Tiễn đưa nhạc sĩ Thanh Tùng: niềm tiếc thương lớn

Tang lễ nhạc sĩ Thanh Tùng ngày 22-3. -Ảnh: Nam Trần.

Trong cuộc đời sáng tác ca khúc, Thanh Tùng ươm trồng cho đời một khu vườn xanh tốt bằng những hạt giống ca từ, giai điệu thanh tao mà ông tích tụ. Đó là khu “vườn yêu” có các “loài cây” giàu sức sống như ca khúc của ông, xin được đặt tên các loài cây đó là Ngây thơ, Niềm tin và Cô đơn. Xem bài: 

Tiễn biệt Thanh Tùng: khu vườn yêu sống động để lại cho đời

*Nhạc sĩ Thanh Tùng: Trả về hư không, giọt nắng bên thềm…

Đúng 8g sáng ngày 22-3, tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội), BTC thông báo chương trình lễ tang, và đọc tiểu sử nhạc sĩ Thanh Tùng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời ngày 15-3 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi.

Nhạc sĩ Thanh Tùng tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1948, tại Nha Trang, Khánh Hoà. Ông là tác giả nhiều ca khúc được hâm mộ như Lối cũ ta về, Ngôi sao cô đơn, Chuyện tình của biển, Một mình, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Một mình…

Nhạc sĩ có thời gian dài sinh hoạt tại Hội Âm nhạc TP.HCM. Từ năm 1978, Thanh Tùng tham gia nhóm nhạc sĩ “Những người bạn” gồm 7 nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên và Nguyễn Ngọc Thiện.

Phạm Thị Quý, em vợ nhạc sĩ Thanh Tùng tâm sự trong dòng nước mắt:

“Tôi rất nhớ anh Thanh Tùng, là một người anh rể rất vui tính, yêu thương mọi người. Chúng tôi vẫn biết có ngày anh ra đi, nhưng chúng tôi vẫn rất nhớ và lưu luyến anh.

Mặc dù chị gái tôi đã ra đi từ năm 1990, nhưng anh vừa làm bố, vừa làm vợ để chăm các con khôn lớn.

Anh là người rất là yêu người. Từ xưa, hai vợ chồng rất yêu nhau. Dù vợ đã ra đi, nhưng anh rất quan tâm, yêu thương mọi người trong gia đình nhà vợ.

Anh chỉ có một mình chị gái tôi thôi. Anh Tùng từng nói rằng, chị tôi ra đi để lại tài sản, còn nếu anh ra đi thì sẽ để lại kho tàng sáng tác âm nhạc cho mọi người”.

Di ảnh Thanh Tùng tại tang lễ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, dù bận họp Quốc hội nhưng có mặt từ sớm để viếng nhạc sĩ Thanh Tùng. Ông nói với Tuổi Trẻ:

“Sự ra đi về mặt sinh học là điều hết sức bình thường, vì nhạc sĩ cũng sắp bước vào tuổi 70, tôi cho cũng là bình thường, nhưng sự ra đi của nhạc sĩ chắc chắn để lại sự tiếc thương rất lớn đối với công chúng. Bởi những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng đi vào lòng người nhiều thế hệ.

Tôi nhớ đến một câu Phạm Duy nói rằng, con người chết đi nhưng nếu bài hát còn đọng lại trên môi của những thế hệ sau thì có nghĩa là con người vẫn còn đang sống.

Tôi không phải là nhà phân tích phê bình âm nhạc, nhưng theo cảm nhận của tôi thì những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn còn sống mãi.

Những bài hát ấy nói lên tâm trạng của tôi, của thế hệ chúng tôi, và chắc là tâm trạng ấy còn mãi mãi trong đời sống xã hội. Đó là niềm an ủi, mang lại cho người ta niềm tin vào cuộc sống”.

Đúng 8g sáng, lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng bắt đầu. Mở đầu là đoàn gia tộc bên nội, bên ngoại của nhạc sĩ Thanh Tùng vào viếng nhạc sĩ.

Tiếp sau đó là đoàn viếng của Hội nhạc sĩ Việt Nam, do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN dẫn đầu vào viếng.

Gia đình và thân nhân nhạc sĩ Thanh Tùng.

Đoàn Bộ VHTTDL và Cục nghệ thuật biểu diễn do ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL dẫn đầu vào viếng.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ tại tang lễ:

“Nhạc sĩ Thanh Tùng là người nhạc sĩ tài năng, anh được học hành rất bài bản ở học viện âm nhạc Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Sau đó khi về nước anh đã bắt tay ngay vào việc sáng tác âm nhạc.

Với tuổi trẻ và năng khiếu âm nhạc, ngay từ đầu anh Thanh Tùng đã chứng tỏ mình là người rất nhạy cảm với đời sống âm nhạc.

Ngay từ đầu, anh đã chủ động chuyển thể ca khúc nổi tiếng như Con kênh xanh xanh…các bài hát có xu hướng nhạc nhẹ thành nhạc không lời.

Những bản nhạc đó trên đài tiếng nói VN giúp khán giả rất thích, và thấy được sự mới mẻ. Sau năm 1975, anh vào Sài Gòn, tham gia nhóm Những người bạn, và có những đóng góp rất tích cực cho nền âm nhạc VN.

Sự nghiệp sáng tác của anh ấy được đánh giá rất cao khi anh ấy viết chùm ca khúc về biển như Hoa tím ngoài sân, Phố biển…

Năm 1990, vợ anh ấy mất, và đó có thể coi là bước ngoặt trong sự nghiệp sang tạo của nhạc sĩ Thanh Tùng. Anh viết Một mình, trước đó thì viết Lối cũ ta về…là những tác phẩm độc đáo.

Thanh Tùng như là người tiên phong trong việc đưa âm nhạc đến gần với công chúng, đó là nhạc nhẽ, để công chúng dễ hiểu hơn, dễ gần hơn, dễ chia sẻ cảm thông hơn.

Trong mạch chảy của âm nhạc VN, những năm 80-90, thì công của nhạc sĩ Thanh Tùng đóng góp cho nền âm nhạc VN là ở chỗ đó.

Anh cũng là đồng nghiệp đáng kính trọng, có mối quan hệ rộng và luôn với tư cách là người anh, quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Gần cuối đời bị bệnh nặng nhưng anh vẫn quan tâm thăm hỏi mọi người.

Với kho tàng âm nhạc của anh ấy để lại, thì chúng ta rất may mắn có được nhiều tác phẩm của thế hệ các nhạc sĩ trường thành sau 1975 và Thanh Tùng là ngọn cờ tiên phong.

Nhạc sĩ Thanh Tùng đã ngừng viết nhạc từ lâu, nhưng những tác phẩm anh để lại thì còn giá trị rất lâu bền. Sự nghiệp của ông tôi tin rằng sẽ được bảo tồn và phát huy”.

Đoàn viếng của Hội nhạc sĩ Việt Nam

Mc Thảo Vân sau khi vào viếng nhạc sĩ Thanh Tùng đã không giấu được những giọt nước mắt và chia sẻ: 

“Tôi đến viếng chú Thanh Tùng cũng là cách chia tay thời tuổi trẻ của chúng tôi. Bởi những ca khúc của chú gắn liền với một thời tuổi trẻ của chúng tôi”.

Nhạc sĩ Xuân Thủy, phó hiệu trưởng trường ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội, ghi trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Thanh Tùng. Em là thế hệ nhạc sĩ sau này nhưng đã học hỏi ở anh rất nhiều qua các ca khúc của anh về cấu trúc, lời, thanh, phối khí…và đặc biệt là ca từ rất tình tứ, gần gũi nhưng sang trọng.

Kính mong anh thanh thản an nghỉ nơi chin suối. Vĩnh biệt anh”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Công chúng yêu nhạc VN đều rất nhớ những năm thập niên 80, có sự xuất hiện của dòng nhạc trữ tình, gần gũi, giản dị và đẹp của nhạc sĩ Thanh Tùng.

Mở đầu bằng sự đóng góp của nhạc sĩ, bằng cách phối khí rất mới lại, như bài Con kênh xanh xanh, đã làm mới nền âm nhạc của VN trong thời kỳ đó. Điều đó tạo điều kiện cần thiết cho vẻ đẹp của những ca sĩ như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh…”.

Nhạc sĩ Quốc Trung khóc trong tang lễ Thanh Tùng.

Lối cũ ông về

Giờ đâu nhỏ lại?

Lời ca ông mãi

Một thời đắm say.

Lối cũ ông về

Một mình phố biển

Ngoài sân hoa tím

Giọt buồn mưa ngâu.

(Thơ bạn đọc Thanh Toàn gửi lúc 9g22)

Nghệ sĩ Thanh Hoa cùng đoàn đến viếng linh cữu NS Thanh Tùng.

Đến việc nhạc sĩ Thanh Tùng, NSND Thanh Hoa không giấu được xúc động nói: “Có lẽ cả cuộc đời nhạc sĩ Thanh Tùng là để dành cho âm nhạc”.

Nhạc sĩ Đức Trịnh, trường ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội, ghi trong sổ tang:

“Vĩnh biệt anh, nhạc sĩ tài hoa. Em nhạc sĩ Đức Trịnh đã học hỏi ở anh bao điều, sẽ nhớ mãi lần cuối anh em mình ngồi quán Bình Nhưỡng, em đã nhìn thấy anh rất vui. Mãi mãi nhớ anh”.

NSND Trần Bình, giám đốc nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, ghi:

“Thế là anh đi thật rồi. Còn đâu những ngày gặp gỡ, vui cười bên ly rượu, cùng những dự định về sang tác và lưu diễn… Anh Tùng ơi! Mong anh được thanh thản nơi chân trời mới… Mọi người nhớ anh lắm”.

NSND Phạm Ngọc Khôi viết: “Vô cùng thương tiếc anh nhạc sĩ Thanh Tùng, một người anh, một người đồng nghiệp vô cùng kính mến, một tài năng của âm nhạc VN. Xin chia sẻ cùng gia đình về sự mất mát lớn lao. Cầu chúc anh siêu thoát nơi vĩnh hằng”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, sau khi vào viếng nhạc sĩ Thanh Tùng đã chia sẻ với Tuổi Trẻ:

“Tôi tiếc cho một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Anh ấy tuy không phải là lứa những viên gạch đầu tiên nhưng tác phẩm của anh được công chúng rất yêu thích.

Những bài hát của anh tràn đầy cảm xúc, tràn đầy tình cảm. Những cảm xúc của nhạc sĩ Thanh Tùng nhẹ nhàng, đằm thắm, không đao to búa lớn nhưng dễ đồng cảm, dễ chia sẻ.

Vì thế sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng là sự mất mát lớn của nền âm nhạc VN”.

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trần Lập – người vừa qua đời ngày 17-3, đã đến thắp hương kính viếng nhạc sĩ Thanh Tùng. 

Đại diện người thân gia đình nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập tới viếng nhạc sĩ Thanh Tùng.

Lúc 9g40, ca sĩ Thanh Lam và Tùng Dương đến nhà tang lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng.

Ca sĩ Thanh Lam ghi vào sổ tang lời hát Thanh Tùng: “Ai vội đi để ai còn đứng đó. Tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi”. 

Ca sĩ Tùng Dương ghi trong sổ tang:

“Tiếc thương nhạc sĩ Thanh Tùng. Nỗi cô đơn trong lành. Những tác phẩm không bao giờ cũ. Ông đã thắp lên ngọn lửa nghệ thuật rực cháy của mọi thế hệ”.

Ca sĩ Tùng Dương khóc bên linh cữu NS Thanh Tùng.

Ca sĩ Thanh Lam đến bên linh cữu NS Thanh Tùng.

Lúc 10g10 lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng kết thúc. BTC tiến hành lễ truy điệu nhạc sĩ với phần điếu văn nhắc lại tiểu sử và những cống hiến của nhạc sĩ Thanh Tùng cho nền âm nhạc Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bách, trưởng nam đại diện gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng đáp lời cám ơn tới tất cả mọi người.

Lúc 10g25 ca khúc Hoa cúc vàng được cất lên, mọi người đi quanh linh cữu lần cuối trước khi tiễn đưa nhạc sĩ Thanh Tùng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lễ di quan nhạc sĩ Thanh Tùng diễn ra lúc 10g30.

Lúc 10g30 lễ di quan nhạc sĩ Thanh Tùng bắt đầu. Những lời ca trong trẻo của ca khúc Hoa cúc vàng lại được cất lên tiễn đưa ông:

“Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế. Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm.

Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Khi anh tuổi đôi mươi, em mới lên mười tám. Trong tim em ngập nắng, mang theo đóa cúc vàng”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng được an táng tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Phú Thọ.

*Xem clip lễ tang nhạc sĩ Thanh Tùng: xúc động lời tiễn đưa

*Vĩnh biệt Thanh Tùng: trái tim đã ngủ yên

Rate this post