lấp nơi hiểm yếu, phòng giữ nơi quan ải, tiến dần lên thế thịnh vượng hùng cường. Nguyễn Lệnh Tân, muốn trừ Nguyễn Nhạc nhưng Phạm Ngô Cầu không cho. Lệnh Tân bèn dâng biểu xin bãi Ngô Cầu. Nhưng Trịnh Sâm không nghe và triệu Lệnh Tân về13 .
Mùa hạ cùng năm, Nghệ An bị đói to, thây chết đói nối liền với nhau. Ti Hiến sát đem tình trạng ấy tâu bày. Triều đình bèn hạ lệnh đem thóc trong kho chia ra phát chẩn. Lúc đó cháu Hoàng Ngũ Phúc là Hoàng Đình Bảo giữ chức quyền phủ sự, thay Ngũ Phúc quản lĩnh binh lính bản bộ. Đến nay, vì Nghệ An hàng năm bị đói, giặc cướp có nơi hô hào tụ hợp, Tây Sơn lại thường quấy nhiễu, Trịnh Sâm bèn hạ lệnh cho Đình Bảo thay Hoàng Đình Thể làm trấn thủ và Bùi Huy Bích giúp việc, mà sai Đình Thể đốc suất binh lính 5 cơ, đội đóng ở Bố Chính, để làm thanh thế viện trợ cho Phạm Ngô Cầu. Khi đó Trịnh Sâm có ý cướp ngôi nhà Lê, nhân gặp kỳ tuế cống, Sâm làm tờ biểu mật tâu với nhà Thanh nói:
- Nhà Lê không có người con cháu nào hiền tài.
Rồi căn dặn Vũ Trần Thiệu đem việc ấy vào tâu với vua nhà Thanh. Lại sai nội giám (sót họ tên) cùng đi để dâng của đút và xin phong tước. Khi đi đến hồ Động Đình, Trần Thiệu giả vờ có bệnh, đương đêm đem tờ biểu đốt trước mặt sứ bộ, rồi tự tử13 . Đoàn sứ giả trở về dâng lên bức thư của Vũ Trần Thiệu, trong đó lấy gương nhà Mạc bị diệt tộc do cướp ngôi nhà Lê để khuyên răn, Trịnh Sâm bèn thôi ý đồ cướp ngôi nhà Lê.
Đầu năm 1778, có giặc cướp ở Nghệ An nổi dậy. Hoàng Đình Bảo lập mưu bắt được, đồ đảng của giặc còn sót lại bị tan tác. Vì thế, Trịnh Sâm phong cho Đình Bảo làm Huy quận công. Mùa hạ cùng năm, vì cớ hạn hán, Trịnh Sâm cầu lời nói thẳng. Lê Thế Toại dâng sớ kể tội bọn Lê Quý Đôn và Nguyễn Lệ xin nghiêm khắc trừng trị để yên dân, chúa không theo. Lúc đó mất mùa, hạn hán liên tục, triều đình mở kho phát chẩn, quan các trấn tìm cách ngó lơ mệnh lệnh; chỉ có Hoàng Đình Bảo thực hiện nghiêm túc. Tháng 7 ÂL, nhân dân vùng đông nam vì mất mùa đói khát mà nổi dậy. Trấn thủ Sơn Nam Ngô Đình Hoành bị thua trận. Giặc nhân thế thắng, kéo đến xã Thận Vi14 .
Trịnh Sâm cử nội giám Thân Xuân Thự đi đánh nhưng cũng không được gì. Lúc ấy, trong quân nổi dậy có nhiều người là thuộc tướng của quận Việp, chúng cho rằng quận Huy tất có mưu toan làm việc trái phép, bèn sai người lén lút tới nơi, suy tôn làm minh chủ. Đình Bảo viết thư trả lời chúng, rồi liền đem bức thư của giặc kèm với thư của mình làm tờ khải trình bày đầy đủ về triều. Trịnh Sâm cho là người trung thành, bèn bổ Đình Bảo làm thống lãnh, đem châu suất quân tiến ra càn quét. Giặc nghe tin Đình Bảo kéo quân, đều tự chạy. Lê Quý Đôn lại sai người chiêu dụ, mọi người đều đầu hàng13 .
Thấy quận Huy ở Nghệ An được lòng dân, Trịnh Sâm nghi là có ý phản, bí mật bàn mưu với Nguyễn Lệ và Nguyễn Phương Đĩnh giết Đình Bảo. Đình Bảo biết chuyện, bèn làm tờ khải xin về triều, chúa y cho. Đình Bảo không được lòng thế tử Trịnh Tông nên quay sang ủng hộ Đặng Thị Huệ15 , ngầm chủ trương mưu kế bỏ người này lập người khác, Đặng Thị cũng hết sức giúp đỡ Đình Bảo, và biện bạch là Đình Bảo bị vi oan, lại cho Đình Bảo có thể dùng giữ việc trọng đại được. Trịnh Sâm tin lời. Do đấy, Đình Bảo được vào giữ chức trong chính phủ, lãnh chức trấn thủ Sơn Nam bằng cách vắng mặt. Quyền thế Đình Bảo làm nghiêng lệch cả trong kinh, ngoài trấn; chỉ có Nguyễn Lệ ở Sơn Tây và Nguyễn Khắc Tuân ở Kinh Bắc có ý đánh đổ Đình Bảo.
Chính biến năm Canh Tý
Mùa thu năm 1779, Thổ tù Hoàng Văn Đồng lại làm phản, Triều đình sai Nguyễn Lệ và Nguyễn Phan đi đánh dẹp được. Bấy giờ công tử cả là Trịnh Tông, con là Dương thị, không được chúa yêu, phải đến ở nhà riêng của a bảo Hân quận công Nguyễn Phương Đĩnh, có lệnh mới được vào phủ.
Bấy giờ Đặng Tuyên phi được sủng ái, lại có viện trợ từ Hoàng Đình Bảo, nuôi ý lập con mình là Cán làm kế tự. Vào năm 1780, chúa mặc bệnh trĩ không ra ngoài, Tông cảm thấy bất an bởi khi đó nhiều lần Tông bị cấm vào yết kiến; bèn bàn mưu với gia thần là Đàm Xuân Thụ và bọn đầy tớ nhỏ là Thế và Thẩm bí mật chứa sẵn binh khí, chiêu mộ dũng sĩ, dự định khi Trịnh Sâm mất thì đóng cửa thành lại, giết Đình Bảo, bắt giam Tuyên phi, rồi báo cho quan hai trấn Tây, Bắc vào hộ vệ. Lại vay ngầm của nội thị Chu Xuân Hán 1.000 lạng bạc, để nuôi dũng sĩ và sắm khí giới13 .
Việc này bị Đặng Thị Huệ phát giác và tố cáo với chúa. Chúa giận lắm, cho triệu Đình Bảo vào phủ bảo về việc này, muốn trị tội ngay. Đình Bảo xin trước hết là triệu Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân trở về để phòng biến cố khác. Trịnh Sâm cho là phải, bèn triệu hai người đó, rồi giam lại cùng với Nguyễn Phương Đĩnh. Rồi sai Lê Quý Đôn tra hỏi, bọn Xuân Thụ, Thế và Thẩm nhận hết tội lỗi. Sâm bèn truất Khải xuống làm con út13 , giam ở nội phủ. Bọn Xuân Thụ đều bị giết. Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân bị giam vào ngục. Quận Hân Nguyễn Phương Đĩnh bị cách chức. Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đều uống thuốc độc chết13 . Trịnh Tông đã bị phế, bị giam lỏng. Lúc ấy có viên tri châu cũ là Lê Vĩ, dâng thư biện bạch cho Tông là bị tội oan, nhưng không được Trịnh Sâm xét đến.
Lập con nhỏ và qua đời
Mùa đông năm 1780, người thổ nhà Thanh chiếm đất sáu châu ở phủ An Tây, từ đó suốt đời Lê không còn khôi phục lại được. Mùa đông năm 1781, nhân Trịnh Cán (con Tuyên phi) đỡ bệnh, bầy tôi xin lập Cán làm thế tử. Thái phi cố sức can ngăn nhưng chúa không theo, nói
- Tên Cán và tên Tông là đối với mẹ là cháu, chưa bằng đối với tôi là con. Người xưa nói biết con không ai bằng cha. Tôi cũng chưa đến nỗi mê mệt, vả lại triều đình bàn bạc chung chứ cũng chẳng phải là tôi yêu quý con nhỏ mới bày ra việc này. Mẹ há chẳng biết rõ rồi hay sao. Nếu không sớm định người kế tự, thì lũ tiểu nhân dòm nom, không biết tai họa đến lúc nào. Việc lớn nhà nước, chỉ cốt phó thác được người xứng đáng. Đã coi tôn xã làm trọng, thì dẫu con đẻ ra cũng không được tư túi, lẽ nào tôi lại tư túi với con nhỏ. Nếu bệnh của Cán vẫn không khỏi, thì thà rằng lập quận Côn16 , để trả lại cơ nghiệp cho ngành cả của nhà bác, chứ không đành lòng phó thác cho đứa con bất hiếu làm hỏng cơ nghiệp của tổ tiên!17
Rồi lập Trịnh Cán làm thế tử; dùng quận Huy nuôi dạy. Lúc đó chúa mắc bệnh trĩ không ra ngoài, quyền hành đều do Tuyên phi và Đình Bảo thao túng13 . Bấy giờ chúa bệnh cũ tái phát, rất sợ nắng gió, thường ở trong cung sâu kín, ban ngày cũng phải đốt nến, nếu không phải ngày đại triều, không bao giờ ra ngoài.
Đến tháng 9 ÂL năm 1782, bệnh trở nặng, chỉ có Đình Bảo, Doanh Thùy và Đình Châu được vào hầu. Ông cho Hoàng Đình Bảo làm đại thần cố mệnh, Tuyên phi Đặng thị lên triều nghe chính, cùng với vương thúc Trịnh Kiều, quốc sư Nguyễn Hoàn phụ tá. Vì thư cố mệnh chưa ghi tên thế tử, Trịnh Sâm cho chú là Trịnh Kiều ghi thay. Kiều ghi tên Cán xong, liền dâng trình, thì Trịnh Sâm đã nhắm mắt rồi13 . Năm đó, Trịnh Sâm được 44 tuổi, làm chúa 15 năm. Trịnh Cán vừa lên 6 nối ngôi, ngày tàn của họ Trịnh đã không còn xa nữa.
Nhận định
Trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, phần “Văn tịch chí”, sử gia Phan Huy Chú nhận xét về Thịnh vương Trịnh Sâm:18
“ Chúa cho phép tắc các triều trước là nhỏ hẹp, nên việc chính thường tự quyết đoán, phần nhiều không theo lệ cũ, cầm giữ chính quyền, cất nhắc nhân tài, văn trị sửa sang ở trong, vũ công chống chọi ở ngoài. Bình được giặc Hưng Hóa, diệt được giặc Trấn Ninh, thu lại Nam Hà, chính giáo lừng lẫy khắp nơi, bốn cõi yên ổn, công danh rực rỡ hơn các đời trước. Chỉ phải cái lấn bức nhà vua quá đáng, đáng thẹn với các chúa trước về việc tôn phò. Vả lại bên trong quá yêu tỳ thiếp, bỏ con lớn dựng con bé, đến nỗi họa sinh ra ở trong nhà. ” — Phan Huy Chú
Gia quyến
Phi tần
- Chính phi Hoàng Thị Khoan (黃氏寬), tôn phong là Huy Âm Ý Đức Đoan Từ chính phi (徽音敬德端慈正妃), thụy hiệu Ý Thục (懿淑)19 , người xã Lệnh Đường, Thanh Trì. Bà là người xinh đẹp, tỏa hương thơm nên được ban tên hiệu là Ngọc Phương (玉芳). Sinh ra hai con gái Ngọc Anh và Ngọc Lan.
- Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du. Sinh ra Trịnh Cán.
- Thái phi phi Dương Thị Ngọc Hoan, người làng Long Phúc, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sinh ra Trịnh Tông.
- Tiệp dư Trần Thị Lộc, tiến cử Đặng Tuyên phi cho chúa.
Hậu duệ
- Công tử Trịnh Khải, con của Quý phi Dương Thị.
- Thế tử Trịnh Cán, con của Đặng Tuyên phi.
- Quận chúa Ngọc Anh, con của Chính phi Hoàng Thị.
- Quận chúa Ngọc Lan, con của Chính phi Hoàng Thị.
Xem thêm
- Chúa Trịnh
- Lê Duy Vĩ
- Trịnh Doanh
- Hoàng Ngũ Phúc
- Hoàng Đình Bảo
- Trịnh Tông
- Hoàng Lê nhất thống chí
Tham khảo
- Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, tác giả: Phan Huy Chú, phiên dịch: Viện sử học, Nhà xuất bản giáo dục, 2005.
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển 43, 44, 45
- Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên
Chú thích
- ^
Biểu nhất lãm áp dụng cho lịch sử Việt Nam, trang 2413, Từ điển Hán Việt – Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Trần Văn Chánh biên soạn, 2005
- ^
Cương mục, chính biên quyển 41.
- ^
Cương mục, chính biên quyển 42.
- ^
Người xã Linh Đường, nay là thôn Linh Đàm, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì , Hà Nội.
- ^ a ă â b c d đ e
Cương mục, quyển 43.
- ^
Xưa gọi Mường Thanh, nay là đất Ninh Biên, tỉnh Lai Châu
- ^
Năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747), Trịnh Doanh đặt cái chuông và cái mõ ở ngoài cửa phủ đường, để cho ai muốn bày tỏ công việc hiện thời thì đánh chuông; ai có đều oan ức chưa được xét rõ lý lẽ thì đánh mõ tâu bày.
- ^ a ă â b c
Cương mục, chính biên quyển 44.
- ^
Cuối đời Tây Hán, Tào Tháo làm thừa tướng, nắm hết quyền lực. Vợ vua Hán Hiến Đế là Phục hậu lập mưu giết Tháo, việc bại lộ, Tháo sai Hoa Hâm đem quân vào cung để bắt. Phục hậu đóng cửa lại rồi núp ở bức tường trong cung, Hoa Hâm phá cửa, đạp đỗ tường lôi ra. Phục hậu bảo Hiến Đế rằng: “Chả thể sống được để trông thấy nhau đâu!”. Hiến Đế nói: “Tính mạng của tôi cũng chưa biết sống chết lúc nào đây!”
- ^
Tức thái phi Vũ Thị Ngọc Duyên, vợ Trịnh Cương, mẹ Trịnh Giang và Trịnh Doanh. Năm 1740, nhân Trịnh Giang có bệnh, Vũ thị bèn truất đi và lập Trịnh Doanh lên thay
- ^
Nay là Trường Thành Nhật Lệ, thuộc tỉnh Quảng Bình
- ^
Nay là thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
- ^ a ă â b c d đ e
Cương mục, chính biên quyển 45.
- ^ tỉnh Thái Bình.
Nay là xã Bách Thuận thuộc huyện Vũ Thư
- ^
Người xã Phù Đổng, nay là thôn Phù Đổng, huyện Gia Lâm , Hà Nội, sủng thiếp của Trịnh Sâm, có con là Trịnh Cán
- ^
Côn quận công Trịnh Bồng là con của Uy Nam vương Trịnh Giang, anh họ Trịnh Sâm, nên gọi là ngành cả nhà bác
- ^
Hoàng Lê nhất thống chí, hồi thứ 2
- ^
Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, 2005, trang 154
- ^
Nam Phong tạp chí – ‘”Trịnh gia chính phả
Dữ liệu nhân vật TÊN Trịnh Sâm TÊN KHÁC Tĩnh Đô vương; Thánh Tổ (miếu hiệu); Thịnh Vương (thụy hiệu) TÓM TẮT nhà thơ Việt Nam và chúa Trịnh thứ chín thời Lê trung hưng (1767–1782) NGÀY SINH 1739 NƠI SINH NGÀY MẤT tháng 9, 1782 NƠI MẤT
(Nguồn: Wikipedia)