“Thị Nở” Thu Hòa: Diễn mà như không diễn

Sinh năm 1983, Thu Hòa (Nhà hát chèo Hà Nội) là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc đang tổ chức tại thành phố Nam Định.

Diễn viên trẻ Thu Hòa.

Diễn viên trẻ Thu Hòa.

Với phần trình diễn rất xuất sắc vai Thị Nở trong trích đoạn Đôi lứa xứng đôi (vở Chuyện tình làng Vũ Đại), Thu Hòa đang được coi là ứng cử viên sáng giá cho giải Tài năng trẻ tại cuộc thi này. Ngay sau khi kết thúc phần dự thi, phóng viên VnMedia đã có cuộc phỏng vấn “chớp nhoáng” Thu Hòa ngay tại cánh gà sân khấu.

– Thu Hòa đến với Chèo như thế nào?

Em sinh ra ở Đông Hưng, Thái Bình – một trong những “chiếng” chèo nổi tiếng nên từ nhỏ em đã được sống trong không khí của chèo bởi cả gia đình em đều yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, hồi bé thì em lại thích ca nhạc hơn, và cũng không nghĩ rằng mình lại đi làm diễn viên chèo. Học hết cấp 3 em thi đại học văn hóa nhưng trượt nên ở nhà. Lúc đó chẳng có việc gì làm nên em bảo bố em dạy cho hai làn điệu chèo để thi vào trường văn hóa nghệ thuật Thái Bình và… đỗ. Sau đó thì em học khoa chèo tại trường và hai năm sau thì tốt nghiệp.

– Học chèo ở Thái Bình, vậy cơ duyên nào đưa em đến với nhà hát chèo Hà Nội?

Sau khi tốt nghiệp trường văn hóa nghệ thuật ở Thái Bình xong, em được sự giới thiệu của NSƯT Văn Mởn nên đến nhà hát chèo Hà Nội thi tuyển vào đoàn. Hồi đó em thi diễn trích đoạn Thị Màu lên chùa và được các anh chị lãnh đạo nhận vào nhà hát. Hiện tại em đang là diễn viên của đoàn 1 nhà hát chèo Hà Nội.

– Xem Hòa diễn Thị Nở, khán giả ở dưới nhiều người xuýt xoa “cô này diễn duyên quá”, nhiều đồng nghiệp ngồi xem cũng nhận xét Hòa vừa có giọng chèo hay vừa diễn xuất rất nhuần nhuyễn. Đâu là bí quyết để Hòa có được những điều đó?

Thực ra diễn chèo hiện đại rất khó, vào vai hài lại còn khó hơn. Em đã mất một tháng để tập cho trích đoạn này. Nhân vật Thị Nở thì hầu như ai cũng biết, cho nên em phải làm sao diễn mà như không diễn, để khán giả cảm nhận được một hình ảnh Thị Nở gần giống với nguyên mẫu văn học. Tập nhiều và thực sự nghiêm túc thì diễn sẽ nhuyễn thôi. Còn cái duyên, em nghĩ đó là Trời cho chứ chả ai học được cả. Em rất cảm ơn khán giả và các anh chị đồng nghiệp đã dành tặng những lời khen ngợi. Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

– Từng thành công với vai Thị Màu, giờ lại dự thi vai Thị Nở, điều gì khiến Hòa cảm thấy khó khăn nhất khi vào vai diễn này?

Thứ nhất em không có lợi thế ngoại hình để vào vai Thị Nở. Trong kịch bản, Thị Nở rất to béo, thô kệch mà em thì lại “mi nhon” nên khi hóa trang phải “độn” rất nhiều. Thứ hai, Thị Nở là một cô gái có ngoại hình xấu, hơi bị “dở người” nhưng lại có trái tim rất nhân hậu. Cái khó của vai diễn này là làm sao để cho khán giả thấy một Thị Nở tuy cục mịch, xấu xí nhưng vẫn rất… đáng yêu, nhất là đoạn mang cháo hành cho Chí Phèo, phải đẩy được cảm xúc của khán giả lên cao trào.

– Và Hòa đã hài lòng với phần dự thi của mình?

Thật ra em diễn không tốt bằng hôm tổng duyệt ở nhà hát. Hầu như ai đi thi cũng run, và em cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, em thấy mọi người liên tục vỗ tay cổ vũ ở những đoạn hay có nghĩa là em cũng đã thành công rồi.

– Đa số các nghệ sỹ nói rằng đến với cuộc thi này với mục đích học hỏi mà không vì giải thưởng, chắc chắn sẽ có nhiều người dối lòng khi nói vậy. Còn Hòa thì sao? Chẳng lẽ giải thưởng Tài năng trẻ không đủ sức hấp dẫn để mọi người quyết tâm đoạt giải?

Tài năng trẻ là một giải thưởng cao quý mà bất kỳ nghệ sỹ nào cũng muốn đạt được, nó cũng giống như những huy chương vàng trong các Hội diễn chuyên nghiệp. Nhiều người thực sự có tài năng đã đoạt giải thưởng này như chị Thu Huyền, Minh Phương… Thật lòng, ai đi thi cũng mong được giải. Em cũng thế thôi. Thế nhưng ngoài mục đích là giải thưởng thì cơ hội để giao lưu học hỏi với đồng nghiệp ở các đoàn cũng quan trọng không kém, bởi rất ít khi được xem trực tiếp đồng nghiệp diễn trên sân khấu. “Trăm nghe không bằng một thấy” – đó là cơ hội lớn cho các diễn viên, nhất là những người trẻ như chúng em học hỏi kinh nghiệm.

– Hòa có chạnh lòng không khi mà các bạn trẻ 8x như Hòa đa số không mặn mà lắm với Chèo?

Cũng có chút chạnh lòng. Nhưng em nghĩ rằng những năm gần đây các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang được vực dậy khá mạnh mẽ. Bằng chứng là chúng em vẫn biểu diễn hàng tuần tại Nhà hát chèo Hà Nội và liên tục có các sô diễn tỉnh cũng như các lễ hội hoặc phục vụ khách người ngoài khi họ đến Hà Nội. Em nghĩ cái gì nó cũng có lúc thịnh lúc suy như đồ thị hình sin, nhưng sẽ không bao giờ mất cả. Các bạn trẻ giờ cũng nhiều người thích chèo lắm, không tin anh cứ thử đến nhà hát em mà xem (cười).

– Nếu cho Hòa chọn chèo cổ và chèo hiện đại, Hòa sẽ thích vai diễn ở đề tài nào hơn?

Em thích chèo cổ. Bởi vóc dáng em rất hợp với mẫu hình nhưng cô gái ngày xưa. Với lại các tích cổ hoặc những vở diễn dân gian có ý nghĩa rất thâm thúy và có tính giáo dục rất sâu sắc. Ngoài ra, chèo cổ có nhiều đoạn hát rất hay và vũ đạo cũng rất uyển chuyển. Tuy nhiên, Hòa cũng mong có nhiều vở diễn hiện đại để phù hợp với hơi thở cuộc sống hiện nay. Em nghĩ rằng chèo muốn tồn tại và phát triển thì cũng phải bắt nhịp được với kinh tế thị trường.

– Cảm ơn Thu Hòa và chúc Hòa thành công trong cuộc thi này!

(Theo Vnmedia)

Rate this post