Thầy giáo Văn Như Cương qua đời – BBC News Tiếng Việt
Thầy giáo Văn Như Cương qua đời
9 tháng 10 2017
Nguồn hình ảnh, Trần Việt Dũng
Chụp lại hình ảnh,
PGS Cương là người thành lập và hiệu trưởng (1989-2014) trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh
Hiệu trưởng trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975 qua đời sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo.
Tin cho hay ông Văn Như Cương qua đời vào rạng sáng hôm thứ Hai 9/10, hưởng thọ 80 tuổi.
PGS Cương là nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, và là ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia.
Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán vào năm 1971 tại Liên Xô và được phong học hàm phó giáo sư.
Ông là người thành lập và hiệu trưởng (1989-2014) trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975.
Truyền thông trong nước cho hay ông mắc bệnh ung thư gan ba năm qua và kiên cường chống chọi với bệnh tật.
Nguồn hình ảnh, Trần Việt Dũng
Chụp lại hình ảnh,
Phó Giáo sư Văn Như Cương
Sau 25 năm làm hiệu trưởng, PGS Cương đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh.
Ông được đánh giá là người thẳng tính và từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích những hạn chế của nền giáo dục Việt Nam.
Một trong những phát ngôn gây chú ý của ông là thông điệp về tham nhũng khi ông mô tả sự thiệt hại hết sức nặng nề không thể tính bằng tiền và của tham nhũng là làm giảm uy tín của đảng, giảm lòng tin của dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông cũng từng nói rằng là một thầy giáo lâu năm ông tin rằng “không có lao động thì không có sáng tạo”.
“Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công”.
“Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ”.
Trên Facebook BBC Vietnamese, Hoa Nguyen viết: “Hôm nọ vẫn còn nghe ông phát biểu về vụ lùm xùm của trường LTV mà hôm nay đã ra đi rồi. Chia buồn”.
Còn Nguyễn Ngọc Phương Trang bình luận: “Thật thiệt thòi cho những người tâm huyết trong nền giáo dục Việt Nam, cũng như các ngành khác, vì tri thức và ý kiến của họ chưa bao giờ được quan tâm”.