TRANH SƠN MÀI TRẦN VĂN CẨN

      Vẽ là người. Điều đó rất dễ nhận ra ở các tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Trải dài nửa thế kỷ, con đường nghệ thuật mà họa sĩ Trần Văn Cẩn bước đi, có lẽ cũng giống với nhiều người. Nghệ thuật của ông không có những lối rẽ bắt ngờ, những “tuyên ngôn” đột khởi, những khai phá mới lạ, những sự kiện náo nhiệt….Tác phẩm của ông như những hạt phù sa, cứ dần dà, cứ nho nhỏ như thế, nhưng qua tháng, qua ngày nó đã lặng lẽ đi vào lòng công chúng với một tình cảm dịu nhẹ, hồn nhiên…

      Trần Văn Cẩn là một tài năng hiền hậu. Nghệ thuật của ông được tình cảm cách mạng bồi đắp, được hiện thực đấu tranh làm cho phong phú và lại trở về với đông đảo công chúng. Sự “nhận và trả” là một ý thức trong nghệ thuật của ông. Cho tới bây giờ, trước sau, ông cũng vẫn là một nhà thơ trong hội họa. Ông viết những bài thơ trữ tình bằng tranh, một cách dung dị và thoải mái. Xem những “bài thơ” ấy, ta như được lắng nghe một giọng nói thầm thì, hồn nhiên, ca ngợi vẻ đẹp kin đáo và tế nhị của cuộc đời, trên nền một hiện thực hào hùng, khắc nghiệt mà vẫn tươi mát…

      Tác phẩm Gội đầu – Họa sỹ Trần Văn Cẩn

     Họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ bằng nhiều chất liệu: mầu dầu, Sơn mài, lụa, khắc gỗ, mầu bột, mầu nước, chì than… với chất liệu nào, ông cũng có những thành công và đề lại những tác phầm tiêu biểu. Người ta thường nhắc đến những bức: Em Thúy, Nữ dân quân vùng biển, Thiếu nữ áo trắng, Công nhân lò (sơn dầu); Hai cô gái trước bình phong, Con đọc bầm nghe, Lò đúc lưỡi cày (lụa); Gội đầu (khắc gỗ), Lão dân quân (mầu nước); Công nhân chữa cầu, Phố ở Bắc Giang, Phố Huống (chì màu) và Tát nước đồng chiêm, Mùa đông sắp đến, Thằng cu đất mỏ, Mưa mai trên sông Kiến (Sơn mài) của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Tất cả những tác phẩm này đều có trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

      Tuy khả năng sử dụng các chất liệu của ông thật phong phú, nhưng riêng trong chất liệu Sơn mài, ông đã dành nhiều công sức tìm tòi, thể nghiệm và có nhiều đóng góp nhất trong toàn bộ tác phầm của ông cho nền mỹ thuật Việt nam hiện đại. Hai bức được vẽ trước Cách mạng Tháng Tám khi mà kỹ thuật Sơn mài còn thô sơ, bảng mầu còn nghèo nàn, và 6 bức được vẽ sau ngày hòa bình lập lại 1954.

      Đối với Trần Văn Cẩn qua mỗi tác phẩm Sơn mài, ông muốn đem lại một khía cạnh mới mẻ cho nghệ thuật độc đáo này. Ông không đề rơi vào tình trạng trùng lặp mà muốn thể nghiệm làm phong phú thêm cho ngôn ngữ Sơn mài. Theo ông, mỗi chất liệu đều có ngôn ngữ riêng, có cách diễn đạt riêng và chính chất liệu quy định về cách vẽ, kỹ thuật vẽ. Cùng bố cục ấy, màu sắc ấy, có thể rất thành công ở chất liệu sơn dầu nhưng có khi lại kém cỏi, mờ nhạt nếu chuyển sang Sơn mài, hoặc lụa… Chỗ yếu của nhiều tác giả đã dẫn đến tình trạng lúng túng hoặc không thành công bởi chưa nắm được một cách sâu sắc ngồn ngữ của từng chất liệu. Họa sĩ Trần Văn Cẩn muốn tìm và khai thác sâu đặc điểm của kỹ thuật Sơn mài để hoàn thiện ngôn ngữ của chất liệu đặc biệt dân tộc này. Ông muốn Sơn mài vừa có tính chất trang trí trong một hiện thực ít nhiều ước lệ, vừa có khả năng tạo không khí sâu sắc, phong phú của sơn dầu mà vẫn tôn trọng tối đa vẻ đẹp lộng lẫy, huyền ảo, sâu lắng do màu sắc và kỹ thuật mài đem lại. Ở tác phẩm Sơn mài đầu tay và là bài thi tốt nghiệp Vinh quy kỹ thuật Sơn mài của ông còn chưa có gì đáng nói. Tuy đã thoát ly được lối vẽ trang trí trên khay, tráp của Sơn ta truyền thống nhưng lối diễn đạt còn dè dặt. Chính vì thế mà tất cả các nhân vật khung cảnh, được bố cục theo lối bình phong, đều phải tuân theo hoàn toàn lối vẽ trang trí không diễn khối. Sự thành công của tác phẩm Trong vườn vẽ vào những năm sau đã đem đến cho kỹ thuật Sơn mài một tiếng nói mới. Từ Trong vườn đến Tát nước đồng chiêm là cả một khoảng thời gian dài 20 năm với biết bao biến động trong lịch sử dân tộc và trong đời sống riêng của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Có lẽ do những hạn chế về khả năng diễn tả của chất liệu này và cũng do thiếu hoàn cảnh thuận lợi, mà suốt trong hai chục năm (1938 – 1958) họa sĩ Trần Văn Cẩn không vẽ tranh Sơn mài. Nhưng Sơn mài vẫn được thể nghiệm và vẫn phát triển. Giữa rừng Việt Bắc, trong xưởng họa kháng chiến, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tìm ra màu xanh lục cho Sơn mài. Họa sĩ Tô Ngọc Vân hoàn thành tác phẩm Sơn mài đầu tiên Bộ đội dừng chân trên đồi. Họa sĩ Sỹ Ngọc cũng cho xuất xưởng bức Sơn mài Cái bát

Tác phẩm Tát nước đồng chiêm – Họa sỹ Trần Văn Cẩn

      Thừa hưởng thành quả chung của kỹ thuật Sơn mài và với những kinh nghiệm của mình, họa sỹ Trần Văn Cẩn bắt tay vào xây dựng tác phẩm Tát nước đồng chiêm. Trên cơ sở những tài liệu ghi chép được ở vùng quề Xuân Thượng – tỉnh Hà Nam Ninh, ông đã nhiều lần thể hiện nó bằng sơn dầu, là sở trường của mình, nhưng ông thấy không thể đạt đến những điều muốn diễn tả, và thế là ông nghĩ đến chất liệu Sơn mài. Ở Tát nước đồng chiêm ông muốn kết hợp lối vẽ trang trí trong sơn truyền thống và lối diễn khối, tạo không khí của sơn dầu, nhằm làm cho khả năng biều hiện của Sơn mài phong phú, phát huy đến mức tối đa những gì mà nó có thể đạt đến.

       Chính ý đồ đó đã quy định cho ông, đã giúp ông tìm thấy một cách xử lý tốt nhất trong bố cục và tạo dáng nhân vật. Sự thành công của tác phẩm này đã được thời gian và công chúng ghi nhận nhưng có lẽ sự đóng góp nổi bật nhất trong tác phầm là ông đã tìm được nhịp điệu thích hợp trong sự liên hệ giữa các nhân vật, ở chất liệu Sơn mài. Nếu như ở Tát nước đồng chiêm ông đã tìm thấy nhịp điệu để tạo nên vẻ đẹp đầy chất thơ trong diễn tả công việc nặng nhọc bao đời của người nông dân Việt Nam, thì ở Mùa đông sắp đến hoàn thành hai năm sau đó, ông lại muốn thể nghiệm kỹ thuật tả chất của vỏ trứng trong Sơn mài. Vỏ trứng, từ một nguyên liệu dùng trong trang trí hàng mỹ nghệ đã du nhập và cộng hưởng vào kỹ thuật hội họa Sơn mài từ trước cách mạng tháng Tám. Các họa sĩ sử dụng vỏ trứng như một loại màu trắng trung tính, không rừng rực, bóng chói như vàng, không cứng rắn và đanh như màu sáng của bạc. Nhưng sử dụng vỏ trứng đề sáng tác tranh nếu không có thẩm mỹ tốt, lại thiếu kỹ thuật già dặn, thì rất dễ bị rơi vào trang trí mỹ nghệ.

       Trước cách mạng tháng Tám, trong tác phẩm Sơn mài trang trí Mùa hạ về năm 1940, họa sĩ Nguyễn Khang đã gắn vỏ trứng lên hầu hết lá và hoa sen, kể cả chú ếch ngồi trên lá sen. Có trứng được phủ mầu cánh dán dày, mỏng, tạo đậm nhạt xa gần, nhưng kỹ thuật sử dụng vỏ trứng để tả chất chưa thật khéo, còn cứng và cũng còn khó phân biệt giữa chất của cánh hoa, của lá và của chú ếch…

       Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã gắn vỏ trứng đến mức tối đa trong tác phẩm Thiếu nữ và biển vẽ năm 1943. Ông trình bày bốn cô gái mặc áo dài, có cô khỏa thân, trên nền sơn đen nhưng ông vẫn chưa làm chủ được chất liệu. Toàn bộ tác phẩm là một mầu trắng của vỏ trứng dàn phẳng với những nét đen phóng khoáng khuôn tả hình nhân vật. Vỏ trứng mới chỉ dừng lại ở mức độ đó trong tác phẩm. Trong Mùa đông sắp đến, vỏ trứng đã chiếm tới hơn một nửa diện tích của tác phẩm và được dùng để diễn tả chất ở các cung bậc thật xa nhau. Rắn rỏi như nền gạch, bức tường, tha thướt như tà áo dài và mỏng mảnh như đóa phù dung!

       Mùa đông sắp đến nghiêng về trang trí nhưng vẫn phảng phất lối tạo không khí của cách vẽ sơn dầu. Đó chính là chỗ đòi hỏi tác giả phải có kỹ thuật xử lý vỏ trứng ăn nhập một cách nhuần nhuyễn và nhất quán với toàn bộ bức tranh. Tác giả đã hoàn toàn có ý thức khi làm vụn vỏ trứng để tạo nên đường viền, tạo nên mảng vỡ to nhỏ khác nhau để phù hợp trong tả chất. Chẳng hạn mảng tường được gắn những mảng vỏ trứng to, còn tà áo dài lại được dùng vỏ trứng có độ vỡ nhỏ hơn Nhưng, ngay trong khi diễn tả tà áo dài, ở những chỗ khuôn theo đường cong và khối của eo lung, nách… vỏ trứng được làm vỡ vụn hơn nhằm tạo khối và gây cảm giác mềm mại. Ông đặc biệt chú ý đến đường viền của đối tượng diễn tả để gây cảm giác khác nhau tùy theo vật theo. Đường viền của những viên gạch lát nền được ông gò thật thẳng và sắc cạnh, đường viền của tà áo dài lại mềm mại còn mảng tường thì tuy là những đường thẳng nhưng ông có vẻ không cố ý gì cho thật “nét” , và cuối cùng là kỹ thuật phủ mầu.

       Kết hợp giữa cách tạo các mảnh vỡ của vỏ trứng, ghép theo đường viền và toát màu chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ thưa chỗ dày, chỗ thì chấm mầu, chỗ lại phủ mầu đều, mà ông đã sai khiến được vỏ trứng vốn không thề hòa tan với son – hòa nhập vào tranh phục vụ được chủ đích mà ông muốn diễn đạt. Chính màu trắng của vỏ trứng đã làm tăng độ sáng dịu nhẹ, làm cho tác phẩm trở nên lộng lẫy một cách kín đáo và như bùng lên cái ánh nắng rất mỏng và rất gợi cảm của mùa thu mà tác giả định diễn đạt.

       Trong tác phẩm Mưa mai trên sông Kiền ông lại muốn chuyển sang tìm một hòa sắc xanh, lạnh và vẽ chân dung trong sơn mài. Nhìn lại những tác phẩm Sơn mài trước đó, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã dùng hài hòa đỏ và nâu để làm mầu chung cho tác phẩm và ông cũng chưa có dịp diễn tả những động dung trên gương mặt của nhân vật. Mượn khung cảnh một buổi sáng mưa nhẹ dễ bề thực hiện ý đồ, tranh của ông đã chuyền sang một mẫu xanh cây đậm. Nhưng thành công của tác phẩm này không nằm trong nhiều khía cạnh dùng màu mà dừng ở diễn tả nhân vật. Nhìn bức tranh này, ta liên tưởng đến Cha con, một tác phẩm lụa ông vẽ vào năm 1935. Cũng hai nhân vật một già, một trẻ, nhưng Mưa mai trên sông Kiền nhân vật được trình bày trong khung cảnh cụ thể. Chính khung cảnh đã là những âm thanh trong bản nhạc không lời đầy tình cảm, vang lên một cách trầm lắng trên gương mặt ông lão dân quân lái đò và cô du kích trẻ.

       Tìm kiếm nhịp điệu, hòa sắc, kỹ thuật diễn đạt… ông muốn hoàn thiện một lối vẽ Sơn mài của riêng mình, nhưng theo ông Sơn mài là một chất liệu mà ta chưa khai thác dược nhiều để có được những tác phẩm thật sâu sắc. Sự thành công của Sơn mài nhiều khi phần quan trọng lại nằm ngay ở kỹ thuật mài và sự hiện ra tình cờ của vẻ đẹp mà họa sĩ không thể nào đoán định được trước. Bởi vậy, ông đã thực hiện tất cả khâu kỹ thuật, kể từ khi bắt tay vào vẽ nét lên “tấm vóc” trong việc hoàn thành các tác phẩm Sơn mài của mình.

       Có lẽ, lối vẽ tinh tế, trau chuốt và có phần hơi chi tiết và thiên về trang trí của ông thích hợp với Sơn mài nên hầu như tất cả các tác phầm có chủ đề rộng (so với chính các tác phẩm của ông), ông đều đã thể hiện, hoặc dự định thể hiện bằng Sơn mài. Nhiều phác thảo Sơn mài như Lúa về, Làm thủy lợi ở Đắc Uy đã ra mắt công chúng nhiều năm nay đang được ông thực hiện. Và, cả các tác phẩm sơn dầu khá hoàn chỉnh Một buôn ở Tây Nguyên (triển lãm Mỹ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V 1982) cũng được ông đưa vào kế hoạch thể hiện Sơn mài.

       Mối tình của họa sỹ Trần Văn Cẩn đối với nghệ thuật Sơn mài đã tròn nửa thế kỷ. Trong suốt 50 năm ấy, với những tìm tòi, thể nghiệm của mình ông đã hoàn thành nhiều tác  phầm xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật Sơn mài Việt Nam, không những ở số lượng tác phẩm, chất lượng nghệ thuật mà còn ở ngay trong những bước khai thác kỹ thuật của chất liệu dân tộc độc đáo này. Mối tình ấy của ông vẫn bền bỉ và càng ngày càng đậm đà, càng sâu lắng trong nhiều dự định của ông.

#TriềuDương

Rate this post