Thứ tự anh em của “Tây Sơn tam kiệt”

QĐND – Đó là ba người, gọi tắt thành chuỗi ba tên: Nhạc-Huệ-Lữ, hoặc: Nhạc-Lữ-Huệ. Còn gọi đủ cả họ và tên, thì đó là: Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ, hoặc: Nguyễn Nhạc-Nguyễn Lữ-Nguyễn Huệ.

Không phải “muốn gọi thế nào thì gọi”!

Trật tự (thứ tự trước sau) của các chuỗi nhân danh như thế này, sắp xếp theo kiểu nào, thì đều hàm ý rõ rệt về “thế thứ”: Ai là anh, ai là em.

Nguyễn Nhạc bao giờ cũng ở vị trí đầu tiên: Rõ ràng là anh cả. Nhưng nếu gọi tiếp, theo thứ tự là “Huệ-Lữ”, thì: Nguyễn Huệ là anh thứ hai, Nguyễn Lữ là em út. Còn nếu gọi tiếp sau Nguyễn Nhạc, theo thứ tự là “Lữ-Huệ”, thì: Nguyễn Lữ là anh thứ hai, Nguyễn Huệ là em út. Các cổ thư-chính sử của triều Nguyễn, như: “Đại Nam liệt truyện (chính biên)”, “Đại Nam thực lục (tiên biên)”, khi nói về anh em nhà Tây Sơn, gọi (viết) tên, đều theo thứ tự (trật tự) “Nhạc-Lữ-Huệ”. Như vậy, chính thức coi Nguyễn Lữ là anh thứ hai, Nguyễn Huệ là em út. Đây cũng là quan niệm của nhà nghiên cứu Hoa Bằng, trong cuốn sách “Quang Trung” nổi tiếng, in từ năm 1944 (Nhà xuất bản Dân Trí tái bản năm 2015): “Nguyễn Huệ là em thứ ba, dưới Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ”. Và, ở tập 4 của bộ sách đồ sộ “Lịch sử Việt Nam” (15 tập), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, trang 330, cũng thấy viết: “Trong ba anh em Tây Sơn thì Nguyễn Huệ là em thứ ba”. Và nữa, trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, bộ mới”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2013, các tác giả Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, cũng viết (ở trang 818) về Nguyễn Lữ: “Là em ruột của Nguyễn Nhạc, anh kế Nguyễn Huệ”, và: “Đương thời tục gọi là “Đức Ông Bảy”; ở trang 776, viết về Nguyễn Huệ: “Đương thời gọi là “Ông Bình”, hay “Đức Ông Tám”, rồi: “Gia đình ông có bảy anh em, gồm bốn gái, ba trai. Ông là con út”.

Tượng “Tây Sơn tam kiệt” trong khu vực Đường hoa thanh niên ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: HUỲNH MAI

Còn, “quả tạ” làm sức nặng cơ sở cho học thuyết về “thế thứ” của “Tây Sơn tam kiệt” như thế này, thuộc về nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, người gốc tỉnh Bình Định. Trong cuốn sách “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802”, viết vào các năm 1962-1964 và 1969, trong khi sử dụng thứ tự “Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Huệ” để gọi tên “Tây Sơn tam kiệt”, tác giả họ Tạ đã nhắc lại những tài liệu trong hai bức thư của Giáo sĩ Labartette, viết vào các ngày 12-5-1787 và 8-8-1788 (do TS Đặng Phương Nghi nêu lần đầu trong luận văn “Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ”) cho biết: Nguyễn Nhạc là anh lớn, người anh thứ hai được gọi là “Đức Ông Bảy” tức: Nguyễn Lữ, còn Nguyễn Huệ-người em út-được gọi là “Đức Ông Tám”.

Tuy nhiên, trên một quan niệm (quan điểm) khác, ngay lúc đương thời của Phong trào Tây Sơn, các tác giả họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, trong bộ ký sự lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” (cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19) lại đã gọi (viết) tên “Tây Sơn tam kiệt” theo thứ tự: “Nhạc-Bình (tức: Huệ)-Lữ”. Và bộ chính sử dân tộc-sách “Khâm định Việt sử thông gián cương mục”-do Quốc sử quán triều Nguyễn, theo lệnh vua Tự Đức, khởi soạn vào giữa thế kỷ 19, cũng sử dụng “thế thứ”-là “Nhạc-Huệ-Lữ” này.

Làm sáng rõ thứ bậc như thế này của ba anh em Tây Sơn, nhà thơ và nhà biên khảo địa chí lão thành Quách Tấn-quê ở ngay huyện Tây Sơn, Bình Định đã cùng con trai là tác giả Quách Giao, viết trong sách “Nhà Tây Sơn” (Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2016): “Nghe các cụ phụ lão (trong miền) truyền rằng ông Nhạc hơn ông Huệ đến 10 tuổi, ông Huệ hơn ông Lữ 1 tuổi”. Tiếp theo, là sự tính toán: “Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, theo các sử Việt, băng năm Nhâm Tý (1792), hưởng dương 40 tuổi. Như vậy, ông Huệ sanh năm Quý Dậu (1753) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14. Ông Nhạc hơn 10 tuổi thì sanh năm 1743, tức năm Quý Hợi. Ông Lữ thua ông Huệ 1 tuổi, tức sanh năm Giáp Tuất (1754)”. Hai tác giả họ Quách còn cho biết thêm một loạt thông tin:

– “Ba anh em họ Nguyễn Tây Sơn đều học cả văn lẫn võ (với ông Trương Văn Hiến, tức: Giáo Hiến) nhưng nặng bên võ hơn bên văn. Ông Nhạc chuyên học kiếm. Ông Huệ chuyên học đao. Ông Lữ chỉ học quyền, vì sức yếu, nên được truyền môn “miên quyền” (quyền mềm dẻo như bông) đối lập với “ngạnh quyền” (quyền cứng mạnh) là sở trường của Trương Công”.

– “Khi ông Phúc (là cha của Tây Sơn tam kiệt) qua đời, ông Nhạc nối nghiệp nhà. Ông Lữ xuất gia theo “Minh giáo”, tục gọi là “đạo Ma Ni”, dùng phù phép để chữa bệnh… Chỉ có ông Huệ tiếp tục theo học thầy giáo Hiến”.

– “Người đương thời gọi ông Nhạc là ông Hai Trầu. Ông Huệ là chú Ba Bình hay Ba Thơm. Ông Lữ là thầy Tư Lữ”.

– “Vì ông Nhạc kết duyên với bà Trần Thị Huệ, nên để tránh trùng tên với chị dâu, gia đình mới gọi ông Huệ là Bình. Do đó người địa phương mới gọi thân mật là chú Ba Bình. Còn tên Thơm là do nhân hoa huệ có hương thơm, nên gọi thay cho tên phải kiêng cữ”.

Cũng trên cơ sở nghiên cứu thực địa như cha con tác giả họ Quách-mà một phần kết quả đã được công bố trong cuốn sách “Tư liệu về Tây Sơn trên đất Nghĩa Bình” in ở Quy Nhơn năm 1988-GS Phan Huy Lê đã đối chiếu với nhiều tư liệu thư tịch, mà viết vào sách “Lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tiếp cận bộ phận” (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2012): “Nguyễn Nhạc có thời đi buôn trầu, nên nhân dân quen gọi là “Anh Hai Trầu”. Nguyễn Huệ còn có tên là Thơm, hay Bình, thuở nhỏ thường gọi là “Chú Ba Thơm”. Nguyễn Lữ được gọi là “Thầy Tư Lữ” vì có thời đi tu. Qua cách gọi này, có thể xác định: Nguyễn Huệ là con trai thứ hai, chứ không phải thứ ba, như ghi chép của chính sử triều Nguyễn”. Và: “Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” (đã) chép đúng: “Nhạc và hai em là Bình và Lữ”.

Cùng quan điểm như GS Phan Huy Lê, trong sách “Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I” (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998), Chủ biên: GS Trương Hữu Quýnh cũng sử dụng cách gọi tên “Tây Sơn tam kiệt” theo thứ tự: “Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ”. Sách “Việt Nam, những sự kiện lịch sử” (từ khởi thủy đến năm 1858) (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2001) của Viện Sử học, cũng viết ở sự kiện năm Tân Mão 1771: “Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Nguyễn Nhạc cùng hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, tập hợp dân nghèo khởi nghĩa…”. Rồi sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2004) do các GS Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh chủ biên cũng viết ở mục từ “Nguyễn Huệ là “Em của Nguyễn Nhạc, anh của Nguyễn Lữ”.

Chúng tôi xin khách quan giới thiệu với bạn đọc của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng và nhân thể-nhờ có Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã giúp “Sự kiện và Nhân chứng” phát hành tới các trường THPT và THCS-xin được trả lời câu hỏi của nhiều thầy-cô giáo và các em học sinh, về thứ bậc của “Tây Sơn tam kiệt”, với hai luồng quan niệm khác nhau, như trên. Riêng về quan điểm cá nhân, chúng tôi nghiêng về cách sử dụng sự mệnh danh anh em nhà Tây Sơn theo thứ tự: “Nhạc-Huệ-Lữ”. Tức là: Anh cả Nguyễn Nhạc, anh thứ Nguyễn Huệ, em út Nguyễn Lữ.

GS LÊ VĂN LAN

Rate this post