Thượng tọa Thích Nhật Từ: Hãy nương tựa vào bản thân, tạo nhân duyên tốt
–
Chủ nhật, 17/01/2021 16:43 (GMT+7)
Thượng tọa Thích Nhật Từ là người trẻ nhất được trao tiến sĩ danh dự trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Ông xuất gia vào năm 1984, đi du học tại Ấn Độ năm 1994 và tốt nghiệp tiến sĩ triết học năm 2001. Ông đã tham dự và thuyết trình tại nhiều hội thảo trong nước và nước ngoài, được trường đại học Mahamakut (Thái Lan) tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Tôn giáo học (Religious Studies) nhằm ghi nhận đóng góp của ông cho giáo dục Phật giáo và lãnh đạo cộng đồng Phật giáo thế giới… Một cuộc trò chuyện cởi mở với Thượng tọa Thích Nhật Từ tại chùa Giác Ngộ (TPHCM) nơi ông làm trụ trì.
Thượng tọa Thích Nhật Từ trong một buổi giảng Pháp. Ảnh do chùa Giác Ngộ cung cấp
Thưa thầy, sự xuất hiện của virus Corona theo thuyết nhân quả của nhà Phật được lý giải như thế nào? Và khi nào thì nó kết thúc?
– Phật giáo có học thuyết nhân duyên, đặt bối cảnh COVID-19 vào trong học thuyết này, có hai cách tiếp cận khác nhau. COVID-19 là hệ quả của lối sống và con người phải gánh lấy hậu quả. Cách tiếp cận thứ hai là nhân duyên từ hiện tại tác động tới tương lai. Phần lớn các nhà Phật học trong đó có tôi lý giải ở góc độ này. Còn có thuyết âm mưu lý giải về nguồn gốc virus Corona nhưng chưa tổ chức quốc tế nào tìm được nguyên nhân sâu xa với các bằng chứng thuyết phục nên chúng ta tạm thời gác lại thuyết này.
Từ góc độ Phật học, tác động của COVID-19 có nguyên nhân từ hiện tại.
Ban đầu Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đánh giá chưa đúng mức tầm quan trọng của dịch bệnh. COVID-19 đã tác động nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu…
May mắn lắm, cuối năm 2021 chúng ta mới có thể bước đầu khống chế được dịch bệnh vì cuối năm 2020 vaccine giai đoạn 3 thử nghiệm thành công, các quốc gia đi đầu cũng phải ưu tiên cho công dân nước mình. Việc nhân bản vaccine từ các quốc gia thành công cho các quốc gia khác nhanh nhất là cuối năm 2021 và như thế nó vẫn tác động đến các nền kinh tế. Vì thế chúng tôi khuyên quý Phật tử xem năm 2020 COVID-19 là năm nhuận suốt 365 ngày tiếp tục sang năm 2021 là năm nhuận thứ hai của nhân loại.
Thưa thầy, đặt vào vị trí một “bác sĩ” tâm linh, làm sao trong tương lai có thể tránh hay giảm thiểu tác hại của những loài virus mới?
– Trước nhất, để phòng chống COVID-19, các phương pháp phòng ngừa của WHO và cụ thể ở Việt Nam ta không thể không thực hiện như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế giao tiếp, đảm bảo khoảng cách an toàn 2 mét. Các nước theo Phật giáo có bối cảnh chia sẻ biên giới đường bộ với Trung Quốc trong đó có Việt Nam ít bị ảnh hưởng như các nước theo 1 nền tôn giáo và văn hóa khác như Châu Âu, Châu Mỹ… Việt Nam xử lý thành công vì chủ trương dứt khoát, nhất quán của Chính phủ. Nền văn hóa Phật giáo có tác động ít nhiều tới lối sống của người dân Châu Á, khi hướng con người vào đời sống bên trong, đánh giá tác động của vô thường. Vì thế khi Chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để phòng chống dịch bệnh thì không có những nổi loạn tâm lý. Trong khi công dân nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi… thích hướng ngoại và cho rằng nếu cứ tiếp tục ở nhà, thì mất quyền tự do. Hơn nữa nền kinh tế phương Tây là nền kinh tế gánh nợ, nhiều người nhà cao cửa rộng, xe cộ đủ đầy nhưng vẫn gánh nợ phải trả trong vòng 15-30 năm, vì thế khi đóng băng nền kinh tế thì gây khủng hoảng lớn. Nhiều nước phương Tây bỏ qua các biện pháp phòng ngừa để cứu vãn nền kinh tế nhưng đâu có cứu vãn được…
Xã hội ngày nay có bao chuyện tắc đường, ô nhiễm môi trường sống, dịch bệnh, tham nhũng xã hội, bao chuyện phiền não làm rối trí ta. Làm sao giữ được cái tâm an bình thưa thầy?
– Nhu cầu trải nghiệm sự bình an của nội tâm trở thành mục tiêu quan trọng, nhưng rất tiếc con người hiện đại lại ít quan tâm. Chúng ta đang trong cuộc sống với một hành trình hối hả với chính mình, với người xung quanh. Cái hối hả này được thiết kế dưới hình thức rất khéo léo với các tiêu chí ở Cty do các cấp khác nhau đặt ra, mặt tích cực là nó thôi thúc, thúc đẩy con người tiến lên phía trước, mặt trái là nó khiến con người hối hả và đánh mất chính mình trong sự hối hả đó. Thứ hai là con người có khuynh hướng hướng ngoại nhiều hơn hướng nội và sự hối hả đó được xem là hạnh phúc. Kinh Phật (kinh Địa tạng) có câu: “Ham vui, khổ vô cùng”. Việc thỏa mãn các giác quan tức thời đều tạo ra những hệ lụy.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta hãy quay về bên trong, tạo ra một thời gian biểu cố định với thói quen cố định. Buổi sáng, sau hai giờ làm việc, nên dành 8 phút thư giãn. Chọn một không gian yên tĩnh, ngồi yên tại chỗ, khép mắt lại, tập trung hít thở 4 thì, hít vào thật sâu 5s, nín thở 1s, thở ra 8s, nín thở 1s, để đưa ôxy vào não. Luôn nhớ tôn chỉ của đạo Phật: Không kẹt quá khứ, không vọng niệm hiện tại, không lo lắng, căng thẳng về tương lai. Đầu giờ chiều cũng dành ra 8 phút để buông bỏ, tập trung vào hơi thở. Duy trì 16 phút như vậy hàng ngày, chúng ta sẽ không trở thành kẻ nô lệ cho các thói quen của bản thân, không bị cuốn trôi một cách hối hả. Hãy sống tỉnh thức, có chánh niệm trong từng động tác, hành vi.
“Mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi” – đó có phải đó là một trong những lời dạy hay nhất của Đức Phật không, thưa thầy?
– Đây không chỉ là một trong những lời dạy hay nhất của Đức Phật mà còn là lời dạy mang tính cốt lõi, giá trị cốt lõi. Con người hay hướng ra bên ngoài nhưng những giá trị thực lại nằm ở bên trong, cái chúng ta phải đạt được là hạnh phúc từ bên trong.
Đức Phật dạy con người không nương tựa, lệ thuộc vào bên ngoài, mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi. Khái niệm thắp đuốc ở đây mang tính ẩn dụ, là ánh sáng, là sự tự nỗ lực năng động, chủ động, quyết đoán chính xác. Lấy trí tuệ soi sáng cuộc sống, lý tưởng, các hệ giá trị… trong mối tương quan giữa mình và người thân, mình và cộng đồng xung quanh, mở ra tính vô ngã, tính vị tha, tính cao cả…
Mỗi người hãy tự nương tựa vào chính mình, vào trí tuệ bản thân chứ không phải vào cái tôi, phát huy tiềm năng vốn có. Đức Phật dạy có ba nguồn tiềm năng để con người khai thác là trí tuệ, đạo đức, thiền định.
Những lời dạy của Đức Phật rất thâm sâu vì thế không phải ai cũng hiểu đúng. Có người theo Phật bảo không được chê bai người khác, lại có ý kiến phản bác rằng nếu thấy người ta sai mà không bảo là có lỗi?
– Trong truyền thống của người xuất gia từ thời Đức Phật quy định, các vị xuất gia cứ nửa tháng phải hội họp một lần, mời người khác chỉ ra những điều mình sai từ lời nói, cách giao tế, ứng xử… gây phương hại hay ảnh hưởng tiêu cực tới người xung quanh. Đạo Phật dạy chúng ta nhận thức lỗi như một cơ hội để tiến bộ. Không ai nhận thức lỗi của mình thật khách quan nên mời người khác cùng tham gia.
Đức Phật dạy Tự soi gương nhân cách.
Biết mà không nói là trái lời Phật dạy. Vấn đề là cách nói như thế nào.
Nên nói bằng ngôn ngữ từ ái, thông cảm với nhân vật và giúp họ phương pháp đúng để nhổ lên gốc rễ nỗi khổ niềm đau.
Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật có đề cập tới hai tình huống không nói là có lỗi: Nội dung nói phù hợp với sự thật, sự thật này khi nói ra mang lại lợi ích cho nhiều người và người nghe sẽ hoan hỉ. Tình huống thứ hai: Nội dung nói là sự thật và sự thật này mang lại lợi ích nhưng người nghe không thích; trường hợp này nếu không nói có thể dẫn đến tình trạng người làm sai vi phạm luật pháp.
Khái niệm “tùy duyên” hay được sử dụng, nhưng có người nói lời Phật dạy là biến nghịch duyên thành thuận duyên? Xin thầy chỉ dạy thêm.
– Đức Phật chưa bao giờ khích lệ “tùy duyên”, vì “tùy” là chạy theo, ngả theo, nghiêng về “duyên” là hoàn cảnh thực tại, môi trường, điều kiện chúng ta đang sống.
“Tùy duyên” là khái niệm các nhà Phật học Trung Quốc đặt ra, kiểu như “nắng bề nào che bề nấy”. Đó là sự phó mặc vận mệnh mình cho hoàn cảnh sống. Nỗ lực tự thân không nhiều, rủi ro, thất bại sẽ cao. Khi nói về học thuyết Nhân duyên, Đức Phật nêu hai nguyên lý. Nhân duyên thuận: Khi nỗ lực tạo ra hành động chân chính, các điều kiện hỗ trợ đều thuận chiều theo, lại chủ động, quyết liệt, thì cái nhân tăng trưởng nhanh, phát triển lẹ, tạo kết quả sớm. Còn Nhân duyên nghịch là khi có chánh nhân, mục đích đặt ra đúng nhưng điều kiện thực tế lại đối lập vì thế phải nỗ lực hơn rất nhiều, tình huống xấu nhất cũng không bỏ cuộc. Phải chú trọng giải pháp và chủ động tạo ra nhân duyên tốt. Người Việt có câu “Muốn ăn, hãy lăn xuống bếp”, dù lăn thì rất chậm, nhưng nếu bò, đi không nổi thì phải lăn.
Đức Phật dạy người ta tránh Tham – Sân – Si. Theo kinh nghiệm của thầy, con người khó vượt qua nhất là gì?
– Khó nhất là tâm Si dù nhiều người cho là tâm Tham. Vì chữ Tham đứng đầu, chữ Si đứng cuối nhưng theo nguyên lý đạo Phật thì tâm Tham vị kỷ luôn đồng hành với tâm Si. Có Si mới có Tham, ngay cả lòng Sân hận cũng từ Si mà ra. Si luôn đồng hành với Tham và Sân. Chúng ta phải nỗ lực cam kết vượt qua tâm Si.
Đừng có mê tín, tin mù quáng, không có lý trí soi rọi. Đừng quá tin vào thầy bói, thầy ngoại cảm, thầy phong thủy, họ chỉ có thể trấn an tâm lý mà không thể đem lại sự bình an về tâm lý. Muốn bình an phải biết tự chăm sóc mình, phải đọc sách dạy về chân lý. Phải biết vượt qua tâm Tham; biết hài lòng, biết đủ. Làm tốt nhất có thể, kết quả như thế nào chấp nhận như thế…
Xin trân trọng cảm ơn thầy!