Tiễn đưa đồng chí Vũ Kỳ

Oxdwja0e.jpgPhóng toThủ tướng Phan Văn Khải chia buồn cùng gia quyến đồng chí Vũ KỳTT – Hôm 23-4, tại nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ tiễn đưa người đảng viên ưu tú, 84 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, người thư ký riêng tận tụy, trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nơi an nghỉ cuối cùng.

TT – Hôm 23-4, tại nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ tiễn đưa người đảng viên ưu tú, 84 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, người thư ký riêng tận tụy, trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng chí Vũ Kỳ thanh thản về với Bác…

Tiễn đưa người thư ký riêng của Bác Hồ có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt… cũng gửi vòng hoa tiễn đưa người bạn, người đồng chí thân yêu của mình.

Các ban ngành của Đảng, của Nhà nước như Ban Tổ chức trung ương, Ban Tư tưởng – văn hóa trung ương, Ban Nội chính trung ương… đều cử đoàn đại biểu đến tiễn đưa ông về với Bác Hồ. Nhiều lắm, tính ra có tất cả hơn 200 đoàn, đại diện cho tình cảm thân thiết của toàn Đảng, toàn dân lưu luyến, tiếc thương đến tiễn đưa người thư ký riêng của Bác Hồ lên đường đi xa.

Có lẽ cảm động nhất khi mọi người nghe loa phóng thanh truyền đi lời giới thiệu của ban tổ chức: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình đến viếng đồng chí Vũ Kỳ”. Tất cả hàng trăm cặp mắt đổ dồn về vị tướng già năm nay đã ở tuổi 94, vẫn quân phục chỉnh tề, bước chậm rãi quanh linh cữu người đồng chí tuy cách nhau đúng mười tuổi (1911 – 1921) nhưng hơn 60 năm qua đã xây đắp nên một tình bạn đẹp đẽ hiếm có.

Năm 1941, đồng chí Vũ Kỳ được Đảng cử sang Trung Quốc học tập quân sự để chuẩn bị điều kiện cho đấu tranh vũ trang. Khi rời Cao Bằng để qua biên giới, Bác Hồ dặn ông: “Chú sang đó sẽ gặp chú Giáp, nguyên là giáo sư dạy ở Trường Thăng Long. Chú nhớ chuyển lời hỏi thăm của Bác”.

Đêm đầu tiên gặp nhau trên đất nước bạn, hai người đã nằm gác chân lên nhau tâm sự đến gần sáng. Dương Hoài Nam (bí danh của đại tướng Võ Nguyên Giáp) hỏi rất nhiều về tình hình Hà Nội. Còn U Xao Ty (bí danh mới được tổ chức đặt cho đồng chí Vũ Kỳ) thì lắng nghe như nhập tâm những điều dặn dò của vị giáo sư Trường Thăng Long mà mình đã từng nghe danh tiếng…

Cách mạng thành công, Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp về Hà Nội. Đồng chí Trần Đăng Ninh đưa ông Vũ Kỳ đến gặp Bác giữa lúc thường vụ đang họp ở 48 Hàng Ngang. Thấy ông xuất hiện đột ngột, đồng chí Võ Nguyên Giáp reo lên: “Ô Kỳ, U Xao Ty!”. Trần Đăng Ninh ngạc nhiên hỏi: “Biết nhau à?”.

Chiều tối 18-12-1946, để cứu vãn tình thế hòa bình cho đến phút chót, Bác Hồ bảo ông Vũ Kỳ từ Vạn Phúc ra Hà Nội chuyển thư cho Xanh-tơ-ni, cao ủy toàn quyền của Pháp ở Đông Dương. Khi đi, Bác Hồ dặn: “Chú ghé qua vila Deseau (biệt thự Liễu) ở gần ngã tư Sở, đưa thư này cho chú Văn và dặn nếu có cần thêm bớt, sửa chữa gì thì cứ làm rồi chuyển cho Xanh-tơ-ni ngay trong đêm nay”. Ông đã hoàn thành chu đáo nhiệm vụ Bác giao cho mặc dù lúc này tình hình Hà Nội đã rất căng thẳng.

Nửa đêm hôm đó ông mới về tới Vạn Phúc. Bác đang lo lắng chờ đợi. Bác vẫn thường nói với ông: “Lúc này giữ được thêm dù chỉ một ngày hòa bình cũng quí”. Nhưng ông thất vọng báo cáo với Bác: “Xanh-tơ-ni không tiếp đại diện của ta. Lính Pháp ở Hà Nội đang chuẩn bị ráo riết để gây chiến…”. Trong đêm tối, ông thấy cặp mắt của Bác sáng quắc, nhìn trân trân vào ngọn đèn dầu rồi đột ngột Bác đấm mạnh tay xuống bàn, dằn từng tiếng: “Hừ, thì đánh”.

Và đêm hôm ấy, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ra đời. Sau khi lời kêu gọi kháng chiến được thông qua, mãi sau này ông vẫn còn nhớ như in vị bộ trưởng Bộ Quốc phòng mặc chiếc áo khoác dài lửng, đầu đội mũ phớt, mắt đeo kính đen, từ gác hai xuống và vội vã bước trong buổi chiều mùa đông đầy biến động…

Ở tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, ông Vũ Kỳ tiếp nhận sự ra đi của mình một cách nhẹ nhàng và chủ động. Từ ngày 27-9-2004, khi vừa chuyển xuống phòng cấp cứu, biết bệnh mình khó qua khỏi, nếu kéo dài sẽ làm khổ vợ con và người thân, ông đã cố viết mấy dòng dặn lại: “Các con thân yêu! Tuổi thọ ông kéo dài thành đại thọ rồi. Nên đề nghị không cấp cứu nữa”. Nhớ mùa xuân năm 2001, khi bước vào tuổi 80, ông nói vui với mọi người đến chúc tết: “Đêm qua tôi lại nằm mơ thấy Bác Hồ, Bác bảo tôi liệu mà thu xếp về với Bác…”.

Tính từ hôm nằm mơ thấy Bác gọi về với cõi vĩnh hằng thì ông đã có thêm bốn năm ở lại với cuộc đời. Trong bốn năm ấy, ông đã làm thêm một số việc quan trọng. Ông viết được hơn mười bài báo, trong đó ông tâm đắc nhất hai bài: một bài đăng ở báo Công An Nhân Dân với tiêu đề “Trong di chúc của mình, ba lần Bác viết: Tôi vẫn sáng suốt”, một bài đăng ở An Ninh Thế Giới với tiêu đề: “Bác Hồ tháng 5-1948”.

Bài thứ nhất ông nhấn mạnh một ý trong di chúc của Bác là sau khi đánh thắng đế quốc Mỹ, nhiệm vụ xây dựng lại đất nước là hết sức nặng nề: “Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Bài thứ hai, ông tâm đắc nhất là lời tâm sự của Bác với các thành viên Hội đồng Chính phủ trong một đêm mưa tháng 5-1948 giữa rừng Việt Bắc: “Con người ta ai chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp, ai chẳng muốn của cải giàu sang, nhưng tất cả những cái đó rồi cũng qua đi, chỉ có tiếng xấu là để lại muôn đời”.

Xin vĩnh biệt ông! Vũ Kỳ, người thư ký tận tụy của Bác Hồ.

Rate this post