Thầm lặng mà vĩ đại
(HNM) – Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 56 năm là một dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lớp lớp nhân dân đã lên đường ra trận dù cầm súng trực tiếp chiến đấu, hay làm dân công hỏa tuyến, tất cả đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Kỷ vật của người anh hùng
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Thiếu tướng Anh hùng LLVT nhân dân Lê Mã Lương cũng có riêng một kỷ vật thiêng liêng vô giá, đó là tấm ảnh đen trắng của người cha liệt sỹ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông bắt đầu câu chuyện bằng một niềm xúc động, tự hào: “Vào đầu năm 1954, bố tôi tranh thủ về thăm nhà, trước khi hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bố tôi ngồi trên chiếc võng đay, bế tôi (lúc đó mới 4-5 tuổi) trong lòng và nói chuyện chiến trường với bà con hàng xóm. Ngồi trong lòng cha, tôi ngủ thiếp lúc nào không hay và khi tỉnh dậy, cha tôi đã lên đường chiến đấu…”. Mấy tháng sau, cả nhà Lê Mã Lương hay tin người cha đã hy sinh trong trận tấn công đồi A1. Những kỷ niệm ngắn ngủi thời thơ ấu ấy đã luôn đi theo người anh hùng trong những năm tháng chiến tranh và suốt cuộc đời, cũng chính là động lực để Lê Mã Lương dũng cảm chiến đấu, trở thành một tấm gương tượng trưng cho sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Như có duyên nợ với đồng chí, đồng đội, khi chiến tranh kết thúc, Anh hùng Lê Mã Lương lại say mê với nghiệp làm bảo tàng. Ông lại có thêm cơ hội được gần gũi, gắn bó với nhân chứng, với những kỷ vật của một thời chiến tranh. Bằng trách nhiệm của thế hệ đi sau, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã dành không ít thời gian cùng đồng đội tổ chức sưu tầm các kỷ vật chiến tranh, làm sống dậy chiến công và sự hy sinh to lớn của lớp lớp những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Công việc thầm lặng và miệt mài của Thiếu tướng Lê Mã Lương cùng đồng đội đã được đền đáp, khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện đã có bộ sưu tập đồ sộ với trên 4.000 hiện vật quý của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có gần 3.000 hiện vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong các kỷ vật thiêng liêng đặc biệt có lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bác Hồ trao cho các đơn vị chiến thắng Điện Biên Phủ trong lễ mừng chiến thắng.
Và câu chuyện của một lão nông
Cứ những ngày tháng 5 lịch sử, ngôi nhà nhỏ của cô giáo Bình trong làng Nam Đồng lại đón một ông cụ tóc trắng như cước, chòm râu rung rinh và đôi mắt sáng quắc. Đó là ông Phạm Văn Ngật, ở quê Thanh Hóa ra chơi với con cháu. Ông cụ luôn chọn những ngày đầu tháng 5 để về Thủ đô gặp bạn xưa, cho trọn nghĩa vẹn tình với những người bạn đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với những người nông dân như ông Phạm Văn Ngật thì ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn tươi mới hào khí xung trận ngày nào. Ông Ngật đã ở tuổi 82, từng tham gia đội dân công hỏa tuyến vận chuyển xe thồ chở muối phục vụ Chiến dịch Điện Biên năm xưa. Ông kể: “Năm ấy nhà có chiếc xe đạp, tài sản lớn nhất của gia đình nhưng được Chính phủ huy động, chúng tôi cũng sẵn sàng. Vừa ăn Tết được mấy hôm, còn ít bánh chưng nên mang theo vài chiếc, đổ thêm mấy cân gạo vào “ruột tượng”, chúng tôi lên đường. Qua Dốc Giang, Phủ Đồi xuống Rịa là đến địa điểm nhận muối chở ra chiến trường. Tôi nhận một tạ mốt (110kg), mỗi người lĩnh thêm ít gạo, tự đóng hàng, chặt tre đóng ghế chống xe. Mỗi tốp được mượn thêm hai cái nồi để nấu ăn. Đêm đi, ngày nghỉ. Nơi nào rừng rậm thì đi cả ban ngày. Không biết người ở đâu ra mà nhiều thế! Bộ đội, dân công, cứ nườm nượp suốt ngày đêm. Vất vả nhưng tinh thần hồ hởi, sẵn sàng và khẩn trương lắm. Có khi xe nặng quá, lên dốc không được, thế là phải “tăng bo” từng chiếc một, bộ đội hành quân, thanh niên đang làm đường cùng xúm tay vào đẩy…”. Tuy tuổi già, việc nhớ, việc quên, nhưng ở những nơi đi qua trên đường ra chiến dịch như Dốc Má, Dốc Cun, ngã ba Chăm, Mai Châu, Tòng Đậu, Hát Lót… ông đều nhớ kỹ. Cùng với đó là nhiều chuyện thật cảm động về những món ăn, về tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, tình quân dân, nghĩa đồng bào và nhất là ý chí toàn dân đánh giặc…
56 năm qua đi, nhưng chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt, tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc, khẳng định bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam. Đây cũng chính là động lực để đất nước tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.