Trí Quang và sự trở lại đầy đam mê
Trí Quang và Hồng Ánh đã có màn kết hợp đầy ăn ý trong vở Tình yêu trời đánh – Ảnh: GIA TIẾN
Trước khi Tình yêu trời đánh ra mắt, không ít khán giả ngạc nhiên không hiểu sao Trí Quang… biến mất bởi có thời kỳ Trí Quang gần như phủ sóng nhiều kênh truyền hình, phim nối tiếp phim.
Nốt lặng nghiệp diễn
Trí Quang chia sẻ một thời anh đã vào guồng quay như thế. Miệt mài đi phim ngày này qua ngày khác. Rồi đến lúc nhìn lại bỗng thấy buồn vì có phim không nhớ nổi tên nhân vật. Khán giả xem rồi cũng quên, không có dấu ấn gì đặc biệt.
Xu hướng làm phim chạy đua, vội vã khiến mọi thứ cứ cập rập, không chỉn chu. Vậy đó, để rồi anh phải tự hỏi: Mình làm vì cái gì? Cứ quẩn quanh với suy nghĩ đó và không biết tự bao giờ lửa nghề cứ thế giảm nhiệt. Trí Quang đột ngột dừng lại. Dừng và ngẫm, và cũng không cho mình cái mốc để quay lại.
Năm ngoái, sau khi hoàn thành xây căn nhà thờ cha mẹ ở Hóc Môn, trong lúc thong thả, Trí Quang thấy nghệ sĩ Ái Như đăng thông tin chuẩn bị làm vở Tình yêu trời đánh, anh liền gửi tin cho người chị trong nghề mà anh quý trọng: “Em rảnh rồi nè chị ơi!”.
Ròng rã 1 tháng trên sàn tập, nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như và bạn diễn Hồng Ánh xốc lại tinh thần cho Quang, khơi lại ngọn lửa nghề anh tưởng đã tắt. Vở diễn ra mắt, Nam của Trí Quang khiến người ta bất ngờ vì rất khác với hình ảnh của anh trên sàn kịch trước giờ.
Đó là chàng công tử ăn chơi, xem tình yêu như trò đùa rồi bỗng dưng bị tai nạn mất trí nhớ, bị… nhét vào tình huống oái oăm phải làm chồng người phụ nữ anh chê quê mùa, kém hấp dẫn… Sự tung hứng ăn ý của cặp đôi Trí Quang – Hồng Ánh đã góp phần tạo nên một vở kịch tình yêu dung dị, dễ thương ở sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Đến vở Bạch Hải Đường ra mắt tháng 1-2021, Trí Quang thật sự có một bước tiến dài. Một vở diễn anh gần như đứng suốt trên sân khấu và trải qua những giằng xé nội tâm, đau đớn nghiệt ngã…
Trí Quang như vắt kiệt mình trong vở Bạch Hải Đường – Ảnh: GIA TIẾN
Từ chàng người mẫu đến những vai nam chính đa dạng
Năm 1999, với vóc dáng cao ráo, gương mặt góc cạnh, nét đẹp khá riêng, Trí Quang đã đoạt giải cao trong cuộc thi “Thanh lịch 18 thôn vườn trầu”, sau đó được chọn tham gia cuộc thi thời trang toàn thành phố và ẵm luôn giải nhất.
Từ bước đệm này, anh bắt đầu tham gia các câu lạc bộ thời trang, là thành viên của nhóm Hoa học đường cùng thời với Hứa Vỹ Văn, Trương Minh Quốc Thái, Ngọc Thúy, Xuân Lan…
Sau đó, Quang đóng minh họa karaoke cho ca sĩ Mỹ Tâm, Phi Nhung… rồi được các hãng phim chú ý với vai đầu tiên là bác sĩ Vĩnh Tiến lúc trẻ trong phim Bến sông trăng, sau đó là liên tiếp các phim như Xích lô, Hướng nghiệp, Đường về, Ám ảnh, Taxi…
Tốt nghiệp quản trị kinh doanh, xuất thân trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật nên diễn xuất với Trí Quang gần như là con số 0. Ngày đầu bước vào phim trường, anh chàng bị la té tát vì cái tội cứ xong một cảnh là nhào vô thay đồ liền mà không để ý đến quy trình, rắc co như thế nào.
Biết mình là tay ngang nên Quang hạ quyết tâm ráng gấp 3, 4 lần người ta. Anh lân la theo đạo diễn, bạn diễn có nghề để học hỏi. Đặc biệt, anh thích chơi với các chị thư ký phim trường để học cách làm việc khoa học.
Từ ngày đó, Trí Quang tập thói quen sau khi nhận kịch bản đọc kỹ rồi tự hệ thống theo từng tập, lược ra cảnh nào có nhân vật của mình, làm bảng liệt kê cảnh đó thoại thế nào, hành động ra sao và trang phục, đạo cụ như thế nào…
Giai đoạn thực hiện những bộ phim thu tiếng trực tiếp như Vòng xoáy tình yêu, Ngã rẽ cuộc đời…, Trí Quang lại gặp vấn đề về giọng nói. Quang tự nhận mình không có chất giọng tốt, thiếu nam tính và mắc lỗi chính tả. Vậy là anh chàng ép mình rèn giọng mọi lúc mọi nơi.
Sự chịu khó, chân thành của Quang khiến nhiều anh chị lớn như Hữu Châu, Thanh Điền… chỉ cho cách cứ cầm tờ báo đọc, thu âm rồi nghe lại để chỉnh. Rồi để học nghề, anh chàng làm quen với sàn diễn. Bắt đầu với sân khấu kịch Tao Đàn, đến Nụ Cười Mới, rồi 5B…
Hiện tại với sân khấu Hoàng Thái Thanh, Trí Quang đã có cơ hội khẳng định mình từ khởi đầu với vai diễn chỉ đi qua sân khấu trong chốc lát của vở Trần gian phải có tình yêu đến những vai nam chính đa dạng trong Nửa đời ngơ ngác, Tình yêu trời đánh, Bạch Hải Đường…
Quang còn nhớ khi tập vở Nửa đời ngơ ngác, anh đã sốc khi một nhân viên cẩu thả trong công việc khiến đạo diễn Thành Hội nổi nóng đá văng lu nước đạo cụ. Sau này ngẫm lại, anh thấy nếu đó là mình mà không nổi điên mới lạ.
Bao nhiêu áp lực dồn lên đạo diễn, diễn viên thì toàn là dân điện ảnh… băng ngang qua như Trí Quang, Ngọc Lan, Quang Thảo… Để có một vở diễn có thể trụ hơn 150 suất diễn, cả một tập thể phải cùng nỗ lực và không cho phép mình được chểnh mảng.
Nếu như Thành Hội nóng tính thì mỗi khi tập quá căng thẳng hay bức bối, đạo diễn Ái Như lại bật khóc. Chứng kiến những cơn giận và giọt nước mắt lặng lẽ của họ, Quang biết sân khấu có giá trị riêng. Với một bộ phim quay trong 3 tháng, vai nam chính có thể nhận đến khoảng 200 triệu.
Còn ở sân khấu, tập luyện ròng rã cả tháng trời, một tháng diễn chừng 2, 3 suất. Một suất vai chính nhận trên dưới chừng 1 triệu đồng. So bài toán kinh tế thật sự quá chênh lệch. “Thế nhưng nếu xét về mặt diễn, một vở kịch cho mình cảm xúc nhiều lắm.
Diễn chưa tốt thì thấy buồn, ray rứt. Diễn thăng hoa, được đồng nghiệp và khán giả khen ngợi thì cảm giác rất đã, khiến mình cứ lâng lâng. Cảm xúc đó khó môi trường nào có được” – Trí Quang chia sẻ về tình yêu sàn diễn của mình.
Đôi lúc anh tưởng mình đã nguội lạnh với nghệ thuật, nhưng đam mê đó dường như chưa bao giờ tắt, chỉ là mong chờ ngọn gió của những sự đồng cảm…
Khi dàn dựng một vở kịch, tôi chăm chút cho nhân vật, nếu người diễn viên cũng chịu chăm chút cùng tôi thì rất vui. Trí Quang là một trong những diễn viên như thế. Khi đã nhận vai, em luôn trăn trở xem có làm được không và phải thể hiện như thế nào…
Trong khi có những diễn viên ít kinh nghiệm, không chịu khó, diễn gì cũng hời hợt mà khi diễn vai tính cách hời hợt lại không ra, thì Trí Quang không cần đợi đến những nhân vật sâu sắc, với cả nhân vật tính cách hời hợt em thể hiện rất kỹ lưỡng và tinh tế…
Đạo diễn Ái Như
Mùi thương của má
Trí Quang là con út trong gia đình có tới 11 anh chị em. Hồi anh còn nhỏ, má là người tất bật chuẩn bị hàng bông (rau quả) để tờ mờ sớm giao hàng chợ Võ Thành Trang, chợ Biên Hòa…
Ở nhà, ba nóng tính nên út Thi (tên thật của Trí Quang) thường lẽo đẽo theo má. Bữa nào cũng trông má đi chợ về để hít hà mùi mồ hôi trên người má, được má xoa đầu cho bánh bò gói trong lá chuối.
Tới 9 tuổi, Thi vẫn còn ngủ chung với má. Rồi một bữa má lỡ đạp trúng tấm tôn gỉ bị phong đòn gánh, đưa vô bệnh viện chừng một tuần rồi má đi.
Quang còn nhớ bữa đó đang ngủ nghe tiếng xe cứu thương, cậu bé bung mùng nhào ra. Mọi người chạy ào vô khiêng má nằm trên băng ca.
Ai cũng bận rộn lo hậu sự, chỉ có cậu bé Thi 9 tuổi ngồi miết bên má, cứ bóp chân, bóp tay với hi vọng lát má khỏe má ngồi dậy. Nhưng hi vọng tắt ngúm khi mọi người khiêng má vô quan tài để liệm. Thi gào lên rồi ngất xỉu…
Cậu bé Thi năm nào tới giờ vẫn giữ thói quen của má khi thức dậy rất sớm, bắc nồi nước nấu sôi để nguội uống cả ngày, rồi cầm chổi quét sân. Bao năm bươn chải, giờ không còn quá áp lực về kinh tế nên anh chọn một cuộc sống khá bình lặng.
Một tuần chừng 2 lần ghé chăm sóc ngôi nhà vườn ở Củ Chi. Vốn xuất thân nông dân nên Trí Quang rất mát tay trong việc trồng cây, nào vú sữa, mận, măng cụt, xoài… Trái thôi là trái!
Trí Quang lần đầu làm cảnh sát hình sự