Trần Phong ‘Mắt biếc’: ‘Có thời điểm tôi nghĩ ngừng làm diễn viên’
Trần Phong kể anh từng đối diện với việc lựa chọn ngừng diễn xuất. Nam diễn viên chọn cách tin vào thực lực của mình để bước tiếp với nghề diễn.
Diễn viên sinh năm 1992 mô tả về bản thân bằng cụm từ “quá an toàn” và thú nhận không biết bắt đầu câu chuyện thế nào để lôi cuốn người đối diện.
Tuy nhiên, khi nhắc đến công việc làm phim, Trần Phong sôi nổi chia sẻ dự định muốn trở thành một đạo diễn trong tương lai gần.
Sinh viên ngành điều dưỡng trở thành diễn viên
– Từ một sinh viên ngành y trở thành diễn viên, ắt hẳn có câu chuyện thú vị đằng sau đó?
– Tôi không biết mọi người có thường đứng trước những ngã rẽ trong cuộc đời hay không. Chị thế nào? Tự mình chọn lựa hướng đi hay chịu sự can thiệp của ai khác?
Về phía tôi, khi kết thúc việc học trường y, tôi đứng trước nhiều sự lựa chọn. Khi ấy, tôi hỏi ba – người có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời – để xin lời khuyên. Ba nói: “Ba chỉ định hướng, còn mọi quyết định là ở bản thân con. Và khi đã xác định, con hãy có trách nhiệm với tương lai của mình”.
Và rồi, tôi quyết định không theo ngành y nữa, rẽ hướng sang làm diễn viên.
Trần Phong từng là sinh viên ngành y trước khi rẽ hướng sang làm diễn viên. Ảnh: Chí Hùng.
– Thay vì chọn công việc ổn định, cuộc sống an nhàn, anh lại thử sức ở một nghề khá bấp bênh như diễn viên. Liệu có đáng để đánh đổi, mạo hiểm?
– Tôi muốn mình có một cuộc sống nhiều trải nghiệm, nhiều màu sắc. Dù có chuyện gì chăng nữa, đến thời điểm hiện tại, khi nhìn lại hành trình của mình, tôi cũng thấy xứng đáng.
Tôi là chàng trai có nhiều năng khiếu nghệ thuật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi biết ca hát, nhảy, diễn xuất. Theo học ngành y, tôi thấy mọi thứ an toàn và khá cứng nhắc.
Ở thời điểm thực tập tại bệnh viện, tôi thấy các anh chị y tá, điều dưỡng đều bận bù đầu và không có thời gian giải trí. Thực ra họ đều thích văn nghệ nhưng không có nhiều cơ hội để thể hiện. Lúc ấy, tôi đã tập nhảy, trình diễn cho mọi người xem. Ai cũng yêu mến tôi và khuyên: “Phong ơi, làm nghệ thuật đi, không uổng lắm”.
Rời trường y, tôi từng có cơ hội đi du học để trở thành điều dưỡng trưởng ở nước ngoài. Cùng lúc, tôi cũng trúng một vai trong phim Dream High bản Việt. Không chần chừ, tôi nghĩ đây là thời điểm tuyệt vời để mình theo đuổi con đường nghệ thuật của bản thân.
– Nếu hiện tại là một điều dưỡng viên, cuộc sống của anh sẽ ra sao?
– Là chuỗi ngày gắn liền với bệnh viện và bệnh nhân. Và thời gian qua, tôi sẽ là nhân viên y tế ở tuyến đầu trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Chắc hẳn vậy rồi (cười).
“Nếu chấp nhận dụ dỗ, tôi có nhiều tiền hơn”
– Gia đình đủ điều kiện về tài chính nên anh có thể tự do theo đuổi ước mơ, không phải bận tâm về gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền?
– Mọi người nhìn vào tôi thường nghĩ là một công tử sinh ra trong gia đình giàu có. Ngược lại, gia đình tôi bình thường. Ba là đầu bếp. Tôi là con út trong gia đình có 3 người con. Hai chị đều lập gia đình và có cuộc sống ổn định.
Tôi hơi khác biệt với các thành viên trong nhà. Tôi không muốn cuộc sống đơn giản, thiếu trải nghiệm ở nhiều góc độ. Ngay từ nhỏ, tôi đã muốn mình tự do trong suy nghĩ, hạnh phúc với điều mình muốn. Tất nhiên, nói thì dễ nhưng để để hoàn thành ước mơ là một hành trình không đơn giản.
Trần Phong từng học để trở thành điều dưỡng viên. Ảnh: Chí Hùng.
Quan điểm của tôi từ khi đi làm là không theo đám đông. Khi vào nghề, có những sự việc lệch lạc với suy nghĩ ban đầu khiến tôi khó chịu. Nhìn bề ngoài, nghệ thuật là ngành lấp lánh ánh sáng nhưng bên trong lại nhiều vấn đề.
Nếu muốn nổi tiếng nhanh, kiếm tiền nhiều, nghệ sĩ lại dễ bị sa ngã. Tôi không làm được vậy. Có những lúc, tôi muốn đi nhanh hơn nhưng tư tưởng không cho phép. Nếu thỏa hiệp với những dụ dỗ, có lẽ đời tôi sẽ khác và không có mặt trong buổi nói chuyện hôm nay.
– Nói vậy, anh từng nhận những lời gạ gẫm trong quá trình làm nghề?
– Tôi từng nhận những lời gạ gẫm từ những người làm ngành nghề khác. Đổi lại, tôi sẽ có nhiều tiền hơn. Nhưng tôi đặt niềm tin vào năng lực của bản thân. Tôi đã quyết định mình đi chậm và chắc.
Thời gian qua, tôi có cơ hội làm việc với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z. Điều tôi nhận ra là các bạn có tư duy rất mới, mở. Và tôi cũng học hỏi được từ các bạn khá nhiều. Cuộc sống sẽ luôn thay đổi. Sự vận hành trong nghệ thuật và các hình thái nghề nghiệp khác cũng biến chuyển trong 5 năm, 10 năm tới. Nếu bản thân thấy mình làm tốt công việc của cá nhân, không việc gì phải gật đầu trước những cám dỗ.
– Đối mặt với khó khăn, có khi nào anh nghĩ sẽ dừng lại công việc diễn viên và tìm một ngành nghề khác để ổn định hơn?
– Có thời điểm tôi từng nghĩ ngừng làm diễn viên. Nhưng sau đó, tôi nhìn lại ba mẹ mình và nghĩ: “Nếu tôi dừng lại thì sẽ sai với lời ba từng nói’ và tiếp tục đi.
Trải qua một hành trình khoảng 6 năm với nghề diễn, tôi nhìn vào các cột mốc trong sự nghiệp và tự nhủ bản thân không được dừng lại. Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ là dù làm ngành nghề gì, hãy vạch ra một con đường thật dài cho chính mình, xác định mục đích sống và hãy nhớ là đừng bao giờ bỏ cuộc.
“Tôi muốn trở thành đạo diễn”
– Sau Mắt biếc, anh im ắng hơn so với đồng nghiệp như Trúc Anh, Trần Nghĩa. Vì sao vậy?
– Thật ra, sau Mắt biếc, tôi có cơ hội được làm việc với nhiều đạo diễn trong các dự án phim. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 mà các tác phẩm đều ùn ứ lại, chưa được ra mắt. Gần nhất, tôi sẽ góp mặt trong phim điện ảnh thuộc thể loại giật gân – kinh dị là Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà của đạo diễn Trần Hữu Tấn sẽ ra mắt vào thời gian tới.
Ngoài ra, tôi còn tham gia một tác phẩm khác của Lê Bình Giang sẽ trình chiếu trên nền tảng trực tuyến. Điều thú vị các nhân vật tôi lựa chọn đều đầy nội tâm, hoảng loạn, điên cuồng. Đó cũng là mong muốn của tôi sau khi rời khỏi phim Mắt biếc.
Kết thúc một dự án phim, tôi không muốn mình dậm chân tại chỗ mà phải luôn luôn thay đổi. Tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ cho vai diễn tiếp theo mà mình muốn hướng đến.
Tôi muốn làm mới bản thân, thay đổi tư duy của khán giả về Trần Phong. Nếu mọi người khi xem phim mới và không bị ám thị về hình ảnh Dũng bad boy trong Mắt biếc, vậy là tôi thành công rồi.
Chàng trai sinh năm 1992 cho biết anh muốn thay đổi sau Mắt biếc. Ảnh: Chí Hùng.
– Anh cũng từng casting phim siêu anh hùng Vinaman của Ngô Thanh Vân. Kết quả ra sao?
– Đúng rồi. Tôi đã đi casting phim của chị Ngô Thanh Vân vào năm 2020 nhưng kết quả vẫn là ẩn số. Tạm thời, tôi chưa thể chia sẻ được. Ngoài ra, tôi còn đóng một vai nhỏ trong Thanh Sói cũng của chị Vân nữa.
– Bận rộn với nhiều dự án phim, anh còn diễn ở sân khấu?
– Một năm qua, tôi đi quay phim nên không diễn nhiều ở sân khấu. Do ảnh hưởng của Covid-19, sân khấu cũng hơn 3 lần đóng cửa. Những lúc đó, tôi thương chú Lộc, thầy Hữu Châu và các anh chị em nghệ sĩ lắm. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, mọi người đã tập luyện cho kịch Tết thì phải ngưng lại.
Đối với một diễn viên, sân khấu là thánh đường và phim trường là ngôi nhà thứ hai. Khi những nơi đó đóng cửa, công việc bị ngưng trệ, mọi người bị đứng hình và chao đảo.
Tôi vẫn thích diễn ở sân khấu vì nơi đó có thầy và các đồng nghiệp. Thời điểm tôi mới vào nghề, sân khấu cũng là nơi đào tạo và thầy Hữu Châu là người dẫn đường, chỉ lối cho tôi.
Bây giờ, những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn đi coi kịch. Có khi, cũng một vở kịch nhưng tôi coi đi coi lại nhiều lần. Chứng kiến các cô chú, anh chị đi trước diễn ở sân khấu, tôi như được tiếp thêm lửa nghề.
– Như anh nói, sân khấu là thánh đường của nghệ sĩ nhưng để mưu sinh, một số diễn viên đã chọn cách từ bỏ và tìm một hướng đi khác?
– Mọi người đều biết thu nhập ở sân khấu chỉ mang tính chất tượng trưng. Diễn viên phải tìm những hướng đi khác để mưu sinh. Có người đóng phim, tham gia game show, người khác lại bán hàng online… Nhưng vào cuối tuần, ai cũng sắp xếp để trở về diễn ở sân khấu. Đó là nghĩa tình, sự đáp đền của mỗi nghệ sĩ về cái nôi đã đào tạo ra họ.
Sân khấu khó khăn, hơn ai hết, tôi hiểu điều đó. Nhưng rồi nghĩ theo hướng lạc quan là cuộc sống luôn thay đổi và mình phải chấp nhận điều đó. Bây giờ, tôi 29 tuổi còn làm diễn viên nhưng vài năm nữa thì sao. Tôi sẽ làm gì tiếp theo?
– Vậy anh sẽ làm gì tiếp theo?
– Tôi dự định sẽ học thêm về đạo diễn, có thể ra nước ngoài. Tôi muốn làm một tác phẩm hoàn chỉnh theo góc nhìn của mình.
Không phải ai cầm micro cũng trở thành ca sĩ
– Ngoài diễn xuất, anh còn tham gia Trời sinh một cặp. Anh muốn trở thành ca sĩ?
– Ca hát là đam mê từ lâu của tôi. Tôi chỉ tham gia Trời sinh một cặp để học hỏi, thử sức thôi. Không phải ai biết ca hát, cầm micro cũng trở thành ca sĩ. Tôi hiểu được vị trí, vai trò của mình hiện tại là diễn viên và muốn hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất.
Gần nhất, nam diễn viên tham gia chương trình Trời sinh một cặp. Ảnh: Chí Hùng.
– Một diễn viên khi cầm micro và hát trên sân khấu sẽ khác biệt ra sao?
– Trước đây, tôi từng hát ở một số chương trình. Tuy nhiên, đây là lần đầu, tôi hát trên sân khấu của Trời sinh một cặp và đứng chung với một huấn luyện viên. Đặc biệt, tôi được hát với ca sĩ Uyên Linh – một người mà tôi thần tượng từ lâu.
Trong quá trình huấn luyện, chị hỗ trợ tôi cũng như các thành viên trong team rất nhiều. Chị chỉ cho chúng tôi những điều chưa biết về ca hát như lấy hơi, xử lý bài hát, cách trình diễn trên sân khấu…
– Khi song ca với Uyên Linh, khán giả nhận ra anh còn nhiều khuyết điểm về giọng hát?
– Khi đăng ký tham gia cuộc thi, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình tham gia với tư cách một diễn viên. Tôi biết mình còn nhiều khuyết điểm trong giọng hát nên đã cố gắng tập luyện, học thanh nhạc nhiều hơn.
Khán giả không thể so sánh tôi với chị Uyên Linh được vì chị ấy là ca sĩ chuyên nghiệp. Để có thể trình diễn chuyên nghiệp, nhiều cảm xúc, có người phải bỏ 5, 10 năm để trau dồi. Không phải ai cũng một sớm một chiều mà thành công được.