Tôn Thất Tùng
Tôn Thất Tùng
1. Vị trí con đường
Đường Tôn Thất Tùng nằm trên địa bàn phường Phường Đúc, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Bùi Thị Xuân (cạnh Công ty cấp thoát nước, vòng sang trái, chạy qua đường xe lửa rồi ra gặp lại đường Bùi Thị Xuân, phía trên cầu Lòn), dài 370m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên xưa thuộc đất huyện Hương Thủy, năm 1921 sát nhập vào thành phố. Đường này có một đoạn được mở từ thế kỷ 19, cùng thời với việc triều đình nhà Nguyễn cho xây miếu Lịch Đợi Đế Vương ở gần đấy, và đoạn vòng còn lại mở tiếp sau năm 1950 để tránh cầu Lòn cho xe quá khổ đi lên Nhà máy vôi Long Thọ. Trước đây nguyên là một nhánh của đường Bùi Thị Xuân, thường gọi là đường Nhà máy nước. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Tôn Thất Tùng.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Tôn Thất Tùng (Nhâm Tý 1912 – Nhâm Tuất 1982) Tôn Thất Tùng là giáo sư, bác sĩ y khoa, anh hùng lao động, thuộc dòng dõi Tôn thất nhà Nguyễn. Nhà ông lúc xưa trú tại Dương Xuân Thượng, nay thuộc Phường Đúc, thành phố Huế. Thuở nhỏ ông học ở Huế, sau ra Hà Nội học tiếp, tốt nghiệp bác sĩ y khoa, làm việc ở các bệnh viện Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm cố vấn phẫu thuật Ngành Quân y ở Bộ Quốc phòng. Năm 1947 làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ năm 1954, ông làm Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, giáo sư tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khoá, và giữ các chức vụ: ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, hội viên Hội Quốc gia những nhà phẫu thuật nước Cộng hoà dân chủ Đức và nhiều tổ chức quốc tế khác. Do công lao cống hiến của ông trong lãnh vực Y học, ông được đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều Huân chương cao quí, phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông là Nhà khoa học lớn, Giáo sư Y khoa nổi tiếng về gan và giải phẫu, được giới Y học quốc tế đánh giá cao; là nhà sư phạm đào tạo ra nhiều thế hệ y bác sĩ, Giáo sư Y khoa Việt Nam hiện đại. Ông để lại tác phẩm chính: Viêm tụy cấp tính và giải phẫu (xuất bản trước1945), Cắt gan, Đường vào khoa học của tôi và nhiều công trình, báo cáo khoa học có giá trị. Ông mất tại Hà Nội vào năm 1982, hưởng thọ 70 tuổi. Công ty xây lắp – Xí nghiệp xử lý nền móng và cơ khí điện nước nằm trên đường này.