Tịch biên triều đình Qui Nhơn – Tây Sơn Vương – Nguyễn Nhạc uất hận mà chết
Cái loạn hậu triều Tây Sơn sau khi Quang Trung Hoàng Đế băng hà không chỉ có một hai câu chuyện, mà mỗi lần một sự việc diễn tiến hầu như đều có thể viết ra thành một kịch bản phim điện ảnh ly kỳ và hấp dẫn.
Trang bị và trang phục của Quân Tây Sơn giai đoạn đầu khởi nghĩa
Năm Quí Sửu 1793, Nguyễn Ánh cùng các tướng Võ Tánh, Hoàng Tường Đức đem binh vây đánh thành Hoàng Đế, con của Nguyễn Nhạc là Thái tử Nguyễn Văn Bảo cùng các tướng kéo binh ra dàn trận ở cánh đồng Bình Thạnh để đón đánh. Phía quân Gia Định khi đó bố trí Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Thành đánh tập hậu phía sau khiến quân Tây Sơn bị bất ngờ đành phải rút quân về cố thủ trong thành Hoàng Đế.
Trước tình hình bị vây khốn, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc cầu cứu viện binh từ triều đình Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh đã cử Tư mã Ngô Văn Sở, Thái úy Phạm Công Hưng, Tư lệ Lê Trung đem 18.000 quân và 80 thớt voi chiến vào cứu viện. Nhưng cứu viện chỉ là thứ yếu, vì triều đình Phú Xuân biết rất rỏ rằng, khi nghe tin viện binh từ Phú Xuân vào, quân Gia Định bắt buộc phải lui binh, để tránh hai mặt giáp công từ phe thủ thành và bên tiếp viện. Thời điểm khi quân cứu viện vào được thành Hoàng Đế, thì mục tiêu chính của Cảnh Thịnh sẻ được thực hiện đó là : cướp hết tất cả kho tàng của ông Bác ruột mình đem về Phú Xuân.
“Vừa giữ lại được đất Tổ nhà Tây Sơn, vừa vơ vét ông Bác không ít đồ tốt. Cảnh Thịnh tuy còn nhỏ nhưng bộ tướng đều là hạng cáo già, diệu kế gọn gàng như vậy không làm thì quá uổng. Dù sao cũng không vừa mắt nhau thôi thì làm một lần cho thống khoái.”
Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc vì uất ức thằng cháu ruột chơi 1 cú đau lòng mà nghẹn chết. Cảnh Thịnh lúc này sắc phong con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Văn Bảo làm Hiếu Công, cũng đồng nghĩa với tất cả quân đội và đất đai của triều đình Thái Đức đều sẻ được gom về triều đình Phú Xuân.
Gia đình Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc khó nuốt nổi trôi cục tức này, bà Thái Hậu Trần Thị vợ của Nguyễn Nhạc thường trách mắng Nguyễn Văn Bảo, cũng nhằm xúi con phản kích đòi lại công bằng cho tổ nghiệp của chồng mình.
Thực tế trong câu chuyện này, quân Gia Định cũng nhìn thấy thế cuộc triều Tây Sơn, nên việc Tham tán Từ Văn Tú chiêu hàng Nguyễn Văn Bảo là một dự mưu đã được tính trước từ khi Nguyễn Nhạc băng hà.
Nguyễn Văn Bảo làm phản, chiêu dụ các thuộc tướng của cha mình tấn công chiếm lại thành Qui Nhơn. Một tướng giỏi nhà Tây Sơn là Tư Lệ Lê Trung vì can vấn vũng nước đục này mà về sau cũng bị Cảnh Thịnh giết, mặc dù y đã giao binh quyền lại cho Trần Quang Diệu để tỏ rỏ sự vô can. Quân Phú Xuân tấn công Qui Nhơn không lâu sau khi Bảo làm phản, Bảo thua trận bị dìm xuống sông cho đến chết, còn Tham tán Từ Văn Tú thì bị xử lăng trì. Nhưng có một yếu tố không thấy tài liệu sử lược nào nhắc đến là có hay không quân Gia Định làm ngơ khi nhận được thư cầu cứu từ Nguyễn Văn Bảo.
Câu chuyện nội loạn nhà Tây Sơn chưa bao giờ yên ắng, cách vài năm lại có một lần xào xáo. Mỗi lần như vậy lại có 1 vài mãnh tướng hoặc công thần tử nạn, Vương triều thiện chiến hầu như bậc nhất lịch sử dân tộc nhưng cái ngang tàng bạo ngược của Tướng lĩnh thì cũng không vừa, một đoạn chính sử ngắn ngủi như trên đây nhưng lại rất ly kỳ, đầy rẩy âm mưu và tính toán. Trong trò chơi chiến tranh dự mưu yếu hơn thì sẻ thành con cờ cho các bên áp đặt.
Cuối cùng chỉ tiếc cho nội lực nhà Tây Sơn, cứ vì nội loạn mà ngày càng yếu đi. Đánh quân Gia Định vài trận thì lại phải chạy về dọn dẹp nội loạn trong nhà. Đúng mệnh trời cay nghiệt lại đi ép tử một con người tài giỏi như Quang Trung Hoàng Đế.
Hoàng Tuyền – NNLS