Tạ Duy Anh: Cơn gió lạ thổi trên miền văn chương – Revelogue
Nhà văn Tạ Duy Anh hẳn không còn là cái tên xa lạ với những người yêu văn chương, bởi cùng với những tác giả như Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh là một trong những cây bút có tiếng tăm trên văn đàn Việt Nam đương đại.
Trong suốt nhiều thập kỉ qua, nhà văn Tạ Duy Anh vẫn luôn cần mẫn cày bừa trên thửa ruộng muôn thuở của văn chương, để ươm mầm những hạt giống của sự đẹp đẽ và mới mẻ cho nền nghệ thuật nước nhà.
Tạ Duy Anh mang bóng dáng dung dị của văn học Việt
Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Việt Đăng, sinh năm 1959 tại Chương Mỹ, Hà Tây. Một quãng đời trai trẻ của nhà văn gắn với con sông Đà hùng vĩ khi ông từng làm cán bộ kiểm tra bê tông ở nhà máy thủy điện Hòa Bình. Sau đó, tác giả theo học tại trường viết văn Nguyễn Du và được giữ lại làm giảng viên.
Trong suốt sự nghiệp viết lách của mình, Tạ Duy Anh đã để lại cho nền văn học một số lượng lớn tác phẩm với khoảng hai mươi tập truyện, một tập tản văn và một vài tiểu thuyết. Các tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến như Bến thời gian, Bố cục hoàn hảo, Ngày hội cuối cùng, Quả trứng vàng, Ba đào ký, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối, Những truyện không phải trong mờ, Bàn tay vô hình, Vó ngựa trở về và Con dế ma.
Trong đó, truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi đã được đưa vào chương trình giảng dạy cấp Trung học cơ sở của nước ta, tác phẩm được in trong tập truyện ngắn Con dế ma.
Thế nhưng điều cốt yếu làm nên tên tuổi Tạ Duy Anh trong lòng độc giả không phải là số lượng tác phẩm mà là cảm xúc và tư tưởng mà ông gửi gắm thông qua những tác phẩm ấy.
Khác với hình ảnh giản dị bề ngoài của mình, ngòi bút của tác giả lại vô cùng gai góc, đi sâu vào từng ngóc ngách xấu xí của xã hội. Một số tác phẩm của nhà văn thậm chí đã bị cấm xuất bản như tác phẩm Đi tìm nhân vật và gần đây nhất là Mối Chúa.
Vậy nhưng cảm hứng nghệ thuật của Tạ Duy Anh chưa bao giờ vì thế mà thôi thổn thức và ông cũng chưa từng cảm thấy mệt mỏi với nghề viết.
Chưa bao giờ điều kiện ngoại cảnh tác động được vào đam mê sáng tác của tôi và thứ tư tưởng nghệ thuật mà tôi theo đuổi. Cách đây gần 40 năm, chúng tôi đói vàng mắt, ghế không có phải viết đứng, bàn là tấm gỗ đặt trên một cái giá dành cho thợ hàn, nhưng tôi vẫn viết ngày này sang ngày khác. Không gì ngăn cản được tôi làm điều mình thích, khi tôi tin đó là thứ công việc lương thiện. Tôi đã có kinh nghiệm để thoát ra khỏi mọi sự ồn ào khiến tâm trí mình xáo trộn, thậm chí không cẩn thận sẽ hoảng loạn, phát điên… như tôi từng thấy ở một số người.
– Tạ Duy Anh
Chính tình yêu với nghề viết đã giữ nhà văn lại, tiếp nối những dòng văn đầy trăn trở nhưng cũng đầy tính nhân văn. Ở từng trang sách, độc giả không chỉ cảm thấy tấm lòng son sắt của Tạ Duy Anh với văn chương mà còn thấu cảm cho những băn khoăn về cuộc đời mà ông đặt lên từng con chữ.
Những dòng văn chưa bao giờ thôi trăn trở của Tạ Duy Anh
Vào những năm 1980, khi toàn xã hội đang trở mình bước sang một trang mới, có nhiều tác giả và tác phẩm trở nên nổi tiếng thì Tạ Duy Anh chính là một trong số những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học lúc bấy giờ.
Với truyện ngắn Bước qua lời nguyền, tên tuổi của Tạ Duy Anh đã bắt đầu xây dựng được chỗ đứng trong lòng độc giả.
Trên phông nền làng quê nông thôn Việt Nam thời kì đổi mới, nhà văn đã vẽ nên một bức họa về hận thù và tình yêu trải dài qua nhiều thế hệ. Những nhân vật của Tạ Duy Anh luôn khắc khoải và đắn đo trước những ngã rẽ của cuộc đời, bởi mỗi sự lựa chọn đưa ra đều phải đánh đổi bằng mất mát và khổ đau.
“Nhưng càng tỉnh táo tôi càng như bị ném vào tình thế phải che chắn tứ bề. Sẽ ứng xử ra sao cho ba vuông bảy tròn giữa những con người cứng đờ vì thiên kiến. Cuộc đời chiến sĩ chỉ dạy tôi điều đơn giản, nếu kẻ thù ở hướng nào thì phải quay súng về hướng ấy. Còn nếu nó ở bốn phía thì chính mình phải nổ tung! Trong trường hợp này, quá lắm tôi cũng chỉ đến mức – như mười năm trước – gào to lên lời nguyền rủa độc địa cho cái mảnh đất đầy thù hận này chìm lãng đi.”
-Bước qua lời nguyền
Không bao giờ ông để cho nội tâm nhân vật của mình được bình lặng bởi nhà văn luôn đặt họ vào những tình thế éo le, sống còn.
Người đọc nhiều khi sẽ thấy vô lí bởi những hoàn cảnh trong truyện sao mà thảm thương, khốn khổ đến thế, rồi lại tò mò và ngây ngất xem bằng cách nào ngòi bút của nhà văn đưa các nhân vật đến tột cùng của tuyệt vọng, sau đó cứu vớt họ trên bờ vực của cuộc sống.
Chính vì lẽ đó mà độc giả vẫn luôn say mê câu chuyện thấm đẫm phong vị làng quê Việt và bị thu hút bởi những đoạn tình cảm nghiệt ngã bước ra từ trang văn của Tạ Duy Anh. Bởi bằng tài năng và cái tâm trong sạch của người cầm bút, tác giả đã dày công nhào nặn hiện thực để cuộc đời hiện ra bi thương nhất mà cũng chân thực nhất.
Tôi phát hiện ra rằng thứ hấp dẫn trong chín mươi phần trăm số sách đó là những mô tả đời sống xã hội, chỉ có mười phần trăm lôi cuốn bằng nghệ thuật. Chúng ta đọc vì hiếu kì về thời chúng ta không biết, hơn là để học kinh nghiệm viết lách hay cảm thụ vẻ đẹp hoặc hấp thụ tư tưởng nào đó.
– Tạ Duy Anh
Độc giả tìm tới văn Tạ Duy Anh để được thấy cuộc đời hiện ra muôn màu muôn vẻ dưới ngòi bút của tác giả. Nhưng rồi sau tất cả những trớ trêu của số phận mà nhà văn bày ra trong những tác phẩm của mình, ta vẫn thấy le lói ánh sáng của tình yêu và tình người cao cả.
Trái tim hướng thiện tràn đầy rung cảm
Dù gai góc và trần trụi nhưng Tạ Duy Anh không hề để tình yêu và tình thương chết yểu trên những trang văn của ông. Nhà văn luôn tâm niệm về thiên chức cao quý của nghề viết và luôn để sứ mệnh bài trừ cái xấu, cái ác làm kim chỉ nam cho ngòi bút của mình.
Tự tôi đặt cho mình sứ mệnh phải viết, để cho cái ác nếu không biến mất thì cũng vì những trang viết của tôi mà mỗi ngày ít đi một chút, một chút, như những hạt bụi.
– Tạ Duy Anh
Ông luôn cho rằng:
Nhà văn hiện tồn là để cảnh tỉnh nhân loại và báo trước những tai họa. Tôi vẫn đang viết bằng cái nghĩa vụ ấy.
Những trăn trở của nhà văn không chỉ là của riêng ông mà là những băn khoăn của một thế hệ trong xã hội mà ở đó Thiện và Ác luôn tranh giành từng chút một để chiếm lấy tâm hồn của con người. Hẳn vì lẽ đó mà nhà văn trân trọng tình cảm như một cách để cứu cánh linh hồn của các nhân vật khỏi những xấu xa tai hại.
“Cậu và tôi… và những mùa vàng rực nắng, chúng ta cùng là con đẻ của một cuộc đời không thù hận.”
– Bước qua lời nguyền
Văn của ông giúp ta thức tỉnh để yêu thương và đồng cảm cũng như khiến cho con người ta biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn.
Những câu chuyện tình say đắm bay bổng hiện lên qua những tác phẩm của Tạ Duy Anh cũng khiến độc giả không khỏi thổn thức. Lối văn uyển chuyển khi u ám sầu bi khi lại đong đầy yêu thương như vậy quả thực không hề dễ viết.
Có thể trong cuộc sống tôi chừng mực, nhưng khi viết tôi có quyền khao khát nhiều hơn thế, nếu trong con người anh không còn những khao khát, nhất là khao khát tình yêu thì anh làm sao viết được nữa.
– Tạ Duy Anh
Nghệ thuật là học cách trân quý từng giây phút cuộc đời dù hạnh phúc hay lầm than, là biết nhìn thế giới qua đôi mắt tỉnh táo mà vẫn tràn đầy hi vọng lẫn thương yêu.
Không những thế, nghệ thuật trong trang viết của Tạ Duy Anh còn là sự tỉ mỉ trong từng con chữ để gửi tới người đọc những tinh hoa của tâm hồn nhà văn, như ông đã từng chia sẻ:
Tôi đã bắt chước thái độ kính cẩn của mẹ tôi lúc bà ngồi lựa từng hạt gạo làm bánh biếu khi chọn in tập sách nhỏ này. Hy vọng nó đáng giá như một chút quà đáp lễ của tôi cho tất cả những ai còn thích thú với việc đọc sách.
Dù mỗi lần ra tác phẩm là một lần làm xôn xao văn đàn, thậm chí có những tác phẩm bị cấm phát hành vì lối viết quá đỗi gai góc song Tạ Duy Anh vẫn luôn chọn một con đường khảng khái mà đầy dung dị, độc đáo mà luôn sẵn sàng hòa nhập và tìm ra cái mới.
Chính vì vậy mà tên tuổi nhà văn đã mạnh mẽ, tràn đầy sức sống để nổi danh trên văn đàn nhiều thập kỉ qua.
Tạ Duy Anh không chỉ dừng lại ở một tác phẩm thành công mà còn không ngừng khẳng định sức hút ở ở những tác phẩm về sau và người đọc vẫn mãi được cuốn theo những dòng văn đầy tính nhân văn của tác giả.
Tuệ Anh