‘Thầy Nam’ – bài hát về nghề giáo nổi lên từ Rap Việt

Bài “Thầy Nam” của Gonzo lấy câu “Không thầy đố mày làm nên” làm chủ đề, là một trong những tiết mục thu hút nhất cuộc thi Rap Việt.

Đăng tải trên Youtube từ hôm 25/1, sau một tháng, video Thầy Nam thu hút 3 triệu lượt xem. Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, trên tik tok, Facebook, nhiều học sinh sử dụng bài rap để biểu diễn văn nghệ.

Trước khi trở thành rapper chuyên nghiệp, Gonzo là thầy giáo dạy tiếng Anh. Một số thí sinh trong chương trình Rap Việt từng là học trò của anh. Vì thế, khi bước vào vòng ba cuộc thi với chủ đề “thành ngữ, tục ngữ”, anh chọn câu “Không thầy đố mày làm nên” để nói về bản thân, đồng thời tôn vinh những “người lái đò”.

Gonzo - "Thầy Nam"

 

 

Gonzo – “Thầy Nam”

Tiết mục “Thầy Nam” của Gonzo. Video: Vie Channel.

Sử dụng nền nhạc old school (dòng hip hop thương mại đầu tiên, xuất hiện từ giai đoạn 1979 – 1984 ở Mỹ), Gonzo không có ý định tạo ra một bản rap kịch tính, bắt tai mà hướng đến sự sâu lắng. Với anh, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức sách vở mà còn dạy dỗ cách cư xử, lối sống.

“Thầy dạy này
Học mở, học gói, học nói, học ăn
Từ việc lăn mỗi khi mình đói cho tới cái thói buộc khăn
Liệu có từ chối được chăng
Khi cơ hội đang gõ cửa”

Gonzo cũng tâm sự về những vất vả của nghề giáo. Họ gặp nhiều khó khăn khi hy sinh thời gian bản thân để chăm chút học trò, đối mặt nhiều nghi ngại về phương pháp dạy, nhưng vẫn kiên định với lý tưởng.

“Vì nghiệp trăm năm ta đã nhận lấy trọng trách trồng cây này
Lái đò lên võ đài
Quần áo rộng treo trên bờ vai gầy
Gắng không để thuyền sa lầy
Tránh xa lời họ la rầy
Có thể ngươi không biết ta
Nhưng thần tượng ngươi lại gọi ta: ‘Thầy!”

Câu “không thầy đố mày làm nên” lặp đi lặp lại nhiều lần, nhằm thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo. Gonzo dùng các cách ngắt nhịp khác nhau để đọc câu này, tạo cảm giác mới mẻ, đồng thời thể hiện những tầng nghĩa khác nhau của câu chữ. Chẳng hạn, anh ngắt nhịp 3/3 “không thầy đố/ mày làm nên?” với ý nghi vấn, liệu không có thầy đặt ra những thử thách khó khăn, trò có thành công được không.

Gonzo (Nguyễn Trần Thái Nam) sinh năm 1995, tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Anh vào top 8, đồng giải Ấn tượng trong chương trình Rap Việt cùng Thành Draw, TLinh, MCK, Ricky Star, Lăng LD. Ảnh: Vie Channel.

Gonzo (Nguyễn Trần Thái Nam) sinh năm 1995, tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Anh vào top 8, đồng giải “Ấn tượng” trong chương trình Rap Việt cùng Thành Draw, TLinh, MCK, Ricky Star, Lăng LD. Ảnh: Vie Channel.

Thầy Nam còn tạo ấn tượng nhờ câu punchline (câu rap tạo điểm nhấn, mang tính đả kích, hài hước): “Không có thầy ta đố mày làm nên. Nhưng trò ngoan thì không nên làm cho thầy phải đố. Dù làm thầy đôi khi không nên đố. Nhưng phận học trò thì nên thấy dần quen”. Câu rap phản ánh quy luật dạy và học xưa nay, muốn học trò tiến bộ, người thầy luôn đặt ra nhiều thử thách.

Cuối bản rap, Gonzo trải lòng về công việc làm thầy của anh:

“Trước khi trở thành một nhà giáo huấn tôi cũng từng làm học trò
Trước khi đủ kiến thức dạy người khác tôi đã từng ngày học mò
Giữ cho lửa nhiệt huyết không vụt tắt sau những chông gai đêm lạnh
Chỉ để giúp họ giảm cảm giác đau nhưng không ai bên cạnh…”

Trên Youtube, khán giả Khoa Nguyễn bình luận: “‘Ngoài phần nhạc hay, ca từ ý nghĩa, bài hát tạo cảm giác hài hước khi Gonzo lồng vào phần bè tiếng anh nói: ‘Gọi bố mẹ đến đây’, ‘Thế ăn có quên không?'”. Ca sĩ JustaTee nhận xét ca khúc mang đến hình ảnh người thầy vừa sâu sắc, vừa ngạo nghễ. MC Trấn Thành cho biết anh ấn tượng với phần lời mang ý nghĩa của bài rap.

Hà Thu

Rate this post