Thầy Nhật Từ không nên chối quanh mà phải có can đảm nhận lỗi, nên từ chức | Phật giáo Việt Nam
Thầy Nhật Từ không nên chối quanh mà phải có can đảm…
Không thể tưởng tượng được, một thanh niên 26 tuổi, mới học xong Lớp 12, chưa thụ giới Sa Di, ăn cắp sách của các bậc tiền bối…mà ngồi ngang hàng, ngồi dạy thế cho một vị phó viện trưởng một đại học Phật Giáo lớn nhất Việt Nam.
Nay có người bênh thầy Nhật Từ đổ lỗi cho cho báo Giác Ngộ với lý do Giác Ngộ giới thiệu và khen ngợi trước cho nên thầy Nhật Từ cứ thế mà làm.
Theo như lý luận này thì chẳng khác nào “Thấy người ta làm thì tôi làm theo. Tôi có lỗi gì đâu?”.
Là một vị phó viện trưởng, thầy Nhật Từ phải kiểm tra hoặc có một ban chuyên môn kiểm ra bằng cấp (học vị) của các người mà mình định mời làm giảng viên.
Những người muốn ngồi vào ngôi vị giảng sư này ít ra phải có bằng Tiến Sĩ Phật Học hoặc Tiến Sĩ Quốc Gia, hoặc các bậc cao tăng đã có nhiều tác phẩm, dịch thuật kinh điển hoặc các học giả cư sĩ tăm tiếng của Phật Giáo.
Không thể “nghe nói” hoặc đọc báo thấy người ta khen ngợi rồi mời ngay vào làm giảng viên, giáo sư.
Theo tôi nghĩ, thầy Nhật Từ đã đặt cảm tình lên trên. Cậu Phước Nguyên này có thể đã là người “điếu đóm” hay “đệ tử ruột hay thị giả” cho thầy Nhật Từ cho nên thầy Nhật Từ không còn sáng suốt trong việc chọn lựa giảng sư cho học viện nữa.
Đồng ý là báo Giác Ngộ đã sơ sót khi đăng bài giới thiệu Phước Nguyên nhưng lỗi này nhỏ vì nhiều tờ báo không có cơ hội kiểm chứng.
Nhưng địa vị thầy Nhật Từ có khác, không thể hành xử như nhà báo được.
Mọi chuyện xảy ra trên đời này phải có người chịu trách nhiệm. Chuyện này không phải từ trên Trời rơi xuống. Nếu không quy kết trách nhiệm rồi để nội vụ “chìm xuồng” thì Học Viện Phật Giáo Việt Nam chỉ là một tổ chức hỗn loạn, ai muốn làm gì thì làm không còn ra thể thống gì nữa.
Có lẽ trên thế giới này chưa từng có sự kiện “động trời” xảy ra cho một đại học như vậy. Nếu thế giới biết được họ sẽ chê cười Học Viện Phật Giáo Việt Nam.
Đây không phải lỗi lầm đầu tiên của thầy Nhật Từ. Trong Đại Lễ Vesak 2019 tại Chùa Tam Chúc, chính thầy Nhật Từ đã giới thiệu Ô. Dương Ngọc Dũng vào tham luận đoàn của một cuộc hội thảo quốc tế và chính ông này sau đó đã nhục mạ Phật Giáo một cách không thương tiếc.
Thầy Nhật Từ không nên chối quanh mà phải có can đảm nhận lỗi. Để bảo vệ danh dự cho Học Viện Phật Giáo Việt Nam, thầy Nhật Từ nên từ chức.
Đối với bậc tu hành chân chính, chức vụ phó viện trưởng chỉ là trách nhiệm chứ không phải vinh dự và nhiều khi nó làm vướng bận đường tu của mình. Cho nên có bỏ nó cũng chẳng có gì tiếc nuối.
Sau khi từ chức, thầy Nhật Từ nên lui về “diện bích” và ngưng “dạy đời”, dạy dỗ tín đồ một thời gian và tập trung vào quán chiếu bản thân mình. Phải tìm cho ra đâu là cội nguồn của lỗi lầm to lớn này?
Thầy Nhật Từ nên nhớ rằng “đổ lỗi cho người khác” thì không phải là một Phật tử chân chính. Đổ lỗi cho người khác là xa lìa giáo lý của Đức Phật. Chính cái Tôi quyết định chuyện này chuyện kia chứ không phải tha nhân hoặc Phật hay Thần Linh quyết định dùm mình.
Khi mọi chuyện xảy ra thì phải thấy mình có lỗi hay chính mình đã can dự hay giúp hình thành cái lỗi đó.
Ngay các bậc Bồ Tát thượng thủ như Phổ Hiền Bồ Tát mà còn thường xuyên sám hối nghiệp chướng thì chúng ta có sám hối lỗi lầm chỉ là chuyện bình thường.
Ở Mỹ này, nhận lỗi sẽ được mọi người tha thứ. Chối lỗi, chối tội, bao che, biện minh chỉ làm cho lỗi lầm trở nên trầm trọng thêm. Con người ta ai cũng có thể phạm lỗi “Vua chúa còn có khi lầm”. Nhưng người có tư cách là người biết nhận lỗi để sửa chữa.
Biện minh cho lỗi lầm của mình là nuôi dưỡng mầm mống (nhân) bất thiện và rồi sẽ tiếp tục đi vào con đường sai trái.
Hiện nay do có máy điện tử, do các bài viết, các sách, các tài liệu nghiên cứu đều được phổ biến trên các trang tin cá nhân, mạng lưới toàn cầu cho nên việc ăn cắp tác phẩm rất dễ dàng. Chỉ cần vào rồi download (đem xuống), rồi sao chép (copy) rồi sửa chữa vài chữ, vài câu hoặc chép nguyên xi, rồi đem in. Kẻ xấu, kẻ ăn cắp, trong một tháng có thể trở thành “tác giả” của cả chục cuốn sách dày cộm mà tác giả thật của nó phải để cả đời hay năm, mười năm mới hoàn thành.
Nhà xuất bản cũng không đủ người, đủ thời giờ để kiểm chứng cho nên kẻ ăn cắp nghiễm nhiên trở thành “thiên tài không đợi tuổi” và ngồi ngang với các học giả phải học hỏi và vắt tim óc cả đời. Trong thời đại điện tử, một trong những cách dễ dàng để nổi tiếng, trở thành học giả và kiếm tiền nhanh nhất là…ăn cắp tác phẩm.
Rất buồn khi nghe tin này khi nó xảy ra trong giới tu sĩ. Thế nhưng nó giúp chúng ta một bài học là trong thế giới đầy gian trá (mạt pháp) như ngày hôm nay, sự lường đảo có ở khắp mọi nơi. Và còn rất nhiều vụ gian trá ăn cắp sở hữu trí tuệ của các bậc tiền bối, của người khác chưa bị phanh phui ngay trong cộng đồng Phật Giáo chúng ta.
Hãy quán xét ngay chính tổ chức của mình. Hãy cảnh giác ngay chính bạn đồng tu, thầy mình, trò mình. Sự gian trá và vô trách nhiệm ở đâu cũng có chứ không phải chỉ ở nơi thế gian trần tục. Xin nhớ kẻ tu hành chưa thành Phật, Bồ Tát hay A La Hán thì vẫn chỉ là con người bình thường với tất cả tội lỗi, xấu xa của nó. Cho nên chữ “tu” có nghĩa là cảnh giác, sửa chữa, sám hối từng giây, từng phút, từng ngày, từng năm và suốt cả đời. Lơ là ba điều này thì nói trời nói đất gì, chức vụ cao như thế nào, bằng cấp cao như thế nào… cũng đều hỏng.
Nam Mô Thường Sám Hối Bồ Tát,
Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 17/3/2020)