Top 10 Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du hay nhất
Nguyễn Du là đại thi hào lớn không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của toàn thế giới. Ông đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương nghệ thuật độc đáo mà ta không thể không nhắc tới “Truyện Kiều”. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là đoạn trích tiêu biểu khắc họa rõ nét vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn của Thúy Vân, Thúy Kiều đồng thời dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều. Đây là biểu hiện cho cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du. Mời các bạn đọc tham khảo một số bài văn phân tích đoạn trích trên mà Toplist đã tổng hợp trong bài viết dưới đây để thấy tài năng Nguyễn Du trong việc sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng rất xuất sắc của tác giả.
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 1
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ là kiệt tác bất hủ của nền văn học trung đại mà còn là của cả nền văn học Việt Nam. Với những giá trị nội dung tư tưởng lớn, mang tính hiện thực sâu sắc, phản ánh, lên án sự bất công, tàn ác của chế độ phong kiến và số phận bất hạnh của người phụ nữ.
Đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo, cảm thương sâu sắc cho số phận con người, đặc biệt là phận nhi nữ, trân trọng những vẻ đẹp của người phụ nữ dưới chế độ cũ. Có thể nói rằng dẫu là con người của chế độ phong kiến, nhưng thông qua Truyện Kiều ta có thể nhận ra tư tưởng và suy nghĩ của Nguyễn Du đã vượt trước thời đại cả hàng trăm năm, để lại cho nền văn học một tác phẩm kinh điển có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa của người Việt.
Truyện Kiều tựa như một nguồn cảm hứng lớn, một khởi điểm cho nhiều các loại hình văn hóa khác như bói Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều, tranh Kiều, vịnh Kiều, … thậm chí trở thành đề tài cho nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, hội họa,… Không chỉ vậy Truyện Kiều còn trở thành tác phẩm hiếm hoi của văn học Việt Nam được dịch và cho xuất bản ở trên 20 quốc gia.
Sự thành công của Truyện Kiều, không chỉ đến từ nội dung hiện thực và nhân đạo mà còn đến từ những giá trị nghệ thuật, thể hiện tuyệt tài cầm bút của Nguyễn Du. Bao gồm việc sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát của dân tộc, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nghệ thuật tả cảnh, tả người bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, linh hoạt, gợi nhiều hơn tả,… Đoạn trích Chị em Thúy Kiều là một trong những trích đoạn thể hiện rất đặc sắc biệt tài dùng bút pháp ước lệ tượng trưng để miêu tả vẻ đẹp con người của Nguyễn Du.
Thúy Kiều, nhân vật chính của tác phẩm xuất thân là con nhà danh giá, khuê các, “êm đềm trướng rủ màn che”, đoạn trích Chị em Thúy Kiều nằm ở phần đầu “Gặp gỡ và đính ước” của tác phẩm, giới thiệu về bối cảnh gia đình Kiều và mối duyên định mệnh của nàng với chàng Kim Trọng.
Hai câu đầu của đoạn trích “Đầu lòng hai ả tố nga/Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân” giới thiệu thân phận của hai chị em là hai cô con gái lớn của gia đình Vương viên ngoại, trong đó Thúy Kiều là chị cả, còn Thúy Vân là con thứ. Vẻ đẹp chung nhất của hai chị em được Nguyễn Du tóm gọn bằng một câu “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, tiêu biểu cho phong cách ước lệ gợi tả của tác giả.
“Cốt cách” tức chỉ phẩm chất, tính cách của hai cô gái, được ví với cây hoa mai – một trong Tứ quân tử, tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, phú quý, sự bền bỉ, kiên trì trong cuộc sống. Lại lấy tuyết, một thứ vừa mỏng manh, vừa trong trẻo, nhẹ nhàng để chỉ “tinh thần” ngụ ý diễn tả tâm hồn trong sáng, thanh khiết của Kiều và Vân, những cô gái mới ngấp nghé tuổi cập kê, hồng trần chưa chạm.
Tuy có những vẻ đẹp chung nhất như thế nhưng Kiều và Vân vẫn có riêng cho mình những vẻ đẹp riêng đến từ ngoại hình, khí chất và tâm hồn được Nguyễn Du chỉ ra trong câu thơ “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, muốn nói rằng khó có thể phân bì được tài sắc của hai chị em, dẫu rằng Kiều là nhân vật chính nên có phần nổi trội hơn.
Để làm nổi bật cái vẻ đẹp của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã rất tinh tế và khéo léo khi chọn miêu tả cô em là Thúy Vân trước. Điều này cũng khá tương tự với việc lựa chọn trong giới thời trang khi để vedette là người catwalk cuối cùng, nổi bật hẳn so với những người diễn mở màn. Phân đoạn miêu tả Thúy Vân ngắn gọn gồm 4 câu thơ:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Có thể nhận xét chung rằng vẻ đẹp của Thúy Vân là một vẻ đẹp mang tính tiêu chuẩn trong xã hội phong kiến, là tiêu biểu cho vẻ ngoài của những con người có phúc tướng, số phận an nhàn, hiền hòa cuộc đời không chịu nhiều sóng gió. Có lẽ số phận Vân đã gắn với việc trở thành phu nhân quyền quý, thế nên Nguyễn Du mới miêu tả thần thái của nàng bằng mấy chữ “trang trọng khác vời” đó là vẻ kiêu sa, sang trọng mà không phải cô gái nào cũng có được.
“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, có lẽ rằng ngày nay người có khuôn mặt trong không phải là kiểu mặt được ưa thích thế nhưng trong quan niệm thẩm mỹ cũ, người có khuôn mặt tròn đầy như Thúy Vân lại là người có phúc khí, không chỉ vậy hình ảnh ước lệ “trăng” là ngụ ý chỉ sự thanh khiết, hiền hòa và nhã nhặn của người con gái.
Bên cạnh khuôn mặt tròn, phúc hậu, Thúy Vân còn may mắn có được “nét ngài nở nang” là đôi chân mày đậm nét, rõ ràng và cách xa nhau, vốn là nét đẹp và cũng thể hiện tướng phúc trên khuôn mặt, cho thấy rằng Vân là người hiểu lễ nghĩa, rộng lượng và hiền hòa trong cuộc sống. Đó là về khuôn mặt và đôi mày, đối với nụ cười và giọng nói của Thúy Vân Nguyễn Du cũng dành cho nàng những cụm từ rất mỹ miều và thanh nhã “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”.
Nụ cười của nàng Vân tươi tựa như hoa nở, mang cảm giác vui mừng, sáng sủa, và dịu dàng. Còn giọng nói thì trong sáng, vừa thanh vừa ấm như ngọc, bởi thế có người nói rằng người con gái đẹp thì chắc chắn có giọng nói hay, nếu ứng với Thúy Vân thì quả thực chẳng thể nào sai. Và tổng kết lại với điệu cười, giọng nói ấy dành cho Thúy Vân hai chữ “đoan trang” quả thật là rất xứng.
Vẻ đẹp của Thúy Vân tiếp tục được diễn tả bằng câu “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”, tóc tựa mây, là mái tóc dài, dài và đen nhánh, từ đó ta cũng có thể phần nào suy ra được tính cách của nàng Vân mặc dù Nguyễn Du không đề cập đến. Đó là biểu trưng cho người con gái hiền dịu, tính tình bình đạm, trọng tình nghĩa, và rất mực chung thủy. Còn ý “tuyết nhường màu da” thì có lẽ không cần phải bàn cãi, lấy màu tuyết để chỉ màu da, da trắng như tuyết, đó là vẻ đẹp tuyệt mỹ sánh ngang với thiên nhiên tạo hóa, là cái phúc của nàng Vân.
Chung quy qua bốn câu thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã dùng bút pháp ước lệ tượng trưng thông qua các hình ảnh rất nhã nhặn, dịu dàng như trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết để gợi ra nét đẹp của một người con gái có vẻ đẹp quý phái, không quá sắc sảo, nhưng khiến người ta dễ chịu và quý mến, điều này gợi ý cho người đọc, cũng như dự đoán trước về cuộc đời bình đạm và êm ấm của nàng Vân.
Khác với Thúy Vân, khi tả Thúy Kiều Nguyễn Du dùng đến tám câu thơ mới diễn đạt được cái vẻ đẹp của nàng, từ lượng câu thơ gấp đôi ta có thể thấy rằng vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp hiếm thấy và tuyệt mĩ, bởi so với Thúy Vân người con gái vốn đã xinh đẹp nhưng chỉ bốn câu thơ là đã khái quát gọn thì Thúy Kiều rõ ràng đã ở một tầm nhan sắc khác.
Ta có thể thấy rõ được ngụ ý này của Nguyễn Du qua hai câu thơ chuyển “Kiều càng sắc sảo mặn mà/So bề tài sắc lại là phần hơn”.
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”
So với Thúy Vân, thì đến Thúy Kiều dường như Nguyễn Du lại càng vận dụng triệt để cải thủ pháp ước lệ tượng trưng. Nếu như ở Vân tác giả còn chỉ rõ vẻ đẹp của từng bộ phận trên cơ thể, rồi đem ví với thiên nhiên, thì ở Thúy Kiều, hầu như Nguyễn Du chỉ gợi nhẹ, dùng bút pháp chấm phá để người đọc tự liên tưởng ra bức tranh Thúy Kiều.
“Làn thu thủy” tức là nói đến đôi mắt trong như nước mùa thu, với những rung động nhẹ nhàng, mà nói đến đôi mắt mang màu nước, lại còn là mùa thu thì đó lại gợi cho ta một vẻ đẹp tuyệt trần, yếu đuối, và vô cùng lãng mạn. Nhưng cũng đồng thời chỉ ra rằng người có đôi mắt ấy lại là người đa sầu, đa cảm và cũng là người có số kiếp truân chuyên, vận mệnh đào hoa.
Tương tự “nét xuân sơn”, tức là chỉ đôi mày đẹp như núi mùa xuân, khiến người ta liên tưởng đến đôi mày liễu, gọn mảnh, cong, mang đến vẻ đẹp xuân sắc cho cả khuôn mặt, đó cũng là một nét đẹp tuyệt hiếm có, biểu lộ tính cách nhu thuận, dịu dàng của người phụ nữ. Thế nhưng Nguyễn Du tại sao không so với những sự vật khác mà lại gợi ra đôi mày của Kiều bằng hình ảnh núi non, điều này cũng làm ta phải suy nghĩ.
Có thể giải thích rằng đó cũng lại là một ngụ ý nữa về cuộc đời của Kiều, cũng gập ghềnh trắc trở y như dáng núi, hết lên lại xuống, khó có được ngày hiền hòa yên giấc. Đó là nói về đôi mắt, để nói về vẻ đẹp của Kiều Nguyễn Du còn có câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, dẫu chưa phân tích thế nhưng từ bề mặt chữ ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy Thúy Kiều là một cô gái có vẻ đẹp rất sắc sảo, mặn mà khác hẳn với cái vẻ đẹp trang nhã, nhẹ nhàng của cô em Thúy Vân.
So với “Làn thu thủy, nét xuân sơn” thì câu thơ này lại càng mơ hồ không rõ là Nguyễn Du muốn phiếm chỉ vẻ đẹp nào của Thúy Kiều. Thế nhưng từ chữ “thắm” có lẽ là tác giả muốn miêu tả nét môi nàng Kiều, môi đỏ như son, đến loài hoa cũng phải ghen tị vì chẳng tươi được bằng đôi môi của nàng. Một cách hiểu khác, có thể “thắm” ở đây là chỉ vẻ đẹp thiên tiên, tuyệt trần, đằm thắm của Thúy Kiều mà không một loài hoa nào có thể sánh ngang được.
Cách hiểu này khiến ta liên tưởng đến một trong bốn tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại, nàng Dương Qúy phi với vẻ đẹp “tu hoa”, đến hoa cũng phải xấu hổ vì không sánh bằng. Ý “liễu hờn kém xanh” lại càng đặc sắc trong nghệ thuật gợi tả ước lệ của Nguyễn Du, ai cũng biết rằng loài liễu là loài nức danh với bản tính mềm mại, dịu dàng, thế nhưng khi so với Kiều thì lại phải hờn vì “kém xanh”.
Ở đây xanh tức là chỉ sức sống, sự dẻo dai, cũng đồng nghĩa với việc gợi ra cái dáng hình lả lướt, mềm mại, uyển chuyển tuyệt thế so với liễu chỉ có hơn chứ không kém của Thúy Kiều. Như vậy so với Thúy Vân, thì vẻ đẹp của Thúy Kiều còn được gợi ra thông qua dáng hình mềm mại, yếu đuối, mà có lẽ nghĩ sâu hơn ta có thể tưởng tượng được thân hình tuyệt thế của nàng.
Tuy không đặc tả Kiều một cách rõ nét như Thúy Vân nhưng Nguyễn Du đã dành hai câu thơ để nhấn mạnh nhan sắc Kiều rằng “Một hai nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một tài đành họa hai”, ý chỉ vẻ đẹp của Kiều có lẽ cũng chẳng khác gì những Tây Thi, Điêu Thuyền thuở xưa, hồng nhan thì họa thủy, nghiêng nước nghiêng thành là có thật. Và thực sự, Kiều cũng khiến một nam nhân như Từ Hải rời bỏ một cõi, rồi cuối cùng rơi vào kết cục không thể vãn hồi.
Đặc biệt Thúy Kiều có vẻ đẹp nổi trội hơn không chỉ ở nhan sắc mà nó còn thể hiện ở tài năng của nàng, thiết nghĩ Nguyễn Du tuy có tư tưởng tiến bộ, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền Nho học cho rằng phụ nữ không cần quá xuất sắc thì mới có thể hạnh phúc và tiêu biểu cho hình mẫu này là Thúy Vân, còn ngược lại phụ nữ mà vừa có nhan sắc, lại còn có tài thì thường bạc mệnh.
Thế nên Nguyễn Du mới xây dựng hình tượng Kiều vừa có nhan sắc tuyệt diễm, lại thêm là bậc kỳ tài trong thi, ca, nhạc, họa. Nàng là người con gái thông minh, học một biết mười, đặc biệt với món đàn tỳ bà thì lại càng là tay nghề trác tuyệt. “cung thương làu bậc ngũ âm”, nàng có thể tự phổ nhạc, sáng tác nên các khúc đàn hay, thế nhưng có lẽ như một điềm báo về kiếp hồng nhan bạc mệnh, từ việc tinh thông tỳ bà – thứ đàn vốn hay xuất hiện ở chốn phong trần, âm vực rộng rãi, cầm phổ chủ yếu là những nốt buồn bã thê lương.
Cho đến việc bản thân Kiều cũng viết bản “Bạc mệnh”, buồn thương, não nề đã phần nào thể hiện được cuộc đời đầy sóng gió của một trang giai nhân tuyệt sắc.
“Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Những câu thơ cuối lại quay về miêu tả hoàn cảnh sống của hai chị em, cả hai nàng xuất thân con viên ngoại nên cuộc sống cũng được xem là khá giả, “phong lưu”, sống trong lụa là gấm vóc. Kiều và Vân đã sắp tới tuổi cập kê, gần tuổi xuất giá, trước khi sóng gió ập đến thì chị em “êm đềm trướng rủ màn che”, cuộc đời trôi qua yên ả, vui vầy. Dẫu cũng đã trưởng thành, nhưng cả hai nàng đều còn rất thanh thuần, tinh khiết, bao nhiêu thứ ái tình “ong bướm”, Kiều Vân cũng chưa từng nếm trải, giữ gìn nền nếp gia phong một phép.
Đoạn trích Chị em Thúy Kiều là phân đoạn thể hiện rõ nét tài năng bậc thầy của Nguyễn Du trong việc miêu tả người thông qua bút pháp ước lệ tượng trưng, chỉ gợi, vẽ vào một nét bút chấm phá, để người đọc tự khai phá ra bức tranh nhân vật.
Đồng thời đoạn trích còn thể hiện tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du khi rất mực trân trọng và tinh tế, tỉ mỉ trước vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều. Đặc biệt là ở nhân vật Kiều, ông không chỉ khai thác nhan sắc hiếm có mà còn tô vẽ nàng thông qua vẻ đẹp tài năng, trí tuệ, cốt cách ở bên trong, để làm nổi bật bức tranh người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh.
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 2
Trong thơ cổ viết về giai nhân thì đoạn thơ Chị em Thúy Kiều trích trong Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những vần thơ tuyệt bút. Hai mươi tư câu thơ lục bát đã vẽ nên sắc, tài, đức hạnh của hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân. Với ngòi bút của một kì tài diệu bút Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung hai nàng giai nhân tuyệt thế:
“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.”
Vân là em, Kiều là chị. Hai chị em Vân và Kiều (con đầu lòng của gia đình Vương viên ngoại) đều là những ả tố nga – những người con gái đẹp. Vẻ đẹp của hai nàng là vẻ đẹp thanh tao của mai, là sự trắng trong, tinh sạch của tuyết:
“Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”
Bút pháp ước lệ cùng phép ẩn dụ đã gợi lên vẻ đẹp hài hòa, hoàn hảo cả về hình thức lẫn tâm hồn. Vẻ đẹp của hai nàng đều đến mức tuyệt mĩ mười phân vẹn mười nhưng mỗi người lại mang một vẻ riêng. Nguyễn Du đã lấy những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên để miêu tả hai chị em. Thúy Kiều và Thúy Vân đều mang vẻ đẹp lí tưởng, theo khuôn mẫu và vượt lên trên khuôn mẫu.
Sau những câu thơ giới thiệu về hai chị em, ngòi bút Nguyễn Du lại có chiều hướng cụ thể hơn trong bức chân dung quý phái của Thuý Vân: Vân xem trang trọng khác vời. Hai chữ trang trọng trong câu thơ đã nói lên vẻ đẹp đài các, cao sang của Vân. Vẻ đẹp ấy của thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời:
“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”
Chân dung của Vân được miêu tả một cách khá toàn vẹn từ khuôn mặt, nét mày, làn da, mái tóc đến nụ cười, tiếng nói. Vân có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu như vầng trăng, có đôi lông mày sắc nét như con ngài, có miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc và mái tóc của nàng bồng bềnh hơn mây, làn da của nàng trắng hơn tuyết, sắc đẹp của Vân sánh với những nét kiều diễm, sáng trong của những báu vật tinh khôi của đất trời.
Tất cả toát lên vẻ đẹp trung hậu, êm dịu, đoan trang, quý phái. Vân đẹp hơn những gì mĩ lệ của thiên nhiên nhưng tạo sự hoà hợp, êm dịu: mây thua, tuyết nhường. Với vẻ đẹp như thế, Vân sẽ có một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ và một tính cách điềm đạm.
Qua bức chân dung này, Nguyễn Du đã gửi tới những thông điệp về tương lai, cuộc đời chính bởi vậy mà bức chân dung Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận. Tả Vân thật kĩ, thật cụ thể song Nguyễn Du chỉ vẽ Kiều bằng những nét phác hoạ thông thoáng bởi ông không muốn là người thợ vẽ vụng về:
“Kiều càng sác sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.”
Sắc đẹp của Kiều được đặt trong sự so sánh với vẻ đẹp đoan trang, quý phái của Vân để thấy được sự hơn hẳn của Kiều về vẻ sắc sảo của tài năng trí tuệ, bởi cái mặn mà của nhan sắc. Không tả khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười, làn da, mái tóc như Thuý Vân mà Nguyễn Du đã thật tài tình khi chọn đôi mắt Kiều để đặc tả bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ: Làn thu thủy nét xuân sơn.
Câu thơ tả đôi mắt mà gợi lên bức tranh sơn thủy, diễm lệ. Bức tranh ấy có làn thu thủy – làn nước mùa thu, có nét xuân sơn – dáng núi mùa xuân. Cũng như khuôn mặt Kiều có đôi mắt trong sáng, long lanh, có đôi lông mày thanh tú mà khiến: Hoa ghen đua thắm liễu hờn kém xanh.
Vẻ đẹp của Kiều không chỉ như thiên nhiên mà còn vượt trội hơn cả thiên nhiên khiến hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn. Thiên nhiên không còn thua, nhường mà cau mày, bặm môi tức giận, mà đố kị hờn ghen. Nếu vẻ đẹp của Vân là những gì tinh khôi, trong trắng nhất của đất trời thì Kiều lại mang vẻ đẹp của nước non, của không gian mênh mông, của thời gian vô tận. Cái đẹp ấy làm cho nghiêng nước, đổ thành: Một hai nghiêng nước nghiêng thành.
Nguyễn Du đã sử dụng những điển tích để cực tả Kiều với vẻ đẹp của trang giai nhân tuyệt thế. Và cũng chính vẻ đẹp không ai sánh bằng ấy như tiềm ẩn những phẩm chất bên trong cao quí là tài và tình rất đặc biệt:
“Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.”
Kiều có cả tài cầm – kì – thi – hoạ của những bậc văn nhân quân tử và tài nào cũng đến mức điêu luyện. Nàng giỏi về âm luật đến mức làu bậc. Cây đàn nàng chơi là cây hồ cẩm, tiếng đàn của nàng ăn đứt bất cứ nghệ sĩ nào và đã trở thành nghề riêng. Để cực tả cái tài của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ ở mức độ tuyệt đối: vốn sẵn, pha nghề, làu bậc và đủ mùi. Không những giỏi ca hát, chơi đàn mà Kiều còn sáng tác nhạc nữa.
Cung đàn nàng sáng tác là một thiên Bạc mệnh. Bản đàn ấy đã ghi lại tiếng lòng của một tâm hồn đa sầu đa cảm. Nguyễn Du cực tả tài năng của Kiều chính là ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Tài năng của Kiều vượt lên trên tất cả và là biểu hiện của những phẩm chất cao đẹp, trái tim trung hậu, nồng nhiệt, nghĩa tình, vị tha. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của sắc – tài – tình và đạt đến mức siêu phàm, lí tưởng.
Nhưng nhan sắc đến mức hoa ghen, liễu hờn để tạo hóa phải hờn ghen đố kị và tài hoa trí tuệ thiên bẩm làu bậc, đủ mùi cái tâm hồn đa sầu, đa cảm như tự dưng mà có của nàng khó tránh khỏi sự nghiệt ngã của định mệnh. Chính bởi Kiều quá toàn mĩ, hoàn thiện nên trong xã hội phong kiến kia khó có một chỗ đứng cho nàng. Và cung đàn Bạc mệnh nàng tự sáng tác như dự báo một cuộc đời hồng nhan bạc mệnh khó tránh khỏi của Kiều.
Cuộc đời nàng rồi sẽ sóng gió, nổi chìm, truân chuyên. Cũng giống như bức chân dung Thúy Vân, bức chân dung Kiều là bức chân dung mang tính cách số phận. Nguyễn Du hết lời ca ngợi Vân và Kiều mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười nhưng ngòi bút tác giả lại đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Vân chủ yếu đẹp ở ngoại hình còn Kiều là cái đẹp cả về tài năng, nhan sắc lẫn tâm hồn.
Điều đó tạo nên vẻ đẹp khác nhau của hai người thiếu nữ và hé mở hai tính cách, dự báo hai cuộc đời khác nhau đang đón chờ hai ả tố nga. Hai bức vẽ chân dung của chị em Thúy Vân và Thúy Kiều đã cho thấy sự tài tình trong ngòi bút tinh tế của Nguyễn Du. Kết thúc đoạn thợ là bốn câu lục bát miêu tả cuộc sống phong lưu khuôn phép, mẫu mực của hai chị em Kiều:
“Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.”
Hai người con gái họ Vương không chỉ có sắc – tài – tình mà còn có đức hạnh. Sống phong lưu đến mực hồng quần. Cả hai đều đã tới tuần cập kê – tới tuổi búi tóc, cài trâm nhưng vẫn sống trong cảnh:
“Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”
Hai câu thơ như che chở, bao bọc cho hai chị em, hai bông hoa vẫn còn phong nhụy trong cảnh êm đềm chưa một lần hương toả vì ai. Nguyễn Du đã buông mành, gạt tất cả mọi vẩn đục cho cuộc đời khỏi cuộc sống phong lưu của hai chị em để đề cao hơn đức hạnh của hai nàng.
Với cảm hứng nhân đạo và tài nghệ thơ, Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung Thúy Vân, Thuý Kiều bằng những gì đẹp đẽ, mĩ lệ nhất. Hai bức tranh mĩ nhân bằng thơ đã thể hiện bút pháp ước lệ tượng trưng và các biện pháp tu từ trong ngòi bút tinh tế của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 3
Có ý kiến cho rằng “Truyện Kiều là một kiệt tác hàng trăm năm nay đã được lưu truyền rộng rãi à có sức chinh phục lớn đối với người đọc”. Thật vậy bằng tài và tâm của mình, Nguyễn Du đã tạo nên một kiệt tác để đời. Trong đó có đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” tiêu biểu cho cái tài khắc họa, miêu tả nhân vật.
Là một đoạn trích khắc họa rõ nét hai chị em Thúy Kiều, không chỉ vậy, qua những nét khắc họa đó còn thể hiện tính cách và số phận của hai chị em. Mở đầu đoạn trích với bốn câu giới thiệu hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Hai chị em xuất hiện, được tác giả gọi là “tố nga” tức chỉ một người con gái đẹp ở thời xưa. Thúy Kiều và Thúy Vân, hai người con gái có vóc dáng thanh mảnh như cây mai và có lòng trắng trong như tuyết đầu mùa. Hai người con gái với những nét đẹp khác nhau nhưng đều hoàn hảo và vẹn toàn. Dường như , hai chị em được coi là chuẩn mực của cái đẹp đương thời.
Sau khi tác giả giới thiệu về hai người con gái xinh đẹp nết na, đại thi hào đi vào khắc họa từng nhân vật. Trong đoạn trích Thúy Vân đẹp ngỡ ngàng:
“Vân xem trang trong khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc , tuyết nhường màu da”
Vân với vẻ đẹp đoan trang của thiếu nữ thời xưa.Mặt đầy đặn, tròn như trăng rằm,lông mài sắc nét đậm như con ngài, miệng cười tươi thắm như hoa, làn da trắng mịn như tuyết, tóc bồng bềnh mượt như mây. Bằng nghệ thuật ẩn dụ kết hợp so sánh, sử dụng các hình ảnh thiên nhiên như: “trăng, con ngài, hoa, mây, tuyết” làm cho vẻ đẹp của Vân hiện lên sống động chân thật với tất cả những nét đẹp tự nhiên, ta cảm nhận được qua những nét khắc họa của tác giả.
Vân là một người con gái đoan trang, phúc hậu, thùy mị, nết na. Đặc biệt vẻ đẹp đó tạo sự hài hòa với thiên nhiên đất trời: “mây thua” “tuyết nhường” biểu thị thái độ nhường nhịn chấp nhận của thiên nhiên trước vẻ đẹp của nàng. Nhìn vào vẻ đẹp của Thúy Vân, cho ta một dự cảm về một tương lai số phận bình yên tốt đẹp sẽ đến với nàng.
Nếu Thúy Vân với những nét đẹp phúc hậu cao quý thì vẻ đẹp của Thúy Kiều càng vượt trội cả sắc lẫn tài qua 12 câu đặc tả Kiều với 4 câu khắc họa chân dung:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Trong xã hội cũ, người ta luôn quan niệm rằng thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp, con người thường được so sánh với thiên nhiên, hoặc hiện lên qua các hình ảnh ước lệ tượng trưng. Tác giả có dụng ý miêu tả Vân trước , khéo léo sử dụng thủ pháp đòn bẩy làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều. Nếu Thúy Vân với vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu thì Thúy Kiều lại sắc sảo mặn mà, vẹn toàn cả tài lẫn sắc.
Vẻ đẹp của Kiều được khắc họa một cách chấm phá chứ không miêu ta toàn diện như Vân, đó là cách tạo điểm nhấn rõ rệt. Qua đôi mắt trong trẻo , dịu dàng như hồ nước mùa thu, đôi mày sắc nét tươi mới như nét núi mùa xuân. Một hình ảnh ước lệ quen thuộc kết hợp với so sánh ẩn dụ đã khắc họa chân dung Thúy Kiều đẹp hoàn hảo.
Vẻ đẹp khiến cho “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. “ghen” “hờn” là các động từ chỉ sự ghen ghét , đố kị, nó mang một sắc thái mạnh biểu thị thái độ ghen tức của thiên nhiên đối với vẻ đẹp của Thúy Kiều, vẻ đẹp làm thành nghiêng nước, tiềm tàng tai họa. Và đằng sau sự nổi giận của tạo hóa ấy sẽ là sự trả thù theo quy luật tự nhiên: “trời xanh quen thói, má hồng đánh ghen”.
Nếu như ở Thúy Vân, tác giả chỉ dừng ở việc miêu tả sắc đẹp thì ở Thúy Kiều hội tụ cả sắc lẫn tài: Sắc đành đòi một , tài đành họa hai. Tác giả ngợi ca Thúy Kiều là một người thiếu nữ đẹp tuyệt trần , không những thế tài năng của nàng xuất sắc đến nỗi trên đời này phải chăng có người thứ hai sánh bằng:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương.”
Chuẩn mực về sự tài giỏi ngày xưa hội tụ : cầm , kì, thi, họa thì Thúy Kiều đủ cả, không những biết mà còn đạt đến trình độ khiến người khác phải nể phục. Trong đó, nàng đặc biệt nổi trội về ” cầm” . Cung đàn được vang lên bởi một người thiếu nữ đa sầu đa cảm, có lẽ bản nhạc mà nàng Kiều sáng tác ở tuổi thanh xuân lại là một thiên bạc mênh, dự báo trước một tương lai không chút êm đềm: Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
Với tất cả tài năng, phẩm chất của nàng đang có thì chắc chắn rằng, cuộc sống êm đềm hiện tại, sự an nhàn tĩnh tại ngầm chuẩn bị trước cho một trận bão táp cuồng phong. Trong dân gian xưa cũng có câu: ” tài tình chi lắm cho trời đất ghen” hay “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Khép lại đoạn trích, Nguyễn Du một lần nữa tái hiện của sống êm ả, ngày qua ngày của hai chị em Thúy Vân và Thúy Kiều:
“Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê,
Êm đềm trướng rủ màn che.
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Sống trong khuôn phép, trong ” trướng rủ màn che”, hai chị em đã sắp tới tuổi tìm đấng phu quân cho mình nhưng có lẽ với chữ “mặc” ở câu thơ cuối đã thể hiện thái độ của Kiều và Vân, không tơ tưởng đến những kẻ ngoài kia.
Bằng cả tài và tâm của mình, đại thi hào. Nguyễn Du đã khắc họa chân dung hai nhân vật một cách sống động và sắc nét. Với thể thơ lục bát truyền thống mềm mại tinh tế, kết cấu và trình tự thể hiện dụng ý. Song song với đó là bút pháp ước lệ tượng trưng quen thuộc (làn thu thủy, nét xuân sơn, mai cốt cách, tuyết tinh thần,…), khéo léo sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh nhân hóa đặc sắc,…
Không những thành công trong việc khắc họa chân dung mà còn thông qua đó dự cảm về số phận của hai chị em. Đặc biệt bức chân dung của Thúy Kiều là chân dung mang tính chất số phận hội tụ đủ: sắc, tài , tình, mệnh.
Như vậy, đằng sau nét khắc họa và những dự cảm về số phận của Nguyễn Du là tấm lòng của nhà thơ đối với người thiếu nữ trong xã hội xưa. Đó là nét đặc sắc trong đoạn trích :” chị em Thúy Kiều”- một đoạn trích tiêu biểu cho biệt tài khắc họa chân dung của đại thi hào.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 4
Nguyễn Du (1765 – 1820) quê ở Tiên Điền – Nghi Xuân – Hà Tĩnh, là đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Một trong những tác phẩm thành công về chữ Nôm của ông là ” Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là “Truyện Kiều”. Truyện không những có nội dung sâu sắc mà còn rất thành công về nghệ thuật.
Tiêu biểu cho nghệ thuật khắc họa nhân vật là đoạn trích ” chị em Thúy Kiều”. Đoạn trích đã đề cao trân trọng vẻ đẹp của con người đặc biệt là người phụ nữ thông qua việc miêu tả tài và sắc của chị em Thúy Kiều. Đây là đoạn trích thể hiện sâu sắc cảm hứng nhân vật của Nguyễn Du. Bốn dòng thơ đầu tác giả giới thiệu chung về vị thứ và vẻ đep của chị em Thúy Kiều:
“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”
Bằng cách giới thiệu hai “ả tố nga” vừa ngắn gọn vừa giản dị hết sức ấn tượng đầy đủ. Trong gia đình họ Vương có hai cô con gái đầu lòng đẹp như “Hằng Nga”. Và câu thơ “Mai cốt cách, tuyết tinh thần,” bằng việc sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng thông qua hai hình ảnh “mai” ” tuyết”, tác giả gợi lên trước mắt chúng ta vẻ đẹp của hai thiếu nữ với dáng người mảnh dẻ, duyên dáng như cây mai một loài hoa đẹp và cao quý.
Tâm hồn của họ trong trắng như tuyết, cả hai đều đẹp hoàn thiện, hoàn mỹ “mười phân vẹn mười”, mỗi người mang một nét đẹp riêng “Mỗi người mỗi vẻ”, đúng là cách nhìn đầy ngợi ca trân trọng của tác giả. Đến với bốn câu thơ tiếp theo, tác giả gợi về vẻ đẹp của Thúy Vân.
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười , ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”
Câu thơ đầu “Vân xem trang trọng khác vời” đã khái quát đặc điểm của nhân vật. Hai chữ ” trang trọng” gợi vẻ đep cao sang, quý phái của Thúy Vân, có thể nói có bao nhiêu cái đẹp của tạo vật, thiên nhiên đều được Nguyễn Du mượn để tạo nên chân dung của Thúy Vân. Đó là trăng, hoa, tuyết, ngọc, mây, bằng bút pháp ước lệ, thư phát liệt kê, vẻ đẹp của Vân được tác giả cụ thể hóa bằng khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da, nụ cười, giọng nói.
Cụ thể trong việc sử dụng từ ngữ làm nổi bật vẻ đẹp của đối tượng được miêu tả : “đầy đặn” ‘nở nang” “đoan trang”. Những biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa đều nhằm thể hiện vẻ đẹp phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Một thúy vân với gương mặt đầy đặn dịu nhẹ như trăng rằm, lông mày sắc nét đậm như con ngài, miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong như ngọc, mái tóc mềm mượt hơn mây, làn da trắng hơn tuyết.
Vẻ đẹp ấy làm cho thiên nhiên ngưỡng mộ “mây thua” “tuyết nhường”. Hai chữ “thua” “nhường” biểu hiện sự hài lòng không ghen ghét, điều này dự báo nàng sẽ có một cuộc sống bình lặng, suôn sẻ không gặp sóng gió. Nếu tả Thúy Vân với bốn câu thơ thì sang Thúy Kiều Nguyễn Du dành cho nàng mười hai câu thơ.
Nếu Vân được miêu tả với vẻ đẹp hoàn hảo thì Thúy Kiều còn vượt lên trên cái hoàn hảo đó, nếu Vân Nguyễn Du chỉ nói đến sắc thì Kiều còn đẹp cả sắc lẫn tài, đó là vẻ đẹp của tuyệt thế giai nhân sắc sảo mặn mà.
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Ở đây, Nguyễn Du rất thành công trong việc sử dụng nghệ thuật đòn bẩy: Miêu tả Vân trước để làm nền cho vẻ đẹp của Kiều. Chỉ bằng một câu thơ với các từ” càng” ” hơn” tác giả giúp người đọc hình dung rõ vẻ đẹp vượt trội của Kiều. Nàng không những tuyệt đỉnh về nhan sắc mà còn sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn.
“Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Khi miêu tả Thúy Kiều, tác giả vẫn sử dụng bút pháp ước lệ thông qua các hình tượng thiên nhiên “thu thủy” “xuân sơn” “hoa ghen” “liễu hờn”. Chỉ có điều Nguyễn Du không liệt kê nhiều chi tiết như Vân à chỉ tập trung ở đôi mắt. Hình ảnh ước lệ “thu thủy” gợi tả đôi mắt Kiều đẹp trong như nước mùa thu, “xuân sơn” gợi lên đôi lông mày thanh tú trên khuôn mặt trẻ trung, đôi mắt ấy của Kiều chính là cửa sổ tâm hồn, thể hiện sự sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn. Sắc của Kiều làm cho người ta ngưỡng mộ say mê đến lỗi có thể ” mất nước, mất thành”, con thiên nhiên thì ganh ghét, đố kỵ ” hoa ghen” “liễu hờn”
Sắc đã vậy còn tài, tình của Kiều thì sao? Miêu tả Kiều tác giả dành một phần để nói về nhan sắc, còn dành đến hai phần để nói về tài năng. Đây chính là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Du. Ông muốn nhấn mạnh sắc đẹp của Kiều thì không có bút pháp nào tả nổi.
Về sắc đẹp của Kiều là số một còn về tài thì trong thiên hạ may ra có người thứ hai: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Kiều thông minh bẩm sinh, cái tài do trời phú. Tài năng của nàng đạt tới mức hoàn thiện theo quan niệm thẩm mỹ gồm cả” cầm, kỳ, thi. họa”.
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.”
Đặc biệt tài đàn của nàng là nổi trội hơn cả – là sở trường, tiếng đàn của nàng thật hay, hay đến mức có thể ăn đứt bất cứ nghệ sĩ tài ba nào trong thiên hạ. Kiều không chỉ giỏi đánh đàn mà còn giỏi sáng tác nhạc, đến mức có thể soạn cho mình một bản nhạc về nhan đề ” bạc mệnh” . Mỗi khi nàng gảy bản đàn đó đều khiến cho lòng người âu sầu, ảo lão người nghe chau mày rơi lệ. Cung đàn ” bạc mệnh” chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.
Như vậy vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp cả sắc, tài và tình, một vẻ đẹp vượt qua ngoài khuôn khổ khiến cho tạo hóa ghen ghét đố kỵ. “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Từ việc khắc họa bức chân dung Thúy Kiều tác giả dự báo về số phận éo le, đau khổ, một tương lai chìm nổi sẽ đến với nàng. Mặc dù tài sắc của Thúy Kiều, Thúy Vân khác nhau dự báo về tương lai cuộc sống khác nhau, nhưng đức hạnh của hai nàng đều đáng trân trọng, điều này thể hiện qua bốn câu thơ cuối:
“Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Mặc dù đã đến tuổi cập kê nhưng ” hai ả tố nga” đã và đang sống cuộc đời nề nếp, gia giáo, cuộc sống của các thiếu nữ phong khuê không hề có tình yêu thiếu đúng đắn.
Như vậy với hai tư câu thơ trong đoạn trích ” chị em Thúy Kiều” là một trong những đoạn thơ mẫu mực về nghệ thuật tả người. Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, thủ pháp đòn bẩy, các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, ẩn dụ. Tác giả đã khắc họa chân dung hai người thiếu nữ với tất cả sắc, tài, tình, mệnh.
Đằng sau bức chân dung chị em Thúy Kiều là tấm lòng ngợi ca trân trọng của tác giả – đó là một biểu hiện của tinh thần nhân văn trong Truyện Kiều, qua đây ta hiểu trân trọng thêm vẻ đẹp của con người đặc biệt là người phụ nữ.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 5
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cho đến nay, “Truyện Kiều” của ông vẫn được coi là tác phẩm thơ Nôm kiệt xuất của nền văn học dân tộc. Trong đó, Nguyễn Du thể hiện tài năng bậc thầy ở nhiều phương diện, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Hầu hết các chân dung đều được miêu tả sinh động, có sức sống. Có thể thấy rõ điều này chỉ qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”.
Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ không tả mà giới thiệu chung về vị trí thứ bậc và vẻ đẹp toàn diện của hai nàng:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
“Ả” là cách gọi của người dân xứ Nghệ với các chị, các cô. Còn “tố nga” là ước lệ chỉ vẻ đẹp thiếu nữ thanh tân, rạng rỡ. Bên cạnh ước lệ “tố nga” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng “mai cốt cách”, “tuyết tinh thần” gợi vóc dáng mảnh dẻ, cốt cách thanh cao như mai. “Tuyết tinh thần” là tâm hồn trong sạch, trắng trong như tuyết. Nguyễn Du cũng đã giới thiệu được vị trí, thứ bậc, trong đó chị là Thúy Kiều, em là Thúy Vân cùng nhan sắc và phẩm giá “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.
Đi vào miêu tả chi tiết hai bức chân dung của nàng Kiều, Vân. Nguyễn Du đã tả chân dung của Thúy Vân trước:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
“Trang trọng”là tính từ Hán- Việt chỉ vẻ đẹp của phong thái; “đoan trang” gợi ra vẻ đẹp của phẩm cách, lối sống. Thúy vân có phong thái sang trọng, quý phái, phẩm cách hiền thục,mẫu mực, đứng đắn- đây là nét đẹp thường thấy của con nhà gia giáo, nề nếp.Khuôn mặt Thúy Vân tròn trịa, đầy đặn, sáng đẹp tựa trăng rằm. Nét mày thanh tú, cong mềm, óng ả. Miệng cười xinh, rạng rỡ như hoa.Giọng nói trong, lời nói đẹp như châu, như ngọc.Tóc mềm mượt như mây. Da trắng trẻo, mịn màng hơn tuyết…
Với Thúy Vân, người đọc chung cảm nhận về một nhan sắc hiền hòa, phúc hậu. Tuy ít ai sánh được nhưng sắc đẹp của nàng vẫn trong vòng trời đất, êm đềm, hòa hợp với tự nhiên: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”.
Trước nhan sắc Thúy Vân, thiên nhiên ” thua”,”nhường”- kém cạnh mà không xung khắc. Vẻ đẹp ấy phải chăng dự báo một cuộc đời suôn sẻ, bình lặng, không bão tố? Nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, nhân hóa được tác giả sử dụng rất đắt. Góp phần sinh động, chân thực cho bức chân dung Thúy Vân. Vẻ đẹp của Thúy Kiều được Nguyễn Du miêu tả sau với một dụng ý nghệ thuật đầy độc đáo:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Như vậy, miêu tả Thúy Vân trước, vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng của nàng lại được tác giả dùng làn nền để tôn lên vẻ đẹp mặn mà, sắc sảo, có “phần hơn” của nàng Kiều. Đặc biệt hơn nữa, Kiều không chỉ đẹp mà còn là một giai nhân đầy tài năng xuất chúng.
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Dùng những hình ảnh của thiên nhiên cùng nghệ thuật ước lệ, nét vẽ của thi nhân vừa gợi tạo sự ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế. Khi khắc họa vẻ đẹp của Kiều,nhà văn nhấn vào đôi mắt vì đôi mắt vừa là vẻ đẹp ngoại hình,vừa thể hiện sự tinh anh của tâm hồn và trí tuệ.
Nếu như vẻ đẹp của Thúy Vân được thiên nhiên “thua”,”nhường” thì với sắc đẹp tuyệt thế của Thúy Kiều, thiên nhiên đã phải “ghen”, “hờn”. Với cách miêu tả này, Nguyễn Du đã dự báo cho người đọc về tương lai đầy chông gai, bất trắc của nàng Kiều sau này.
Thúy Kiều còn là giai nhân “tài sắc toàn tài”. Nàng không chỉ mang vẻ đẹp xuất chúng về ngoại hình, trí tuệ mà còn là một con người tài năng, rất mực tài hoa: “Sắc đành đòi một tài đành họa hai”:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”
Thúy Kiều tinh thông cả: cầm, kì, thi, họa. Trong đó,vượt trội hơn cả là tài đàn. Tài của Kiều đạt đến mức độ lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ của xã hội phong kiến đương thời. Chỉ bốn câu thơ thôi nhưng Nguyễn Du đã gợi ra được sự xuất sắc, tài hoa của nàng Kiều.”Cung đàn bạc mệnh” của Thúy Kiều sáng tác- đó chính là ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu,đa cảm.
Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp hài hòa của cả sắc- tài-tình. Bốn câu thơ cuối là sự nhận xét của Nguyễn Du về cuộc sống “Êm đềm chướng rủ màn che” của hai chị em. Đó là cuộc sống phong lưu rất mực, dù đã đến tuổi ” cập kê”- tức tuổi búi tóc, cài trâm nhưng vẫn sống trong sự che chở của gia đình.
Bằng nghệ thuật tả người đặc sắc,biện pháp ước lệ tượng trưng và sử dụng ngôn ngữ dân tộc tài tình, Nguyễn Du trong đoạn trích đã khắc họa sống động chân dung hai chị em Kiều mỗi người một vẻ tạo nên bức tranh vừa hài hòa vừa tương phản.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 6
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”
Hai câu nhớ ấy là ta nhớ đến một nhà thơ một nhà đại thi hào lừng danh của dân tộc. Không ai khác chính là Nguyễn Du – người có xuất thân từ gia đình đại quý tộc, và là người có vốn hiểu biết sâu rộng. Trong suốt quãng đời phiêu bạt Nguyễn Du tiếp xúc với những cảnh đời, những số phận khác nhau nên ông hiểu và cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của nhân dân.
Từ đó mà có cảm hứng viết nên tác phẩm Truyện Kiều như một kiệt tác đi vào lịch sử nhân loại. Truyện Kiều dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc nhưng Nguyễn Du đã sáng tác trở nên đặc sắc và thu hút về số phận nàng Kiều cũng như số phận bất hạnh của người phụ nữ. Đoạn trích chị em Thúy Kiều phần nào nói lên điều ấy.
Truyện Kiều hay còn được gọi là “đoạn trường Tân Thanh” là tác phẩm được viết bằng chữ Nôm vô cùng xuất sắc. Mặc dù dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân trung quốc nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn mang màu sắc riêng tươi mới sinh động không thể lẫn lộn vào bất kì tác phẩm nào. Đoạn trích chị em Thúy Kiều chính là khúc dạo đầu đầy sinh động. Mở đầu đoạn thơ là miêu tả vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành của chị em Thúy Kiều”:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Câu mở đầu của Nguyễn Du nghe sao nhẹ nhàng mà đầy sâu lắng! Với việc sử dụng nghệ thuật ước lệ Nguyễn Du không ngần ngại mượn vẻ đẹp thiên nhiên là vẻ đẹp cây mai để nói về sắc đẹp của hai chị em nàng Kiều. Làm nổi bật nleen một vẻ đẹp trong sáng mà thanh cao như tuyết.
“Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Nét đẹp rất riêng rất sắc gợi lên vẻ đẹp mà bao chàng trai say đắm ấy làm người ta phải ganh tỵ? Mỗi người mang một vẻ đẹp riêng và “mười phân vẹn mười”. Trước hết, Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của cô em Thúy Vân, vẻ đẹp ấy diệu dàng đủ làm con tim bao chàng trai thổn thức và thiên nhiên nhún nhường:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Chao ôi! Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp Thúy Vân sau mà ngọt ngào và ngất ngây đến thế. Với việc sử dụng nghệ thuật ước lệ như nghệ thuật phổ biến và xuyên suốt bài thơ làm nổi lên vẻ đẹp phúc hậu mà Thúy Vân đang sở hữu. “ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” – một vẻ đẹp hoàn mĩ khó có gì làm khó được nàng. Nguyễn Du mượn hình ảnh thiên nhiên để làm nổi bật lên hình ảnh Thúy Vân như một lời khẳng định.
Thiên nhiên và tạo hóa đã chấp nhận vẻ đẹp của cô em và dự cảm về một kiếp người sống an nhàn. Vì sao như thế? Lẽ thường tình là mặc dù so vẻ đẹp với thiên nhiên nhưng thiên nhiên cũng gật gù chấp nhận. Thúy Vân có phải chăng đã rất may mắn? Có lẽ như thế, nàng đã thật may mắn, thật hạnh phúc và nghiễm nhiên có một đời bình an.
Nhìn thấy vẻ đẹp nhẹ nhàng của Thúy Vân và được thiên nhiên chấp nhận mà ta lại thương cho số phận nàng Kiều. Vẻ đẹp và tài năng của nàng liệu thiên nhiên và tạo hóa có chấp nhận:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”
Vẫn với nghệ thuật ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du mượn hình ảnh là “làn thu thủy, nét xuân sơn”.Đó chính là làn nước mùa thu và nét núi mùa xuân. Nhằm muốn nói đôi mắt nàng đẹp trong sáng như làn nước mùa thu, lông mày đẹp thanh thoát như nét núi mùa xuân. Vẻ đẹp sắc sảo tuyệt trần ấy làm “Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Với nghệ thuật ước lệ mượn hình như thiên nhiên để bày tỏ sự tức giận không đồng tình. Tạo hóa mà ganh ghét thì khó lòng mà nàng sống một cuộc đời bình an như cô em gái ruột là Thúy Vân. Thúy Kiều không phải mang một vẻ đẹp tầm thường, nếu đẹp nhẹ nhàng thì thiên nhiên không hà cớ gì phải ganh ghét.
Đó là vẻ đẹp “Một hai nghiêng nước, nghiêng thành”! Chính sự miêu tả độc đáo ấy mà Nguyễn Du đã để lại những câu nói đi vào bất hủ “nghiêng nước,nghiêng thành”. Nếu Thúy Kiều mang vẻ đẹp khiến bao người hà khác ganh đua đố kị, khiến trái tim bao chàng trai thổn thức thì tài năng của nàng lại càng gấp bội.
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”
Vừa xinh đẹp lại vừa thông minh, người con gái tài sắc vẹn toàn như thế ai mà mà không yêu không thương. Càng được nhiều người yêu thương thì tạo hóa càng ganh ghét. Có thể nói cầm kì thi họa Thúy Kiều điều giỏi. Qua ngòi bút tả thực két hợp với lãng mạn Nguyễn du đã mang một màu sắc riêng độc đáo vào vẻ đẹp “hoa ghen”,”liễu hờn” của Thúy Kiều.
Với một mở đầu nhẹ nhàng và vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của hai chị em Thúy Kiều qua ngòi bút tinh tế mà sâu sắc của Nguyễn Du khiến biết bao người trầm trồ, ngưỡng mộ. Người đọc sẽ dự cảm rằng hai chị em nàng sẽ có cuộc sống êm đềm bên cha mẹ và chị em. Người ta còn ngưỡng mộ một điều rằng tuy cả hai đều đến tuổi lấy chồng nhưng vẫn không nghĩ đến, mà một lòng phụng dưỡng cho cha mẹ.
Qua tác phẩm Truyện Kiều của nguyễn Du mà đặc biệt là đoạn trích chị em Thúy Kiều ta thấy được vẻ đẹp và tài năng của chị em Thúy Kiều. Với ngòi bút tinh tế, nghệ thuật ước lệ kết hợp miêu tả, biểu cảm xuyên suốt bài thơ đã làm nổi bật phần mở đầu tác phẩm rất đặc sắc. Từ đó Nguyễn Du đã thể hiện được khát vọng cuộc sống con người thời ấy và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều.
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 7
Nguyễn Du là một thiên tài văn học và ông được coi là Đại thi hào văn hóa của Việt Nam. Cả cuộc đời cầm bút, ông đã để lại rất nhiều những tác phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu có “Đoạn trường tân thanh” mà người Việt quen gọi nôm là “Truyện Kiều”. Trong chương trình Ngữ văn 9, tập 1, có đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trích “Truyện Kiều”, là một trong những đoạn trích hay, độc đáo, thể hiện tài năng nghệ thuật miêu tả, khắc họa chân dung con người của Nguyễn Du, góp phần làm nên thành công của tác phẩm.
Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Kiều. Khi giới thiệu những người trong gia đình Kiều, tác giả tập trung tả tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều. Trước hết, bốn câu thơ mở đầu là lời giới thiệu khái quát về hai chị em Kiều – Vân:
“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ, ẩn dụ để giới thiệu khái quát về hai chị em qua rất nhiều bình diện như: lai lịch, vị trí trong gia đình và vẻ đẹp (riêng – chung) của hai chị em. Họ là hai người con gái đầu lòng của gia đình họ Vương, trong đó Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân. Tuy hai chị em có những vẻ đẹp khác nhau nhưng chị em Kiều đều mang chung vẻ đẹp duyên dáng, thanh cao, trong trắng: ngoại hình thì thanh tao như cây mai; phong thái tinh thần thì trong trắng như tuyết (tâm hồn).
Đó là vẻ đẹp hoàn mĩ, toàn diện từ trong ra ngoài, từ dáng vẻ tới tâm hồn “mười phân vẹn mười”. Như vậy, chỉ bằng bốn câu thơ đầu ngắn gọn, tác giả đã khái quát được những thông tin cần thiết của nhân vật, đồng thời làm nổi bật lên vẻ đẹp riêng – chung của hai chị em. Từ đó, định hướng cảm xúc cho toàn bài, giúp người đọc thấy được cảm hứng ngợi ca con người trong đoạn thơ. Đến bốn câu thơ tiếp, Nguyễn Du phóng bút đi vào những nét vẽ cụ thể về chân dung và vẻ đẹp nhân vật Thúy Vân:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Ngay câu thơ đầu, nhà thơ đã khái quát vẻ đẹp phong thái của Vân bằng hai chữ “trang trọng”. Đó là vẻ đẹp cao sang, quí phái, ung dung và nghiêm chỉnh. Tiếp tục sử dụng lối ước lệ, nhà thơ đã ví nhan sắc của Vân với những hình ảnh đẹp nhất của thiên nhiên, vũ trụ như: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc.
Có thể nói, dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Du, chân dung vẻ đẹp của Vân hiện lên lộng lẫy, toàn diện từ khuôn mặt, nét mày ngài, nụ cười cho đến lời nói, mái tóc, làn da. Tất cả đều hiện lên sống động, cụ thể như hiện hình, nổi sắc trước mắt người đọc vậy. Đó là chân dung người thiếu nữ có khuôn mặt tròn đầy phúc hậu như ánh trăng đêm rằm; đôi lông mày thanh tú, sắc nét như con ngài (mắt phượng mày ngài); miệng cười thì tươi tắn như hoa nở; tiếng nói khi thốt ra thì trong trẻo, ngọc ngà; mái tóc đen óng ả hơn cả mây; làn da trắng mịn màng hơn cả tuyết.
Chính vẻ đẹp bên ngoài của Vân với vẻ đẹp phúc hậu, hài hòa trong khuôn khổ của lễ giáo phong kiến nên được thiên nhiên, tạo hóa chấp nhận: “tuyết nhường” ,”mây thua”. Từ đó, giúp người đọc phần nào thấy được tính cách và số phận của nhân vật: tính cách ung dung, điềm đạm; cuộc đời: bình yên không sóng gió. Sau khi dựng lên chân dung và vẻ đẹp nhân vật Thúy Vân, nhà thơ tập trung bút lực vào miêu tả vẻ đẹp của Kiều trong sự đối sánh với vẻ đẹp của Vân:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Vẻ đẹp của Kiều khác và hơn hẳn Vân cả về tài lẫn sắc. Đó là sự “sắc sảo” về trí tuệ; “mặn mà” về tầm hồn.Trước hết là vẻ đẹp nhan sắc – ngoại hình của Kiều. Vẫn tiếp tục sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người qua một loạt các hình ảnh: thu thủy, xuân sơn, hoa, liễu, Nguyễn Du đã làm hiện vẻ đẹp của một trang giai nhân tuyệt mĩ.
Nhưng khi miêu tả Kiều, tác giả không miêu tả cụ thể chi tiết như ở Vân mà ngược lại, tác giả tập trung vào một điểm nhìn là đôi mắt “Làn thu thủy nét xuân sơn”: Đôi mắt sáng trong và sâu thẳm như làn nước mùa thu; đôi lông mày thanh thoát như nét núi mùa xuân. Đây chính là lối vẽ “điểm nhãn” cho nhân vật.
Bởi đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn con người. Và qua đôi mắt đó của Kiều, ta thấy được tâm hồn trong sáng, sâu thẳm và cuốn hút lạ thường của nhân vật. Vẻ đẹp nhan sắc của Kiều là vẻ đẹp vượt ra khỏi chuẩn mực của tự nhiên và khuôn khổ của người phụ nữ phong kiến nên: “Hoa ghen – liễu hờn” và thậm chí là nghiêng ngả cả thành quách, đất nước:
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Nghệ thuật nhân hóa (hoa ghen – liễu hờn) kết hợp với nghệ thuật nói quá (thành ngữ: Nghiêng nước nghiêng thành) vừa có tác dụng gợi tả vẻ đẹp của Kiều ; lại vừa có tác dụng dự đoán về số phận, cuộc đời của nàng. Bởi vẻ đẹp đó gợi lên mâu thuẫn, không hài hòa (khác với Vân: thua – nhường: hài hòa, bình yên) nên chắc chắn cuộc đời nàng sẽ truân chuyên, trắc trở: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.
Tiếp đến là vẻ đẹp tài năng của Kiều. Nếu như khi tả Vân, nhà thơ chỉ chú trọng vào khắc họa vẻ đẹp nhan sắc mà không chú trọng tới miêu tả tài năng và tâm hồn thì khi tả Kiều, nhà thơ chỉ tả sắc một phần, còn lại dành phần nhiều vào tài năng: Sắc đành đòi một tài đành họa hai.
Chỉ một câu thơ mà nhà thơ đã nêu được cả sắc lẫn tài. Nếu như về sắc thì Kiều là số một thì về tài không ai dám đứng hàng thứ hai trước nàng. Tài năng của Kiều có thể nói là có một chứ không có hai trên đời. Vì được trời phú cho tính thông minh nên ở lĩnh vực nghệ thuật nào Kiều cũng toàn tài: cầm – kì – thi – họa. Tất cả đều đạt đến mức lí tưởng hóa theo quan niệm thẩm mĩ của lễ giáo phong kiến: “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”.
Đặc biệt tài năng của Kiều được nhấn mạnh ở tài đàn: “Cung thương lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”: nàng thuộc lòng các cung bậc và đánh đàn Hồ cầm (đàn cổ) thành thạo. Hơn thế, nàng còn giỏi sáng tác nhạc nữa: “Khúc nhà tay lựa nên chương/Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”. Mỗi nàng lần đánh đàn, nàng lại cất lên bài hát “Bạc mệnh” làm cho người nghe phải đau khổ, sầu não. Bài hát chính là tâm hồn, là bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều, biểu hiện một trái tim đa sầu đa cảm và cuộc đời éo le, bất hạnh.
Tóm lại: Chân dung của Kiều là bức chân dung mang tính cách và số phận. Vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp khác người nên làm cho thiên nhiên phải ghen tị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”; tài năng của Kiều vượt trội hơn người nên chắc chắn theo một qui luật thông thường của định mệnh “Chữ tài đi với chữ tai một vần” hay “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” nên cuộc đời Kiều là cuộc đời của một kiếp hồng nhan bạc mệnh, éo le và nghiệt ngã.
Đến đây chúng ta thấy được tài năng độc đáo của Nguyễn Du trong việc khắc họa chân dung nhân vật. Từ vẻ đẹp chân dung, nhà thơ thể hiện những dự cảm về tính cách, cuộc đời, số phận của nhân vật. Và mặc dù, ở đầu đoạn trích, tác giả giới thiệu Thúy kiều là chị, em là Thúy Vân nhưng sau đó, nhà thơ lại miêu tả chân dung nhân vật Vân trước, Kiều sau.
Đó là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ trong việc tạo ra thủ pháp “đòn bẩy”. Điều đó có tác dụng nhấn mạnh và làm nổi bật được vẻ đẹp độc đáo, vượt trội về cả sắc lẫn tài và tình của nhân vật Thúy Kiều. Vì thế, tuy cùng sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng khi miêu tả hai nhân vật nhưng chúng ta thấy được mức độ đậm nhạt khác nhau ở mỗi người.
Nhà thơ chỉ dùng bốn câu để tả Vân, còn lại dành tận mười hai câu để tả Kiều; tác giả khi tả Vân chỉ tập trung tả nhan sắc nhưng khi tả Kiều thì “sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Mặc dù vậy nhưng ở nhân vật nào cũng hiện lên rất sống động, cụ thể, chân thực, mang vẻ đẹp, tính cách, số phận khác nhau. Bốn câu thơ cuối là lời bình của tác giả về cuộc sống của hai chị em Thúy Kiều:
Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Sau khi dựng lên bức chân dung của hai chị em Kiều – Vân, Nguyên Du đưa ra những lời nhận xét chung về cuộc sống của hai người. Họ sống trong một gia đình phong lưu, rất gia giáo và họ đang sống trong tầm tuổi sắp sửa được phép thành lập gia đình.
Thành ngữ “Trướng rủ màn che” để chỉ một lối sống kín đáo, đây là lối sống của tiểu thư con nhà gia giáo, sống trong bốn bức tường, ít khi giao tiếp bên ngoài để học nữ công gia tránh rất là khuôn phép. Hình ảnh “ong bướm” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ những người đàn ông tán tỉnh phụ nữ không có mục đích tốt đẹp. Và với những loại người ấy, hai chị em Kiều không thèm để ý tới.
Tóm lại, bằng bút pháp ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, Nguyễn Du đã khắc họa thành công vẻ đẹp chân dung hai chị em Vân – Kiều. Qua đó, chúng ta thấy được cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp, tài năng con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh đầy nhân văn ở Nguyễn Du.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 8
Chị em Thúy Kiều nằm trong phần đầu của tác phẩm Truyện Kiều. Với bút pháp tả người bậc thầy Nguyễn Du không chỉ làm bật lên vẻ đẹp riêng biệt của hai nàng Kiều mà qua đó còn cho người đọc thấy số phận của hai nàng trong tương lai. Quả là một đại thi hào của dân tộc.
Với bút pháp ước lệ, mượn thiên nhiên Nguyễn Du cho thấy vẻ đẹp thanh khiết của Thúy Kiều và Thúy Vân:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị,em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
Giới thiệu hai chị em, Tố Như sử dụng thủ pháp ước lệ, để làm bật lên vẻ đẹp của hai cô gái: họ có dáng người thu tú, mảnh mai, có cốt cách trong sáng như tuyết. Lấy hai hình ảnh mai, tuyết truyền thống đã tôn lên vẻ đẹp của hai chị em đạt đến độ toàn bích. Bốn câu thơ mở đầu đã tạo nên bước đà, nền cảnh để rồi sau đó chân dung hai chị em lần lượt xuất hiện.
Thúy Vân dưới ngòi bút Nguyễn Du là người con gái có vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang: “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Chỉ với bốn câu thơ kết hợp với các biện pháp, so sánh, ẩn dụ, ước lệ, Nguyễn Du đã khắc họa tinh tế vẻ đẹp của Thúy Vân.
Nàng có khuôn mặt tròn đầy như ánh trăng rằm, đôi lông mày đầy đặn, nở nang. Kết hợp với một số tính từ chỉ phong thái: đoan trang, trang trọng và nghệ thuật tiểu đối đã góp phần tô đậm vẻ đẹp của Thúy Vân. Những đặc điểm về vẻ bề ngoài ấy đã báo hiệu một tiền đồ tươi sáng, tương lai tốt đẹp, hạnh phúc viên mãn đang đợi Thúy Vân ở phía trước.
Còn Thúy Kiều lại là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Đoạn miêu tả Thúy Vân, Nguyễn Du đã tỏ ra tài giỏi, khéo léo bao nhiêu, vận dụng chủ yếu bút pháp tả khách hình chủ thì đến đoạn thơ miêu tả Thúy Kiều nghệ thuật miêu tả chân dung càng sắc nét hơn:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Nếu như Thúy Vân đi vào miêu tả chi tiết thì khi tả Thúy Kiều Nguyễn Du chỉ tập trung tả đôi mắt. Ông đã sử dụng nhiều hình ảnh mĩ lệ, trong trẻo của thiên nhiên để miêu tả nàng: làn thu thủy, nét xuân sơn. Những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất đã được đặc tả qua đôi mắt có hồn, đầy cảm xúc của Thúy Kiều.
Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, ông còn nhấn mạnh đến tài năng của Thúy Kiều. Ông đã dùng đến tám câu thơ để khẳng định vẻ đẹp tài năng của nàng. Không giống như những người con gái khác, nhấn mạnh vẻ đẹp nhan sắc và phẩm hạnh, ở đây Nguyễn Du còn nhấn mạnh một vẻ đẹp khác chính là vẻ đẹp tài năng của người con gái vốn ít được coi trọng:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân
Thúy Kiều tài năng ở tất cả các mặt: cầm, kì, thi, họa, đặc biệt là tài đàn của nàng đã đạt đến độ không ai có thể sánh nổi. Khúc Bạc mệnh nàng viết vừa chứng tỏ cái tài, vừa như là một dự báo về tương lai bất hạnh, ảm đạm của chính cuộc đời nàng. Quả là tài mệnh tương đố, chữ tài đi liền với chữ tai một vần.
Không chỉ đến khi miêu tả tài mới bộc lộ số phận bất hạnh của Thúy Kiều, mà ngay khi tả nhan sắc của nàng, Nguyễn Du đã dần hé lộ cho người đọc thấy những điều đó qua các từ: ghen, hờn, nghiêng nước, nghiêng thành, đã tô đậm sự bất an về nhan sắc và tài năng của Thúy Kiều. Và quả thực cuộc đời mười lăm năm trôi nổi, bèo dạt sau này của nàng chính là minh chứng rõ ràng nhất.
Đoạn trích Chị em Thúy Kiều có thể coi là một mẫu mực về nghệ thuật tả người trong văn học trung đại. Từ bức tranh chung, bằng những nét vẽ tài hoa Nguyễn Du đã đặc tả vẻ đẹp cũng như số phận của hai nàng. Bên cạnh đó ông còn sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, ẩn dụ, ngôn ngữ ước lệ, hàm súc đã tạo nên thành công cho tác phẩm.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 9
Nguyễn Du đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, giàu giá trị hiện thực và nhân đạo. Trong kho tàng văn học đồ sộ ấy ta không thể không nhắc đến Truyện Kiều – tuyệt bút của văn học dân tộc. Tác phẩm không chỉ hấp dẫn ở nội dung mà còn đặc sắc ở nghệ thuật tả người chân thực, sinh động. Nét bút tài hoa, chỉ vài đường nét ông đã dựng lên chân dung tính cách và số phận của mỗi người. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều.
Chị em Thúy Kiều nằm ở phần đầu của tác phẩm “Gặp gỡ và đính ước”. Đoạn trích không chỉ nhằm giới thiệu về gia cảnh của hai nàng mà còn miêu tả chân dung của hai tuyệt sắc giai nhân, mỗi người mang một vẻ đẹp riêng, không hòa lẫn.
Mở đầu bài thơ, bằng bút pháp ước lệ, Nguyễn Du đã giới thiệu chung về hai chị em Thúy Kiều. Kiều là chị, còn em là Vân, hai cô là con gái của Vương Viên ngoại. Hai con người ấy có cốt cách vô cùng thanh thoát, tao nhã “mai cốt cách” giống như loài hoa mai mảnh dẻ, thanh cao.
Phong thái tinh thần thanh sạch, trong trắng “tuyết tinh thần”. Họ mang trong mình vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng, tinh khôi. Ngoài ra để khẳng định vẻ đẹp của nàng, Nguyễn Du còn có thêm một câu thơ bình luận: “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Lời bình vừa cho thấy nét riêng, vừa cho thấy vẻ đẹp hoàn hảo của hai nàng.
Chỉ bằng những lời giới thiệu ngắn gọn, nhưng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin phong phú, đầy đủ, những ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của hai nàng. Sau khi giới thiệu chung về hai chị em, bốn câu thơ tiếp dành những lời thơ mĩ miều, đẹp đẽ nhất để miêu tả nàng Vân:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Thúy Vân mang vẻ đẹp của phong thái đoan trang. Từ con người cô toát lên vẻ đẹp nghiêm chính, ung dung, sự cao sang, quý phái. Nguyễn Du tập trung miêu tả khuôn mặt của nàng: với khuôn mặt đầy đặn, sáng tươi như ánh trăng rằm, đôi lông mày cong cong, hơi đậm làm nổi bật lên đôi mắt đẹp đẽ. Nụ cười của nàng luôn luôn rạng rỡ như những đóa hoa, giọng nói trong, thanh thoát như ngọc.
Mái tóc dài, óng ả hơn cả mây, làn da mịn màng trắng hơn cả tuyết. Thúy Vân mang trong mình vẻ đẹp hoàn hảo, tuyệt mĩ. Vẻ đẹp của nàng rất phù hợp với chuẩn mực xã hội lúc bấy giờ, một vẻ đẹp hài hòa, hòa hợp với thiên nhiên. Dẫu Nguyễn Du có sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng để cực tả vẻ đẹp của nàng thì nàng vẫn được mây, tuyết “thua” “nhường”, được thiên nhiên ưu ái, bao bọc, nâng đỡ. Bởi vậy cũng dự báo cuộc sống yên ấm, êm đềm của cô sau này.
Nếu như miêu tả Thúy Vân chỉ với bốn câu thơ, tập trung miêu tả khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu thì đến miêu tả Thúy Kiều ông sử dụng đến mười hai câu thơ, thủ pháp đòn bẩy đã làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều so với Vân.
Thúy Kiều mang vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà, “so bề tài sắc lại là phần hơn” đã khẳng định vẻ đẹp tuyệt mĩ của Kiều. Khác với Thúy Vân có những nét vẽ chi tiết về gương mặt, thì khi miêu tả Kiều ông chỉ tập trung miêu tả đôi mắt: “Làn thu thủy nét xuân sơn”. Đôi mắt của nàng trong trẻo, sâu thẳm như làn nước mùa thu, đôi lông mày mượt mà, thanh tú như dáng núi mùa xuân.
Không phải ngẫu nhiên ông chọn miêu tả đôi mắt, mà đôi mắt vốn là cửa sổ tâm hồn của mỗi người, bởi vậy, khi miêu tả mắt Thúy Kiều đã gợi nên thế giới tâm hồn phong phú, sâu sắc, gợi tính cách sắc sảo nhưng cũng rất đa sầu, đa cảm. Vẻ đẹp ấy của nàng khiến “hoa ghen” “liễu hờn”, hai chữ “ghen” “hờn” cho thấy sự ấm ức, tâm lí tiêu cực, muốn triệt tiêu, loại bỏ đối phương.
Vẻ đẹp của nàng vượt ra khỏi chuẩn mực, giới hạn, khiến cho vạn vật trong trời đất phải ghen ghét, đố kị. Chính điều đó dự báo cuộc sống tương lai đầy tai ương, sóng gió ở phía trước. Nàng không chỉ đẹp về ngoại hình, mà nàng còn mang vẻ đẹp tài hoa, trí tuệ:
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Trong thời trung đại, người phụ nữ ít khi được nhắc đến tài năng, câu thơ đã cho thấy sự tiến bộ thậm chí táo bạo của Nguyễn Du khi đề cao cả vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp trí tuệ của người phụ nữ. Thúy Kiều là người thông minh, sắc sảo, tài năng đủ cả cầm, kì, thi họa trong đó tài đàn của nàng là ấn tượng và nổi bật nhất. Những khúc đàn nàng chơi lay động lòng người, khúc hát nàng sáng tác khiến ai cũng xót xa, thương cảm. Những khúc nhạc đó cũng cho thấy một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn.
Nguyễn Du đã đặc biệt ưu ái khi miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều. Nàng tiêu biểu cho số phận người phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” hay như chính Nguyễn Du đã kết luận “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” “Chữ tài liền với chữ tai một vần” hay “Hồng nhan quen thói má hồng đánh ghen”. Trong suốt dọc chiều dài tác phẩm Nguyễn Du đã nhắc đi nhắc lại số phận bạc bẽo của kiếp hồng nhan, sẽ gặp phải nhiều truân chuyên, sóng gió.
Bốn câu thơ cuối là những lời bình luận chung của tác giả về hai chị em. Hai nàng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, phong lưu. Cuộc sống “êm đềm trướng rủ màn che”, bình lặng, chưa từng va vấp với thế giới bên ngoài. Họ luôn được sống trong tình yêu thương và che chở của cha mẹ. Cả hai người đều đã đến tuổi cập kê, kết tóc se duyên nhưng họ vẫn còn hết sức trong sáng.
Để khắc họa vẻ đẹp của hai chị em Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng cùng hàng loạt ẩn dụ: mây, trăng, hoa , tuyết – những hình ảnh nổi bật của thiên nhiên để làm nổi bật nhan sắc của hai nàng. Đồng thời để làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều, Nguyễn Du còn sử dụng thủ pháp đòn bẩy, miêu tả Vân trước, Kiều sau để làm bật chân dung Thúy Kiều.
Ngoài ra, ông còn sử dụng nghệ thuật nhân hóa để ngầm dự báo số phận hai người. Vẻ đẹp của Thúy Vân khiến thiên nhiên “thua, nhường” dự báo sau này cuộc đời nàng sẽ yên bình, phẳng lặng. Vẻ đẹp của Thúy Kiều bị thiên nhiên “ghen, hờn”, dự báo cuộc đời nhiều gian nan, sóng gió.
Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng tinh tế tài hoa, Nguyễn du đã phác họa thành công vẻ đẹp, tài năng của hai chị em Thúy Kiều. Đồng thời từ chân dung của họ gợi lên tính cách, số phận sau này. Đó là những chân dung mang tính cách số phận. Qua đó cho thấy bút pháp tả người tài tình của tác giả.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du số 10
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.”
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng ca ngợi như vậy để khẳng định giá trị của Truyện Kiều. Có thể nói, Truyện Kiều với những dòng lục bát tuyệt diệu là niềm tự hào của nền văn chương dân tộc. Đến với đoạn trích Chị em Thúy Kiều, một lần nữa ta hiểu thêm về tài năng nghệ thuật và tấm lòng của Tố Như. Chỉ bằng 24 câu thơ lục bát, Nguyễn Du đã miêu tả cả tài, sắc và đức hạnh của hai chị em Thuý Vân, Thuý Kiều với tất cả lòng quý mến, trân trọng của nhà thơ.
Song song với nghệ thuật tả cảnh, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật ở Truyện Kiều đã đạt đến trình độ điêu luyện và là một thành công đặc biệt. Tuy sử dụng bút pháp ước lệ nhưng Nguyễn Du vẫn giúp người đọc hình dung rõ bức chân dung tuyệt mĩ của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều, để lại một ân tượng khó phai trong lòng mỗi chúng ta.
Đoạn trích có kết cấu chặt chẽ như một truyện ngắn cổ điển. Mở đầu là bốn câu giới thiệu chung về hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều:
“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”
Nhà thơ dùng từ Hán Việt “tố nga” chỉ những người con gái đẹp tinh tế để gọi chung hai chị em Kiều-Vân, Chữ Hán tố là đẹp, nga là hằng nga, mặt trăng. Sử dụng từ tố nga, tác giả muốn nói đó là hai người con gái đẹp. Với từ ngữ trang trọng đó dù chưa biết cụ thể hình dáng họ ra sao nhưng ấn tượng chung nhất đó là những tiên nữ giáng trần, là những tuyệt thế giai nhân.
Ngòi bút ẩn dụ thật tự nhiên, Thúy Kiều, Thúy Vân nhẹ nhàng hiện ra như hai vầng trăng sáng, mát dịu. Thứ bậc trong gia đình cũng đã được Nguyễn Du thể hiện qua lời giới thiệu khá giản dị: “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”. Đặc biệt, ông chú trọng gây ấn tượng ở tinh thần, cốt cách của hai Kiều: cốt cách thanh tao, duyên dáng như mai và tâm hồn, phẩm hạnh trắng trong, thuần khiết như tuyết.
Hình ảnh ẩn dụ nằm trong phép tiểu đối không chỉ đặc tả được cái thần của bức tranh thiếu nữ: cả hai đều trinh trắng, sáng trong mà còn khơi gợi xúc cảm thẩm mĩ cho người đọc về vẻ kiều diễm của hai chị em. Hai chị em, mỗi người đẹp theo một vẻ nhưng đều là những vẻ đẹp hoàn mĩ.
Từ vóc dáng cho đến tâm hồn, Thúy Kiều và Thúy Vân đều đạt đến mức vẹn toàn thật là tuyệt đối như tác giả đã nhận định: “mười phân vẹn mười”. Điều ấy cho thấy ý thức lí tưởng hóa cao độ của nhà thơ bởi lẽ ở đời mây ai được “mười phân vẹn mười”. Câu thơ không chỉ nhằm thông báo vẻ đẹp hoàn thiện của Thúy Vân, Thúy Kiều mà còn chất chứa niềm ngưỡng mộ trước cái đẹp rất riêng của mỗi người.
Những ước lệ của văn chương cổ đã đi vào câu chữ của Nguyễn Du với biết bao tình cảm mến yêu, trân trọng. Lời khen chia đều cho cả hai, nét bút muốn đặc tả “mỗi người một vẻ”. Chính vì thế mà liền sau đó, thi sĩ tập trung khắc họa từng người. Đầu tiên, chân dung Thúy Vân hiện ra với:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”
Chỉ vẻn vẹn hai dòng thơ, Nguyễn Du đã thể hiện thật tài hoa vẻ đẹp tươi tắn, trẻ trung của một cô gái đang độ trăng tròn. Ở Vân cũng khẳng định ngay từ câu thơ đầu cái điểm hơn người: vẻ đẹp của Vân là vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang nhưng cũng là sự “trang trọng khác vời”. Để rồi, sau đó là sự cụ thể hóa ở khuôn mặt tròn đầy, ngời sáng như vầng trăng đêm rằm, đôi lông mày cân đối, sắc nét như con ngài.
Thành ngữ mày ngài mắt phượng thường dùng để tả những cô gái trẻ trung. Nhà thơ Vương Trọng, người gốc xứ Nghệ cho rằng, ở câu ấy, Nguyễn Du mượn cách nói quê hương để tả dáng người Thuý Vân. Từ con người nói chệch thành con ngài. Vậy nên hiểu cáu nét ngài nở nang của Nguyễn Dư là: nét người, dáng người Thuý Vân khoẻ mạnh, đậm đà đang thì, tràn trề sức sống. Thúy Vân còn tô đậm với nét đẹp:
“Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”
Phép ẩn dụ, kết hợp nhân hoá được sử dụng thật đắt. Câu chữ tối đa mà dựng được một chân dung khá nhiều chi tiết. Có nét hình, có màu sắc, có cả âm thanh tiếng cười, giọng nói. Nàng cười tươi như hoa nở, tiếng nói trong như tiếng ngọc rơi trên mâm vàng. Lại nữa, tóc nàng đen dài mềm mại đến nỗi mây cũng phải chịu thua. Da nàng trắng mịn đến nỗi tuyết cũng phải nhường.
Sắc đẹp của Thúy Vân sánh ngang những nét kiều diễm, sáng trong của hoa lá, ngọc vàng, mây tuyết, toàn những báu vật tinh khôi, trong trẻo của đất trời. Chỉ thoáng nhìn hình dáng, thoáng nghe Vân chuyện trò, chúng ta đã cảm nhận tất cả sự dịu dàng, đoan trang, phúc hậu, thanh thản của một tâm hồn và ta cũng dễ dàng dự đoán một tương lai êm ả, bằng phẳng của cuộc đời nàng.
Dường như tạo hóa đã ban cho Vân những đặc ân mà không bị ai ganh ghét, đô” kị với nàng. Những từ mây thua, tuyết nhường nghe mát dịu dòng thơ, mát dịu cả dòng người. Vẻ đẹp, tính tình tương lai cuộc sống của Thúy Vân như vậy, trọn vẹn hài hòa trong bốn câu thơ. vẻ đẹp đó luôn luôn tạo cho người xung quanh một tình cảm trân trọng, yêu mến, độ lượng. Đó là một vẻ đẹp dễ dàng được xã hội công nhận và dung nạp.
Nếu Nguyễn Du dành đôi nét tài hoa cho Thúy Vân thì với Thúy Kiều, tác giả dùng hết tâm lực để có những nét vẽ thần kì, công phu hơn.
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Câu chuyển tiếp cho ta thấy từ sắc đến tài, Kiều hơn hẳn Thúy Vân, đó không phải là cái đẹp hiền lành, phúc hậu mà trái lại vừa sắc sảo, lộng lầy, vừa mặn mà, duyên dáng, yêu kiều. Thì ra, Thúy Vân đã sắc nước hương trời, Thúy Kiều còn rực rỡ hơn thế nữa. Bằng thủ pháp đòn bẩy, Nguyễn Du đã mượn vẻ đẹp của Thúy Vân làm nền để nêu bật vẻ đẹp, tài năng của Thúy Kiều, giúp người đọc hình dung rõ hơn về bức chân dung của nàng bằng cái nhìn của riêng mình.
Ngôn ngữ của Nguyễn Du như có hồn, lóe những con mắt sáng, thốt ra những tiếng reo trầm trồ, thích thú. Thực tế, đến Thúy Kiều, ta thấy Nguyễn Du rất ít tả mà chỉ gợi. Ông lại thêm một lần nữa chứng tỏ cốt cách nghệ thuật của một nghệ sĩ bậc thầy. Bởi, nếu bây giờ nhà thơ cũng lặp lại trình tự tả y hệt như tả Thúy Vân thì hóa ra quá đỗi vụng về. Đặc biệt, sức gợi của vẻ đẹp Thúy Kiều toát lên từ đôi mắt: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”.
Nguyễn Du dường như chỉ nói về đôi mắt của nàng. Đôi mắt trong, sáng ngời, gợi tình như sóng nước mùa thu và đôi mày cong cong mềm mại, thanh tú như dáng núi mùa xuân. Cách miêu tả khiến khi đọc lên, ta như thấy có ánh sáng và làn sóng xao động bên trong. Chỉ vậy thôi mà bao ẩn ý. Đôi mắt nhìn đời, nhìn người sâu thẳm. Đôi mắt dạt dào, ẩn chứa bao tình cảm lai láng: biết yêu thương, căm hận, nhức nhôi, sẻ chia,…
Đôi mắt thể hiện một đời sống nội tâm phong phú. Thì ra, cụ Nguyễn Du cố’ tình bỏ sót đôi mắt nàng Vân là vì lẽ đó. Một lần nữa, ta lại thấy nhà thơ sử dụng tối đa nghệ thuật ẩn dụ và tiểu đối trong thơ cổ điển với ý nghĩa tượng trưng để tô đậm, tạo ấn tượng về nhan sắc của Kiều nhưng không gây rườm rà, phức tạp mà trái lại, giá trị diễn đạt vẫn hay và tự nhiên. Nhan sắc nàng tuyệt mĩ đến nỗi: Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Câu thơ đọc lên thấy rờn rợn. Chữ ghen, chữ hờn đâu chỉ là cách nói nhân hoá, miêu tả thái độ ghen ghét, tức giận, dỗi hờn của cây lá? Mượn cây lá thiên nhiên, nhà thơ suy ngẫm về cuộc sống, về con người. Ông như đã linh cảm một tương lai không yên ổn của Thuý Kiều. Tinh anh phát tiết ra ngoài. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Tác giả tả Kiều đẹp tuyệt vời như vậy nhưng trong cách tả, ông cũng hé cho ta thấy cái dự cảm bất an trong tương lai của Kiều.
Theo thuyết tài mệnh tương đố phàm cái gì tốt đẹp trên đời đều khó giữ được bền lâu. Thúy Kiều đẹp không ai sánh bằng, tất nàng sẽ bị người đời ghen ghét và đày đọa. Đó là một quy luật, một định mệnh khắc nghiệt. Nghiền ngẫm sâu hơn chúng ta hiểu cái quy luật, định mệnh ấy bắt nguồn từ một triết lí của đạo Khổng. Cụ Khổng Tử cho rằng: Con người chúng ta là sự tương giao, tương hợp của khí âm dương, là một tiểu vũ trụ trong cái đại vũ trụ thiên nhiên, trời đất.
Nếu ai hòa hợp được với thiên nhiên và vũ trụ, thì sống an nhàn, thanh thản. Nếu ai chưa đạt tới hoặc vượt quá, vượt xa thì than ôi số phận không tránh khỏi gian truân, vất vả. Phải chăng, trước sắc ấy, tài ấy của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du – một học trò xuất sắc của đạo Khổng Tử đã phần nào cảm nhận, dự báo số phận ngày mai của hai người theo triết lí ấy?
Như vậy đó, chỉ mới mươi câu Kiều mà đã giúp ta thâu hiểu tâm lòng Ưu ái sâu sắc, bao la của nhà thơ nhân đạo Nguyễn Du: ông yêu thương, nâng niu tất cả. Có điều, với Thúy Kiều là cả một sự yêu thương, nâng niu đầy băn khoăn, lo lắng so với Thúy Vân. Thật vậy, trong Truyện Kiều, có lúc Nguyễn Du đã để sư bà Tam Hợp đạo cô đoán định tương lai bất ổn của Kiều qua lời thơ:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong, ở không yên chỗ, ngồi không vững vàng. Chuyện thế thái, nhân tình cũng thật sâu sắc trong cách nhìn, cách cảm của Nguyễn Du. Miêu tả Thúy Kiều, Nguyễn Du còn đề cao trí tuệ và tài năng của nàng, cho thấy rằng Kiều không phải chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn là người con gái vốn có thiên tư thông minh bẩm sinh và rất mực tài hoa.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
Tài năng của Kiều đã đạt tới mức lí tưởng. Làm thơ, vẽ tranh, ca ngâm, âm nhạc, mọi thứ Kiều đều tỏ ra thành thạo. Đặc biệt, nàng rất sành chơi Hồ cầm. Nguyễn Du một lần nữa lại rất công phu khi dành cho Kiều các chữ: “vốn sẵn tính trời”, “đủ mùi”, “làu bậc”, “ăn đứt” gợi lên sự hoàn mĩ của nàng. Tài năng của Thúy Kiều qua cách khắc họa của Nguyễn Du họa chăng chỉ có thể so sánh với tài thơ vè xuất sắc của cung nữ trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều:
Câu cẩm tú đàn anh họ Lí. Nét đan thanh bậc chị chàng Vương Có sắc, có tài, Kiều lại có thêm một tâm hồn mẫn cảm lạ thường. Dường như nàng linh cảm được trước số phận bất hạnh của mình nên đã tự sáng tác nên bản nhạc mang tiêu đề Bạc mệnh rất cuốn hút nhưng cũng làm cho không ít người nghe phải não lòng.
Đoạn trích khép lại trong bốn câu miêu tả cuộc sống phong lưu, khuôn phép trong đức hạnh, mẫu mực của hai chị em Kiều. Phong lưu rất mực hồng quần,Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.Êm đềm trướng rủ màn che,Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Vẻ đẹp chung của hai chị em được đúc kết lại trong cuộc sống nhung lụa, phú quý. Hai cô gái họ Vương đang ở vào giai đoạn đẹp nhất, thơ mộng nhất của đời người, đó là tuổi dậy thì vô tư, trong trắng. Đã đến tuổi cài trâm nhưng hai thiếu nữ không hề quan tâm đến những chuyện “ong bướm”, tâm hồn như băng tuyết, họ đang sống trong cảnh êm đềm của một gia đình gia phong, nề nếp.
Một lần nữa, Nguyễn Du khẳng định lại nếp sống phong lưu, đài các của hai chị em Kiều. “Êm đềm”, “mặc ai” là phong thái cao giá của người đẹp chứ nào phải sự vô cảm trước những rạo rực của tuổi trẻ? Chữ dùng của Nguyễn Du tinh tế lắm chứ đâu phải buông lời hờ hững, vô tình!
Chỉ với hai mươi bốn câu thơ lục bát, chúng ta cũng đủ thấy tài năng, sáng tạo bậc thầy của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ngòi bút của ông linh hoạt vô cùng, khi vẽ chi tiết, khi chỉ lướt qua; khi tả, khi gợi, kết hợp nhuần nhuyễn tính ước lệ của sách vở và cách nói dân gian; vừa làm nghệ thuật, vừa gởi gắm tâm tư, tình cảm.
Để người đời yêu mến Tố Như và nhân vật của ông khi đến với Truyện Kiều, đều cảm nhận được một ẩn ý sâu sắc: ẩn sau bức chân dung mĩ nữ là tiếng lòng chan chứa yêu thương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” bạn đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt thế giai nhân, tài sắc vẹn toàn của người phụ nữ. Hi vọng các bạn có thể làm tốt bài văn phân tích của mình. Chúc các bạn thành công.