Thạch Lam – Nốt trầm văn chương nhẹ nhàng mà tinh tế

Tôi phải gọi Thạch Lam là người kể chuyện tài ba. Cách kể chuyện của ông lúc nào cũng mang một giọng điệu nhẹ nhàng, ý nhị mà vô cùng tinh tế. Bằng kinh nghiệm và vốn sống phong phú của mình, Thạch Lam thường chỉ viết về những gì mình đã từng nghe, từng thấy từng cảm và luôn coi trọng sự thành thật trong văn chương. “Không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó.” (Thế Lữ)

Thạch Lam – Nốt trầm văn chương nhẹ nhàng mà tinh tế

1. TIỂU SỬ, CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI THẠCH LAM

Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh sau đổi thành Nguyễn Tường Lân; quê ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương. Từ khi còn bé, ông theo mẹ và chị đến sống tại phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Có lẽ chính vì sớm tiếp xúc và gần gũi với những người dân phố huyện, tầng lớp bình dân mà ông đã thấu hiểu và thấm thía sâu sắc nỗi lòng của họ. Những hình ảnh người dân vất vả tần tảo.  Cuộc sống nghèo nàn đã được Thạch Lam khắc họa một cách sống động. Tuy mất sớm số lượng tác phẩm ông đã để lại cho kho tàng văn học dân tộc không nhiều nhưng nó đã ghi dấu ấn vô cùng sâu đậm trong lòng người đọc

Một số tác phẩm của Thạch Lam:

Gió lạnh đầu mùa (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)

Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1938)

Ngày mới (truyện dài, Nhà xuất bản Đời nay, 1939)

Theo giòng (bình luận văn học, Nhà xuất bản Đời nay, 1941)

Sợi tóc (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1942)

“Một thứ quà của lúa non: Cốm” (Hà Nội băm sáu phố phường, Nhà xuất bản đời nay, 1943)

Hà Nội băm sáu phố phường (Tùy bút, Nhà xuất bản Đời nay, 1943)

Hai truyện viết cho thiếu nhi: Quyển sách (1940), Hạt ngọc (1940)

Một số tác phẩm truyện ngắn của Thạch Lam

2. QUAN NIỆM VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG

Thạch Lam từng bày tỏ: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc dự thoát li hay sự quên. Trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn.” Coi trọng sự thành thực và lên án cái giả dối thế nên những tác phẩm của Thạch Lam thường đi sâu khám phá bên trong con người, dùng con người để thể hiện nên cốt truyện. Văn chương vốn dĩ bắt nguồn đời sống tinh thần và vật chất xung quanh con người. Chính vì thế, Thạch Lam cho rằng đối tượng của văn chương chính là cuộc đời qua sự quan sát, xét đoán, qua rung động của nhà văn.

Xung quanh đời sống con người, có rất nhiều điều làm cho nhà văn phải tìm tòi và khám phá. Mỗi nơi, mỗi sự vật hiện tượng đều ẩn chứa một vẻ đẹp tiềm tàng, ở những nơi không ai ngờ tới. Và “Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp ở chính chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức. (Một vài ý nghĩ). Đây quả là suy nghĩ của một nhà văn mang tâm hồn nhạy cảm, luôn thiết tha với cái đẹp, cái phát hiện và tiếp cảm bao cái đẹp cho bạn đọc cùng rung động.

Con người là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học. Vậy con người điều gì là quan trọng nhất. Đối với Thạch Lam đó chính là đời sống bên trong. Ông có biệt tài khám phá và đi sâu phân tích tâm lí nội tâm nhân vật. Truyện của ông thường không có cốt truyện, thông qua suy nghĩ và tính cách của nhân vật mà bộc lộ nên ý nghĩa.  “Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc” ông thường xót thương trước những mảnh đời vô danh, vô nghĩa trong xã hội cũ, cuộc sống nghèo khổ ăn không no, mặc không ấm, những kiếp người tàn.. Người ta gọi Thạch Lam là nhà văn của tầng lớp bình dân nghèo khổ, bất hạnh cũng là vì lí do đó. Ngoài ra ông còn có tấm lòng nâng đỡ bao vẻ đẹp đáng quý ở con người khi qua những tác phẩm của mình, ông thể hiện niềm trân trọng đối với những ước mơ, khát vọng vươn đến những điều tốt đẹp của họ, cho dù nó vô cùng mong manh, nhỏ bé.

Mượn lời kết của Sách Văn học Việt Nam (Trần Đăng Suyền – Lê Quang Hưng) để đánh giá về Thạch Lam như sau: Con người và văn chương Thạch Lam dễ khiến người ta yêu, người ta mến.

Sống một cuộc đời không dài, có mặt trên văn đang cũng chỉ chừng bảy, tám năm, số lượng tác phẩm để lại cho đời cũng không nhiều thế nhưng Thạch Lam là một gương mặt không thể lẫn, không thể quên trong lịch sử văn chương dân tộc. Thuần hậu, trong sáng, man mác chất trữ tình, đồng thời một số tác phẩm của Thạch Lam cũng đậm tính hiện thực. Dường như thời gian càng lùi xa, người ta càng trân trọng Thạc Lam, càng quý những gì nhà văn này để lại cho đời. Bước vào thế giới nghệ thuật của Thạch Lam ta như được ở trong một khu vườn râm mát có ánh nắng dịu dàng và thoang thoảng hương hoàng lan. Tác phẩm Thạch Lam là nơi bảo lưu một phần vẻ đẹp, một phần tâm hồn dân tộc – điều mà giữa thời buổi kinh tế toàn cầu, kinh tế thị trường này chúng ta càng thiết tha níu giữ. Nó giúp ta lắng lại, tự thanh lọc tâm hồn giữa dòng đời ồn ã, bon chen. Phải chăng đó là nguyên nhân sâu xa khiến tác phẩm của nhà văn này vẫn sống, vẫn tiếp tục đồng hành với các thế hệ sau trên con đường đi tới tương lai.

Viết bởi Đặng Vũ Quỳnh Như

Rate this post