[Tìm hiểu] các loài lan đặc hữu Việt Nam phổ biến nhất

Các loài lan đặc hữu của Việt Nam có rất rất nhiều, thậm chí có những loài bạn chưa từng nghe tên hay nhìn thấy ở đâu cả. Hôm nay chamlan.com xin giới thiệu với quý bạn đọc một số loài lan đặc hữu rừng Việt Nam phổ biến nhất nhé!

Cù lao minh – Christensonia vietnamica

Lan cù lao minh mang vẻ đẹp thanh khiết lạ lùng

Một loài lan đặc hữu của Việt Nam với vẻ đẹp thanh khiết và độc đáo không loài lan nào có được. 

Trước đây tôi cứ nghĩ làm gì có loài hoa nào có hoa màu xanh vì thực sự chưa nhìn thấy ngoài đời bao giờ, cho đến khi gặp được em Cù Lao Minh này.

Đây là loài lan đặc hữu của Việt Nam với kích thước hơi khiêm tốn nhưng bông hoa thì lại khá to. 

Cây phân bố ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, ở Gia Lai và rừng đặc dụng Easo giáp Phú Yên.

Lan thuỷ tiên hường ( kiều tím) – Dendrobium amabile

Thuỷ tiên hường hay còn được gọi với cái tên là lan kiều tím. Cây phân bố khắp các tỉnh Việt Nam với nhiều dạng thân lá và mặt hoa biến thiên khác nhau. 

Lan kiều tím mỗi địa phương tuỳ thuộc vào khí hậu mà nó lại có mặt hoa khác. Ở Miền Bắc nóng – lạnh khác biệt nên mặt hoa cũng có phần đậm hơn, đặc sắc hơn. Ngược lại thì kiều tím miền Trung lại có sắc tím nhạt hơn, bông hoa nhỏ và thưa hơn. Tuy nhiên, dù gì thì lan kiều tím cũng rất đáng trồng, cây có thân lá đẹp, dễ trồng, dễ hoa không phải chăm bón nhiều.

Hoàng yến – Ascocentrum christensonianum

Một loài lan nhỏ nhắn, xinh xắn rất dễ thương phân bố chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung Nam Bộ nước ta như Lâm Đồng, Phan Rang,… Lan hoàng yến tím mọc hoang ở những cánh rừng nóng ẩm, cây rất dễ sống và hiện nay được nhân giống ra khắp cả nước.

Những chùm hoa màu tím với 2 mắt sẫm màu rất độc đáo khiến nhiều người sưu tầm ưa thích.

Giáng thu – tiểu hoàng đỏ – Aerides Rubescens

Giáng thu đáng để sưu tầm

Một loài lan giáng hương hàng hiếm đặc hữu của Việt Nam mà tôi cũng đang săn tìm nhưng chưa thấy. Hoa nở vào mùa thu, mọc thành chùm rất sai hoa và hướng thẳng đứng lên trời. Thời gian hoa nở rất bền thậm chí lên đến 30 ngày. Giáng thu thuộc dòng giáng hương nên rất dễ trồng, dễ chăm đáng để sở hữu.

Hoàng thảo Trần Tuấn – Dendrobium trantuanii

Một loài lan hoàng thảo có thân dẹt, mọng nước được tìm thấy vào năm 2001 và được chính thức công nhận vào năm 2003. Cái tên Trần Tuấn chính là tên của người tìm ra nó – vua chơi lan nổi tiếng tại Hà Nội. Hoàng thảo trần tuấn ưa sáng, nắng nhẹ và ẩm. Cây phát triển mạnh vào mùa xuân, với những chùm hoa màu tím hồng rất đẹp.

Lan lọng giày – Bulbophyllum Frostii

Lọng giày cho hoa cực kì hấp dẫn

Lọng giày là loài lan lọng độc đáo và hiếm có với khuôn hoa giống y như chiếc giày màu đỏ rất đẹp. Thường tìm thấy ở Việt Nam trong các khu rừng ẩm đất thấp ở độ cao khoảng 1450-1500 mét. Cây ưa ẩm mát, thoáng gió, thích hợp trồng trong chậu với giá thể rêu ẩm, dớn, than hoặc trồng vào gỗ nhưng phải đảm bảo độ ẩm cho cây.

Thanh đạm 2 màu – Coelogyne dichroantha

Một loài phong lan đặc hữu của Việt Nam có hành giả vuông 4 góc, cao khoảng 3 cm, đỉnh mang 2 lá dài 15 – 20 cm, rộng 5 cm. Chùm hoa mọc ở đáy củ dài 10 cm, hoa 5-7 chiếc to 4 cm.

Lan thanh đạm 2 màu rất dễ thương

Phong lan thanh đạm hai màu mọc ở Lâm Đồng, Đà Lạt.

Hoàng thảo Langbian – Dendrobium langbianense

Một loài lan đặc hữu của Việt Nam, mọc chủ yếu ở vùng Langbiang, Đà Lạt, Lâm Đồng.

Các loài lan đặc hữu không thể bỏ qua hoàng thảo langbiang

Cây lan mọc theo bụi nhỏ, cao từ 5 đến 10cm, Ở giữa thân phình to, đỉnh có từ 4 đến 6 chiếc lá dài từ 2-3cm. Cụm hoa ở nách lá, dài 2 – 4cm, hoa nhỏ xếp thưa. Hoa màu vàng xám nhạt, dài 1cm, cánh môi có 3 thùy nông, có vạch đỏ hay nâu đậm, mép có răng đều đặn.

Huyết nhung vàng – Renanthera citrina

Loài lan huyết nhung vàng tôi thấy phân bố khá nhiều ở vùng núi Hà Giang, Cao Bằng (Trà Lĩnh: Thăng Heng), Hòa Bình (Mai Châu).

Lan huyết nhung vàng hay bám trên thân gỗ hoặc trên đá, trong những canhs rừng thường xanh, ở độ cao 750 đến 900mm.

Thân cây dài tới 20cm, các đốt dài khoảng 1,5cm. 

Huyết nhung vàng có hoa mọc thành từng chùm, cánh hoa dài và nhỏ, màu vàng tươi, giữa các cánh hoa thường có đốm nhỏ màu hồng đặc trưng càng làm cho nó có một vẻ đẹp thu hút. Tuy hoa độc đáo nhưng lại không có hương.

Đây là loài lan có khu phân bố khá hẹp, số lượng cá thể ngày càng sụt giảm nghiêm trọng nên cần được bảo vệ.

Lan trứng bướm thơm – Schoenorchis fragrans

Đây là một loài lan có kích thước rất khiêm tốn nhưng vẫn được nhiều người ưu thích với những chùm hoa tím độc đáo và dễ thương.

Lan trứng bướm thơm đặc hữu VN nhưng cũng còn rất nhiều

Đây là loài đặc hữu Việt Nam, mọc ở Đà Lạt (Lâm Đồng – Lạc Dương, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà) hay ở vùng núi Tây Nguyên cũng có rất nhiều.

Lan trứng bướm trưởng thành có thân dài 1cm, lá thuôn xếp 2 dãy sát nhau, dài chừng 4cm, rộng 1cm, đỉnh chia hai thùy không đều. Cụm hoa có nhiều hoa nhỏ, hoa màu tím đậm xếp sát nhau.

Lan bọ cạp – Arachnis

Đây là một loài lan độc đáo đúng như cái tên gọi của nó, hoa của cây nhìn từ xa giống y như một con bọ cạp đang cong đuôi để đe doạ con mồi.

Lan bọ cạp có khuôn bông thật sự độc đáo

Cây có sức sống mạnh mẽ, ưa nắng, ưa ẩm giống như loài vanda.

Cây thường cho hoa vào khoảng thời gian tháng 3-4-5, các chùm hoa sai bông, màu hoa sặc sỡ nhìn rất bắt mắt. Hiện nay giống lan này khá quý hiếm và dần dần cạn kiệt trong tự nhiên.

Thanh đạm tuyết ngọc – Coelogyne mooreana

Một loài lan đặc hữu của Việt Nam  ở khu vực có độ cao khoảng 1300m và mọc nhiều ở Đà Lạt, Quảng Trị và Nha Trang,.., phân bố chủ yếu ở khu vực miền Trung.

Thanh đạm tuyết ngọc thực sự đáng để trồng

Cây mọc thành từng bụi có củ to hình trái xoan, thon dần ở phía chóp. Cây có lá toa, dài khoảng 15-25cm, đầu lá nhọn. Bộ rễ chùm nhỏ và ngắn, màu trắng.

Thanh đạm tuyết ngọc có hoa tương đối lớn: 2-4cm màu trắng, bên trong có nhuỵ màu da cam, hương thơm dịu nhẹ. Cây cho hoa khá lâu tàn, thường được khoảng 1 tháng và đặc biệt là cho hoa nhiều lần trong 1 năm.

Lan kiếm Bà Nà – Cymbidium Banaense

Kiếm Bà Nà đặc hữu của Việt Nam phân bố duy nhất ở núi Bà Nà – Đà Nẵng.

Lan kiếm Bà Nà

Đây là loài lan kiếm có kích thước trung bình, lá dài chừng 40cm, bản lá rộng 2cm. Những chùm hoa uốn cong, dài khoảng 35cm. Mỗi chùm hoa thường có từ 10 đến 15 bông hoa, mỗi hoa rất to có thể lên đến 10cm. Hoa nở cuối đông, đầu xuân, khi mới nở hoa thường có màu trắng, sau đó chuyển dần sang màu hồng rồi tàn.

Hài Cảnh – Hài Xuân Cảnh – Paphiopedilum canhii

Đây là loài lan hài đặc hữu của Việt Nam, được anh Chu Xuân Cảnh phát hiện vào năm 2010. 

Hài Cảnh

Đây là một loài lan có kích thước cực kì nhỏ, nhỏ đến nỗi nếu bạn nhìn vào ảnh cũng không thể hình dung được nó bé như thế nào.

Lan hài Cảnh có vùng phân bố rất hẹp ở những ngọn núi cao phía Bắc Việt Nam. Điều đáng tiếc là khi nó được công bố thì các nhà khoa học lại không công bố chính xác vị trí cây phân bố, có lẽ rằng điều này để đảm bảo cho cây có điều kiện sinh tồn hơn trong tự nhiên nên chỉ ghi chung chung là phía Bắc Việt Nam.

Lan hài Hồng – Paphiopedilum delenatii

Lan hài hồng là loài lan đặc hữu của Việt Nam, cây được tìm thấy ở tỉnh Khánh Hoà (Nha Trang) và một điểm thuộc phía bắc nhưng không rõ địa danh.

Lan hài hồng được tìm thấy vào năm 1913 và được đặt tên của một binh sĩ người Pháp tìm ra chúng. Cây mọc thành từng bụi nhỏ trên các hốc đá ẩm, mọc rất rải rác dưới tán rừng mưa nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm.

Cây cho hoa vào khoảng tháng 2, tháng 3. Cành hoa dài khoảng 20cm, Cánh hoa gần tròn, dài 3 – 4cm, rộng 2,4 – 3,5cm mặt trong màu hồng nhạt, mặt ngoài có nhiều chấm màu hung đỏ, có lông thưa ngắn ở cả hai mặt.

Hài hằng – Paphiopedilum hangianum

Lan hài hằng được phát hiện năm 1998, phân bố chủ yếu ở tỉnh Bắc Kạn và vùng biên giới phía Bắc. Hài hằng là một loài lan có bông cực to, màu sắc sặc sỡ, lạ mắt và rất được ưa chuộng ở thị trường lan nước ngoài. 

Lan hài hằng - một loài lan có bông cực to và sặc sỡ đáng để chơi

Cây mọc rải rác dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng ưu thế  và  mọc ở các vách núi đá vôi dựng đứng trên cao độ 600-650m trong các khe nứt hay hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi.

Hài helen – Paphiopedilum helenae

Một chậu lan hài Helen đang khoe sắc

Đây là loài lan đặc hữu được phát hiện năm 1996, cây phân bố chủ yếu ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn. Hài helen là loài lan có kích thước nhỏ nhất trong những cây lan hài của Việt Nam. Tuy nhiên nó lại có màu sắc sặc sỡ, duyên dáng và khá hiếm nên được rất nhiều người ưa chuộng.

Hài trần liên – Paphiopedilum Tranlienianum

Hài trần liên là loài lan đặc hữu rất hẹp của phía Bắc Việt Nam. Cây được bà Ngô Trần Liên phát hiện và đã lấy tên đặt cho nó. Hài Trần Liên có kích thước nhỏ, cánh hoa màu tía – nâu với chóp màu lục, hình thuôn, bóng, mép lượn sóng, có lông trắng.

Hài trần liên với 2 cánh vãi ngắn và xoăn đặc trưng

Hài Trần Liên thường ra hoa vào khoảng tháng 9-11 hằng năm. Cây tái sinh bằng hạt, sống trên núi đá vôi, ở độ cao 400 – 650 m, rất rải rác trong các khe nứt, ít đất của các vách dựng đứng ở sườn núi.

Hài Việt Nam ( hài bóng) – Paphiopedilum vietnamense

Đây là tên một loài lan hài chứ không phải là cái tên chung chung như mọi người vẫn nghĩ. Loài lan hài đặc hữu của Việt Nam này sống trên các núi đá vôi, được mô tả lần đầu vào năm 1999. Hài bóng mọc tại Thái Nguyên, cho hoa to, màu sắc sặc sỡ, thân lá nhìn rất đẹp. 

Lan hài bóng - loài lan hài đặc hữu nổi tiếng của Việt Nam

Trên đây là một số loài lan đặc hữu của Việt Nam quý hiếm và cần bảo tồn. Còn bạn đã sở hữu những loài lan nào rồi, hãy cố gắng chăm chúng thật tốt nhé! Không phải tất cả các loài lan trên đây đều là hiếm có, chẳng hạn như lan kiều tím, lọng giày, trứng bướm… hiện nay khá nhiều. Điều mình muốn truyền tải ở đây không phải là các bạn hãy sưu tầm các loài lan này đi ( vì thực tế không phải bạn thích thì có thể trồng được do khí hậu khác biệt và cũng không dễ để sưu tầm) mà các bạn hãy bảo vệ đa dạng sinh học, đừng đẩy chúng đến bên bờ vực tuyệt chủng!

Xem thêm:

5

/

5

(

2

bình chọn

)

Rate this post