Soi độ giàu của ông chủ lâu đài Thành Thắng
Dinh thự Thành Thắng Palace tại Ninh Bình khiến ai đi qua cũng phải ngước nhìn. Xa hoa, lộng lẫy và bề thế!
Người ta gọi nó là lâu đài và kháo nhau rằng xây dựng nó tốn cả nghìn tỷ đồng. Dĩ nhiên, tất thảy về tò mò về chủ nhân của toà lâu đài ấy. Họ tin rằng, dám chi ra cỡ ấy để làm nhà thì gia sản của vị chủ nhân này phải gấp nhiều lần hơn nữa.
Vị chủ nhân ấy là ông Đỗ Văn Tiến (SN 1964) – ‘đại gia’ số má trong ngành xi măng: Chủ tịch HĐQT Thành Thắng Group.
Theo tìm hiểu của VietTimes, hệ sinh thái Thành Thắng Group có hạt nhân là CTCP Đầu tư Thành Thắng Group (Đầu tư Thành Thắng), được thành lập vào tháng 8/2005, có hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác và chế biến vật liệu xây dựng.
Cuối năm 2013, sau khi nhận bàn giao Nhà máy xi măng Thanh Liêm từ Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam, Thành Thắng Group đã phát triển thêm mảng sản xuất xi măng với pháp nhân là CTCP Xi măng Thành Thắng Group (Xi măng Thành Thắng).
Thành Thắng Group hiện đã đầu tư 3 dây chuyền sản xuất xi măng. Mới nhất là dây chuyền số 3 có công suất 2,3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành sau năm 2021. Dây chuyền số 2 có quy mô 60 ha, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, đã hoàn thành và đi vào vận hành từ năm 2017.
Ngoài sản xuất xi măng, Thành Thắng Group hiện còn mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác như: Kinh doanh thương mại, dịch vụ khách sạn, cầu cảng, …
Thành Thắng Group làm ăn thế nào?
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Đầu tư Thành Thắng và Xi măng Thành Thắng trong giai đoạn 2017 – 2019 đều ghi nhận cả nghìn tỉ doanh thu, tuy nhiên kết quả lợi nhuận của 2 doanh nghiệp này lại khiến nhiều người bất ngờ về sự khiêm tốn.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 11/2018, Đầu tư Thành Thắng có vốn điều lệ 2.280 tỉ đồng, trong đó ông Đỗ Văn Tiến nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 99,556% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại được sở hữu bởi 2 cổ đông cá nhân khác là ông Đỗ Văn Tuyên (0,12%) và ông Đỗ Văn Thành (0,3%).
Cập nhật đến cuối tháng 9/2020, Đầu tư Thành Thắng nâng vốn điều lệ lên đạt 2.913 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu tại thời điểm này không được công bố.
Trong giai đoạn 2017 – 2019, Đầu tư Thành Thắng đều đặn ghi nhận lợi nhuận thuần đạt từ 1.300 – 1.500 tỉ đồng/năm, nhưng lợi nhuận chỉ mang tính tượng trưng. Như năm 2019, công ty này báo lãi vỏn vẹn 0,76 tỉ đồng.
Còn Xi măng Thành Thắng, tính đến tháng 4/2015, công ty này có vốn điều lệ 999 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Đầu tư Thành Thắng (nắm giữ 97,09% vốn điều lệ), ông Đỗ Văn Tiến (2,32%) và ông Đỗ Văn Thắng (0,58%).
Cập nhật đến tháng 8/2020, Xi măng Thành Thắng có vốn điều lệ 3.960 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vài năm gần đây, Xi măng Thành Thắng liên tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên do liên tục đầu tư dây chuyền sản xuất, 2 năm 2017 và 2018 công ty này đã phải chịu lỗ nặng.
Cụ thể, năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của Xi măng Thành Thắng lần lượt đạt 1.026 tỉ đồng và 2.200 tỉ đồng, lỗ thuần tương ứng ở mức 60,4 tỉ đồng và 261 tỉ đồng.
Năm 2019, Xi măng Thành Thắng ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.207 tỉ đồng, tăng 45% so với năm trước; báo lãi thuần ở mức 4,9 tỉ đồng.
Trong ngành xi măng tại khu vực Hà Nam – Ninh Bình, doanh thu năm 2019 của Thành Thắng Group chỉ xếp sau Xi măng Xuân Thành với doanh thu gần 8.000 tỉ đồng và Vissai Ninh Bình khoảng 5.200 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Xi măng Thành Thắng đạt 11.382 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.458 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 55,8% và 57,7% so với thời điểm đầu năm./.