Thông tin, tiểu sử về nhạc sĩ Lê Văn Lộc – Hợp Âm Pro

Lê Văn Lộc

Thông tin, tiểu sử nhạc sĩ Lê Văn Lộc

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc sinh ngày 14 tháng 7 năm 1952 tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1989, ông tốt nghiệp Đại học Âm nhạc chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1977-1984, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu sáng tác ca khúc. Từ năm 1990-1998 là nhân viên Công ty dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1998 đến nay là chuyên viên phòng nghệ thuật Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm đáng chú ý, về khí nhạc: Prelude số 2, Variation, Concerto for trumpet; về ca khúc: Em đi qua cầu cây, Hò trên biển (thơ Vũ Duy Thông), Thằng bạn tôi (thơ Nguyễn Nhật Ánh), Hãy dừng chân ơi con suối rừng… Ngoài ra, anh còn sáng tác một số ca khúc cho thiếu nhi như: Kể chuyện viên gạch hồng, Ba em là công nhân lái xe, Bụi phấn (đồng tác giả với Vũ Hoàng).

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc cùng với nhạc sĩ Vũ Hoàng là cha đẻ của ca khúc mà thế hệ thiếu nhi nào cũng thuộc nằm lòng – Bụi phấn. Đối với nhạc sĩ Lê Văn Lộc thì hoạt động chiến đấu cũng sôi nổi và dữ dội không kém hoạt động chiến đấu từ thời kỳ Thanh niên xung phong đến khi ra chiến trường biên giới Tây Nam, rất nhiều tác phẩm ra đời trong giai đoạn này, góp phần không nhỏ trong việc khích lê tinh thần chiến đấu của quân dân Việt Nam: Em đi qua cầu cây; Những vết chai cho Tổ quốc; Thằng bạn tôi…

Hiện nay công tác tại Phòng Nghệ thuật – Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch TP.HCM, nhạc sỹ Lê Văn Lộc vẫn không ngừng “chiến đấu” cho Tổ quốc mình – “chiến đấu” cho hàng hóa Việt Nam trong cuộc chiến không kém phần gay gắt trong thời bình, đó chính là cuộc chiến giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa nước ngoài.

“Từ độ tuổi thiếu niên trở đi, ai cũng mơ ước đất nước mình trở thành một trong những cường quốc giàu, mạnh, nổi tiếng trên thế giới. Việc đó đòi hỏi sự cố gắng và nổ lực trường kỳ của tất cả người dân trong nước. Đã là người Việt Nam, dù trẻ hay già, sâu thẳm trong trái tim, ai cũng tìm ẩn ước mơ đó, chỉ có khác nhau ở mức độ nồng nhiệt Do đó, việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt là một sự khơi dậy cần thiết niềm tự hào về dân tộc; là một sự nâng lên đồng đều mức độ nồng nhiệt trong lòng mỗi người về ước mơ đất nước mạnh, giàu; là sự chỉ ra một trong những hành động cụ thể để góp phần xây dựng đất nước; là con đường tất yếu mà những quốc gia giàu mạnh trên thế giới hiện nay đã đi qua để phát triển kinh tế của đất nước mình.”

Nhạc sĩ Vũ Hoàng có một thời gian khá dài theo nghề sư phạm, tại Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, Khoa Âm nhạc và mỹ thuật, giảng dạy các bộ môn ký xướng âm, nhạc lý, lịch sử âm nhạc thế giới. Lúc bấy giờ mọi người đều đã biết anh là một người sáng tác với những bài hát khá nổi tiếng như Ngày mai tôi sẽ lên đường, Hương tràm…

Năm 1982, có một sự kiện nên nhà trường đề nghị Vũ Hoàng viết một bài hát về thầy cô giáo. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ban hành quyết định số 167-HĐBT theo đó 20/11 hằng năm sẽ là ngày lễ truyền thống mang tên Ngày Nhà giáo Việt Nam – trước đó, ngày này được gọi tên chung là Quốc tế hiến chương các nhà giáo. “Đối với bọn tôi lúc ấy, chuyện này gây xúc động ghê gớm”, nhạc sĩ Vũ Hoàng nhớ lại. Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM quyết định làm một cuốn sách có tên gọi là Vui học, trong đó sẽ có một trang để vừa vặn một bài hát và đó sẽ là trách nhiệm của Vũ Hoàng. Yêu cầu cũng giản dị: Bài hát đơn giản, dễ nhớ và làm sao để in vừa trong một trang sách nhỏ để tất cả sinh viên đều dễ dàng học thuộc.

Ca khúc Bụi phấn và hình ảnh nhạc sĩ Vũ Hoàng 32 năm trước. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

“Tôi trăn trở lắm, bản thân mình là một thầy giáo thì rất háo hức nhưng chẳng biết dựa vào đâu để viết. Tôi không có tứ nào để lẩy cả…”, Vũ Hoàng bộc bạch. Thế rồi một lần tình cờ đi trên phố Vũ Hoàng gặp lại người bạn thanh niên xung phong Lê Văn Lộc. Hai người vui quá lôi nhau vào một quán cà phê vỉa hè tâm sự. Vũ Hoàng hỏi bạn: “Ông có cảm nhận như thế nào về thầy cô giáo tụi tôi không?”. Tưởng hỏi vậy thôi, bất ngờ Lê Văn Lộc kể: “Tôi vừa đi dự một buổi chia tay với một ông thầy ở chỗ tôi làm việc. Ông thầy này có một cái đặc biệt là ông viết gì trên bảng thì bụi phấn cũng rơi làm trắng mái tóc. Nên tôi thấy đẹp quá và làm liền mấy câu thơ: “Khi thầy viết bảng/Bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy”. Nhưng tôi chỉ sáng tác được tới đó, không thêm được nữa”. 6 câu thơ này gần như hóa giải tất cả những trăn trở của Vũ Hoàng trước đó: “Vậy ông cho tôi xin 6 câu này nhé, để tôi nghiên cứu viết thêm thành một bài hát”. Lê Văn Lộc đồng ý ngay.

Về nhà, Vũ Hoàng ngồi thừ với những câu thơ đầy xúc động của Lê Văn Lộc. “Tông của anh Lộc là La trưởng nhưng tôi phải chuyển sang Đô trưởng cho dễ hát, giai điệu thơ anh Lộc khi cất lên lại mang màu sắc dân ca miền Trung. Cuối cùng tôi vẫn giữ nguyên nhưng tỉa tót lại thành cái của mình. Và sau nhiều lần suy nghĩ tôi triển khai đoạn B thành: “Em yêu phút giây này/Thầy em tóc như bạc thêm/Bạc thêm vì bụi phấn, cho em bài học hay”. Kết lửng ở đó để nối tiếp bằng: “Mai sau lớn lên người/Làm sao có thế nào quên/Ngày xưa thầy dạy dỗ/Khi em tuổi còn thơ…”. Làm xong tôi rất hài lòng, ý tưởng bài hát này đã được triển khai khá đầy đủ. Sự đầy đủ này mang tâm trạng của một người thầy như tôi lúc đó, nó đúng và đầy ý nghĩa. Tôi đã sáng tác rất nhiều bài cùng đề tài nhưng bài hát này tôi ưng nhất, nó như thể gắn liền với số phận của tôi”.

Chỉ có thể “Bụi phấn”

Sáng tác xong, Vũ Hoàng “va” ngay một vấn đề khó khác: tựa đề. Bụi phấn ban đầu có một cái tên khác. Bởi có một vấn đề hơi bất hợp lý ở đây là nguyên tắc các thầy cô giáo khi được đào tạo ra làm giáo viên thì không bao giờ viết bảng để rơi bụi phấn lên đầu. Nhưng hình tượng này đẹp quá, làm sao bỏ nó ra được! Chi tiết này dễ làm nhớ tới trong lịch sự nhạc Việt cũng có nhiều trường hợp gần giống vậy. Ví dụ như bài Bến cảng quê hương ta của nhạc sĩ Hồ Bắc có câu: “Ơi cô gái lái xe trên cảng/Xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương”. Một hình ảnh rất đỗi dịu dàng, tạo nên nhịp thở cho cả bài hát nhưng việc “xe em bon nhanh và tóc em bay” là vi phạm quy định lao động, không đội mũ khi lái xe, dễ gây tai nạn. Nhưng hình ảnh đó sau cùng lại được công chúng chấp nhận và rất yêu thích.

Lúc ấy Vũ Hoàng có hát cho bạn bè nghe và nhiều người cũng bảo anh rằng cái tựa Bụi phấn là có vấn đề vì nó có vẻ buồn buồn, mang tính bụi bặm, hạ hình tượng người thầy giống như bụi phấn, dễ làm người ta hiểu lầm. Nghe thế Vũ Hoàng lại càng hoang mang. Bài hát này mà không mang tên Bụi phấn thì biết đặt tên gì? Cuối cùng, sau khi đắn đo, suy nghĩ anh quyết vẫn để tên Bụi phấn cho bài hát bài bởi hình tượng đó không thể thay đổi, bụi phấn chỉ tôn thêm nét đẹp của người thầy…

Ngày 20/11/1982, bài hát Bụi phấn lần đầu tiên chính thức ra mắt tại sân Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM với tiếng hát của hơn 2.000 sinh viên. Nhạc sĩ Vũ Hoàng không bao giờ quên giây phút xúc động ấy, “nó làm tôi thấy thêm yêu nghề thầy giáo, bài hát làm lòng tôi thắt lại và tôi nghĩ nhiều người cũng cảm giác như thế. Nghề dạy học là nghề đưa đò qua sông. Đưa từng thế hệ này đến thế hệ khác, có cháu còn nhớ, có những người cũng chẳng nhớ chẳng quên, chính vì thế khi viết bài này tôi có mơ ước làm chiếc cầu nối để đưa họ trở về trường, nhớ công ơn thầy cô đã từng dạy dỗ mình”.

Bụi phấn trở thành một cú “hit” thời ấy. Năm 2000 ca khúc Bụi phấn được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Khi được hỏi thầy cô bây giờ dùng phấn không bụi thì hình tượng bụi phấn đã lạc thời, nhạc sĩ Vũ Hoàng trả lời: “Bụi phấn giờ không còn, bảng đen chắc rồi cũng thế, chúng ta không thể đi ngược dòng chảy nhưng hình tượng người thầy giáo với cái bục giảng thì vẫn ở lại. 32 năm trước, khi sáng tác bài này tôi làm sao dám nghĩ nó vẫn được hát đến hôm nay. Tôi ngỡ nó sẽ bị trôi đi nhưng cuối cùng nó vẫn ở đây. Vậy thì hình tượng người thầy với mái tóc bạc vì bụi phấn kia tôi nghĩ chẳng bao giờ mất”.

Nguồn : Tổng hợp

Rate this post