Tiêu chí của một tác phẩm ảnh nghệ thuật
Tiêu chí của một tác phẩm ảnh nghệ thuật
Nghệ thuật là vô cùng, vừa chủ quan, vừa khách quan nhưng nghệ thuật vẫn có cái cột sống của nó để khi thực hiện một tác phẩm ảnh nghệ thuật,
Nghệ thuật là vô cùng, vừa chủ quan, vừa khách quan nhưng nghệ thuật vẫn có cái cột sống của nó để khi thực hiện một tác phẩm ảnh nghệ thuật, chúng ta biết bức ảnh đẹp hay xấu, có giá trị hay không? Và giúp cho các giám khảo tìm được tiếng nói chung, tránh áp đặt chủ quan trong công tác thẩm định. Một tác phẩm nghệ thuật nói chung cho các chuyên ngành, trong đó có nhiếp ảnh bao gồm ba tiêu chí cơ bản: Đề tài, nội dung và hình thức nghệ thuật. Những tiêu chí này có tính nền tảng, tác động tương hỗ lẫn nhau, nếu biết khai thác triệt để chúng sẽ tạo nên một tác phẩm đẹp về hình thức và sâu sắc về nội dung – đề tài.
Việc sử dụng hiệu quả và tinh tế ánh sáng đã nâng cao thẩm mỹ thị giác đồng thời làm cho cái nhìn lẫn cảm xúc trở nên mạnh mẽ hơn.
Tác phẩm “Sáng và tối” của NSNA Lê Hồng Linh đã được trao tặng trên 10 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế
tại Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Macao, Singapore,…
Đề tài muôn thuở của tác phẩm vẫn là con người, cảnh vật hoặc một ý tưởng. Trong đó, con người và cảnh vật thì khá quen thuộc, dễ nhận biết. Con người thường được xem là tâm thế của mọi sự sáng tạo. Những tác phẩm lớn, nổi tiếng trên thế giới phần lớn đều hướng vào con người. Trong khi đó, ý tưởng không phải lúc nào chúng ta cũng dễ nhận ra. Nó ẩn sâu nhiều lớp bên trong hoặc nằm sau hình dáng của tác phẩm nghệ thuật. Những ai có khả năng đọc được ngôn ngữ của hình thể thì mới dễ cảm đạt được ý tưởng. Đối với âm nhạc, hội họa,… những tác phẩm trừu tượng, bán trừu tượng, nhất là phi-khách quan,… thì khó hiểu hơn, thậm chí không nhận ra ý tưởng của tác giả gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Tuy vậy, hầu hết ý tưởng được hình thành thường dựa vào lý trí, vào quá khứ với những kinh nghiệm đã biết, đôi khi chỉ thêm vào hoặc bớt đi đôi chút rồi tưởng là mới chứ thực ra rất khó có cái mới. Nếu có được cái nhìn mới với những đề tài rất cũ cũng đã là thành công rồi!
Nội dung là thông điệp có tính tình cảm hoặc trí tuệ của tác phẩm – tác giả. Nó cho thấy mặt bằng văn hóa, cái tâm của người cầm máy. Nhà nhiếp ảnh chụp ảnh bằng cái máy ảnh hay cái đầu của mình? Mỗi bức ảnh của bạn là thái độ, chứng kiến, trách nhiệm của bạn đối với cuộc sống! Nội dung của một tác phẩm phải hàm súc, rõ ràng thể hiện qua ngôn ngữ ảnh chứ không ép người xem một cách chủ quan, cực đoan được. Vì nhiếp ảnh ngoài quan điểm truyền thống xưa nay xem là nghệ thuật của ánh sáng và bóng tối, còn là ngôn ngữ quốc tế, cầu nối về văn hóa và chuyển tải thông tin mang tính toàn cầu.
Một tác phẩm lớn hay nhỏ phù thuộc rất nhiều vào nội dung – đề cao tính nhân văn, lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại, tinh thần dân tộc,… Nhà nhiếp ảnh với ý thức nghệ sỹ, công dân sẽ hướng ống kính vào đâu – những vấn đề trọng yếu của thời đại hay sa đà vào những vặt vãnh, nhỏ nhoi của cuộc sống thường nhật? Một tác phẩm có nội dung tốt, sâu sắc chắc chắn sẽ góp phần định hướng, ảnh hưởng đến phong trào sáng tác, mang hiệu ứng xã hội cao, chạm được vào trái tim, tâm cảm của công chúng và có thể sống cùng năm tháng.
“Ngôi nhà của chúng em” của NSNA
Lê Nguyễn chuyển tải nội dung sâu sắc – các em mơ ước cùng chung sống trong một ngôi nhà hòa bình. Tác giả khéo xây dựng điển hình một cách tự nhiên khiến người xem không còn lưu tâm đến yếu tố sắp đặt. Tác phẩm đoạt Giải thưởng lớn ACCU
(Nhật Bản) – 1996.
Tại các cuộc thi có đề tài “tự do” thì cũng có cái hay là thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia bởi chụp cái gì thi cũng được. Nhưng, với nội dung đề tài chung chung, rất khó cho công tác thẩm định, chấm chung mọi thể loại cũng sẽ khó so sánh sự tương quan với nhau, dễ khập khiễng, khó chọn giải thưởng hợp lý, thỏa đáng được. Hơn nữa, với người cầm máy mà cái gì cũng chụp, cũng thi thì khó sâu về nghề. Do vậy, bên cạnh phát triển phong trào cũng cần mặt bằng rộng nhưng cũng phải chuyên môn hóa để tạo sự khác biệt, mũi nhọn, đột phá. Hầu như ai cũng vậy, khi mới bước chân vào nhiếp ảnh, chúng ta thường chụp tất cả, thượng vàng hạ cám đều thu hết vào ống kính. Không khác gì cái lẩu thập cẩm, mà nói như nhà biện chứng Hegel đó là “tồn tại cho người khác”. Khi nghề trưởng thành hơn, chúng ta mới biết cách “tồn tại cho chính mình”. Biết mình là ai, mạnh cái gì, yếu cái gì, biết vượt thoát khỏi “bầy đàn” để chọn một con đường đi riêng và đeo đuổi thực hiện nó xuyên suốt trong sự nghiệp cầm máy của mình với khát vọng làm nên một cá tính nghệ thuật, sáng tạo những tác phẩm mới lạ, nổi trội… Chính vì vậy, trong những năm gần đây VAPA, CLB Nhiếp ảnh Gia Định… đã mở ra nhiều sân chơi chuyên biệt: ảnh chân dung, du lịch, thiên nhiên… góp phần làm đa dạng và phong phú cho nhiếp ảnh Việt Nam trên đường hội nhập cũng như tạo nền móng xây dựng một nền nhiếp ảnh tiên tiến – chuyên nghiệp.
Một trong những thế mạnh vượt trội của nhiếp ảnh mà không có loại hình nghệ thuật nào có thể sánh nổi đó chính là khoảnh khắc. “Cùng vui” của NSNA Lê Hồng Linh chụp những em bé ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi bắt đúng cao trào của nhân vật trong ánh sáng đẹp đã nhận được HCB (Hồng Kông-2007), Bằng danh dự (Hàn Quốc-2007), HCV (Hoa Kỳ-2008),…
Hình thức nghệ thuật là thành tố thứ ba mà trong đó bố cục là phẩm chất đầy đủ của một tác phẩm, là cách thể hiện mạnh mẽ nhất của cái nhìn lẫn cảm xúc và cũng là cơ sở đầu tiên hình thành nên phong cách. Bố cục có nhiều khuynh hướng, từ hàn lâm cổ điển cho đến hiện đại, từ những phương thức tạo hình chuẩn mực truyền thống cho đến những cách tân với nhiều lối mở mới trong nguyên tắc tạo hình nhằm nâng cao thẩm mỹ thị giác cho tự thân người nghệ sỹ và công chúng của họ. Trong nhiếp ảnh, bố cục không chỉ là sự bố trí, sắp xếp các yếu tố có trong một khung hình mà còn thể hiện việc sử dụng hiệu quả và tinh tế ánh sáng, sự hài hòa, cân bằng, tương phản, đường nét, hình dạng, sắc độ, màu sắc, khung viền, định dạng kích thước…
Đối với nhiếp ảnh, ánh sáng là yếu tố tạo hình phải được nghĩ đến đầu tiên vì chính ánh sáng tạo đường nét cho bố cục dẫn mắt người xem theo nhiều chiều hướng khác nhau: lắng đọng, đi vào hoặc đi ra khỏi khung hình. Chính ánh sáng làm rạng rỡ chủ thể và ngược lại chủ thể có tốt đến đâu mà ánh sáng tầm thường cũng không thể tạo nên một bức ảnh đẹp được.
Hai yếu tố cũng rất cơ bản và quan trọng trong bố cục là sự cân bằng và tương phản. Từ đường chân trời nằm ngang cho đến sắc độ phân bố hài hòa trên một bức ảnh, bố cục ngang, đứng, tỏa ra, đối xứng…làm nên sự vững chãi cho một tác phẩm. Từ thời cổ điển, bố cục theo khuynh hướng hàn lâm đã rất coi trọng các phạm trù đối lập về sự tương phản như: sáng – tối, mờ – rõ, to – nhỏ, đậm – nhạt, nóng – lạnh, động – tĩnh, cứng – mềm… tạo ra sức hút mạnh mẽ, thú vị cho thị giác. Một bức ảnh thiếu đi sự tương phản khó thấy sức sống, điểm nhấn, chủ thể hấp dẫn của nó.
Hiện nay, qua nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh trong nước đã cho thấy các tay máy vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí chưa sạch nước cản ngay từ bước chụp. Nếu nhà nhiếp ảnh quá tham dễ dẫn đến ảnh rất tản mạn, dư thừa nhiều, không cô đọng đối tượng mình muốn diễn tả. Vì vậy, có lẽ trước khi bố cục ảnh phải bố cục “lòng tham” của mình! Người trưởng thành trong nghề họ luôn biết cách tiết chế ngay từ khi chụp cho đến các khâu hoàn tất tác phẩm. Biết cách làm cho sự cầu kỳ trở nên tối giản – Tối lược không có nghĩa là đơn điệu, nhàm chán mà nói như Kiến trúc sư danh tiếng Lugwid Mies van der Rohe: càng bớt đi sẽ được nhiều hơn (Less is More). Cũng cần lưu ý những gì giữ lại hoặc lấy ra trong một bức ảnh đều quan trọng cả!
Một hiện tượng nữa cũng khá phổ biến trong thời gian gần đây của nhiếp ảnh Việt Nam. Nếu xưa kia, chúng ta “đói” vì thiếu phương tiện
kỹ thuật, thì từ ngày có các phần mềm xử lý ảnh như Photoshop, Photopaint…nhiều nhà nhiếp ảnh bị “bội thực” về màu, chắp ghép…chúng ta thường có thói quen đẩy màu lên quá độ bão hòa cho phép dẫn đến ảnh rất rợ như “hàng chợ”. Không ít trường hợp, cố dìm thật tối hậu cảnh như một thủ pháp để làm nổi bật chủ thể, khiến ta có cảm giác như con người bị cắt dán vào phông. Hậu cảnh tối đen làm mất gần hết chi tiết, không rõ không gian, thời gian và quan trọng hơn là mất đi tính ảnh. Những ảnh phông đen chỉ đánh giá cao trong giai đoạn từ năm 1995 trở về trước, còn trong những năm gần đây gu thẩm mỹ như vậy không còn được yêu chuộng nữa kể cả trong nước lẫn quốc tế.
Kỹ thuật chinh phục nghệ thuật và làm thăng hoa hiện thực cuộc sống đã đưa tác phẩm “Dáng quê 3”
của NSNA Lê Hồng Linh đứng đầu thể loại ảnh trắng đen (đơn sắc) đoạt HCV tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 60 tại Singapore, tháng 12.2013
Đối với ảnh nghệ thuật thì không ai cấm chắp ghép trừ những thể loại ảnh báo chí, du lịch, thiên nhiên… nhưng chắp ghép như thế nào cho hợp lý về ánh sáng, góc độ, tiêu cự, độ hạt… người dự thi có thể lừa được BTC và BGK nhưng không bao giờ lừa được chính bản thân mình. Trong thực tế, nếu ảnh chắp ghép thật tinh vi, hợp lý thì giám khảo dù có cao siêu đến đâu cũng botay.com. Vì vậy, rất cần ý thức tích cực của người dự thi, trước hết phải tự giác tuân thủ theo thể lệ BTC đề ra không cố tình vi phạm để rồi bị phát giác, thu hồi giải thưởng hoặc áp dụng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tạo ra điều tiếng không tốt trong dư luận xã hội.
Khung viền cũng là ý đồ sáng tạo thêm của tác giả để hoàn thiện hoặc làm mới bố cục. Nhưng có nhiều bức ảnh khung đen xung quanh rất nặng nề như tự giới hạn, “cầm tù” bức ảnh của mình lại. Làm khung cho ảnh không phải phong trào, tự thân bức ảnh không nhất thiết phải làm khung nếu như sự thêm vào đó không làm đặc sắc hơn cho bức ảnh. Còn nếu muốn làm khung viền thì nên chọn tông màu chủ đạo trong ảnh đưa ra ngoài làm màu khung thì dễ tạo được sự hài hòa và sang trọng. Những ai thích khung ảnh thì có thể tham khảo cách làm của nhà nhiếp ảnh bậc thầy Mikhail Bondar (Ukraine) qua các tác phẩm của ông tại VN-11 hoặc cuộc thi ảnh quốc tế do CLB Gia Định tổ chức 2010.
Để ảnh nghệ thuật mang tính khái quát, điển hình cao sâu sắc, người nghệ sỹ phải xác định hình thức biểu đạt hữu hiệu nhất cho việc xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm của mình thông qua hiện thực cuộc sống. Một bà mẹ trong ảnh báo chí là một bà mẹ cụ thể với 5W (What, Who, When, Where, Why?) còn bà mẹ trong ảnh nghệ thuật được khái quát thành bà mẹ của một vùng miền, của một dân tộc. Nhiều khi chỉ cần thông qua một chiếc khăn quấn đầu là biết mẹ ở miền Nam, miền Trung hay miền Bắc. Hình tượng nghệ thuật góp phần tạo nên bản sắc dân tộc – cái hồn của dân tộc! Tất nhiên bản sắc dân tộc không chỉ thông qua một vài hình thức ngoại biên: cái nón lá, tà áo dài, chiếc thuyền nan, lũy tre làng,… mà vấn đề lớn hơn của bản sắc dân tộc là phản ánh được những giá trị to lớn ẩn sâu bên trong về mặt tinh thần, truyền thống, tinh hoa của dân tộc mình.
Một trong những thế mạnh vượt trội của nhiếp ảnh mà không có loại hình nghệ thuật nào có thể sánh nổi đó chính là khoảnh khắc. Chỉ cần một phần mấy ngàn giây, nhà nhiếp ảnh có thể bắt đứng được cuộc sống. Điều này giúp cho các nhà nhiếp ảnh dễ dàng nắm bắt tình huống và tạo ra tác phẩm có một không hai, nhiều khi chính tác giả muốn chụp lại cũng không thể được. Bằng phương pháp lựa chọn điển hình, nhà nhiếp ảnh với sự mẫn cảm của tâm hồn dễ dàng phát hiện đề tài, nhân vật, lựa chọn điểm rơi, bấm máy với khoảnh khắc đúng lúc, quyết định trong sự vận động khách quan của sự vật và chắc chắn sẽ cho hình ảnh sống động hơn nhiều so với phương pháp xây dựng điển hình mà không điển hình, thiếu vốn sống, dàn dựng khấp khểnh, xơ cứng, xa rời cuộc sống… Nếu ai đi theo cách sáng tác này, cần nghiên cứu Khoảnh khắc quyết định (The Decisive Moment) của Henri Cartier-Bresson.
Nhà nhiếp ảnh Mikhail Bondar M.FIAP (Ukraine) sẽ cho chúng ta thấy một cách làm khung viền cho tác phẩm.
Nhiếp ảnh ra đời từ kỹ thuật và không ngừng phát triển nhất là trong thời đại bùng nổ nhiếp ảnh kỹ thuật số khiến cho một số quan điểm, ý niệm về nhiếp ảnh phải tư duy lại. Kỹ thuật làm thăng hoa, nâng tầm nghệ thuật, vượt lên sự sao chép hiện thực bình thường như chúng ta thường thấy ở hiệu ứng xoay – lia – zoom máy, chạy sáng, phân sắc độ… Tuy không phải là cứu cánh, nhưng kỹ thuật giải phóng đáng kể sức sáng tạo của nhà nhiếp ảnh. Kỹ thuật càng vững thì càng dễ chinh phục được nghệ thuật! Tuy vậy, nếu nhà nhiếp ảnh chỉ trông chờ vào kỹ thuật mà thiếu tâm cảm, thiếu cái nhìn tinh tế thì cũng chỉ sản xuất ra bức ảnh như những sản phẩm của lý trí, không khác gì cái ly, cái lọ,… Dù khoa học có phát triển đến đâu thì không công nghệ nào có thể thay thế cảm xúc, tâm hồn của con người được. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình thụ cảm, trải nghiệm, tư duy rất đặc thù của người nghệ sỹ mà có.
Đã một khoảng thời gian khá dài, thậm chí đến nay vẫn còn không ít nhà nhiếp ảnh xem nhẹ hình thức nghệ thuật. Có người còn đại ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng: “không cần quan tâm nhà nhiếp ảnh chụp như thế nào mà chỉ cần biết họ chụp cái gì mới là quan trọng…”. Không ít ảnh đoạt giải cao tại các cuộc thi từ cấp khu vực trở lên nhiều anh em rất bức xúc – có phải là ảnh nghệ thuật không? Đã mang danh là nghệ sỹ thì không được phép tầm thường cái nhìn của mình để rồi sao chép hiện thực một cách nhạt nhẽo, vô cảm. Tại nhiều cuộc thi có nội dung chủ đề rất “kêu” nhưng khi thẩm định thì không có tác phẩm nào đáp ứng được mong mỏi của BTC và HĐGK. Ảnh thỏa mãn được nội dung thì hình thức nghệ thuật yếu quá, ảnh như vậy chỉ để truyền tin (báo chí) chứ không truyền cảm được. Ngược lại, nhiều ảnh đẹp, nuột nà thì không có gì mới lạ không muốn nói đẹp theo kiểu chìu chuộng thị giác, xáo mòn như: gánh gồng trên đồi cát, chân dung dân tộc, qua cầu khỉ, tắm suối,… Chịu ảnh hưởng bởi người khác và làm lại những gì người khác đã làm là hai chuyện khác nhau!
Tóm lại, một tác phẩm ảnh nghệ thuật có thể ví von như một “hoa hậu”. Trước hết muốn đi thi, thí sinh phải có thể hình đẹp qua các vòng đo, trang phục áo tắm, dạ hội… Hình thức mà không đẹp thí sinh phải dừng bước ngay từ vòng loại. Sau đó, mới xét đến vẻ đẹp bên trong: trí tuệ, văn hóa, bản sắc dân tộc. Hình thức và nội dung là một cặp phạm trù rất biện chứng không thể tách rời nhau được, chúng tương tác, hòa quyện lẫn nhau tạo ra một thể thống nhất có kết cấu như một cơ thể sống của một tác phẩm!
L.H.L
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số Tết tháng 1+2/2014)