Sự thật về nam sinh lớp 11 “chế thành công” mô hình thu nhỏ máy bay SU-37
Cách đây chưa lâu, dân mạng đã bàn tán rất nhiều về đoạn clip cậu học sinh lớp 11 tại Bắc Giang hí hoáy ngồi lắp, vặn mô hình chiếc máy bay SU-37.
Sau đó, cũng chính cậu đã điều khiển chiếc máy bay này cho nó bay cao vút lên bầu trời cùng nhiều pha nhào lộn trông rất đẹp mắt, sau đó tiếp đất an toàn.
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải, nó đã nhanh chóng thu hút được hàng triệu lượt xem và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dân mạng.
Cậu học sinh lớp 11 Ưng Sĩ Sơn lái máy bay tự chế.
Bên cạnh những lời khen thưởng của dân mạng về niềm đam mê cũng như “vật cưng” mà Sĩ Sơn đang sở hữu, có không ít lời bình luận cho rằng đây đơn thuần là một sản phẩm mua sẵn trên thị trường và cũng không có gì là lạ.
Theo như tìm hiểu được biết, chiếc máy bay mô hình trong đoạn clip nêu trên được phỏng theo chiếc SU-37 và không khó để có thể tìm thấy những phiên bản tương tự ngoài thị trường.
Tuy nhiên, nhân vật chính trong clip gây sốt trên cộng đồng mạng trong những ngày qua khẳng định không hề mua sẵn mà đã được chế tạo thêm, nâng cấp tân tiến hơn nhiều so với những chiếc tương tự.
Ưng Sĩ Sơn chia sẻ có mua sẵn một số phụ kiện trị khoảng 3 triệu đồng. Sau đó, cậu tự mày mò, lắp ghép và chế thêm một số chi tiết.
Điểm đáng chú ý nhất chính là việc chế vỏ máy bay bằng xốp giúp cho máy bay nhẹ hơn, bay tốt và tốc độ tốt hơn. Những chiếc ngoài thị trường không thể bay được với tốc độ đó. Ước tính, chiếc máy bay của Sĩ Sơn có thể đạt vận tốc 70-80km/h.
Việc xử lý phần nhiên liệu kèm bộ phận điều khiển cũng cực kỳ quan trọng. Thay vì sử dụng động cơ máy nổ, Sĩ Sơn dùng động cơ điện (sử dụng pin). Nó giúp chiếc Su 37 của Sơn bay được xa hơn, lâu hơn so với những chiếc máy bay bán sẵn trên thị trường.
Những “đứa con cưng” của Sĩ Sơn.
Có thể nói, niềm đam mê của nam sinh này thực sự rất đáng khen. Tuy nhiên, cũng có một số người tỏ ra băn khoăn về việc không rõ Sĩ Sơn đã được cấp phép điều khiển máy bay không người lái liên quan tới Nghị định số 36/2008/NĐ-CP hay chưa.
Vấn đề cấp phép điều khiển máy bay từ xa (flycam cũng là một trong số đó) đã từng được đưa ra bàn luận rất nhiều trước đây. Vì những vấn đề liên quan tới an ninh, nhiều người chơi máy bay điều khiển từ xa tại Hà Nội, Sài Gòn đã vi phạm vào vùng cấm bay và bị tịch thu phương tiện.
Và để đáp ứng nhu cầu của những người có đam mê như Sĩ Sơn, nhiều điểm tổ chức bay đã được lập ra, trở thành một sân chơi thú vị. Tại đây, mỗi chiếc máy bay sẽ được cấp một tần số riêng và mọi người có đều có cơ hội để “khoe” sản phẩm của mình.
Theo Điều 14 thuộc Nghị định số 36/2008/NĐ-CP
Nghiêm cấm các hành vi
1. Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.
2. Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.
3. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.
4. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
5. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.
6. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.
7. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
Theo Thế Giới Trẻ