Thảo và anh
Bước vào ngôi nhà nằm ở góc đường Phan Châu Trinh – Ngô Gia Tự (Ðà Nẵng), mọi ồn ào của phố xá chợt lắng lại. Bà Ðinh Thị Phương Thảo, vợ nhà văn Phan Tứ, tiếp tôi trong căn phòng chứa nhiều di vật của người chồng yêu dấu. Bà là con gái thứ 3 của một gia đình công chức của chính phủ Nam triều.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, gia đình bà rời Huế về Vinh. Năm 1955, gia đình tiếp tục chuyển ra Hà Nội. Bà và nhà văn Phan Tứ quen biết nhau khi là sinh viên Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Bà học lớp sử, ông học lớp văn. Ông là một cán bộ đi học sau khi đã có những tác phẩm được in thành sách.
Bà Đinh Thị Phương Thảo với dòng hồi tưởng về người chồng – nhà văn Phan Tứ
Họ quen nhau vào cuối năm thứ nhất qua sự mai mối của một người bạn cùng lớp. Tình cảm, sự chăm sóc của ông khiến bà cảm động và xao xuyến. Hai lớp đi lao động gặt lúa giúp dân, bà sức yếu gặt và gánh chỉ bằng 1/3 người khác. Ông ở lớp khác đang lao động cách mấy quãng đồng nhưng cố làm xong việc thật nhanh để chạy sang giúp bà gặt lúa và gánh lúa.
Cảm động nhất là khi bà đau ốm. Ông tất bật mua sữa, đường, cam, chuối, trứng cho bà. Ông vót tre, chế ra cái đánh trứng gà bồi dưỡng cho bà. Hằng ngày, ông bày thêm tiếng Nga cho bà. Ông học giỏi nổi tiếng ở Trường Tổng hợp. Các buổi tối rảnh rỗi, ông thường đạp xe chở bà đi chơi quanh Hà Nội. Nơi họ hay đến nhất là Vườn Bách Thảo. Họ ngồi bên một gốc cây chuyện trò. Có lúc ông nằm dài bên bà và hát cho bà nghe những ca khúc bằng tiếng Pháp. Bà Thảo nhớ lại, những lúc ấy khuôn mặt ông dưới ánh trăng tuyệt đẹp.
Sự bao bọc, yêu thương và những chia sẻ đã khiến hai người ngày càng khăng khít bên nhau. Nhưng dự định làm đám cưới của hai người sau khi tốt nghiệp dang dở khi ông được cấp trên điều vào làm nhiệm vụ ở chiến trường khu 5. Lúc ông thông báo quyết định vào Nam, bà cố giấu đi những giọt nước mắt để động viên ông lên đường. 5 năm xa cách, hai người ở hai nơi, hai hoàn cảnh sống khác biệt. Sợi dây duy nhất nối liền họ với nhau chính là những lá thư mỏng manh, vượt qua mưa bom, bão đạn. Những lá thư đã động viên họ, sống chiến đấu và gìn giữ tình yêu trong sáng, thủy chung.
Từ khi xa cách, tình yêu bà dành cho ông được nhân lên gấp bội. Bà cảm thấy mình cần phải chia sẻ và hy sinh nhiều hơn nữa cho người yêu nơi chiến trường. Bà chăm chú theo dõi tin tức từ miền Nam. Cái tính yếu đuối tiểu thư gần như biến mất. Bà biết ông mong muốn bà phải mạnh mẽ trước những thử thách. Bà viết thư động viên ông, hứa với ông rằng bà sẽ chờ đợi đến cùng. Nếu ông mất cánh tay, bà sẽ là cánh tay của ông. Nếu ông mất đôi mắt, bà sẽ là đôi mắt của ông và nếu ông mất đôi chân, bà sẽ là đôi chân của ông suốt đời. Những lá thư của bà là nguồn động viên vô tận. Nhật ký chiến trường của ông có nhiều trang dành cho bà với tình yêu nồng nàn.
Tháng 6 năm 1966, nhà văn Phan Tứ có mặt tại Hà Nội; tháng 11, họ làm đám cưới, một đám cưới đầm ấm, giản dị. Gần một năm sau, đứa con trai của họ ra đời. Nhà văn Phan Tứ vừa chữa bệnh vừa sáng tác. Ðây là thời gian ông tập trung viết tiểu thuyết Mẫn và tôi. Sự lãng mạn trong từng trang sách của ông có dấu ấn tình yêu nồng thắm mà ông dành cho người yêu trong những ngày xa cách…
Là người tình tuyệt vời, nhà văn Phan Tứ cũng là người chồng, người cha chu toàn, hết lòng vì gia đình. Bà Thảo nói từ khi yêu nhau đến khi thành vợ thành chồng, sống với nhau đến cuối đời, ông luôn xưng anh và gọi tên bà một cách âu yếm. “Thảo và anh” – câu nói thân thương của ông hãy còn vang mãi trong tâm hồn bà…
Yêu thương qua những trang nhật ký
28-4-1962
“Tôi đọc đi đọc lại, viết trả lời. Lại đọc lại thư và xem ảnh, giấu tất cả trong một quyển vở, làm bộ làm việc để tránh bị cười nhạo. Cảm thấy nóng ruột muốn cho anh em xem thư đầy tình cảm sôi nổi và ảnh nhưng còn đợi một lời yêu cầu cho có cớ. Tôi sẽ thức cả đêm để kể về tình yêu của mình nếu có ai muốn nghe. Giả vờ vô tình đưa cho xem ảnh, không cố ý. Tôi cũng không biết mình trẻ con đến thế”.
20-5-1962
“Ðêm qua đọc lại các thư của Thảo, cảm nhận lại ý vị của cuộc gặp gỡ tâm tình trong đêm trăng sáng ở Công viên Bảy Mẫu, nghe bên tai hơi thở ấm áp đi đôi giọng nói thầm thì của em. Một thoáng nhớ nhung trong cảnh lẻ loi và đau ốm. Sau khi đặt một cái hôn lên ảnh em, tôi cố gắng đi vào giấc ngủ”.
30-5-1962
“Tối qua nghỉ ngơi. Không hiểu sao tôi thấy rất cần đưa ảnh và thư của Thảo cho các đồng chí, cảm thấy tự hào vì có một người yêu chung thủy và yêu thương…”
Phan Tứ