Thư Mậu Thân của Hoàng Phủ Ngọc Tường: ‘Lời xin lỗi chưa trọn vẹn’
Người phụ nữ khóc than trên xác người chồng của mình được tìm thấy trong số 47 người trong một mộ tập thể ở Huế hôm 11/4/1969
Toàn bộ nội dung cũng như hình ảnh của lá thư ‘Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” được nhà văn Nguyễn Quang Lập đăng tải trên trang cá nhân của ông, cùng với những tài liệu tham khảo chi tiết về tất cả những bài báo viết về biến cố Mậu Thân 50 năm trước. Đặc biệt có thêm một phần nội dung khác, gọi là “Đôi lời của Nguyễn Quang Lập”.
Tài liệu:
Giải khăn sô cho Huế
Thuỵ Khuê phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Ký ức Mậu thân 68 và lời cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất – Phỏng vấn nhà văn Trần Nguyên Vấn
Trong đó, ông thể hiện rõ niềm tin của ông về sự vô can của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường trong cuộc thảm sát Mậu Thân 1968. “Tôi tin anh Tường không dính líu gì đến Mậu thân Huế 1968, dính líu tới cuộc thảm sát lại càng không.”
Đây cũng chính là lý do ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đề cập ngay phần đầu của lá thư, viết rằng: “Duy nhất có một điều nếu không nói ra tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt. Ấy là câu chuyện Mậu thân 1968.”
“Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim “Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.”
Video cuộc phỏng vấn
Qua bài chia sẻ của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập cho biết ông đã rất bế tắt trong việc giải toả tội trạng cho Hoàng Phủ Ngọc Tường về nội dung chia sẻ trong đoạn video phỏng vấn năm đó. Cho đến chiều ngày 23 tết, tức ngày 08/02/2018, ông nhận được lá thư “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” do ông Tường nhờ đăng hộ.
Tôi không còn gì để nói thêm nữa. Tôi không muốn nói về chuyện này nữa. Tôi muốn chấm dứt chuyện này. – Nhà văn Nguyễn Quang Lập
Ngay sau khi lá thư Mậu Thân của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường được nhà văn Nguyễn Quang Lập công bố, đã có rất nhiều phản ứng từ dư luận nhằm phản hồi nội dung lá thư và cả với phần chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Điều này được ông xác nhận là ông biết trước sự việc sẽ diễn ra như thế.
Tuy nhiên, ông từ chối bình luận thêm nữa vì muốn chấm dứt câu chuyện về lá thư.
“Tôi không còn gì để nói thêm nữa. Tôi không muốn nói về chuyện này nữa. Tôi muốn chấm dứt chuyện này.”
Lời cuối cho câu chuyện buồn
Nội dung thư chưa đúng
Khi được hỏi về tâm ý trong lá thư ấy, một người được biết đến là nhân chứng lịch sử của trận Mậu Thân năm đó, Linh mục Phan Văn Lợi cũng cho rằng ông Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn đính chính lại nội dung trả lời phỏng vấn cho bộ phim “Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” với tư cách một nhân chứng Mậu thân Huế 1968.
Trong lá thư, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường xác nhận những chi tiết ông nhắc đến trong bộ phim là không sai, nhưng sai ở chỗ người chứng kiến chi tiết đó không phải là ông, mà là ông ghe những người bạn kể lại.
Ông viết: “Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi.”
Cụ thể hơn, Linh mục Phan Văn Lợi cho biết có những chi tiết khác không đúng sự thật trong nội dung lá thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường.
“Thư đó nói rằng đã dội bom 1 cái bệnh viện gần Đông Ba và có 200 người chết. thời đó tôi đã 17, 18 tuổi rồi. Tôi biết rằng cả cái khu Đông Ba đó không có cái bệnh viện nào lớn cả. Khu Đông Ba đó là 1 cái chợ sát bên bờ sông. Bệnh viện là bệnh viện Huế, bệnh viện Quân đội Nguyễn Tri Phương. Đó là điểm thứ 1.
Điểm thứ 2 là ngay năm 1968, sau biến cố đó tôi có nghe nhiều linh mục giáo sư của tôi trong chủng viện nói với tôi ông Hoàng Phủ Ngọc Tường từng ngồi ghế Chánh án Toà án nhân dân. và sau đó tôi cũng đọc được nhiều tài liệu là ông Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế Toà án nhân dân tại thành phố Huế trong biến cố tết Mậu Thân.”
Ông này cũng chỉ là 1 hạt cát trong dòng chảy của người Cộng sản tạo ra. Không phải những tội lỗi nhỏ của họ mà có thể tạo ra một dòng thác lũ. – Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức
Và đặc biệt hơn, ở 1 góc độ khác, Linh mục Phan Văn Lợi nhận thấy 1 vấn đề khác chưa được nhắc đến trong lá thư, mà ông cho rằng đó mới chính là cốt lõi của sự sám hối. Ông nói:
“Cả 1 quá trình dài đi theo Cộng sản, cho đến bây giờ ông đã thấy bộ mặt của Cộng sản, nhưng ông không hề tỏ ra 1 thái độ đối với lý tưởng sai lạc mà ông ta đã đi theo. Ông chỉ nhận lỗi là dùng đại danh từ ‘tôi’. Ông không có thái độ thích hợp và chỉ xin lỗi cho chuyện giết oan mà thôi. Trong khi đó chính chế độ Cộng sản là 1 tội ác cho dân tộc, gây biết bao tang thương cho đất nước, không chỉ trong vụ Mậu Thân mà cho đến tận hôm nay.”
Nhận xét về vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong biến cố Mậu Thân nói riêng và trong chế độ Cộng sản nói chung, nhà triết học, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức, từ Hà Nội, cũng có nhận xét tương tự.
“Ông này cũng chỉ là 1 hạt cát trong dòng chảy của người Cộng sản tạo ra. Không phải những tội lỗi nhỏ của họ mà có thể tạo ra một dòng thác lũ.”
Khi ngôn từ, tâm ý, cách hành văn trong lá thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường khi được trưng ra công luận thì không tránh được những mổ xẻ, phân tích đúng sai. Luật sư Lê Công Định có ngay bài viết chỉ ra những chi tiết ông cho là không đúng. Trong đó, ông nhắc đến việc ông Tường dùng chữ “quân nổi dậy” để đổ lỗi cho người dân địa phương ở Huế.
Linh mục Phan Văn Lợi tuy cũng thừa nhận ông Tường có sự sám hối khi nói rằng “quân nổi dậy đã giết oan’, nhưng cũng như luật sư Lê Công Định, ông phản đối việc cho rằng đó là “quân nổi dậy”. Ông nói:
“Chúng ta đừng quên là không phải ‘quân nổi dậy’mà là các cán binh cộng sản miền Bắc được sự phối hợp của các Việt cộng nằm vùng ở miền Nam để giết dân, chứ không phải cuộc nổi dậy của nhân dân.”
Ông kết luận đó không phải là sự sám hối chân thành.
Và đối với ông, đó là lời xin lỗi chưa trọn vẹn.
Chúng ta đừng quên là không phải ‘quân nổi dậy’mà là các cán binh cộng sản miền Bắc được sự phối hợp của các Việt cộng nằm vùng ở miền Nam để giết dân, chứ không phải cuộc nổi dậy của nhân dân. LM Phan Văn Lợi
Tha thứ hay không thể quên?
50 năm, thời gian ghi đậm 1 đời người. Khi biến cố Mậu Thân ở Huế 1968 đã được lịch sử gọi là nỗi tang thương lớn của cả dân tộc thì liệu 1 lá thư với nội dung được cho là sám hối sau 50 năm có đủ để xoá nhoà hay không? Đặc biệt là hàng năm, có những lễ hội mừng chiến thắng vẫn diễn ra trên đất nước.
Facebook Ngô Trường An, cũng là một nhân chứng của Huế 1968 viết rằng:
“Tôi đã quên mọi chuyện dần theo thời gian. Nhưng hàng chục năm gần đây thì không sao quên được nữa! Họ buộc tôi phải nhớ về quá khứ đau thương đó. Hằng năm, họ cho người đăng báo hoặc lên sóng nhắc lại chuyện Mậu Thân. Họ thanh minh cho mình, nhưng không chứng minh cho những người chết tức tưởi kia bị tội gì. Thậm chí, họ còn tổ chức ăn mừng trên hàng chục vạn xác người đã ngã xuống. Như thể họ xem tiêu diệt được hàng vạn người kia là thành tích hào hùng của họ. Vậy thử hỏi, những vong hồn chết oan ức kia liệu có siêu thoát được không và những người trong cuộc bị tan gia bại sản có quên đi được không?”
Sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập công bố lá thư “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn”, trả lời truyền thông hải ngoại, ông có chia sẻ rằng:
“Thời này nên chia sẻ, thông cảm với nhau là chủ yếu. Nếu không thì vĩnh viễn không bao giờ có chuyện hòa hợp.”
“Qua chuyện công bố thư của ông Tường, tôi thấy tình hình này khó hòa hợp lắm.”
Phản ứng của dư luận trong những ngày qua đã có thể cho thấy hoà hợp là dễ hay khó. Hay nói 1 cách khác, “Dải khăn sô cho Huế” vẫn đọng mãi trong ký ức của người dân đất thần kinh, không thể xoá nhoà. Những gì họ chia sẻ đã nói lên, để nhận được sự tha thứ, không có gì khác hơn, đó là minh bạch:
“Xin hãy để yên cho chúng tôi được quên đi quá khứ! Xin hãy tưởng niệm và nguyện cầu cho hàng vạn đồng bào vô tội chết tức tưởi để vong hồn họ sớm được siêu thoát. Xin hãy một lần minh bạch công bố do đâu và vì sao lại có biến cố Mậu Thân. Chỉ một lần thôi để rồi quên đi tất cả.”