Trần Bạch Đằng: Báo chí là trận địa

Nhà báo, nhà văn, nhà chính trị Trần Bạch Đằng tên khai sinh là Trương Gia Triều, tên gọi thân mật là Tư Ánh, Năm Quang, sinh ngày 15.7.1926 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước. Trần Bạch Đằng vốn là bí danh ông đặt khi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông còn có các bút danh: Trương Chí Công, Trần Quang, Hưởng Triều, Đại Nghĩa, Lê Văn Ba, Văn Lê, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý,… Vợ ông là bà Tôn Thị Hưởng (tức Nguyễn Thị Chơn), cũng là một trí thức, chiến sỹ cách mạng, từng vào tù ra tội, đã làm Phó đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dự Hội nghị Paris về Việt Nam. Tên thật của bà đã được ông ghép với tên khai sinh của mình thành một bút danh Hưởng Triều, mà ông thường dùng khi làm thơ.

Chiến sĩ cách mạng trung kiên

Theo lời kể của Trần Bạch Đằng, tổ tiên của ông vốn dòng họ Trương ở Hà Tĩnh di cư vào Quảng Ngãi, ở lại đó vài thế hệ, rồi chuyển vào định cư tại thôn Tân Phước, tổng Bình Dương, huyện Tân Bình, nay thuộc địa phận Rạch Bần, Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nội của Trần Bạch Đằng là Trương Gia Tuân đã làm quan đến chức Tri phủ Diên Khánh (thuộc tỉnh Khánh Hòa), sau thấy chán ghét cảnh quan trường mà từ quan về sống ở Sài Gòn. Bà nội của Trần Bạch Đằng là Trịnh Thị Hoài Minh, cháu ruột của Trịnh Hoài Đức, người đỗ tiến sỹ năm 1788, một công thần của nhà Nguyễn, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, tác giả sách “Gia Định thành thông chí”. Cha của Trần Bạch Đằng là Trương Gia Mãn, một người giỏi chữ Hán nhưng không ra làm quan, sống bằng nghề chữa bệnh theo Đông y và viết câu đối thuê(1).

Khi Trần Bạch Đằng lên 5 tuổi, gia đình chuyển lên sống ở tỉnh Biên Hòa, lúc đầu ở làng Bửu Long, quận Châu Thành (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), sau chuyển tới làng Tân Phú (nay là xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Năm 1942, sau khi học hết tiểu học, thi vào trường Sư phạm (đào tạo giáo viên tiểu học) không đỗ, ông được gia đình gửi lên Sài Gòn, sống trong nhà vợ chồng ông Trần Hữu Độ. Trần Hữu Độ có vợ là cô ruột thứ năm của Trần Bạch Đằng nên gọi là dượng Năm. Chính dượng Năm – Trần Hữu Độ là người đã dẫn dắt Trần Bạch Đằng đi theo con đường cách mạng, hướng ông vào Đảng Cộng sản khi mới 17 tuổi, và trở thành người cha tinh thần của ông. Đó là lý do mà ông đã lấy họ Trần ghép với Bạch Đằng – một địa danh nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, để đặt cho bí danh của mình trong hoạt động cách mạng và trở thành họ – tên đi theo ông đến hết cuộc đời – Trần Bạch Đằng.

Từ sau khi được kết nạp vào Đảng, tháng 11.1943, Trần Bạch Đằng trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông tham gia công tác Đảng, công đoàn, tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn và tháng 9.1945 vào bộ đội, tham gia Nam Bộ kháng chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông được cách mạng giao cho nhiều trọng trách: Phụ trách công tác vận động thanh niên, tham gia công tác mặt trận, tham gia biên tập báo Chống xâm lăng, chủ nhiệm báo Thanh niên của Đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ, chủ bút báo Nhân dân miền Nam. Tháng 4.1949, trên đường ra Việt Bắc dự Đại hội lần thứ hai của Đảng ông đã bị địch bắt và tháng 11 năm ấy, ông đã lãnh đạo thành công cuộc vượt ngục ở khám Chợ Rồng, Gò Công, trở về với đội ngũ cách mạng. Năm 1954, sau khi Hiệp định Genevơ được ký kết, ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động.

Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Bạch Đằng bám trụ cơ sở, lăn lộn với phong trào chủ yếu ở địa bàn Sài Gòn – Gia Định, nổi tiếng là một cán bộ cách mạng trung kiên,  can trường. Ông từng đảm nhiệm nhiều công việc, nhiều trách nhiệm lãnh đạo quan trọng của tổ chức đảng thành phố Sài Gòn – Gia Định và Trung ương Cục miền Nam: Phụ trách Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (1955); Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Việt Nam (1960); Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định (1965); Phó Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh tiền phương II, Bí thư Đảng ủy quân sự Sài Gòn – Gia Định (1968 – trong Chiến dịch Mậu Thân); Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định (1970); Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1973).

Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, do sức khỏe xấu đi nên Trần Bạch Đằng được Trung ương Đảng điều động giữ chức Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương để vừa làm việc vừa có điều kiện nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ông được Trung ương cho đi nghỉ và chữa bệnh ở Liên Xô, Hungary và Đức, được đi thăm, tìm hiểu nhiều nơi ở miền Bắc theo nguyện vọng kết hợp với công việc. Từ năm 1981, ông trở thành chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1989, ông trở về sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia Hội đồng Khoa học xã hội Thành phố, tham gia Ban chỉ đạo và trực tiếp làm Tổng biên tập công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến.

Ngày 16.4.2007, người chiến sỹ cách mạng trung kiên, nhà báo, nhà thơ, nghệ sỹ, một nhân cách lớn – Trần Bạch Đằng trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 81 với 63 năm tuổi đảng.

Người nghệ sỹ đa tài

Trần Bạch Đằng là một nhà chính trị, một chiến sỹ cách mạng trung kiên và cũng là một nghệ sỹ đa tài, một cây bút giầu nội lực. Ông làm thơ, viết truyện, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản sân khấu, kịch bản phim. Ông là tác giả của hơn 40 cuốn sách các loại đã được xuất bản, là chủ biên và đồng chủ biên hơn 10 cuốn sách khác. Những bài thơ đầu tiên của Trần Bạch Đằng được in trong cuốn Con đường miền Nam, tập thơ và bút ký của ông xuất bản từ năm 1962. Sau đó, các tập thơ của ông lần lượt chào đời: Bài ca khởi nghĩa (năm 1970), Hành trình (trường ca, năm 1972), Theo sóng Đồng Nai (năm 1975), Đất nước vào xuân (năm 1978), Những cái tên đồng bằng (1986) và Tuyển tập Hưởng Triều (năm 1998). Thơ của ông viết về quê hương, đất nước, nhân dân, về Bác Hồ, lịch sử dân tộc, về những con người bình dị, anh hùng, và tất cả đều được tư duy và xuất phát trên nền của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc và thống nhất đất nước. Ông viết về cuộc hành trình lịch sử của dân tộc trong trường ca Hành trình với giọng thơ cổ điển, hào sảng, đậm chất anh hùng ca:

“Mở cuộc hành trình từ lâu lắm

Những ngày vượt núi, trốn vua quan,

Đồng Nai lúa nở trên máu thắm

Một tấc biên cương mộ mấy hàng…”

Ông viết về Sài Gòn với tình thương yêu da diết, quặn thắt tim gan, nước mắt như muốn rơi nhòa trên những dòng thơ:

“Tôi biết Sài Gòn nhòe trang sách

Tím bầm da thịt vết thương sâu

Nam Kỳ sáu tỉnh dư đồ rách

Sầu đọng thành xưa, gạch đổi màu…”.

Thơ ông viết về Bác Hồ với “Nỗi buồn gặm nhấm trong xương tủy/Khối hận khôn tan muốn hỏi trời” khi biết tin Người đi xa. Nhưng tình yêu và tài hoa của tác giả lại tạo nên hình ảnh đẹp tươi lạ lùng về Người trong nỗi nhớ, niềm thương:

“Sông Thao sóng vỗ bốn bề

Thuyền đầy trăng chở sương khuya nhớ người.

Đỉnh Tây Phong gió bồi hồi

Gót mòn những lúc trông vời cố hương.

Rành rành dấu gậy sườn non

Núi mây lớp lớp bóng còn vấn vương…”.

Thơ Trần Bạch Đằng lúc nồng nàn hơi thở cuộc sống, ào ạt như những lớp sóng biển vỗ bờ, khi thâm trầm, lắng đọng, đầy chất sử thi; lúc hồn nhiên, buông thả rất đỗi tự do, kiêu hãnh, khi lại điềm tĩnh, suy tư với chiều sâu tâm tưởng, lãng đãng chất lãng mạn. Nói như nhà nghiên cứu Hoàng Như Mai khi nhận xét về thơ ông: “Tự tin và tự hào, hiên ngang và kiêu hãnh đôi khi cũng ngạo nghễ – nó có cái đẹp của con người tự do! Cái “tôi” trữ tình – nói theo cách quen của các nhà lý luận phê bình – ở đây rất Nam Bộ”(2).

Trần Bạch Đằng để lại di sản lớn và những thành công đáng trân trọng trong lĩnh vực văn xuôi: truyện, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản sân khấu, kịch bản phim. Từ năm 1951, ông đã có kịch bản sân khấu Trần Hưng Đạo bình Nguyên. Ông đã công bố hơn 10 kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kịch bản hát bội, trong đó thành công và nổi tiếng nhất là kịch bản phim Ván bài lật ngửa (tên ban đầu là Giữa biển giáo rừng gươm). Đó là tác phẩm được viết dựa theo nguyên mẫu là cuộc đời hoạt động và những chiến công vang dội của Phạm Ngọc Thảo, một người anh hùng tình báo nổi tiếng, đã chui sâu vào lòng địch, hoạt động tung hoành trong hàng ngũ của chính quyền Sài Gòn, thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, “chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta” và đã anh dũng hy sinh. Kịch bản Ván bài lật ngửa đã được đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) dựng thành bộ phim 8 tập cùng tên – một trong số ít bộ phim thành công nhất, để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Di sản văn xuôi của Trần Bạch Đằng gồm hơn hai chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, hồi ký, chính luận, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Ván bài lật ngửa xuất bản năm 1986, được viết lại dựa trên kịch bản phim cùng tên. Mặc dù được viết lại từ kịch bản phim xong bộ tiểu thuyết trường thiên 2 tập dài hơn 1.500 trang in Ván bài lật ngửa vẫn có những khác biệt về nội dung, giá trị nghệ thuật riêng, được độc giả đón nhận nồng nhiệt và tái bản nhiều lần. Thời kỳ từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Trần Bạch Đằng giành nhiều thời gian, tâm huyết cho các công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Ông làm chủ biên và đồng chủ biên hàng chục công trình nghiên cứu, trong đó đồ sộ nhất là bộ sách Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1998 và bộ sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến xuất bản năm 2011, sau khi ông đã qua đời.

Năm 2001, ông được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật với các tác phẩm: Bài ca khởi nghĩa (tập thơ), Chân dung một quản đốc (tiểu thuyết) và Ván bài lật ngửa (kịch bản phim).

Một nhà báo can trường, sắc sảo

Trần Bạch Đằng bắt đầu làm báo như một sự thôi thúc tự thân từ khi còn đang là cậu học sinh 13 – 14 tuổi. Trương Gia Triều, cậu học trò lớp nhất của trường Bến Cá, tỉnh Biên Hòa, cùng nhóm bạn trong trường tự tổ chức ra báo, chia nhau viết về những điều tai nghe mắt thấy; phê phán những chuyện trái tai, gai mắt, bất công; bình luận, ủng hộ, cổ vũ những chuyện hay, chuyện tốt nên theo. Tờ báo của họ còn đăng cả một “phóng sự điều tra” dài kỳ về những hành vi sai trái, hống hách của cha con “gã Tây lai già” có nhà ở gần trường học. Sau này nhớ lại, ông bảo rằng, viết báo như thế “không phải xuất phát từ ý thức chống Tây”, vì “Ý thức đó, nếu có, còn rất mơ hồ” trong suy nghĩ, mà chỉ vì “sự công bằng” mà thôi.

Có lẽ cũng do thiên hướng chữ nghĩa mà khi bắt đầu tham gia cách mạng, Trần Bạch Đằng đã được giao phụ trách công tác tuyên huấn và biên tập báo Chống xâm lăng, cơ quan của Việt Minh Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuối năm 1952, ông được cử là chủ bút báo Nhân dân miền Nam thay cho Lưu Quý Kỳ. Cùng với công việc chính là tổ chức, điều hành mọi công việc của tờ báo, ông đồng thời là người chuyên viết xã luận, bình luận. Nhân dân miền Nam ra nửa tháng một kỳ, về sau ra hằng tuần. Báo còn có phụ san là Tiểu thuyết Nhân dân và Việt Xô. Tòa soạn Nhân dân miền Nam còn có sáng kiến làm báo hóa trang, là loại báo in măng sét và khổ báo như tờ Thần chung nhưng nội dung của Nhân dân miền Nam, để phát hành vào Sài Gòn và khu vực bị địch tạm chiếm.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Trần Bạch Đằng nhận quyết định của Đảng ở lại miền Nam hoạt động. Với trách nhiệm phụ trách Ban Tuyên huấn Xứ ủy, ông là người trực tiếp bố trí và chỉ đạo cả một mạng lưới cán bộ cách mạng hoạt động công khai hoặc nửa công khai trong các tổ chức báo chí, văn học, văn hóa, văn nghệ để chủ động truyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, động viên cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài trong lòng địch. Dưới sự chỉ đạo của ông, nhiều tờ báo như Nhân loại, Ban Mai, Phòng Thương mại… tuy mang danh các cơ quan ngôn luận công khai nhưng thực chất do tổ chức đảng của ta chỉ đạo, điều hành. Các cán bộ của cách mạng cũng trực tiếp viết bài hay gây ảnh hưởng đối với một số tờ báo khác như: Tiếng chuông, Sài Gòn mới, Dân chủ, Thần chung, v.v.. Nhờ có sự giúp đỡ của nhà báo Triệu Công Minh, ông cũng có Thẻ nhà báo dưới cái tên Lê Văn Ba do chính quyền Ngô Đình Diệm cấp. Cũng qua Triệu Công Minh làm trung gian, ông trở thành người phụ trách trang Thời sự và trang Hài hước của tờ Buổi sáng. Các bài vở do ông chuẩn bị cho hai trang báo này đều được chuyển qua Triệu Công Minh để đưa tới tòa soạn. Khi viết các bài bình luận thời sự, ông lấy bút danh Văn Lê. Khi làm trang Hài hước, ông lấy tên là Tổng tào lao với ngụ ý ám chỉ Tổng thống Ngô Đình Diệm(3).

Đầu năm 1957, khi chính quyền Sài Gòn tăng cường kiểm soát thông tin báo chí, đàn áp các cơ sở cách mạng, nhiều cán bộ bị địch bắt, cơ quan của Xứ ủy Nam kỳ cũng phải dời sang Campuchia để bảo toàn lực lượng. Hoạt động báo chí cách mạng ở khu vực Sài Gòn và Nam Bộ lâm vào thế vô cùng khó khăn. Đến đầu năm 1960, sau chiến thắng Tua Hai và phong trào Đồng khởi lên cao, Cơ quan Xứ ủy trở lại đất Việt Nam, đóng ở Đông Nam Bộ, báo chí cách mạng ở khu vực mở sang một trang mới. Đài Phát thanh Giải phóng ra đời và Thông tấn xã Giải phóng được củng cố, nội san Học tập và báo Tiền phong được xuất bản. Trần Bạch Đằng tiếp tục là cây bút xã luận, bình luận cho Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng với bút danh Đại Nghĩa.

Tháng 4.1965, Trần Bạch Đằng được điều động về làm Thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, phụ trách tuyên huấn và Ban Cán sự nội thành. Từ thời điểm này đến Đại thắng 30.4.1975, ông trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và Trung ương Cục, gánh vác trách nhiệm quan trọng trong chỉ đạo phong trào nên hầu như không trực tiếp viết báo. Tuy nhiên, “mười năm báo chí thành phố Sài Gòn đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai” có công lao đóng góp không nhỏ của Trần Bạch Đằng, người cán bộ lãnh đạo can trường, thoắt ẩn thoắt hiện trong lòng địch, bám sát cơ sở, trực tiếp chỉ đạo từ công việc tổ chức xuất bản đến nội dung thông tin tuyên truyền của báo chí cách mạng. Hơn thế, đó cũng là sự “sảng khoái” của riêng ông, bởi “tạo điều kiện cho đồng chí mình làm báo đâu khác gì chính mình làm báo!”(4).

Sau năm 1975, rời khỏi cuộc chiến đấu một mất, một còn chống kẻ thù xâm lược vì độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước, Trần Bạch Đằng lại bước vào cuộc chiến đấu mới vì sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, như ông đã viết từ tháng 8.1975 trong bài báo “Tháng Tám: Ước mơ và hiện thực”: “Suốt 30 năm, nỗ lực của chúng ta dồn cho thành tựu ngày nay. Từ bây giờ trở đi, nỗ lực của chúng ta dồn cho việc xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp và hùng cường”. Từ các vị trí công tác mới ở tầm cả nước, từ sự học tập, tự nghiên cứu cùng những chuyến đi đến Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa, đã cho ông thấy một thực tiễn cách mạng phong phú hơn, mới mẻ hơn nhưng cũng không ít khó khăn, phức tạp; một tầm nhìn, cách nghĩ rộng lớn với nhiều chiều cạnh hơn nhưng cũng sâu sắc và thực tế hơn với những bộn bề của đất nước. Cũng do trút bớt gánh nặng công tác trong Đảng và bộ máy hành chính nên ông có điều kiện tập trung nhiều cho viết báo. Ông viết nhiều thể loại nhưng chủ yếu là các bài nghị luận (xã luận, chuyên luận, bình luận, phiếm luận). Bài của ông đăng tải trên khắp các báo từ Bắc vào Nam, từ báo trung ương đến các báo địa phương. Ông trực tiếp đứng tên các chuyên mục của Dòng đời, Chuyện thường ngày, Câu chuyện thứ tư, Thời sự và suy nghĩ… của một số tờ báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh…

Ngòi bút của Trần Bạch Đằng đề cập nhiều vấn đề, từ lịch sử, văn hóa, văn nghệ, xã hội, lối sống, con người, đến các vấn đề quốc tế, chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, v.v.., nhưng vấn đề mà ông quan tâm nhất, tâm điểm định hướng mọi suy nghĩ và mọi bài viết của ông chính là công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chỉ riêng một tuyển tập những bài báo viết về đổi mới từ 1975 đến năm 2000 do chính ông tự lựa chọn, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2002 dưới tiêu đề “Đổi mới đi lên từ thực tế” đã dày 1.092 trang khổ sách 14cmx20cm. Việc ông quan tâm đến công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển đất nước cũng là lẽ đương nhiên, bởi mục đích của cuộc đời ông cùng cuộc chiến đấu vào sinh, ra tử của ông trong lòng địch chính là nhằm tới đích xây dựng một đất nước tự do, cường thịnh, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong các bài viết của mình, dù là một tiểu phẩm, bình luận ngắn hay bài bút ký, chuyên luận, nghiên cứu, ông đều có cái nhìn sắc sảo nhiều chiều, đưa ra những suy ngẫm mới mẻ, những phán đoán đi trước thiên hạ, những kiến nghị, giải pháp thẳng thắn, không khoan nhượng. Ông quyết liệt bảo vệ công cuộc đổi mới và vui với niềm vui hồ hởi trước những thành quả ban đầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Năm 1994, nhìn nhận về đổi mới, ông nhận xét: “Vận nước những năm 80 thật hiểm nghèo, chính vào lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc như thế, đổi mới xuất hiện”, và “sự cải thiện tình thế của Việt Nam” đã khiến “nhiều nhà chính trị, học giả, nhà báo thế giới thường ít cảm tình, thậm chí ác cảm với Việt Nam – phải thốt lên “kỳ diệu” để đánh giá”(5).

Trần Bạch Đằng cũng thẳng thừng vạch ra và phê phán những quan điểm bảo thủ, xa rời thực tế, lối sống xu thời, nịnh bợ, vụ lợi, những hành vi giả trá, sai trái, nhất là tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xa dân, có hại cho sự nghiệp chung. Ông không ngại đề cập cả những vấn đề nhậy cảm mà đối với không ít người người đó như là sự kiêng kỵ. Trước thềm Đại hội VI của Đảng, trong bức thư gửi Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Lê Duẩn, ông đã phân tích tình hình, cảnh báo về chủ nghĩa quan liêu trong Đảng và hệ thống nhà nước. Ông cho rằng: “Quan liêu không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa (như luận điệu của bọn xấu), nhưng quan liêu là bức tường ngăn cách Đảng, Nhà nước với nhân dân… và nguy hại lớn nhất là quan liêu không cho phép chúng ta đưa quần chúng lên địa vị làm chủ và do đó không tạo ra một khí thế cách mạng sâu sắc”(6). Ngay từ năm 1988 khi đường lối đổi mới vừa mở ra được vài năm, trong bài viết “Dân chủ – yêu cầu bức xúc để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, ông đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề phức tạp trong công tác xây dựng Đảng và thể hiện một thái độ quyết liệt, không khoan nhượng với những hiện tượng suy thoái, tiêu cực ngay trong nội bộ Đảng. Ông viết: “Tai họa trong Đảng ta hiện nay là chen lẫn quá nhiều phần tử thoái hóa, phần tử cơ hội, phần tử bất tài trong hàng ngũ, kể cả hàng ngũ giềng mối. Việc đầu tiên là phải trục xuất số ăn bám, lợi dụng ấy ra khỏi Đảng, dứt khoát khôi phục ý nghĩa vào Đảng là gánh vác nghĩa vụ, là chịu khổ chịu khó, và hưởng thụ ít nhất… Trong sạch hàng ngũ Đảng bao gồm trong sạch hóa hàng ngũ cán bộ, bất kể thuộc cấp nào. Ăn cắp, hối lộ, húng hiếp dân, cậy quyền ỷ thế, kéo bè kéo cánh… phải đuổi ra khỏi Đảng như “đuổi tà”(7)… Đúng như nhận xét của nhà báo Phan Quang, phong cách viết báo của Trần Bạch Đằng, nhất là những dự báo “hơi sớm” về thời cuộc và các vấn đề xã hội “có khi lại tạm thời không tranh thủ được sự đồng tình của đông đảo, thậm chí va chạm nếp mòn tư duy của một số người nào đó giữ cương vị cầm trịch” cho nên “đôi khi cũng gây cho ông chút hiểu nhầm phiền hà”. Nhưng đó lại chính là “yêu cầu cao trong công tác báo chí, lãnh địa biểu thị rõ năng lực và dấu ấn cá nhân của mỗi cây bút”(8).

***

Phát biểu trong phim tài liệu “Trần Bạch Đằng, Người cầm bút”, ông nói về nghề làm báo như một lời tâm sự gan ruột: “Là nhà báo thì phải trung thực, phải say nghề và bám sát thực tế, đưa mục đích làm cho xã hội tốt lên làm tiêu chuẩn hàng đầu. Không giữ được đạo đức vì mục đích chung là tha hóa, kể cả không làm lợi cho ai cũng là tha hóa”(9). Ông không chỉ nói mà sống, viết đúng như thế. Ở ông, lời nói luôn đi đôi với việc làm, hành động bao giờ cũng nhất quán với lý tưởng, mục đích sống của một nhà cách mạng, một người viết báo chân chính. Nếu trong chiến tranh cách mạng, ông là một chiến sỹ kiên cường, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước, thì trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, ông coi báo chí là một “trận địa” và trở thành một chiến sỹ can trường, sắc sảo trên trận địa ấy. Đúng như ông tâm sự, “Chưa bao giờ tự cho mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi vẫn xem báo chí là trận địa mà tôi ưa thích và viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi đến khi không còn viết được nữa”(10)./.

_____________________________

(1) Dẫn theo: Trần Bạch Đằng – chân dung kẻ sỹ Nam Bộ, Nguyễn Trọng Xuất (chủ biên) (2019), Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.15.

(2) Hoàng Như Mai (1997), Mấy điều tâm đắc, Tuyển tập Thơ Hưởng Triều, Nxb. Văn học, Hà Nội. (Dẫn theo: Trần Bạch Đằng – Chân dung kẻ sỹ Nam Bộ (Nguyễn Trọng Xuất chủ biên), Sđd, tr.318).

(3) Xem: GS Hà Minh Đức chủ biên (1997), Thời gian và nhân chứng, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.70.

(4) GS Hà Minh Đức (1997) chủ biên, Thời gian và nhân chứng, Nxb. CTQG, tr.90 – 91.

(5) Trần Bạch Đằng, Tồn tại hay không tồn tại, báo Nhân dân số Tết năm 1994.

(6), (7) Trần Bạch Đằng (2002), Đổi mới đi lên từ thực tế, Nxb. Trẻ, Tp.HCM, tr. 46, 286 – 287.

(8) Xem: Phan Quang, Trần Bạch Đằng – cây đại thụ, sách Trần Bạch Đằng – Chân dung kẻ sỹ Nam Bộ (Nguyễn Trọng Xuất (chủ biên), Sđd, tr.254.

(9) Nguyễn Trọng Xuất (chủ biên), Trần Bạch Đằng – chân dung kẻ sĩ Nam Bộ, Sđd, tr.286)

(10) GS Hà Minh Đức (chủ biên), Thời gian và nhân chứng, Sđd, tr.94.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tuyển tập Thơ Hưởng Triều (1997), Nxb Văn học, Hà Nội.

2. Trần Bạch Đằng (2002), Đổi mới – Đi lên từ thực tế, Nxb Trẻ, Tp. HCM.

3. Trần Bạch Đằng, Tôi làm báo, in trong sách: Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo), GS Hà Minh Đức (chủ biên) (1997), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.42 – 94.

4. Nguyễn Trọng Xuất (chủ biên) (2019), Trần Bạch Đằng – chân dung kẻ sỹ Nam Bộ, Nxb. KHXH, Hà Nội.

5. Phạm Bá Nhiễu, Nhà nghiên cứu – nhà báo Trần Bạch Đằng, http://hoinhabaovietnam.vn/Nha-nghien-cuu-nha-bao-Tran-Bach-Dang_n15915. html; Thứ Tư, ngày 3.5.2017.

Rate this post