THUY KHUE

Thụy Khuê

Nói chuyện với
Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu Thân ở Huế
(RFI, 12 tháng 7, 1997)
 

Thụy Khuê: Thưa anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, đây là
lần đầu tiên anh đến Pháp? Lý do gì đã khiến anh được đi? Xin anh cho biết cảm
tưởng của anh.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đúng là lần đầu tiên tôi tới
Pháp. Tôi sang Pháp qua cửa ngõ của nước Đức, ở đấy tôi đã nhận được sự bảo trợ
của hiệp hội Schmitz Stiftung để đi dự tuần Việt Nam của tổ chức “Chung Một Thế
Giới” ở thành phố Freiberg. Tiếp theo tôi đi dự hội thảo Euro-Việt III tại
Amsterdam. Và sau đó tôi sang Pháp chơi. Ấn tượng mạnh nhất của tôi sau gần một
tháng lãng du bên Tây là như thế này: Trước mắt tôi là một cuốn sách mà tưởng
chừng như tôi đã biết hết mọi cái ở trong đó, nhưng chính lúc này tôi lại đang
giở ra những trang đầu. Cuốn sách đó tên gọi là Châu Âu.
 

TK: Thưa anh, nhân dịp này xin hỏi anh một vài vấn đề
liên quan đến biến cố Mậu Thân ở Huế mà từ bao nhiêu năm nay, anh đã bị một số
dư luận xem như anh có dính líu vào, hoặc anh là một trong những “thủ phạm” vụ
Mậu Thân. Trước hết, xin anh cho biết: Mọi việc thực sự đã xẩy ra như thế nào?
HPNT: Hàng chục năm nay, mỗi năm cứ tới dịp 30
tháng 4, hoặc dịp Tết thì nhiều tờ báo hải ngoại lại đưa tên tôi ra làm con vật
tế thần, bằng cách nói đi nói lại, y như thật, rằng tôi là một tên đồ tể Mậu
Thân ở Huế. Thực ra thì đó là một sự bịa đặt, mang ý định vu khống hoàn toàn.
Sự thực là tôi đã từ giã Huế lên rừng tham gia kháng chiến vào mùa hè năm 1966,
và chỉ trở lại Huế sau ngày 26 tháng 3 năm 1975. Như thế nghĩa là trong thời
điểm Mậu Thân 1968, tôi không có mặt ở Huế.
Sau năm 1975, ít ra là đã có ba tài liệu sau đây xác nhận rằng tôi không có mặt
ở Huế hồi Mậu Thân:
1. Nhiều người hay nhớ lõm bõm bài trả lời phỏng vấn của anh Lê Văn Hảo trên
báo Quê Mẹ, xuất bản ở Paris, để buộc tội tôi. Thực ra thì trong bài này, tôi
đã đọc kỹ, thấy anh Hảo nói rất đúng rằng, hồi Tết Mậu Thân, cả anh Hảo và tôi
đều đang ở trên một vùng núi, cách xa Huế gần 50 cây số, và không hề có chuyện
tôi về Huế để giết người.
2. Bài viết của anh Đặng Tiến đăng trên báo Thông Luận, Paris, trong đó Đặng
Tiến dẫn chứng nhiều nguồn tư liệu đã công bố ở trong nước, do nhiều nhân vật
khác nhau cung cấp, bác bỏ những lời lẽ xảo ngôn lệnh sắc trên báo Thông Luận
buộc tội tôi về chuyện giết người ở Huế trong năm Mậu Thân.
3. Trong cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế, của Nhã Ca in sau biến cố Mậu Thân, tác giả
cũng nói rằng: Phủ (tức là tôi), không về Huế, và nếu có về thì chắc cũng không
giết người. Tôi thành thật cảm ơn chị Nhã Ca đã dành cho tôi điều nhìn nhận
khách quan rất quan trọng này, dù trong cảnh tượng máu lửa hỗn quan hỗn quân
của Huế Mậu Thân.
Đã không có mặt ở Huế thì làm sao tôi -Hoàng Phủ Ngọc Tường- lại có thể làm cái
việc ghê gớm gọi là “đồ tể” Mậu Thân ở Huế được?

TK: Như vậy thì anh đã làm gì trong thời gian Tết Mậu
Thân? Anh ở đâu? Anh làm những chức vụ gì?
HPNT: Có một tổ chức chính trị của các lực lượng
đấu tranh của phong trào Huế ra đời trong bối cảnh xuân Mậu Thân, ấy là Liên
Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế, do anh Lê Văn Hảo
làm Chủ tịch, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi làm Phó chủ tịch.
Với tư cách Tổng thư ký, tôi luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên để làm
công tác chính trị của Liên Minh, tuyệt nhiên không dính líu gì đến chuyện
nhúng tay vào máu ở Huế. Trụ sở chiến dịch của Liên Minh là một địa đạo Trường
Sơn, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Trụ sở này, đã được mô tả đầy
đủ trên báo Lao Động, ở trong nước cách đây hai tháng.

TK: Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt
được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào?
HPNT: Huế Mậu Thân đã xẩy ra cách đây gần 30 năm.
Sách vở, tài liệu đã được công bố từ nhiều phía của cuộc chiến, khá đầy đủ, có
thể làm cơ sở cho những phân tích khoa học để giải phẫu một cuộc chiến mà thật
ra, không thể đơn giản tách riêng ra trong biến cố Mậu Thân. Điều quan trọng
còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và
trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc
thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan
của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể
nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến
tranh cách mạng.
Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ, từ phía những người lãnh
đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải một chính sách toàn cục của
cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xẩy ra ở những
địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình
trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy.

TK: Vậy, theo anh, ai trách nhiệm những thảm sát ở Huế?
HPNT: Tôi không đủ thẩm quyền để phán xét bất cứ
cá nhân nào. Xin trích dẫn theo trí nhớ một ý tưởng trong hồi ký của chính ông
Lê Minh, tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân: Dù bởi lý do nào đi nữa, thì trách
nhiệm vẫn thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân, trước hết là trách
nhiệm của tôi. Qua bài hồi ký tâm huyết này, đã được công bố trên tạp chí Sông
Hương, Huế, và sau đó, nếu tôi không nhớ lầm, đã được dịch và in toàn bộ trên
báo Mỹ Newsweek, tác giả, Lê Minh (lúc đó đã nghỉ hưu), còn nhắc nhở rằng, điều
quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở
Huế, phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân,
trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân
của họ.

TK: Ngoài ra anh còn “được” hay “bị” là nhân vật của
nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác. Tường trong
tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác và anh, có chỗ
nào giống nhau? Chỗ nào khác nhau?
HPNT: Có lẽ chỉ giống nhau ở cái nốt ruồi ở góc
cằm, như Nguyễn Mộng Giác đã lưu ý độc giả vào cuối bộ sách. Ngoài ra thì không
nên nói đến một sự giống hoặc khác nhau nào giữa một nhân vật hư cấu trong tiểu
thuyết và một con người thực đang sống ở ngoài đời là tôi. Nhưng có điều khác
nhau rất quan trọng là: Tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì không có mặt trong Mậu
Thân ở Huế như nhân vật trong tiểu thuyết của anh Nguyễn Mộng Giác. Và tôi cũng
chưa bao giờ biết làm công việc của một tên chỉ điểm hèn hạ để hại bạn như là
cái thằng Tường trong sách của anh Giác.
À mà anh Nguyễn Mộng Giác này, chán chi tên mà tại sao anh lại lấy tên tôi để
đặt cho cái nhân vật khốn khổ tội nghiệp của anh, khiến những kẻ độc miệng cứ
nhè vào tôi mà vu khống, mà nguyền rủa mãi như vậy? Nếu nhân vật trong Mùa Biển
Động của Nguyễn Mộng Giác mang một cái tên nào khác, thí dụ như Vách, Phên
chẳng hạn, chắc chắn là không có gì dính líu tới Tường này cả.

TK: Anh nghĩ sao về Giải Khăn Sô Cho Huế của chị Nhã Ca?
HPNT: Dù có một số sự việc không đúng sự thực, do
có hoặc không có dụng ý của tác giả, Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi, vẫn là
một bút ký hay, viết về Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại, tôi vẫn còn
thấy quặn lòng. Chị Nhã Ca làm tôi liên tưởng tới Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo
Ninh.

TK: Về một lời tuyên bố của anh trong một phóng sự chiếu
trên đài truyền hình Mỹ, Anh, Pháp … mà nhiều người đã dựa vào đó để đả kích
anh. Anh đã tuyên bố những lời ấy trong trường hợp như thế nào? Tại sao?
HPNT: Hồi đó, ông Burchett và đoàn làm phim “Việt
Nam một thiên lịch sử truyền hình” tới Huế, chọn tôi để chất vấn về chuyện tang
tóc của Huế Mậu Thân. Tôi nhớ một cách đại thể, là tôi đã nói về ba thành phần
nạn nhân khác nhau: 1) Những người chết do hành động trừng phạt của quân giải
phóng dành cho những người thực sự có tội. 2) Những người bị giết oan. 3) Những
nạn nhân chết do Mỹ ném bom vào đám đông hoặc quân chính phủ bắn giết trả đũa
khi phản kích. Cả ba trường hợp này đều có thực, chết nằm xen kẽ nhau trên các
đường phố Huế Mậu Thân.
Lâu rồi, trả lời ứng khẩu thế thôi, tôi không nhớ thật cụ thể những điều đã
nói, và cũng không có dịp xem lại nguyên bản phim như nó đã được chiếu ở nước
ngoài; nên không biết cuốn phim có tái hiện trung thành những ý tưởng của tôi
hay không.

TK: Xin anh một lời kết cho buổi nói chuyện hôm nay. Đối
với những người đã “kết tội” anh, anh nghĩ sao? Và nói rộng ra đến tình trạng
chung của các sự ước đoán và quy kết.?
HPNT: Xin cám ơn đài RFI và chị Thụy Khuê đã dành
cho tôi một cơ hội để tự bạch trước thính giả mà lâu nay, chắc có không ít
người đã căm hận tôi, do tin lầm vào những lời vu khống của người khác. Người
đời thường tình, dễ nghe, dễ tin, không nói làm gì; ở đây lại là những người
cầm bút, là nhà văn, là nhà báo, họ chưa quen biết tôi, và tôi cũng chưa quen
biết họ bao giờ. Sao người ta lại cứ mải say mê trong hành động vu khống kẻ
khác như vậy. Sự lên án hoặc buộc tội là quyền chọn cách nhìn cuộc chiến, nhưng
sự vu khống lại thuộc về nhân cách của người cầm bút.
Tôi đã nói hết sự thật trong một lần. Xin thưa, từ nay đừng bắt tôi phải chịu
trách nhiệm những tội lỗi mà tôi không hề đụng tay tới bao giờ, và mọi sự phán
xét xin hãy dành cho những kẻ thích tạo dựng tên tuổi bằng cách lấy nhọ nồi bôi
vào trán người khác.
Tôi xin chân thành biết ơn sự quan tâm của quý vị thính giả dành cho câu chuyện
có phần nào liên quan tới lương tâm và danh dự của tôi, và xin bạn hữu ở khắp
bốn phương trời, hãy giữ trọn vẹn lòng tin vào thằng bạn ngày xưa của mình,
rằng Tường vẫn là một con người tính bản thiện.

TK: Xin cám ơn anh Hoàng Phủ Ngọc Tường.
 

© Copyright Thuy Khue 1997


 

 

Rate this post